4/4/12

148. LÀM CHỦ THỜI GIAN

SÁU THỦ THUẬT LÀM CHỦ THỜI GIAN THEO LỜI PHẬT DẠY
Lama Surya Das - Minh Phú dịch (giacngo)


Trong số tất cả những thứ mà chúng ta sử dụng không hợp lý và lạm dụng thì thời gian là thứ đáng kể nhất. Thời gian là cuộc sống, chúng ta lãng phí thời gian thì sẽ gây nguy hiểm cho bản thân. Giết thời gian có nghĩa là chúng ta đang giảm dần mạng sống của chính mình.
Hầu như tất cả mọi người đều than phiền là họ không có đủ thời gian. Nhưng tất cả thời gian đã tiêu tốn vào đâu? Tại sao những công cụ tiết kiệm sức lao động và các phương tiện đi lại, truyền thông nhanh hơn của nhân loại không giải phóng chúng ta? Hoặc ít nhất là cung cấp cho chúng ta khoảng thời gian rảnh rỗi để thực hiện những điều mà chúng ta muốn và cần phải làm, hoặc chỉ đơn giản là làm chậm lại và tận hưởng những gì chúng ta đã làm việc rất khó khăn để tạo ra chúng, tại sao lại không được? 
Thực ra, không phải chúng ta thiếu thời gian, mà là thiếu sự tập trung, sự tỉnh giác và không biết thiết lập tính ưu tiên. Chúng ta phải thay đổi không gian trong nhịp sống của mình - đánh thức mình bằng cách chuyển sang một cách tồn tại khác. Chúng ta có tất cả các thời gian trên thế giới. Nó hoàn toàn tùy thuộc vào chúng ta, tùy vào cách chúng ta chọn để sử dụng nó ra sao.


 Tạo ra không gian trong nhịp sống của mình
Chánh niệm là nhân tố cốt lõi trên con đường đưa đến sự giác ngộ, tỉnh thức của Đức Phật. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là đề cao bản thân hoặc là sự thoái lui trước sự tự ý thức của một thiếu niên về câu hỏi “Với tôi thì sao?”; mà là sự nhớ đến việc ghi nhớ và luôn sống trong sự ý thức về những gì chúng ta thật sự đang làm ngay trong giây phút này.
Căn bệnh thời gian (time-sickness) là một căn bệnh phổ biến hiện nay. Mọi người nói rằng họ muốn sống chậm lại, muốn sống hài hòa với thiên nhiên hơn và muốn sống khỏe, sống một cách lành mạnh. Nhưng ai là người biết cách để thực sự sống được như thế? Ai có sẵn liều thuốc thời gian (time-medicine), và ai là người đã sẵn sàng, sẵn lòng và có thể sống như thế? Sự tỉnh thức là nhân tố thiết yếu trong cuộc hành trình tuyệt vời này, nó sẽ đem đến cho chúng ta một bức tranh lớn hơn, cũng như những chi tiết trong từng phút giây trên lộ trình ấy.

Nắm giữ bản thân trước khi những thứ khác nắm giữ ta
Annie Dillard đã viết: “Cách chúng ta sử dụng thời gian trong ngày chính là cách chúng ta sống trong cuộc đời”. Sự lựa chọn là hoàn toàn tùy thuộc ở ta. Chúng ta có thể học cách nắm giữ bản thân trước khi những thứ khác nắm giữ và trói buộc ta. Hãy cố gắng thực tập chánh niệm - nhìn nhận mọi sự vật, hiện tượng một cách có ý thức và không hề đánh giá, phê phán - đối với mọi thứ ta làm, ta nói và ta suy nghĩ trước khi ta phản ứng một cách mù quáng.
Nói cách khác, hãy tạm dừng lại và xem xét. Bạn có thực sự muốn chơi trò chơi Angry Birds (một trò chơi điện tử trên máy vi tính), hoặc là chơi đùa với các con trong năm phút? Bạn có thực sự xem chiếu lại của một chương trình truyền hình hay mà không phải là lần đầu tiên xem, hoặc dành một nửa giờ đồng hồ để thực tập thiền? Vùi đầu vào mạng internet, hoặc gối đầu trên gối và có được một giấc ngủ ngon? Với chỉ một khoảnh khắc của sự chú ý sáng suốt, chúng ta có thể nâng cao chất lượng sống trong mỗi phút, mỗi giờ, và cuối cùng là toàn bộ cuộc sống của chúng ta.

Định hình lại ý thức của mình
Đôi khi chỉ cần sự định hình lại quan điểm, ý nghĩ của chúng ta một cách đơn giản là đã có thể làm thay đổi cuộc sống của ta. Tôi nhớ rõ rằng, khi tôi có ý thức và tập trung chuyển đổi công việc thật là chán phèo, dắt chó đi dạo hai lần một ngày, thành một khoảng thời gian đáng sống, và thế là nó đã trở thành khoảng thời gian tốt đẹp nhất trong ngày của tôi. Con chó Lili lông vàng, người bạn đồng hành trung thành của tôi đã giúp tôi định hình lại việc dắt chó đi bộ như là việc thiền hành. Tôi có thể chan hòa với thiên nhiên, hòa mình vào thế giới, chan hòa với những người hàng xóm của tôi, và với bản thân tôi, phát triển một thái độ bao dung hơn, và thậm chí là có được một bài tập thể dục nhẹ. Tất cả những thứ đó chỉ cần một sự điều chỉnh nhỏ trong ý thức và quan điểm của ta mà thôi. Tôi gọi điều này là “định hình lại ý thức”. Đấy là một việc làm khá dễ dàng, thoải mái và cực kỳ bổ ích.

Làm chủ cơn giận một cách có chánh niệm
Học để biết sử dụng cái mà tôi gọi là “cái nêm của sự tỉnh giác”. Đưa sự tỉnh thức của ta vào giữa những ý nghĩ, lời nói và hành động của mình - những kích thích bên ngoài - và sự phản ứng bên trong của ta. Nếu có ai đó làm cản trở bạn trong lúc đi đường, hãy dừng lại một cách có ý thức và để cho nó qua đi, đừng bám víu vào cơn thịnh nộ khi bạn lái xe và đừng để cho hành động của người khác đánh cắp thời gian của bạn. Đây là sự thực tập đơn giản về sự không chấp thủ - nó giống như việc quay trở về với hơi thở một lần nữa, một lần nữa và một lần nữa trong thiền định - có thể rất là hữu ích, bởi vì nó giải thoát chúng ta khỏi sự tức giận, hối tiếc và cảm giác tội lỗi, và cuối cùng là giải phóng thời gian của chúng ta. Đấy chính là trọng tâm của điều mà tôi gọi là “làm chủ cơn giận một cách có chánh niệm”, và có thể được áp dụng để ứng xử với bất kỳ loại cảm xúc nào.

Tự hỏi: Liệu nó có xứng đáng để tôi dành thời gian không?
Đây là một câu hỏi đơn giản, nhưng tự hỏi như thế sẽ giúp ta chuyển đổi thời gian bị lãng phí thành thời gian được sử dụng một cách hữu ích. Tại sao chúng ta không tiết kiệm và đầu tư thời gian một cách cẩn thận như chúng ta đã làm đối với tiền bạc, vì thời gian có giá trị hơn và không thể thay thế được? Thay vì thế, chúng ta thường cho thời gian trôi qua. Chúng ta phí phạm, lãng phí và giết chết nó. Tất cả chúng ta đều làm tốt trong việc xem xét sự cân bằng giữa nhu cầu thực tế của mình và sự tham lam, niềm đam mê. Chúng ta có thường trả lời ‘vâng’ đối với những thứ mà chúng ta không muốn không? Thay vì nói ‘vâng’ với chính mình, chúng ta nói ‘không’ một cách khéo léo đối với những nhu cầu và những mong muốn vô lý.
Thời gian là thứ mà chúng ta tạo ra. Thời gian của ta là thuộc của riêng ta. Việc xem vô tuyến hay lướt net hàng giờ có thực sự làm cho ta hạnh phúc hơn hay tốt hơn không? Chúng ta đang sống trong thời đại có quá nhiều thông tin, nhưng biết về thế giới và người khác chỉ là kiến ​​thức, biết về chính mình mới là trí tuệ. Hãy quán xét và tìm hiểu sâu hơn.

Dùng thời gian để tạo ra thời gian
Tôi nhận thấy rằng tôi có thể có tất cả thời gian trên thế giới nếu và khi tôi tập trung và chú ý đến những thứ quan trọng nhất và thực sự cần phải được thực hiện, và duy trì sự tỉnh thức cao độ trong quá trình thực hiện. Cho nên khi người ta hỏi tôi, tôi thường khuyên họ dùng thời gian để tạo ra thời gian cho bản thân họ và cho những giá trị chân chính và những thứ ưu tiên của họ. Sự chủ định là tất cả mọi thứ: chú tâm một cách có chủ ý. Nên biết rõ ta đang ở đâu và nơi ta không trú ở - ở quá khứ và tương lai. Thời gian là một đầy tớ tuyệt vời, nhưng lại là một vị chủ tồi tệ, bạn phải dùng thời gian để tạo ra thời gian, bằng cách chú tâm tạo ra không gian trong nhịp sống của mình. Hoặc là ngay bây giờ hay là không bao giờ, luôn như thế. Ai có thể có đủ khả năng để chờ đợi? Tốt hơn chúng ta nên tỉnh thức đối với cuộc sống của mình, bằng cách tham gia một cách trọn vẹn vào những gì chúng ta đang làm ngay bây giờ, tỉnh giác đối với những lời nói, suy nghĩ và hành động của chúng ta.
Sống một cách có chủ ý với sự tỉnh thức có thể là một điều khó khăn, nhưng lại là một sự khó khăn hữu ích. Quay trở về với lối sống chạy theo thói quen thì dễ dàng hơn nhiều. Thật là hữu ích nếu ta thực tập nhớ về sự ghi nhớ, nhớ lại những thứ ta đang làm trong khi ta đang thực sự tiến hành. Hãy dành ra một hơi thở để nghỉ ngơi nhằm làm tươi mới sự tỉnh thức đối với hiện tại, trở về với giây phút hiện tại và bắt đầu trở lại - tỉnh táo, sáng suốt, tập trung, bình tĩnh và tràn đầy sinh lực.
Sử dụng các phương pháp tỉnh thức với giây phút hiện tại đã giúp tôi tỉnh giác và tìm thấy chính mình trong lĩnh vực thiêng liêng trong chuẩn mực thời gian của Đức Phật, hiện tại thiêng liêng, và nhiều hơn nữa mỗi ngày. Chúng cũng có thể giúp ích cho bạn, ngay bây giờ. Ai có thể có đủ khả năng để chờ đợi?

(nguồn: giacngo)

Không có nhận xét nào: