19/8/11

1. CHUYỆN PHIẾM VỀ CÁI MÓC

Lê Đức Thịnh

Bên ngoài mấy bao đựng hàng như bao phân, bao gạo, bao cám lợn … nhà sản xuất thường in dòng chữ tiếng Anh USE NO HOOKS có nghĩa là KHÔNG DÙNG MÓC. Đó là một lời nhắc nhở người sử dụng cần bảo vệ bao hàng cho nguyên vẹn.
Người nông dân có biết ý nghĩa dòng chữ ấy không ? Chắc chắn là không , thậm chí họ chẳng bận tâm gì đến nó nhưng họ vẫn KHÔNG DÙNG MÓC vì hai lẽ :
-         Nếu dùng móc sẽ làm hỏng hàng chứa bên trong bao.
-         Nếu dùng móc sẽ làm hỏng cái bao tải, có thể tận dụng cái bao để làm việc khác.
Sâu xa hơn, họ trân trọng những sản phẩm vật chất có ẩn chứa cả những giá trị tinh thần.
***
Móc cũng có nhiều kiểu loại, dùng móc cũng có dăm bảy đường.
Có loại móc làm bằng cây “đinh” cho tiện dụng và Trịnh Công Sơn trong bài hát “Xin vỗ tay cho đều” thì dùng loại móc này để “treo tình trên chiếc đinh không”.
Có loại móc làm bằng cành cây cho gần gũi với thiên nhiên và các nhà thơ lãng mạn lại dùng loại móc này “ để tâm hồn treo ngược ở cành cây” .
Có loại móc làm bằng … ngón tay như trong chuyện kể vua Tự Đức tặng câu đối cho quan thái giám của mình trong ngày y tổ chức đám cưới : “Vi sương tư địch / Dĩ phát tư phùng” (ai quên chuyện này thì gọi cho mình để được nghe kể riêng) …
Như vậy có thể nói móc làm bằng đủ thứ vật liệu, dùng để móc những thứ cụ thể và treo những thứ trừu tượng như “treo tình”, “treo tâm hồn” …
Móc cũng có khi làm cho người khác khó chịu như “móc họng” nhưng cũng có khi làm … sướng như “Dĩ phát tư phùng”.
Chuyện móc xem ra cũng nhiêu khê như chuyện đời.
***
Quay lại chuyện “cái móc” trong bài viết : thật buồn nếu cứ mỗi bài viết lại phải thêm phần phụ chú rằng “bài này không có móc”. Như thế thật là mất hứng cho người viết và người đọc.
Nếu làm một “so sánh khập khiểng” thì hóa ra chúng ta thua cả những người nông dân ít học vì lẽ :
-         Chúng ta luôn có ý thức dùng “cái móc” cho mình nên luôn tìm kiếm “cái móc” ở người khác trong từng câu chữ.
-         Chúng ta không trân trọng, quí mến nhau, chỉ chờ có dịp là lôi, móc nhau đến nơi đến chốn.
Mà sự đời thì cái gì mà dùng móc nhiều sẽ dễ bị thủng, rách rồi vứt bỏ !
Nên mới có câu ca dao vui mà xót như thế này :
“Chơi lửa có thể cháy nhà
Chơi móc có lúc rách da, thủng mồm ! ”
***
Ngày xưa, vua chúa muốn chống lại “cái móc chữ nghĩa” nên mới đặt ra “húy”. Ai viết mà phạm “húy” thì xem như thân bại danh liệt.
Ngày nay tuy không còn “húy” nhưng cũng có những cái “húy ngầm” – đó là chuyện nhạy cảm. Mà cái gì mới là thứ nhạy cảm để người viết tránh đi thì ai mà biết được.
Ví như trên cơ thể con người thì cái cổ, đôi môi, hay “dưới rốn một gang” … là chỗ nhạy cảm thì đã rõ, biết mà tránh đi hoặc tấn công vào !!!
Còn viết lách thì ai biết mà lường. Tôi không có ý xấu nhưng người khác bảo móc thì cũng chịu. Thế mới có mấy vụ án văn chương như Nhân văn giai phẩm mà Trần Dần, Phùng Quán, Phan Khôi … là nạn nhân của một thời.
***
Thế thì tại sao có cơ sự ấy : bởi vì chúng ta hay ứng xử nhau theo kiểu móc và hay tư duy theo kiểu móc.
Ví dụ như : tay kia viết như thế tất nó ám chỉ mình, nó xỏ xiên chuyện gì đây !
Hoặc tệ hơn : tay kia làm gì viết được bài ấy . Chắc nó cóp ở đâu !
Lấy tư duy của mình để áp đặt lên tư duy của người, lấy tư duy quá khứ để áp đặt lên tư duy hiện tại … Đấy đều là biểu hiện của ứng xử và tư duy “móc”.
Cho nên mấy  kẻ viết lách linh tinh tự nhiên lại rước khổ vào mình. Viết hay thì  “mua vui cũng được một vài trống canh”, còn viết mà không khéo lách thì mang họa vào thân.
Nhưng họ lại có cái dũng khí của kẻ dám dấn mình trên ngòi bút :
               “Đã mang lấy nghiệp vào thân
               Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa …”
Trong một truyện ngắn của mình, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã để cho nhân vật của mình nói một câu đại ý thế này : khi xã hội có loạn thì việc đầu tiên của nhà cầm quyền là bắt bọn văn nghệ sĩ nhốt hết lại !!!
Tuy là một câu nói bông phèng nhưng ông có ẩn ý nói về sức mạnh của cái móc chữ nghĩa và số phận của người viết trong bối cảnh thời đại.
***
Khi viết đến đây, người viết bài này lại rơi vào trạng thái ưu tư phức cảm vì hai lẽ :
-         Rất sung sướng vì đã viết được những điều tản mạn, vớ vẩn trong dòng chảy của hứng khởi.
-         Rất đau khổ mà nói rằng : Bài viết này không có cái móc nào cả !!!
Ôi , sung sướng và đau khổ là những thứ luôn đi với nhau !

Vậy nên khi đọc bài này, độc giả vui lòng “USE NO HOOKS”.


Lê Đức Thịnh  

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Bài này có nhiều cái móc quá nhỉ !
Thế mà tác giả lại bảo người đọc đừng dùng móc là sao ?