22/8/11

6. VÀI SUY NGHĨ VỀ DẠY HỌC MÔN VĂN

 Lê Đức Thịnh

 Trong nhà trường thì môn Văn có những đặc thù, quên mất điều này mà chỉ lưu ý đến cái chung như những môn xã hội khác e không khỏi dẫn đến nhiều bất cập trong việc dạy học bộ môn.
Việc dạy- học văn trong nhà trường đã được bàn bạc từ lâu, nhưng chưa bao giờ chúng ta bằng lòng với nhau và tự bằng lòng với mình về những vấn đề liên quan đến bộ môn như : đổi mới phương pháp dạy học, cách thức tổ chức giờ dạy, đánh giá giờ dạy …
 ***
1. Sự quá tải trong tiết dạy văn :
Trong một giờ văn, bên cạnh việc khai thác những nội dung chính của bài học mà mục tiêu tiết dạy đã đề ra, người dạy còn phải cố gắng thỏa mãn các yêu cầu “lồng ghép dạy học tích hợp” như : “giáo dục tư tưởng HCM”, “giáo dục bảo vệ môi trường”, “giáo dục kĩ năng sống” … dẫn đến giờ dạy quá cồng kềnh, có khi là quá tải.
Sự quá tải đó do nhiều nguyên nhân nhưng cơ bản nhất là nhiều yêu cầu mới được đặt ra từ việc quản lí, chỉ đạo cấp bộ và người giáo viên dù muốn hay không cũng phải thực hiện các chỉ đạo đó. Điều này dẫn đến kết quả là giờ văn có quá nhiều thứ để dạy và để học : từ chủ đề của bài học, đến nhận thức chính trị, tư tưởng HCM, kĩ năng sống, bảo vệ môi trường, dân số kế hoạch hóa gia đình …
Để thực hiện được những điều ấy đôi khi người giáo viên phải chọn lựa những giải pháp tối ưu về phương pháp nhưng  đáng tiếc là không phải ai cũng có đủ bản lĩnh và năng lực nghề nghiệp để thỏa mãn với mỗi tiết dạy .
Vì vậy chúng ta thấy có khá nhiều  giờ văn  tính tư tưởng lấn át tính thẩm mỹ. Cái tiêu chí quan trọng nhất của dạy văn chương là tính thẩm mỹ thì vẫn chưa được khai thác triệt để, chưa thật chú ý đúng mức! Dẫn đến bản thân người dạy cũng cảm thấy giảm đi ít nhiều hứng thú khi dạy học bộ môn; còn người học thì “học” được nhiều điều nhưng chất thẩm mỹ, chất văn chương của bài học thì chưa đọng lại trong tâm hồn các em.

2. Yếu tố nghệ thuật trong dạy văn bản văn chương :
 Nhiều giáo viên vẫn còn  cho rằng trong môn văn nội dung là cái quan trọng hơn là hình thức. Thực ra, trong văn chương nghệ thuật, nội dung và hình thức là hai mặt  của một tờ giấy, không cái này thì cũng không cái kia, hình tượng văn chương là một chỉnh thể thẩm mỹ, nó không thể tách rời khỏi nội dung. Có khi, điều mà độc giả thích thú đọng lại sau khi đọc một tác phẩm là ở một số yếu tố hình thức, sáng tạo trong tác phẩm. 
Điều này cũng có nguyên nhân từ những vấn đề đã trình bày trên. Dó có nhiều vấn đề cần định hướng giáo dục trong một tiết dạy văn nên người dạy cân nhắc chọn lựa cái này, bỏ bớt hoặc xem nhẹ cái kia… Đáng tiếc là nhiều đồng nghiệp lại xem nhẹ yếu tố hình thức nghệ thuật. Nhà văn Tô Hoài nói :“...Trong một sáng tác hình thức và nội dung, cũng ví như da thịt ( hình thức) và máu xương ( nội dung )… Sự liên quan giữa nội dung và hình thức một bài văn là sự liên quan của máu thịt với thân thể con người.”
Cũng có thể nhìn nhận nguyên nhân từ phía người dạy : cách nhận thức và tiếp cận tác phẩm, cách xử lí văn bản … mà chung qui là do năng lực dạy học của giáo viên cũng có nhiều vấn đề cần bàn.
Thiếu sót đó cũng một phần nào làm cho đối tượng học sinh ta hiện nay có tình trạng kém hứng thú học văn. Giờ dạy học văn chỉ còn lại những ghi nhớ để phục vụ cho kiểm tra lấy điểm. Còn bề sâu của cảm hứng thẩm mỹ, của các giá trị nghệ thuật đã bị lãng quên, bỏ rơi một cách đáng tiếc.

3. Sự bất cập về phương pháp tổ chức giờ dạy :
Chúng ta đều biết tiếp cận tác phẩm văn chương ở ngoài đời cũng như trong nhà trường là nhằm khám phá ý nghĩa cuộc sống đằng sau các hình tượng nghệ thuật. Và muốn khám phá được các ý nghĩa đó thì phải biết cách giải mã các hình tượng nghệ thuật mang nhiều ý nghĩa ẩn dụ, tượng trưng.
Đây là sự liên quan giữa hai phạm trù cái  (nội dung) cách (phương pháp) mà ta thường gặp trong nhiều hiện tượng đời sống chứ không riêng gì nghệ thuật, văn chương. Hai phạm trù này có liên quan mật thiết nhưng lại không đồng nhất, nên xem là hai phương diện độc lập.
Việc đọc văn ngoài đời và việc học văn trong nhà trường  có cái giống và cái khác nhau. Giống là ở chỗ đều nhằm khám phá ý nghĩa cuộc sống rút ra những bài học bổ ích, nhưng khác ở chỗ, một đằng con người đủ trí khôn để tự tìm ra ý nghĩa, một đằng còn phải được hướng dẫn, trợ giúp để tìm ra kho báu đó.  
Trong giờ văn, để giúp HS giải mã ý nghĩa tác phẩm thầy giáo có thể trực tiếp gợi ý, nêu vấn đề đối thoại dắt dẫn cho HS tự tiếp cận tìm ra ý nghĩa, nhưng đôi khi với vốn sống, sự hiểu biết còn hạn chế của các em thì những câu trả lời  thường vụn vặt hời hợt. Mà hình tượng văn học thì sâu kín, ngay đến  thầy giáo còn có khi bóp đầu bóp trán vẫn chưa thấy được hết ý nghĩa. Vì vậy không nên xem những  học sinh chập chững trước cuộc đời cũng có tư thế như những  độc giả tràn trề kinh nghiệm sống, tự mình chiêm nghiệm được các bí ẩn của hình tượng văn chương!
Bởi vậy những lúc ấy  người thầy không chỉ phát vấn, gợi ý mà còn phải truyền thụ ( diễn giảng ) cho học sinh lĩnh hội các ý nghĩa sâu kín của tác phẩm. Cần hiểu rằng  khi thầy giảng bình những đoạn văn giàu suy cảm, trò chỉ ngồi nghe, xúc động, ghi vài ý chính  nhưng trí óc thì làm việc nhiều, từ đó các em khám phá ra nhiều điều thú vị. Chính điều ấy đã phát huy trí lực gấp nhiều lần cái lối giáo viên hỏi rồi học sinh dong tay phát biểu ồ ạt mà ta thường gặp nhưng chẳng đọng lại gì !
Chính những lúc đó người thầy gián tiếp  giúp  các em biết cách thức tìm tòi, biết phương pháp để đi đến hiệu quả,“biết cách giãi mã  hình tượng nghệ thuật” chứ không phải chỉ những lúc thầy trực tiếp gợi ý, nêu câu hỏi đàm thoại mới thực hiện phương pháp tiếp cận tác phẩm.
Giờ học học văn truyền thống thiên về một phía, giờ văn hiện đại kết hợp cả hai, tuy vậy không nên để đề cao cái mới mà phủ nhận toàn bộ cái cũ, hoặc biến phương pháp thành mục đích.  
Nhiều giáo viên văn không thấu triệt được cái bề sâu của phuơng pháp mới với  yêu cầu “học sinh là trung tâm” là nhằm giúp học sinh lĩnh hội sâu sắc tác phẩm, khám phá ra bản thân, mà chỉ dừng laị ở cấp  độ xem phuơng pháp như là mục đích tự thân.
Vấn đề không là ở chỗ bao nhiêu em tham gia phát biểu, bao nhiêu thời gian học sinh sử dụng trong giờ Văn, mà cái cốt lõi là ở chỗ học sinh đã  tiếp cận  tác phẩm, chiếm lĩnh được bao nhiêu nội dung ý nghĩa.
***
Từ thực trạng đã nêu trên, chúng tôi có một số ý kiến sau đây cùng quí đồng nghiệp mong tìm được tiếng nói chung trong việc dạy học bộ môn :

1. Đề cao việc khám phá những giá trị thẩm mỹ trong giờ Văn :
Dạy văn, dù là dạy theo phương pháp nào, dạy kiểu văn bản gì thì những giá trị thẩm mỹ của văn bản luôn phải được đề cao và khám phá bởi đó là cái hồn, cái thần của tác phẩm.
Những giá trị ấy thể hiện ở nội dung và nghệ thuật tác phẩm như tôi đã trình bày trên. Đồng thời bản thân người dạy cũng phải thể hiện tính thẩm mỹ qua ngôn ngữ, ứng xử, phong cách … khi làm cầu nối giúp các em tương tác cùng tác giả và tác phẩm.
Nếu không có những giá trị ấy thì  dù người dạy có sử dụng phương pháp đổi mới đến đâu, phương tiện thiết bị dạy học hiện đại đi nữa thì giờ dạy xem như là thất bại .

2. Linh hoạt trong vận dụng phương pháp tổ chức giờ dạy :
Hiện nay thầy cô giáo (nhất là gv bậc THCS) đang luôn trong tâm thế thể hiện tính đổi mới trong tiết dạy, điều ấy nói lên sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của đội ngũ nhằm đáp ứng các yêu cầu dạy học mới.
Tuy nhiên không nên khiên cưỡng trong nhận thức về đổi mới phương pháp dạy học môn văn mà biểu hiện phổ biến hiện nay là : tăng thời gian hoạt động nhóm, lạm dụng việc trình chiếu trong tiết dạy văn (giáo án power point) … mà quên đi lời diễn giảng, bình giảng của người thầy và các phương pháp dạy văn truyền thống khác.

3. Việc đánh giá tiết dạy của cấp quản lí :
Đối với người giáo viên, một vấn đề khá nhạy cảm là việc đánh giá xếp loại tiết dạy của các cán bộ thanh tra, quản lí.
Tất nhiên chúng ta đã có những bảng điểm thể hiện chuẩn đánh giá tiết dạy nhưng việc vận dụng bảng điểm đó như thế nào là tùy thuộc vào cái tài, cái tâm và cái tầm của người cầm cân nảy mực.
Chính vì bị đặt trong những ràng buộc ấy nên người dạy văn đôi khi rơi vào thế lúng túng khi xử lí một tiết dạy sao cho vừa đảm bảo tất cả mọi yêu cầu vừa thể hiện đổi mới phương pháp vừa thể hiện tính hiện đại trong giờ dạy dẫn đến có quá nhiều việc để làm, nhiều tình huống để xử lí và tất nhiên nhiều chỗ hở, chỗ sai sót đáng tiếc …
Cái tài, cái tâm và cái tầm của người cán bộ quản lí là phải thấy được cái tài, cái tâm và cái tầm của người dạy để có sự đánh giá đúng mức sự thành công của một tiết dạy môn văn bởi vì môn văn chính là môn học của trái tim .

(Bài này đã đăng trên Tạp chí "Dạy Và Học Ngày Nay" số tháng 3/ 2012)

LĐT

Không có nhận xét nào: