Phương Đông và
phương Tây vốn luôn chứa đựng nhiều quan niệm khác biệt. Bộ ảnh đồ họa dưới đây
sẽ đề cập tới sự khác biệt đó dưới góc nhìn gắn gọn, hài hước, thú vị, đầy tính
chiêm nghiệm.
Một nghệ sĩ trẻ
người Trung Quốc có tên Yang Liu hiện đang sinh sống tại Đức vừa cho ra mắt bộ
ảnh đồ họa có tên “East Meets West” (Đông Tây gặp gỡ). Bộ ảnh cho thấy sự khác
biệt trong đời sống văn hóa - xã hội giữa phương Đông và phương Tây.
“Đông Tây gặp
gỡ” thể hiện cách nhìn vừa chính xác vừa hài hước về sự khác biệt muôn thuở.
Nghệ sĩ Yang Liu cho biết: “Những thông tin được thể hiện trong bộ ảnh đồ họa
này mang ý nghĩa tương đối cá nhân, dựa trên những trải nghiệm và cảm nhận của
bản thân tôi sau gần hai thập kỷ sinh sống ở Châu Âu”.
1. Cách thể
hiện ý kiến cá nhân: Người phương Tây quan trọng sự thẳng thắn. Người phương
Đông đề cao sự khéo léo, mềm mỏng.
2. Phong cách sống: Người phương
Tây đề cao cái Tôi, năng lực cá nhân, cá tính riêng… Người phương Đông trân
trọng cái Ta, con người phải luôn biết hòa nhập với môi trường xung quanh để
tạo nên sự hài hòa.
3. Vấn đề đúng giờ: Đúng giờ là
yếu tố rất được tôn trọng trong các cuộc gặp gỡ ở thế giới phương Tây. Người ta
không cần đến sớm để thể hiện sự tôn trọng nhưng càng không nên đến muộn vì đó
là hành động bất lịch sự. Người phương Đông thì khác, họ có thể xê dịch giờ hẹn
đôi chút và điều đó không trở thành vấn đề lớn.
4. Cấp trên: Trong thế giới
phương Tây, sếp cũng là người đi làm kiếm sống như nhân viên, chỉ có điều cấp
bậc, tầm nhìn và lương bổng của sếp cao hơn một chút. Ở phương Đông, sếp được coi
là “người khổng lồ”.
5. Các mối quan hệ và sự kết nối
trong xã hội: Các mối quan hệ trong thế giới phương Tây không mang nặng tính
“dắt dây” như trong xã hội phương Đông.
6. Cách thể hiện cảm xúc: Người phương Tây vui buồn đều thể hiện khá rõ ràng còn người phương Đông có thể “trong héo ngoài tươi”.
7. Văn hóa xếp hàng: Thực tế văn
hóa xếp hàng đã dần hình thành tại nhiều nước phương Đông, đặc biệt tại các
thành phố lớn. Tuy vậy, nhìn chung, nó chưa ăn sâu vào nếp sống của người
phương Đông ở mọi lúc mọi nơi.
8. Nhìn nhận về bản thân: Người
phương Tây rất quan trọng cái Tôi, đề cao tính cá nhân trong một số khía cạnh
của đời sống. Họ đòi hỏi những người xung quanh phải tôn trọng những gì thuộc
về vấn đề cá nhân. Ở phương Đông, cái Tôi thường nhỏ bé, dễ bị khỏa lấp và việc
quên đi cái Tôi được cho là một đức tính đáng khen ngợi.
9. Đường phố ngày cuối tuần:
Những ngày cuối tuần, đường phố phương Tây thường vắng vẻ, họ không đổ ra đường
mà thường có hai lựa chọn: một là ở nhà ngủ bù cho cả tuần lao động vất vả, hai
là về miền quê vui chơi, hít thở không khí trong lành. Ở phương Đông, đặc biệt
tại các thành phố lớn, người dân thường đổ ra đường, tới các khu vui chơi và
trung tâm mua sắm để giải trí.
10. Tiệc tùng: Tại những bữa
tiệc trang trọng, người phương Tây thích đứng thành nhóm nhỏ, rủ rỉ trò chuyện.
Người phương Đông thích ngồi thành những nhóm lớn, trò chuyện ồn ào, đó được
coi là biểu hiện của sự hào hứng, vui vẻ. Tiệc càng ồn càng chứng tỏ tổ chức
thành công.
11. Tiếng ồn trong nhà hàng:
Người phương Tây rất ngại việc nói to ở nơi đông người. Vì vậy, ở nơi công cộng
như nhà hàng, quán ăn, họ nói nhỏ, chỉ đủ để người ngồi với mình nghe thấy.
Ngay cả việc gọi nhân viên phục vụ cũng được thể hiện bằng ánh mắt và động tác
tay. Người phương Đông khá vô tư trong việc này, họ có thể nói to, gọi nhau í
ới ở nơi đông người.
12. Thức uống “lành mạnh”: Ở
phương Tây, nếu ai đó bị yếu bụng hoặc đau dạ dày, khi dùng bữa, họ sẽ uống
nước ngọt có gas, trong khi đó, người phương Đông sẽ gọi trà hoặc nước khoáng.
13. Đi du lịch: Người phương Tây
đề cao việc quan sát và trải nghiệm thực tế trong suốt chuyến đi. Trong khi đó,
đối với người phương Đông, việc lưu lại hình ảnh làm kỷ niệm trong từng chặng
đường, từng địa điểm thăm quan là một việc quan trọng không kém.
15. Trẻ em trong gia đình: Trẻ
em ở phương Tây không được cả gia đình chăm lo, ưu ái như ở phương Đông. Trong
gia đình phương Tây, trẻ em có vị trí ngang bằng như những thành viên khác
trong nhà, cũng có quyền lợi và nghĩa vụ riêng. Ở phương Đông, em bé thường
được coi là trung tâm thú vị của cả nhà và các thành viên sẽ xoay quanh “tâm
điểm” này.
16. Giải quyết vấn đề: Người
phương Tây coi trọng kết quả sau cùng, vì vậy, họ sẵn sàng đương đầu với vấn đề
cản trở, cốt sao đạt được mục tiêu nhanh nhất. Người phương Đông quan trọng quá
trình thực hiện. Vốn không thích đối đầu, xung đột, nên người phương Đông có
thể chấp nhận đi vòng một chút, tuy mất thời gian hơn nhưng vẫn đạt được kết
quả sau cùng và không tổn hao quá nhiều sức lực.
17. Các bữa ăn trong ngày: Người
phương Tây thường ăn sáng vội vàng, ăn tối qua loa, thường dùng đồ ăn nhanh,
bữa trưa vì vậy được coi là bữa ăn thư thái nhất trong ngày khi họ có thể rủ
bạn bè ra tiệm dùng bữa. Người phương Đông đề cao tầm quan trọng của cả 3 bữa
ăn trong ngày, họ thích sự nóng sốt. Ăn uống qua quýt theo kiểu “cơm đường cháo
chợ” là điều không ai thích.
18. Phương tiện di chuyển: Trước
đây, khi người phương Tây coi ô tô là phương tiện di chuyển hiệu quả nhất,
người phương Đông còn đi xe đạp. Giờ đây, người phương Tây lại coi xe đạp là
phương tiện di chuyển “lành mạnh” nhất, trong khi đó, người phương Đông đã
chuyển sang đi ô tô (nếu có điều kiện).
19. Cuộc sống của người già: Dạo
chơi công viên ở phương Tây, bạn sẽ bắt gặp nhiều cụ già dắt thú cưng đi dạo. Ở
phương Đông, bạn sẽ thấy các cụ già dắt cháu đi chơi.
20. Tắm táp: Người phương Tây
thích tắm sáng rồi mới đi làm. Người phương Đông thích tắm tối trước khi đi ngủ.
21. Ẩm thực sành điệu: Người
phương Tây sành điệu sẽ tìm tới các món Á. Người phương Đông “ăn chơi” sẽ tìm
tới các món Âu.
22. Thời tiết và cảm xúc: Người
phương Tây thích nắng, ghét mưa. Họ đặc biệt yêu những ngày nắng (có lẽ vì thế
mà họ thích da nâu). Người phương Đông thích cả mưa và nắng. Nắng mưa đối với
người phương Đông đều có nét đẹp, nét thú vị riêng.
23. Đông Tây trong mắt nhau:
Trong mắt người phương Tây, người phương Đông đặc trưng với nón lá, thích uống
trà và ăn cơm. Người phương Đông ấn tượng với người phương Tây vì mũ nồi cao,
xúc xích và bia.
Nguồn: Chungta.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét