2/9/11

10. TẢN MẠN VỀ CON NGƯỜI VÀ CUỘC SỐNG

Mộc Nhân - Lê Đức Thịnh 


Ai đó đã nói : “Có ba điều trong đời một khi đã đi qua thì không bao giờ lấy lại được đó là : thời gian, lời nói và cơ hội ” . Ngẫm ra điều ấy thật chí lí.


Thời gian như một dòng chảy đều đặn, chẳng chờ đợi ai; không dừng lại và cũng không bao giờ quay lại. Cuộc đời của bất kỳ ai cũng chỉ sống có một lần và nó cũng trôi qua rất nhanh, trong đời người “chẳng ai tắm hai lần trên một dòng sông”.
Lời nói như mũi tên vọt ra khỏi cánh cung không thể giữ lại được. Thật hạnh phúc biết bao nếu ta nghe được những “lời có cánh” và cũng thật bất hạnh biết mấy nếu đó là “Lời nói đọi máu”. Vậy nên dân gian có câu “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hoặc “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” là có ý nhắc nhở chúng ta nên gởi gắm tình cảm và có trách nhiệm với lời nói của mình.
Còn cơ hội chỉ đến với ta khi nó hội đủ các điều kiện chủ quan và khách quan. Người xưa quan niệm ba yếu tố cấu thành cơ hội là : Thiên – Địa – Nhân. Nhìn thấy cơ hội, nắm bắt cơ hội hoặc tạo nên cơ hội là những phẩm chất của con người biết quan sát, suy nghĩ và hành động để cơ hội khỏi trôi ra khỏi tầm tay, tuột khỏi đời người.
***
Cuộc sống cứ diễn ra trong dòng chảy như thế.
Song đánh giá một con người thì không bao giờ người ta căn cứ vào tuổi tác thời gian, vào lời nói, vào những tài sản vật chất mà người ấy đã tích lũy được nhờ những cơ hội … mà chủ yếu là nhìn vào thái độ, phong cách, quan hệ, tâm hồn, tình cảm, ứng xử của người đó như thế nào.
Montaigne ( triết gia Pháp) có nói : Nghèo vật chất dễ khắc phục, nghèo tâm hồn không khắc phục được.
Và có lúc chúng ta đã tự làm khốn nạn mình và mọi người bằng sự nghèo nàn của tâm hồn : không lắng nghe giai điệu ngọt ngào và ca từ đầy yêu thương của  một bài hát; thờ ơ trước sự run rẩy của một cụ già rét lạnh vào buổi chiều tháng mười;  đạp đổ tình yêu và tình bạn vì những chuyện không đâu …
Nghèo tâm hồn là bi kịch của đời sống này.
***
Cái nghèo tâm hồn dẫn đến hệ lụy khác là nghèo về nhận thức và ứng xử.
Tất cả dường như tương ứng với trình độ học vấn . Song trên thực tế, cũng có không ít nghịch lý diễn ra. Người có trình độ văn hóa, địa vị chức vụ cao,  nhưng trong cuộc sống lại có những biểu hiện hành động tồi tệ, ngôn ngữ thiếu kiểm soát khiến cho nhiều người từ ngạc nhiên đến kinh ngạc…
Có người thuộc lớp đàn anh nhưng chẳng có chút uy tín nào chỉ vì trong cuộc sống anh ta có quá nhiều sự đố kị, ứng xử tầm thường hay vỗ ngực xưng tên, khi tranh cãi với ai thường phun ra những từ ngữ miệt thị khiến người nghe từ kinh ngạc đến ngạt thở …
Điều đó cho thấy rõ rằng tâm hồn, nhận thức, ứng xử của con người không chỉ thể hiện sự hiểu biết mà còn nói lên đạo đức, tác phong, thái độ của họ với những người chung quanh.
Trong cuộc sống ngày nay, khi quan hệ giữa người với người ngày càng rộng mở,  thông tin ngày càng được bùng ra, con người luôn luôn gặp thử thách bởi họ phải có đôi tai, cái đầu biết sàng lọc để tìm ra những điều đúng, ý hay, bổ ích mà ghi nhận, rút ra bài học cho mình ; biết hành động đúng, bảo vệ chân lý.
Đó là sự tự nhận thức một cách tích cực để hướng tới hoàn thiện mình.
***
“Nhân vô thập toàn”, khó có thể nói có ai đó là hoàn hảo, mặt nào cũng tốt “Mười phân vẹn mười ” . Tuy nhiên ngay cả người được coi là xấu nhất, nếu chịu khó nhìn kỹ ta vẫn cảm nhận được không ít điều phải với những nét hấp dẫn mà chưa chắc người bình thường đã có.
Nhà văn Mỹ Mark Twain có dùng một hình ảnh khá chí lý: “Ai cũng có một vầng trăng và một đám mây đen”. Câu nói đó có ý nghĩa tích cực là khuyên răn con người hãy luôn làm cho ánh hào quang của vầng trăng thêm rực rỡ và xóa dần màu xám xịt của đám mây đen. Nhà văn Nguyễn Minh Châu trong truyện ngắn “Bức tranh” cũng có một ý tương tự : “Trong con người có sự lẫn lộn giữa rồng phượng và rắn rết, thiên thần và ác quỉ” để khơi gợi sự nhận thức và hướng thiện ở mỗi cá nhân.
Chính vì vậy có thể nói đời người là một sự phấn đấu không ngừng, một sự điều chỉnh bổ sung liên tục.

***
Kinh Phật dạy : “ Con người là nô lệ vì chưa hủy diệt được ý tưởng về bản ngã trong nội tâm ”. Bản ngã ấy khiến cho ta hoặc là không nhận ra lỗi lầm của mình hoặc đề cao cái tôi của mình.
Trên đời này không phải ai cũng dễ dàng nhận ra lỗi lầm của mình hoặc có khi thấy mà không dám khẳng định, không dám nhận khuyết điểm hoặc không tích cực, quyết tâm sửa chữa. Do vậy mà ta có thể khẳng định ai đã thực sự sửa chữa lỗi lầm là đã thắng kẻ thù là chính mình như lời Phật dạy : Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình.
***
 Người Việt có câu “chết là hết” nhưng người Tàu lại quan niệm rằng rằng “cái quan luận định” có nghĩa là khi ai đó đã nhập quan rồi thì mới bắt đầu đem ra để bình phẩm, nhận định … Xin miễn bàn về hai quan niệm có vẻ trái ngược nhau đến vậy bởi chúng ta có thể tự nhận thức về con người và cuộc sống bản thân mà chẳng cần ai gia ân, chẳng cần ai khen công xét tội khi sống lẫn lúc chết…
Mà muốn đạt được điều ấy thì mỗi chúng ta hãy giữ cho mình ba điều trong đời không được đánh mất đó là : sự thanh thản, niềm hi vọng và lòng trung thực.

Mộc Nhân  - Tháng 9 , 2011

Không có nhận xét nào: