Thế hệ tôi, sinh trưởng ở miền Bắc,
đi học trường phổ thông 10 năm (từ lớp 1 đến lớp 10) vào những năm 1954-1964,
thì khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn” hầu như không để lại ký ức gì. Là vì ở
miền Bắc thời đó, những gì được xem như gắn với “tư tưởng phong kiến” đều bị
coi là lạc hậu, cần tránh xa, cần chống lại; mà “tiên học lễ hậu học văn” thì
rõ ràng là tư tưởng Nho giáo, là thuộc hệ tư tưởng phong kiến rồi! Cho nên dễ
hiểu là không hề thấy khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn” xuất hiện trong khuôn
viên bất cứ ngôi trường nào trên miền Bắc thời gian ấy; cũng hầu như không có
giáo viên hay cán bộ nào trong ngành giáo dục thời ấy dám nói đến khẩu hiệu đó
trước các đám đông. Tôi cũng chưa đọc thấy trong hồi ức những người lớn lên và
đi học tiểu học, trung học ở miền Nam vào quãng thời gian ấy nói rằng
khẩu hiệu kể trên có ghi đâu đó trong khuôn viên các ngôi trường.
Tất nhiên, đừng nghĩ rằng vì
khẩu hiệu đó không “hiển thị” trong cộng đồng thì tư tưởng ngụ trong khẩu hiệu
ấy không chi phối tâm thức người dạy, người học, và nói chung, tâm thức cộng
đồng thời ấy.
Nhưng cần ghi nhận sự thực
vừa kể về sự không hiện diện khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn” trong khuôn
viên trường học. Và đến sau tháng 4/1975, tình hình vừa nêu lại cũng phổ cập
vào nhà trường từ vĩ tuyến 17 trở vào đến chót mũi Cà Mau.
Theo sự ghi nhận – như một
dữ liệu nghiên cứu – của tác gia Trần Đình Hượu (1927-1995) thì vào năm 1973,
nhà giáo Nguyễn Lân (1906-2003) viết bài “Có nên vận dụng phương châm “tiên học
lễ hậu học văn” trong việc giáo dục thế hệ trẻ của ta ngày nay không?” (đăng
tạp chí “Văn hóa nghệ thuật” ở Hà Nội, số 31, tháng 7/1973) mà động cơ viết bài
này, theo lời của chính tác giả Nguyễn Lân, là do thực tế “một số trẻ em không
ngoan, trong nhà thì bướng bỉnh với cha mẹ, ra đường thì hỗn láo với mọi người,
đến trường thì xấc xược với thầy giáo” (trích bài báo đã dẫn). Ngay sau khi bài
báo này xuất hiện, trên báo “Tiền phong” của T.Ư. Đoàn (số 2351, ra ngày
16/8/1973) có bài báo dài của tác giả Thanh Bình nhan đề “Quét sạch những tàn
dư tệ hại của Khổng giáo”, với những kết luận chém đinh chặt sắt: “… chúng ta
không thể dung hòa được với Khổng giáo cùng với hệ tư tưởng phản động và bảo
thủ của nó”, … “chúng ta phải kiên trì đấu tranh để quét sạch nó ra khỏi mọi
lĩnh vực của đời sống xã hội như quét sạch những đống rác bẩn vậy”!
Tiếp theo bài này, báo “Tiền
phong” còn định ra cả một loạt bài khác nữa để công kích sự đề xuất kể trên của
nhà giáo Nguyễn Lân, nhưng thủ tướng Phạm Văn Đồng đã can thiệp dừng lại.
[Những năm 1970, thái độ
chính thống đối với Nho giáo nói chung và các tư tưởng của nó, ngoài việc duy
trì định hướng “phản phong” vốn được đề ra từ trước, có lẽ còn được tăng cường
do việc cảnh giác đề phòng “cách mạng văn hóa” qua của Hữu Nghị tràn vào đồng
bằng sông Hồng!]
Trở lại câu hỏi: khẩu hiệu
“tiên học lễ hậu học văn” xuất hiện trở lại trong ngành giáo dục từ khi nào?
Thật chi tiết về việc này, nhất là khía cạnh “là chủ trương hay do tự phát” mà
khẩu hiệu này được trương cao trên khuôn viên các ngôi trường? – thì cần có xác
nhận của những người ghi sử ký ngành giáo dục (hiện ở ngành này bộ này có vị
trí người ghi biên niên hay không?).
Đứng ngoài quan sát như tôi
và phần đông bạn đọc, thì khẩu hiệu này có lẽ đã tái xuất hiện trong nhà trường
Việt Nam
từ những năm 1990. Mấy năm cao trào đổi mới có một số đề xuất cải cách giáo
khoa, nhất là môn Văn, sao cho bớt khô cứng, chứ chưa nêu đến quan hệ thầy trò
hay việc tăng trọng môn đức dục.
Phải tới những năm 1990,
bước vào thời kinh tế thị trường ít lâu, thu nhập của dân cư mấy đô thị lớn khá
lên, việc đầu tư cho sự học hành của con cái dần dần được chú trọng hơn, đương
nhiên các bậc phụ huynh phải chú ý tới các thầy giáo cô giáo dạy dỗ con em
mình. Chuyện dạy thêm học thêm diễn ra từ lâu, bất chấp sự ngăn trở hay khuyến
khích, dần dần đã tạo ra một thị trường dạy học. Không ít giáo viên cải thiện
được đời sống, tức là bù được phần lương quá nhỏ bé, bằng việc dạy thêm; lại có
những ông thầy kiếm được tiền tỷ, mua nhà mua đất, sắm được tiện nghi đắt tiền,
nhờ dạy thêm; đấy là sự thật; cũng như cái sự thật là ở từng vùng, các vị phụ
huynh đều biết với mỗi môn nào thì có những thầy nào dạy giỏi, nên đưa con em
đến học. Chính là lao động của những người thầy, bất luận trên giảng đường
chính khóa hay trên các phòng dạy thêm, đã nâng giá trị người thầy trong cộng
đồng, trước hết là trong con mắt những người có con em đang đi học. Ta cũng còn
chưa thể kiểm chứng được giá trị của những thầy giỏi này, một khi cơ chế thi cử
không còn nặng nề như bấy lâu nay.
Tất nhiên những phụ huynh
thuộc loại nghèo hoặc hơi nghèo sẽ có lúc phải thấy “ghê răng” khi tính đến
việc đưa con em mình tới học thêm ở những ông thầy được tiếng là giỏi nhất,
nhiều học sinh đỗ đạt nhất, vì những mức giá học phí không hề thấp. Chính là
tất cả những điều này, đặt trong kiểu thức học và thi hiện thời, đã nâng giá
người thầy, cả khía cạnh dở lẫn khía cạnh hay.
Có thể nói, tâm lý coi trọng
và đề cao người thầy và lao động dạy học chính là cơ sở tâm lý xã hội khiến cho
khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn” từ chỗ bị cấm đoán miệt thị trong “đêm dài
bao cấp”, lại bỗng chốc được nêu cao trên khuôn viên các ngôi trường vẫn được
những người quản lý nó mệnh danh là “nhà trường xã hội chủ nghĩa”.
Tất nhiên, như đã nói, điều
đã khiến các ban quản trị nhà trường dùng đến khẩu hiệu trên, còn là những lo
ngại về tình trạng được gọi là “xuống cấp” đạo đức xã hội có vẻ như biểu hiện
ngày càng nặng và đáng báo động trong nhà trường, tuy rằng ban đầu người ta chỉ
nhấn mạnh chuyện học trò hư, vô lễ, chứ rất khó khăn để ghi nhận các chuyện
không hay trong giới giáo viên.
***
Thế nhưng có nên tiếp tục
trương cao khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn” cả trên khuôn viên các ngôi
trường Việt Nam
hiện nay cũng như trong lời nói hàng ngày hay không?
Tôi vẫn chưa quên cảm giác
gì đó rất không thoải mái mỗi khi nhìn thấy khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn”
được sơn vẽ sao cho kích cỡ thật lớn, lại đặt ở vị trí đáng chú ý nhất, tại các
ngôi trường Việt Nam.
Vì sao vậy? Vì nó lời lẽ
bằng ngôn từ Hán Việt, không phải lời lẽ thuần Việt. Vì nó gắn với những thời
kỳ rõ ràng là đã qua của giáo dục Việt Nam . Vì nó ngày càng bộc lộ yếu tố
vay mượn ngoại lai mà cũng ngày càng rõ là không nên tiếp tục.
Nếu bảo ta vẫn có thể dùng
“tiên học lễ hậu học văn” như khẩu hiệu trong giáo dục bởi nền giáo dục ta từ
ban đầu vốn chịu ảnh hưởng Trung Hoa; thì cần đáp lại rằng: đúng là giáo dục ở
Việt Nam xa xưa thuở ban đầu chịu ảnh hưởng giáo dục Trung Hoa, tiếp nhận cái
học của Nho giáo, trong ngàn năm Bắc thuộc và suốt 9 thế kỷ các nền quân chủ
độc lập. Nhưng từ cuối thế kỷ XIX và nhất là từ đầu thế XX, nền giáo dục ở Việt
Nam
đã chuyển sang tiếp nhận giáo dục của châu Âu, trực tiếp là của Pháp. Cho đến
ngày nay, thử nhìn xem toàn bộ học vấn mà 12 lớp thuộc hệ nhà trường phổ thông
của ta cung cấp cho học sinh là nguồn từ đâu? Rõ ràng có ít ra đến 99% các tri
thức là từ nguồn Âu-Mỹ! Hãy xem từng môn vật lý, hóa học, toán, thực vật, động
vật, … các tri thức là lấy từ đâu? Chắc chắn không lấy từ Khổng (Nho), Đạo hay
Lão Trang. Chằng riêng gì ta, giáo dục phổ thông ở Hàn Quốc, Nhật Bản, ở chính
Trung Hoa, Đài Loan, cũng đều như vậy. Vậy là về giáo dục thì toàn bộ các vùng
châu Á trong đó có ta đều đã “thoát Á” rồi, có còn là kiểu trường học “chi hồ
giã giả”, học tứ thư ngũ kinh, học viết văn bát cổ,… nữa đâu? Chẳng riêng gì
châu Á, mà khắp hành tinh chúng ta, hệ thống các tri thức dạy cho các trường
phổ thông, đều có nguồn Âu-Mỹ. Vậy thì nhà trường hiện tại đâu có còn dính líu
gì nhiều với Nho giáo mà toan quay lại dùng các phương châm, khẩu hiệu rút từ
nó?
Cốt lõi mệnh đề “tiên học lễ
hậu học văn” là nhấn mạnh việc trau dồi tư cách đạo đức bên cạnh việc học lấy
tri thức và kỹ năng. Đây là một phương châm không riêng gì của giáo dục ở
phương Đông. Nhưng cách diễn đạt lấy chữ “lễ” đại diện cho toàn bộ phương diện
đạo đức thì rõ ràng là một quy nạp quá lệch, tỏ ra cũ kỹ, lại rất dễ phát sinh
hiểu lầm và bị lạm dụng; toàn bộ phương diện tri thức và kỹ năng mà người ta
cần tiếp nhận trong sự học, đem gói vào chữ “văn” thì quả là sơ giản hóa đến
mức khó chấp nhận.
Trong cuộc sống thường ngày, ngoài ý nghĩa lễ độ thông thường, “lễ” thường ám
ảnh người ta ở một vài hàm nghĩa thông tục. Đối với phía người học, “lễ” dễ gợi
tới sự khuất phục, – đòi hỏi học trò phải vâng phục, – điều mà càng học trò lớp
trên càng khó có thể sẵn sàng thể hiện, do tư cách “người lớn” đang đậm dần lên
ở các cô gái, chàng trai, họ không thể “phục” nếu người thầy không thật giỏi và
không thật có tư cách. Đối với phụ huynh, “lễ” nổi bật nhất ở ý nghĩa cống nạp,
– nó có cái gì đó nặng nề hơn so với sự trả công thông thường.
Tôi biết là có bạn sẽ yêu cầu phải nêu những hàm nghĩa của “lễ” từ gốc, từ các
kinh điển Nho giáo. Song đấy là lĩnh vực của giới nghiên cứu học thuật; người
ngoài đời thường không đủ hiểu biết để tiếp cận như thế; họ chỉ hiểu và đụng
chạm với “lễ” ở ý nghĩa thông tục mà thôi.
Cho nên, việc sử dụng lại
khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn” từ hơn chục năm nay, theo tôi, chỉ nên được
xem là giải pháp tình thế. Đã đến lúc nên chấm dứt tình thế tạm thời này. Nếu
cần khẩu hiệu, hãy gắng tìm từ những nguồn thuần Việt”; và nếu không tìm được
từ nguồn “thuần Việt”, thì nên tham khảo những nguồn có quy mô thế giới, chẳng
hạn từ nguồn của tổ chức UNESCO.
Trong bối cảnh thế giới hiện
tại, ta cũng nên lưu ý đến những hiện tượng như các viện mang tên Khổng Tử được
Trung Quốc lập ra ở các nước với tính cách những cơ quan truyền bá văn hóa Trung
Quốc ở nước ngoài. Cái tên của Khổng Tử và có lẽ cả học thuyết của ngài nữa,
như vậy, đang được đóng dấu đậm bản quyền quốc gia Trung Hoa. Ta nên tế nhị với
chuyện này. Ta nên tự chứng tỏ rằng: từ thời hiện đại, người Việt Nam chúng ta đã
đứng ngoài biên giới của nền văn hóa Trung Hoa rồi, không còn đứng trong đó
nữa, như ở thời trung đại. Khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn” – vốn có xuất xứ
từ Khổng Tử – càng nên được chúng ta sớm chấm dứt sử dụng trong hiện tại, để từ
nay chỉ nên được ghi nhận như một trong những thứ ta đã từng vay mượn thời quá
khứ xa xưa.
LẠI NGUYÊN ÂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét