Nhân mùa Vu Lan, ghi lại chuyện phóng sinh - điều không phải là mới
nhưng nó vẫn diễn ra hằng ngày trong đời sống tín ngưỡng của chúng ta.
WikiPedia giải thích “Phóng
sinh là một hành động và nghi lễ truyền thống
trong Phật giáo chỉ về cách thực hành để cứu súc vật, chim chóc, cá
khỏi bị giết hại hay giam nhốt. Phóng sinh thường được hiểu đơn giản là khi gặp
một con vật bị nạn, thì ra tay cứu thoát, hoặc nhìn thấy một hoặc nhiều con vật
sắp bị giết, thì bỏ tiền ra mua để cứu sống chúng. Phóng sinh là trao cho sinh
vật nào đó cơ hội tiếp tục sống.”
Theo thuyết nhà Phật, phóng sinh tức là giải thoát,
phóng thích, cứu lấy mạng sống của chúng sinh (điển hình là các loài vật như
chim, cá…). Và khi phóng sinh cần có lễ quy y, sám hối cho con vật. Nghi lễ này
thường diễn ra ngắn gọn nhưng đủ sức tế độ, không câu nệ kéo dài thời gian khiến
con vật càng thêm đuối sức và có thể chết đi trong lúc làm lễ.
Phóng sinh động vật từ lâu đã trở thành nét đẹp văn
hóa, là hành động đầy tính nhân văn của người Việt, nhất là đối với những người
con nhà Phật và trong các tháng rằm lớn đặc biệt như mùa Vu Lan báo hiếu.
Tin vào đạo lý này, nhiều người mộ đạo và có lòng từ
bi thường đến chùa mua chim phóng sinh trước và sau khi cầu nguyện – mong trời
đất ghi nhận lòng thành và tích đức qua hành động đẹp này. Tuy nhiên, hành động
đẹp được khuyến khích, động viên trong kinh sách từ ngàn năm nay hiện giờ đã
không còn giữ nguyên được những giá trị tốt đẹp ban đầu mà đang bị biến tướng.
Sự biến tướng đó là một công nghệ đầy tội ác đến từ những con người kinh doanh,
buôn bán chim phóng sinh.
Nếu như, người ta bẫy chim, lưới cá, bắt thú để ăn thịt
và bạn đến mua lại chúng, giải thoát chúng về với cuộc sống thiên nhiên vốn dĩ
chúng phải được sống thì đó là phóng sinh làm phúc. Nhưng với việc đánh bắt
chim thú cá với chủ ý buôn bán cho người phóng sinh và kèm theo đó là nhiều
cách để lũ chim thú cá không đi xa được sau khi phóng thích rồi bị đánh bắt lại
thì đó rõ ràng không đơn thuần là việc
thiện nữa. Mà đúng hơn, chân thật hơn – người ta gọi đó là tội ác. Từ việc
phóng sinh mà đã vô tình gây nên tội lỗi.
Có những chú chim được thả đi không còn sức bay nữa;
những đàn cá sau khi đổ ra bến sông không thể bơi ra xa; những con thú sau khi
phóng thích không đủ sức chạy xa… Chúng nằm đó và chờ bị bắt lại, để rồi lại được
quay vòng phóng sinh nhiều lần tiếp theo…
Cứ như vậy, lợi nhuận cho những người kinh doanh chim
cá phóng sinh là rất lớn.
Nếu chúng ta tinh ý và chịu khó quan sát thì sẽ thấy
quanh những ngôi chùa có thực hiện nghi lễ phóng sinh thì chim chết rất nhiều.
Chúng vùi xác chết tươi, chết khô trong gốc cây cổ thụ hoặc trên hốc nào đó ở
mái nhà… Xem xét những con chim đó thì phát hiện ra chúng đã bị gãy cánh, có con
gãy chân, mù mắt, vặt bớt lông, có con lờ đờ không thể đứng nổi.
Những cá thể không chết do “tái phóng sinh” thì cũng
chết do không còn khả năng sinh sống trong môi trường tự nhiên do chúng đã bị
nuôi nhốt nhiều ngày trước khi được bán và được cho ăn một loại thuốc khiến sức
khỏe yếu đi: không có khả năng đập cánh bay xa hoặc chân chạy không nhanh… Việc
phóng sinh như thế chính hành động đó đã tiếp tay cho nghiệp sát sanh. Phóng
sinh như thế bằng mười sát sinh!
Ngoài ra việc phóng sinh không đúng cách còn có thể
gây những tác động không tốt đối với môi trường sống trong vùng như phát tán của
các loài vật lạ, mang mầm bệnh vào môi trường bản địa gây nguy hiểm
cho con người và động vật (phóng sinh loài rùa tai đỏ, phóng sinh rắn,
phóng sinh cá bệnh…)
Nhiều người hiểu nhầm nghi lễ phóng sinh như hiện nay
là làm theo lời Phật dạy. Nhưng thực chất, đây là một hành động xuất hiện do
nhu cầu thể hiện lễ nghi, dùng phương tiện tu tập mà quên mất ý nghĩa
thực sự của hành động.
Vậy nên thay vì phóng sinh theo kiểu nghi lễ, chỉ
nên phóng sinh tùy duyên, nghĩa là thấy con vật đang gặp nạn thì cứu
giúp ngay khi đó để trả lại sự sống cho nó chứ không cần phải đem vào chùa
làm các nghi lễ, hình thức.
Khi cứu giúp một chúng sinh nào đó, người có tâm cũng
phải làm hết sức lặng lẽ và tế nhị chứ không nên làm theo phong trào.
Nhiều người đã bỏ tiền triệu để mua chim phóng sinh
trong dịp cúng bái nhưng sau đó lại cổ vũ việc ăn thú rừng, chim chóc, động vật
quý hiếm khác...
Thiện tâm là tốt, nhưng thiện tâm vẫn cần có ý thức, tri
thức và tâm từ bi của người thực hiện.
Chính vì vậy, việc phóng sinh còn có nghĩa bóng là
phóng thích những cái tâm ô uế như cái tham sân si, đố kị, hơn thua, thù hận ra
khỏi con người mình để mình để tâm được an lạc.
Bài viết có tham khảo nội dung từ báo và Internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét