2/8/19

1.507. NHẠC TRỊNH – NHƯ MỘT NGÀY


          Chiều mưa bay, ngồi trong quán nhỏ lặng lẽ bên ly cà phê, dìu dặt bên tai những giai điệu nhạc Trịnh Công Sơn để thả mình vào tận sâu vào bên trong cõi hồn; để được tắm táp với những ý niệm; để đối diện với những suy nghĩ, trăn trở về cuộc đời…
Những lúc này là lúc ta tĩnh tâm nhất, không còn thứ  gì để mà quan trọng, để mà ham muốn cả, chỉ còn mình ta như là hạt bụi.
Chợt nghĩ sao lại trách bọn trẻ tuổi teen không biết không nghe không thích nhạc Trịnh mà lại thích KPop, Rock… với vũ điệu uốn éo điên cuồng, tóc xanh tóc đỏ, trang phục sexy, ca từ cạn cợt… Trách như thế hóa ra mình chưa hiểu gì về mình, về người. Cũng như bọn trẻ trách chúng ta là nghe gì thứ nhạc sầu đời, tỉ tê, ca từ khó hiểu…
 Dù là phê trách hay so sánh khập khiểng nhưng phải thừa nhận rằng cách nhìn của bọn trẻ đối với nhạc Trịnh cũng chẳng khác gì cách nhìn của chúng ta đối với nhạc teen cả. Vậy hãy để bọn trẻ tự trưởng thành và tự  tìm đến nhạc Trịnh một cách tự  nhiên nhất, cái gì cần và hiểu, con người ta mới thực sự yêu thương và trân quý.
Chỉ lúc con người bắt đầu trải đời, mang theo trong tâm hồn những trạng thái nội tâm như buồn thương, yêu nhớ, lo âu, vấp ngã, va chạm, dằn vặt, lẻ loi… thì lúc này, họ sẽ tìm đến nhạc Trịnh giống như người ta tìm đến kẻ tri âm để cùng chia sẻ, tâm tình.
Từng nốt nhạc như len lỏi vào tận sâu tâm hồn ta, xoa dịu nỗi buồn; từng dòng ca từ đồng cảm với tâm trạng con người để rồi chúng ta chợt nhận ra nhạc Trịnh đã trở thành người bạn tri âm của chúng ta tự lúc nào, mỗi khi nghe nhạc Trịnh ta như thấy chính mình trong đó.
Thật thú vị khi cái mà chúng ta quen gọi là “nhạc Trịnh” lại là một kiểu xếp loại riêng biệt, ít thấy mà thường được hiểu là: một tác giả, một dòng nhạc, một “e” (air) nhạc. Nó không phải là nhạc vàng, nhạc trước giải phóng… như những cách xếp loại khác.
Nhạc Trịnh dù khá phổ biến vì ai cũng biết, ai cũng thích mở nhưng lại kén người nghe thực sự. Để hiểu được và yêu nhạc Trinh phải là những người từng trải, sống đủ lâu để biết cuộc đời này không toàn màu hồng, đầy đớn đau, buồn khổ, và con người thì luôn hoang mang trong sự vô định, trong hành trình trở về với chính con người mình.
Tôi từng nghe một câu chuyện trớ trêu có thật về nhân vật “Lộc Vàng” ở Hà Nội. Anh tên Lộc - là một người mê nhạc Trịnh. Giai đoạn 1970- 1980 ở Miền Bắc cấm hát nhạc vàng (bao gồm cả nhạc Trịnh) mà anh hay hát loại nhạc này nên bạn bè gọi anh là Lộc Vàng. Khi tên tuổi anh khá nổi tiếng thì công an đến bắt anh với lí do “hát nhạc cấm” và kết tội anh là "phản động". Anh ra tòa và đi tù nhiều năm… Khi anh ra tù, đi trên phố, điều anh ngạc nhiên nhất là loại nhạc Trịnh, nhạc vàng mà anh bị vào tù vì mê hát nó thì giờ đây những hàng quán bên đường mở to ra rả như là nó chưa từng bị cấm; đi đâu cũng nghe nhạc Trịnh, nhạc vàng, nhạc trước giải phóng mà chẳng ai bắt bớ chi. Anh cảm thấy cuộc đời thật bi hài và khốn nạn.
Rabindranat Tagore viết: “Cuộc đời hôn lên ta bằng đau thương và buộc ta đáp lại bằng lời ca tiếng hát”. Có lẽ hơn ai hết, người mê nhạc Trịnh hiểu rõ điều này nhất khi mà mỗi lời nhạc của ông đều chạm vào tận sâu tâm hồn con người tưởng như chai sạn, phong trần trong từng hơi thở. Và chỉ những con người đã có sự từng trải nhất định, đã biết băn khoăn, trăn trở, khổ đau trước sự hữu hạn, vô thường của cuộc đời mới cảm nhận một cách sâu sắc và cảm xúc nhất những nốt nhạc mà Trịnh Công Sơn viết để biết yêu, biết quý, biết trân trọng những gì mình có và sống tốt hơn. Và trong cuộc sống, thường những thứ giản dị, sâu lắng sẽ luôn tồn tại mãi với thời gian, và nhạc Trịnh là một minh chứng rõ nét nhất.
Tôi viết bài này cố tình không nhắc đến một nhan đề ca khúc hay trích dẫn một vài đoạn ca từ nào của nhạc Trịnh như nhiều người vẫn hay làm… để bản thân mình và bạn bè tự phiêu với những miền miên tưởng trong cõi riêng nào đó từ âm nhạc Trịnh Công Sơn.





Không có nhận xét nào: