31/8/11

9. ĐẠO ĐỨC NHÀ GIÁO

Lê Đức Thịnh


Bài tham luận tại Hội Nghị "Nhà giáo & Lao đông" năm học 2009 - 2010
Nội dung tham luận nói về đề tài cuộc vận động : "MỖI THẦY CÔ GIÁO LÀ MỘT TẤM GƯƠNG SÁNG VỀ ĐẠO ĐỨC, TỰ HỌC VÀ SÁNG TẠO" của ngành GD.
Bài đã đăng trên đặc san ĐẠI LỘC xuân Canh Dần / 2010.


                                    ***
Đức Khổng Tử nói về đạo làm người: Vi nhân nan ( làm người thật khó ).
Luận về người thầy ông lại nói : Vi sư nan ( làm thầy thật khó ) .
Làm người đã khó, làm thầy lại khó, nay chúng ta đang làm một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo… thiết nghĩ lại càng khó bội phần .
Và bởi vì khó cho nên những điều mà chúng ta hướng đến là một trong nhiều  mục tiêu phấn đấu đối với mỗi thầy cô giáo trong suốt cả cuộc đời thực hiện thiên chức của người dạy chữ, dạy người.
***

          Trộm nghĩ nghề nghiệp nào cũng có chuẩn mực đạo đức riêng.
Nghề y có y đức với lời thề Hepocrate.
Đạo đức của nghề buôn được dân gian quan niệm trong các câu tục ngữ: “buôn chín bán mười” hoặc lấy công làm lãi ”
Nghề giáo chúng ta có đạo đức nhà giáo. Chưa thấy ai khái quát được chuẩn mực đạo đức nhà giáo. Chỉ có những thầy giáo vĩ đại như thầy Chu Văn An được hậu thế tôn vinh bằng danh xưng “đạo cao đức trọng ”, "Vạn thế sư biểu" ...
Có lẽ đạo đức nhà giáo quá lớn nên không thể nói hết trong vài câu !

          Y đức thì hướng tới cách ứng xử của thầy thuốc với cá nhân (người bệnh).
          Thương đức hướng tới cách ứng xử của thương nhân với xã hội.
          Đạo đức nhà giáo hướng tới cách ứng xử của người dạy học với một thế hệ, trong hiện tại và cả tương lai.
          So sánh như vậy để chúng ta thấy rằng đạo đức nhà giáo thật là cao cả. Người thầy không là tấm gương sáng thì khó lòng giáo dục thế hệ trẻ.
Qủa thật đạo làm người đã khó, đạo làm thầy thật khó lắm thay !

          Thiết nghĩ rằng dù là làm nghề gì thì chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cũng đặt trên nền tảng của chữ Nhân.
Nhân là khái niệm đạo đức đã được người xưa xây dựng thành đạo. Nhân là người. Nhân khiến cho con người thành người. Bất nhân khiến cho con người thành con. Nói một cách dễ hiểu, chữ nhân là một khái niệm đạo đức chỉ những phẩm chất tốt đẹp cần có của con người. Phẩm chất đó được nhìn từ hai góc độ : đối với mình và đối với người.
Đối với mình phải trong sạch, không nghĩ và không làm điều xấu, điều ác- muốn thế phải tu thân. Đối với người khác phải biết yêu thương, giúp đỡ …- đó là lòng nhân ái.
Chữ Nhân là nền tảng đạo đức của xã hội chịu ảnh hưởng của văn hoá phương Đông. Mà không chỉ ở Phương Đông, cả phương Tây cũng thế. Bởi xét cho cùng thì phạm trù đạo đức thể hiện ý thức đồng loại, giúp con người tạo dựng nên mối quan hệ ứng xử tình cảm, nhân ái giữa người với người.

Đạo đức nhà giáo cũng không nằm ngoài những giá trị của chữ Nhân.
Chữ Nhân ấy bao gồm hai mặt : tính nhân bản và tính nhân văn.
          Hai khái niệm nhân bản nhân văn tuy có nhiều điểm tương đồng trong nhiều trường hợp, nhưng thật ra nội hàm của nhân bảnnhân văn có nhiều chỗ khác nhau cơ bản :
Tính nhân bản : Bản là bản thể, là bản nguyên, cái gốc rễ. Tính nhân bản hướng tới sự nhận thức vì con người. Vì con người – đó là bản nguyên, là cội rễ của mọi tư tưởng, hành động.
Tính nhân bản trong ngôn ngữ chính trị xã hội được biểu hiện trong mục tiêu vì dân, do dân, phục vụ nhân dân …
Đối với ngành giáo dục thì tính nhân bản biểu hiện trong mục tiêu của giáo dục được nêu ra một cách cụ thể : “Mục tiêu của giáo dục là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” . Đối với mỗi thầy cô giáo, ý nghĩa nhân bản đó là vì học sinh, là giáo dục học sinh trở thành con ngoan, trò giỏi, là vì tương lai con em. Chúng ta thường có câu nói “Tất cả vì học sinh thân yêu” - câu ấy là sự cụ thể hóa giá trị của nhân bản trong giáo dục.
          Nói xa hơn thì nhân bản trong giáo dục là vì sự nghiệp giáo dục, là tương lai đất nước, dân tộc bởi vì “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”.
Nhận thức được giá trị nhân bản trong giáo dục giúp mỗi nhà giáo thêm nhiệt tình với học sinh, đem hết tâm huyết và tình yêu thương để dạy dỗ các em nên người.

Tính nhân văn : Văn là đẹp. Tính nhân văn hướng tới hành động, thái độ ứng xử tốt đẹp giữa người với người. Trong nhà trường thì tính nhân văn biểu hiện trong  các mối quan hệ ứng xử của thầy cô giáo với học sinh, với đồng nghiêp, với cha mẹ học sinh …Tính nhân văn là biểu hiện cụ thể của đạo đức nhà giáo, ở một góc độ nào đó là cái Tâm của người thầy.

Yêu thương, quan tâm và khoan dung với học sinh ấy là nhân văn.
Thân ái và bảo vệ uy tín của đồng nghiệp ấy là nhân văn.
Đoàn kết nội bộ, giúp đỡ đồng nghiệp là nhân văn.
Giữ gìn cảnh quan sư phạm, xây dựng nhà trường, là nhân văn …
Cuộc vận động xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực mà chúng ta đã và đang thực hiện là một cuộc vận động đầy ý nghĩa nhân văn bởi nó hướng tới thái độ, cách ứng xử, phát huy nhân tâm của người dạy và trí lực của người học.
Nhà giáo có nhân tâm thường trăn trở, ray rứt với mỗi một hành động thiếu tính nhân văn trong nhà trường.

Tóm lại, đạo đức nhà giáo chân chính là đạo đức thấm đẫm chữ Nhân.
Nhân bản và nhân văn không chỉ trong nhận thức về vai trò, vị trí nhà giáo trong xã hội mà còn phải được biểu hiện cả trong hành vi ứng xử của mỗi thầy cô.
Hai giá trị này chi phối mọi suy nghĩ, hành động, lời nói, việc làm, quan hệ với đồng nghiệp, với học sinh của thầy cô giáo.
Nhân bản là nền tảng của đạo đức, nhân văn là biểu hiện của đạo đức ấy.
Ba từ Kỉ cương, Tình thương, Trách nhiệm là sự nhận thức khái quát ý nghĩa nhân bản và nhân văn của những người làm công tác giáo dục.
Nguyễn Du viết:
“ Thiện căn ở tại lòng ta ,
 Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài .”
Xem ra, tâm - đức của con người là thiện căn. 
Điều ấy không chỉ có ý nghĩa với người thầy nói riêng mà còn với cả con người nói chung.

Mộc Nhân - Lê Đức Thịnh

1 nhận xét:

Nguyễn thị bích trâm nói...

Bài phát biểu rất ngắn gọn mà sâu sắc.