9/9/11

13. THƠ CA MIỀN TRUNG

MIỀN TRUNG - GÁNH NẶNG THƠ CA

Nguyễn Trọng Tạo ( nguồn : blog nguyentrongtao )




Tôi cho rằng người Pháp đã khéo chia nước ta thành 3 kỳ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ; không hiểu lúc đó họ có thông thạo Chu dịch và thuyết phong thủy hay không, nhưng sự phân chia ấy đã sớm phân định không chỉ về địa lý mà còn phân định cơ bản về tính cách của con người ở ba vùng đất khá khác biệt này. Nếu sông Hồng màu mỡ phù sa đã mở  ra đồng bằng Bắc Bộ thẳng cánh cò bay, để thơ ca của xứ này luôn mượt mà bay bổng, và sông Cửu Long hào phóng mở ra đồng bằng Nam Bộ với huyền thoại về những “Công tử nông dân Bạc Liêu” để thơ ca ở đây luôn phóng túng rênh rang, thì chính những dòng sông chảy xiết từ núi xuống biển miền Trung đã làm cho thơ ca miền Trung có sức khoan sâu dữ dội và bất ngờ tung vỡ.


 Chỉ nhìn về một vạt đất Nghi Xuân bên dòng sông Lam, dưới chân núi Hồng Lĩnh đã thấy 2 ngọn Thi Sơn lừng lững hiện lên từ một vài thế kỷ trước đấy là Nguyễn Du và Nguyễn Công Trứ. Nguyễn Du là sự giao hòa giữa văn hóa miền Trung và văn hóa Kinh Bắc, nên thơ ông dữ dội mà vô cùng uyển chuyển. Nguyễn Công Chứ là một ông quan lãng tử vào Nam ra Bắc, nhưng vẫn giữ nguyên một khí phách miền Trung ngang ngửa dám đùa cùng tạo hóa, làm nên cuộc chơi thi ca có một không hai trong lịch sử tiếng Việt. Nhìn ra bắc sông Lam, ta lại gặp “Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương, độc đáo khôn lường…
Nếu nói rằng thế kỷ XX là thế kỷ cách mạng ngôn ngữ thơ ca, thì chính miền Trung đã đóng góp cho dãy Thi Sơn của thế kỷ này rất nhiều những nhà thơ trụ cột. Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, Tế Hanh, Lưu Trọng Lư chính là gương mặt lộng lẫy của THƠ MỚI VIỆT NAM. Tố Hữu như là nhà thơ hàng đầu của thơ ca cách mạng. Trong công cuộc cách tân thơ Việt ở thế kỷ này không thể quên Nguyễn Xuân Sanh cùng nhóm “Xuân thu nhã tập” cảnh tỉnh sự đơn nghĩa trong sáng tạo: và cũng có một Thanh Tâm Tuyền người Vinh đã làm nên nhóm “Sáng Tạo” ở Sài Gòn vào thập niên 60, có tiếng vang nhất định. Tôi cũng rất lấy làm lạ là sau Thơ Mới, lại còn có một Trần Mai Ninh hiện ra lấp lánh giữa bụi cát miền Trung với “Nhớ Máu” và “Tình Sông Núi”, có thể nói rằng từ hai bài thơ này, mà hình thành một dòng chảy mới cho dòng thơ “Hậu Thơ Mới”, chảy suốt thời chống Pháp qua thời chống Mỹ. Mới đây, tôi có ghé thăm nhà thơ Trần Hữu Thung đang điều trị tại Trung tâm chống Lao Thanh Nhàn, ông cho rằng chính các nhà thơ Liên khu Bốn từ thời chống Pháp đã góp phần làm mới thơ Việt bằng cách đưa vào những ngôn ngữ địa phương của vùng này (Độc Lập nhớ viền chơi ví chắc – Hồng Nguyên), và ông nhất quyết là đã có một “Văn phái liên khu Bốn” trong lịch sử văn học Việt Nam. Nếu như sau cuộc chiến tranh chống Mỹ, chúng ta được mùa trường ca với những đỉnh chóp, thì chính từ đầu cuộc chiến tranh này, Thái Giang và Thu Bồn, hai nhà thơ của miền Trung đã dấy lên một hình thức trường ca mới, đặc biệt là trường ca “bài ca chim Chơ – Rao” của Thu Bồn đã gây chấn động lớn, và đã giành được giải thưởng quốc tế văn học Á Phi – giải thưởng Hoa Sen. Còn trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm và “Những người đi tới biển” của Thanh Thảo, tuy không có giải thưởng nào, nhưng lại là những trường ca với sự thành công mà văn học sử  không thể bỏ qua.
Chúng ta dễ nhận thấy rằng, chính dải đất gian khổ và khắc nghiệt từng hai lần bị chém mà hai vết chém sông Gianh và sông Hiền Lương vẫn còn rỉ máu đến hôm nay, đã làm cho con người ở đây phải huy động tất cả những hồng cầu sáng tạo để tồn tại. Phải chăng nhờ thế mà thơ ca cũng được đẩy đến tận cùng của nỗi đau và niềm hạnh phúc của con người.
Nhưng chính trên dải đất này cũng đã từng có những kinh đô ánh sáng: Nam Kinh (Thanh Hóa), Phượng hoàng Trung đô (Vinh) được khởi lên mấy năm cuối thời Quang Trung (1788), cố đô Huế của vương triều Nguyễn, và xa hơn nữa là những kinh đô của vương quốcChămPa… đều là những trung tâm hội tụ và phát sáng trong lịch sử. Những nhân tài Bắc TrungNamđã từng có mặt ở đây. Nguyễn Trãi đã trở thành thi hào từ nghĩa quân Lam Sơn Thanh Hóa. Cao Bá Quát thành danh ở Huế với “Trường giang như kiếm lập thanh thiên”. Nguyễn Bính cũng phải lưu lại xứ này ba tháng mưa ròng mới có một chùm thơ chục bài bên “vườn Ngự uyển” đào sâu vào kiếp người bèo dạt. Hầu hết những nhà thơ thành danh thời chống Mỹ đều sống ở miền Trung hoặc đi qua miền Trung.
Chúng ta cũng nhìn ra ngay từ ngày hôm nay, nhiều cây bút trẻ của miền Trung đang khai phá những dòng mạch mới cho thơ ca chảy vào thế kỷ XXI. Những tên tuổi đang hình thành trên các tạp trí địa phương và đoạt các giải thưởng thơ của toàn quốc không phải là ít. Có cây bút đã thành tác giả trẻ. Có cây bút đang cựa quậy thăm dò. Và có cây bút quyết dấn thân vào đường thơ độc đạo của riêng mình. Một Trần Thị Huyền Trang, một Nguyễn Thanh Mừng ở Bình Định, hai người ở trong một nhà mà hai phong thái thơ hết sức khác nhau. Một Văn Cầm Hải ở Huế đang hình thành một ngôn ngữ lạ, dính kết, vô minh mà không phải người làm thơ trẻ nào trong nước cũng có được. Một Nguyễn Kim Huy, Đà Nẵng, giàu cảm thương, quê kiểng với một ngôn ngữ thị thành mới mẻ… Lớp trẻ đang dấy lên ở miền Trung những hy vọng cho một cuộc cách tân mới của thơ ca nước nhà trong tương lai gần.
Nếu ai đã cầm trên tay tập sách “Thơ miền Trung thế kỷ XX” dày ngót nghìn trang khổ lớn của Nxb Đà Nẵng ấn hành năm 1996 hẳn sẽ vô cùng ngạc nhiên về thành tựu thơ ca xứ này. Tên tuổi của những thi sĩ nhiều thế hệ đã hiện lên ở tập sách này cùng với hàng trăm bài thơ ghi những mốc sáng tạo thơ ca là một  minh chứng ánh sáng cho sự đóng góp của thơ miền Trung vào Ngôi đền thơ Việt Nam hiện đại. Tập sách đã làm kinh ngạc những người làm thơ và quan tâm đến thơ ca trong nước và nước ngoài. Đây cũng là một tập thơ lớn mà cả xứ Bắc và xứ Nam đều mong muốn.
Cái truyền thống hiếu học bao giờ cũng gắn liền với sáng tạo. Cái xứ sở đói nghèo và hiếu học này không chỉ đang ngày đêm tấn công vào đói nghèo lạc hậu, mà còn tấn công không ngừng vào bức tường thơ ca mà người trước đã dựng lên. Làm sao xuyên thủng bức tường để vượt lên phía trước? Đấy là câu hỏi cho thơ Việt nói chung và cho thơ miền Trung nói riêng. Tôi tin ở những người thơ miền Trung không chỉ ở Trí Tuệ mà còn cả một Khối Tình với người mẹ miền Trung của mình. Người mẹ mà một câu hát nào đó đã nhắc đến đầy thương cảm: “Miền Trung, mẹ đi chợ về năng cong đòn gánh”. Còn Hàn Mặc Tử đã nhìn thấy một cái gánh kỳ lạ khác: “Có ai gánh máu đi trên tuyết”. Đấy cũng là hình ảnh của người thi sĩ miền Trung đang làm trọng trách của mình: gánh cái gánh nặng thơ ca đi lên phía trước.




Không có nhận xét nào: