6/12/13

421. VĂN HÓA XẾP HÀNG VÀ NỖI XẤU HỔ

           Nguyễn Quang Thân
Chen lấn để được ăn sushi miễn phí !
          Người ta trưng bày những cây anh đào mang từ Nhật Bản sang cho mình xem hoa, chơi hoa. Dân mình (đa số là nam thanh nữ tú Hà Nội) hái hoa, vặt cành mang về nhà…chơi riêng. Chen lấn, dẫm đạp, xô đẩy, chửi bới nhau ầm trời. Thảm hoa thành thảm họa, tiếng lành đồn xa, tiếng xấu đồn xa, dư luận cả nước đau lòng một dạo.
          Tháng 8 vừa rồi, công ty LG treo 100 phiếu tặng điện thoại G2 lên một chùm bóng bóng ở công viên Seoul (Hàn Quốc), hậu quả là có hai chục con Rồng cháu Tiên bị thương phải cấp cứu. Tháng 12. 2011, siêu thị Nguyễn Kim, Đà Nẵng khai trương có khuyến mãi khủng. Hàng ngàn người chen lấn hỗn loạn, xéo cả lên những ai đã ngã, tranh vào bên trong khu bán hàng. Hàng chục phụ nữ bị dẫm thành thương tích phải đưa vào cấp cứu, hai người có tuổi vào bệnh viện trên xe cứu thương.
          Gần đây nhất, ngày 24.10 tại Hà Nội, có sự kiện làm đỏ mặt thiên hạ. Đó là hàng nghìn người, gồm nam thanh nữ tú, xếp hàng từ sáng tinh mơ đến tận xế chiều, cũng tranh cướp, dẫm đạp, với khí thế “hổ vồ hươu”, quyết cướp bằng được một đĩa shusi không quá 50 nghìn miễn phí tại một hàng ăn mới khai trương. Khi bị các cửa hiệu trên phố Đoàn Trần Nghiệp xua đuổi vì ngăn trở họ bán hàng, đám đông tràn xuống mặt đường, gây ùn tắc giao thông trên một con phố vốn luôn vắng người và yên tĩnh giữa thủ đô. Cảnh tượng chen lấn dọa nạt nhau để giành phần ăn diễn ra từ sáng tinh mơ đến tối mịt mùng, công an giải tán lúc này họ lại tập hợp vào lúc khác. Hậu quả là bà chủ quán hào phóng vỡ trận. Bữa tiệc khai trương bị đình. Sushi hết sạch, phải stop. Lúc đó đám đông mới tản dần. Khách du lịch ngoại quốc tưởng có biến, gạn hỏi, anh phiên dịch “yêu nước” đành nói dối là một cuộc tái hiện “hội làng” trong phố. 
          Sau đó mấy ngày, tại quận 7 TP.HCM, có hội chợ triển lãm sản phẩm của Hàn Quốc, người Sài Gòn nhăn mặt khi thấy giới trẻ lại chen cướp quà khuyến mãi, làm như ở thành phố nhiều hàng hóa nhất nước này chưa từng có hàng Hàn Quốc. Họ tranh nhau chỉ vì được khuyến mãi! Một quang cảnh làm đỏ mặt không chỉ người Sài Gòn!
          Chắc khó kể ra đầy đủ những gì tương tự xẩy ra khi có cái gì đó “miễn phí”, khi mọi người bỗng nhiên được hưởng oản chùa. Như cảnh nhà giàu phát chẩn trong nạn đói. Như tranh cướp lễ tế cô hồn rằm tháng Bảy hàng năm ở các chợ quê. Chỉ mấy viên kẹp bột bọc giấy hồng giấy xanh mà có người thành cô hồn vì bị dẫm đạp.
          Nhưng không chỉ trong những vụ khuyến mại hay miễn phí. Hình như người Việt mình không thể nào quen được với cảnh xếp hàng trong trật tự. Dù nhà thơ Chế Lan Viên hô hào: “Ta xếp hàng là ta tồn tại” nhưng trong thời bao cấp cho tới tận bây giờ khi đời sống đã khá hơn trước, người ta vẫn không biết xếp hàng.
          Chen lấn vào thang máy, lên xe buýt, tệ nhất là trước một món ngon ở bếp buffet. Ngay cả khi đã mua vé, đã có số ghế ngồi, như lên máy bay, xe đường dài, cửa tàu hỏa, nghĩa là những nơi không ai tranh cướp được với mình nữa, người ta cũng không chịu xếp hàng mà vẫn chen nhau, dẫm đạp nhau làm như đằng sau có hổ vồ hay ma đuổi.
          Trong lĩnh vực cao hơn, có vẻ “phi vật thể” hơn, những cuộc tranh cướp cũng không kém phần quyết liệt. Đó là khi người ta hướng tới một vị trí “thơm tho”, một công việc “nhiều quyền, lắm tiền”. Ghế càng to thì tranh đua càng dữ dội, bất khả dung hòa. Nếu tranh cướp vì miếng ăn thì người ta tự bào chữa là mình đang là người đói nhất. Tranh cướp một cái ghế, ngược lại, người ta thường tự cho mình là người giỏi nhất, xứng đáng nhất, thậm chí đạo đức nhất!
          Trong những lúc chen cướp đó hình như danh dự con người, đạo đức, tình thương đồng loại, sự thông cảm với tha nhân hay đức nhường nhịn cũng chẳng là cái đinh gì. Tất cả vì một miếng ăn, một chỗ ngồi trên xe, trên tàu tốt hơn, êm hơn, hay một cái ghế nhiều quyền lợi hơn trên chính trường!
          Khác với dân nhiều xứ văn minh, đâu không dám nói chứ ở nhiều nước châu Âu mà tôi được chứng kiến như Áo, Pháp, Đức, Séc hay Hungary…tư bản gốc hay hậu xã hội chủ nghĩa, trong nhiều tháng trời tôi chưa từng thấy ở đâu có cảnh chen chúc mà không xếp hàng.
          Người Việt ở Pháp chờ ăn phở, họ cũng từ tốn xếp hàng không ai chen ngang, lấn lát. Nghe nói người Việt ở Nhật, ở Mỹ cũng vậy, như họ từ đâu tới chứ không phải con Rồng cháu Tiên, họ cũng thuần thục văn hóa xếp hàng. Bởi họ hiểu: xếp hàng là nhanh nhất, văn minh nhất và an toàn nhất!
          Câu chuyện thằng Mõ & Văn hóa xôi thịt đình làng


          Những chuyện có thể nói là đáng xấu hổ này chỉ thấy ở trong nước, từ đâu ra vậy? Từ đói? Nghèo? Xin nói luôn và ngay: tranh nhau đĩa sushi không phải vì đói hay nghèo. Trong “đám đông sushi” có thể có nhiều người đang thừa cân, đang lén chồng đi hút mỡ hoặc luôn đi cao lâu nên nghiện sushi, chỉ tranh thủ kiếm thêm một bữa không mất tiền mà thôi. Người nghèo Hà Nội không chen nhau cướp sushi. Vì không biết shushi ngon dở thế nào và rất ngại vào tiệm ăn sang trọng. Trong hai mươi người bị thương và hàng ngàn người đi mua hàng điện máy cao cấp Nguyễn Kim, Đà Nẵng chắc chắn không có những chị bán vé số hay các bác xe ôm.
          Có người nói: “văn hóa đám đông” có vấn đề. Tôi không hiểu văn hóa đám đông là cái gì. Nhưng đã thấy những đám đông khác. Vâng, chỉ trước mấy ngày vụ “cướp shusi” cũng trai thanh gái lịch Hà Nội đã ngày dài lại đêm thâu, lặng lẽ xếp hàng tiễn đưa Đại Tướng Võ Nguyên Giáp vừa từ trần. Những nét mặt đăm chiêu rất Hà Nội, sâu lắng, trí tuệ và chân thành, những giọt nước mắt trong veo từ trái tim mà ra. Đám đông xếp hàng nghiêm đến nỗi một anh ca sĩ nổi tiếng quen ngón lố bịch chen ngang đã bị đám đông la ó, ném đá trên mạng, trong đó chắc chắn có nhiều fan của anh ta.
          Phải tìm nguồn gốc ở chỗ sâu xa hơn.
          Ký ức dân tộc còn ghi nhớ những câu tục ngữ và cảnh đình làng miền Bắc cách đây khá lâu. Mỗi năm vài lần làng mở hội hay tế thành hoàng. Làng giàu thì vật một con bò, con heo, nghèo thì vài mâm xôi kèm năm ba con gà. Tế xong là đến việc chia phần.
          Theo nhà văn Ngô Tất Tố việc này thường được giao cho anh Mõ, nhân vật lao công truyền thống và rất nổi tiếng trong các làng Việt. Muốn giữ được chức mõ thì phải có vài cái tài mọn. Cái tài tuy gọi là mọn nhưng không có ai trong làng làm được như anh ta. Vì thế anh ta mới được là Mõ.
          Đó là phải chia phần cho cả làng với những nguyên tắc nghiêm nhặt. Các phần phải đều nhau tăm tắp, đương nhiên. Và phải làm sao chia được những cái thủ gà hay thủ heo ra nhiều phần cho các vị chức sắc trong làng, nhiều khi đến hai mươi, hai lăm phần. Ví như phần nào cũng phải dính một chút mỏ gà. Chặt làm sao để chia mỗi cái mỏ gà làm hai mươi phần! Làm không nên là phải phạt vạ, ăn đòn hoặc có khi sạt nghiệp. Rồi vui hơn là cảnh nhận phần.
          Có làng thường có ba bốn trăm hay một ngàn “đinh” (tức là những người đàn ông đủ 18 tuổi có tiêu chuẩn được chia phần). Một ngàn người nghèo cũng như giàu, vây quanh cái nia xôi thịt. Có dao thớt, có anh Mõ và vài người “quản sinh” cầm chịch. Quản sinh xướng tên ai, người ấy đưa cái rá, anh Mõ quẳng vào rá mỗi đinh một nắm xôi có đính vài sợi thịt gà. Chúng ta hãy tưởng tượng, ngàn người vây quanh một cái nia, chậm chân chắc chắn là mất phần. Không chen chúc, dẫm đạp mới lạ!
          Người nghèo có khi bỏ cả buổi cày đi lĩnh phần, người giàu cho đầy tớ đi. Cả buổi mới mang về được vài nắm xôi to bằng quả trứng gà, tất nhiên là đẫm mồ hôi tay của anh Mõ và nước mắt của người bị xô đẩy chen chúc. Không ai bỏ phần vì đã có câu kinh: “Miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp!”.
          Đó là kinh bất thành văn của cái “đạo xôi thịt” từng ngự trị làng xã Việt hàng ngàn năm. Phong kiến khuyến khích dân đua nhau chạy theo hư danh và “miếng giữa làng” để vua yên vị hưởng lạc trên ngai vàng, để “hệ thống chính quyền” luôn luôn có giá, luôn có lý do tồn tại. Đó là cái mẹo cai trị của vua quan. Lâu dần ăn vào bản năng và ý thức dân chúng mà trở thành “văn hóa”, tạm gọi là “văn hóa xôi thịt đình làng”.
          Phong kiến không còn nhưng cái văn hóa gần với bản năng tự vệ ấy vẫn tồn tại trong gien, trong huyết quản và tâm thức nhiều người Việt, hễ có dịp là bùng lên cho thiên hạ chiêm ngưỡng. Từ xôi thịt đình làng đến shusi đường phố chỉ một bước chân.
          Một nguyên nhân quan trọng là từ xã hội rối loạn kỷ cương ngày nay. Xa xưa người ta chen chúc dẫm đạp vì sợ mất phần. Ngay nay sợ mất phần nên người ta dẫm đạp chen chúc. Đúng vậy, lòng tin vào sự công bằng trong phân phối (chia phần) đã xuống đáy. Không chen chúc, nghiêm chỉnh xếp hàng thì liệu có phần mình không? Hay lại vào hết tay con cha cháu ông và những kẻ hối lộ, chen ngang láu cá, khéo tàng hình, ẩn mặt?
          Vé tàu Tết được công bố, thiên hạ xếp hàng mua nhưng chỉ mấy người mua được, số còn lại tìm con phe mà mua, họ không xếp hàng nhưng mua bao nhiêu cũng có. Không dậy từ hai giờ sáng chen chúc, xô đổ cả cổng nhà trường mẫu giáo thì con thất học cả năm. Người dân rất sẵn dẫn chứng về chuyện xếp hàng nghiêm chỉnh mà trắng tay. Cho nên chỉ cần hai người trở lên là họ có ngay phản xạ chen lấn.
          Xã hội thiếu minh bạch, tù mù bao nhiêu thì dân chúng còn chen chúc dẫm đạp nhiều bấy nhiêu.
          Một nhà văn nhận xét: linh hồn nặng gấp ngàn lần thể xác, câu này có lẽ đúng ngay cả với những người theo chủ nghĩa duy vật. Cho nên thật nguy hiểm khi người ta coi trọng một đĩa shusi hơn cả danh dự của mình. Tưởng là chuyện vặt đường phố nhưng không phải như thế.
          Bởi vì cái “đám đông sushi” và những đám tranh cướp khác chính là hậu quả việc khế ước tinh thần giữa mỗi người với xã hội văn minh đang bị xé bỏ. Chính cái khế ước với những bác ái, vị tha, nhường nhịn ấy đã là chất kết dính không thể thiếu được của bất kỳ xã hội nào, cần gìn gữa, bảo vệ nó.
          Nguồn: Tạp chí "Duyên Dáng Việt Nam"

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Bài viết được Mộc Nhân đăng quá hay