14/7/14

468. MỸ HỌC CỦA CÁI NGƯỢC TRONG MỘT BÀI CA DAO

            Lê Đức Thịnh

Trong ca dao Việt Nam, hiện tượng nói ngược khá phổ biến. Tìm ra ý nghĩa đích thực của nhiều câu – bài ca dao nói ngược là việc làm khá lí thú bởi đây không chỉ là sự nói ngược để vui đùa mà những ẩn ý nghệ thuật tinh tế của hiện tượng này khiến tác phẩm nhanh chóng đến được với người nghe.
Thử đọc lại bài ca dao nói ngược "Bước sang tháng sáu giá chân" để giải mã những chuyện ngược đời :

Bước sang tháng Sáu giá chân
Tháng Chạp nằm trần bức đổ mồ hôi
Con chuột kéo cầy lồi lồi
Con trâu bốc gạo vào ngồi trong cong
Vườn rộng thì thả rau rong
Ao sâu giữa đồng, vãi cải làm dưa
Đàn bò đi tắm đến trưa
Một đàn con vịt đi bừa ruộng nương
Voi kia nằm ở gặm giường
Cóc đi đánh giặc bốn phương nhọc nhằn
Chuồn kia thấy cám liền ăn
Lợn kia thấy cám nhọc nhằn bay qua
Trời mưa cho mối bắt gà
Thòng-đong cân-cấn đuổi cò lao xao
Lươn nằm cho trúm bò vào
Một đàn cào cào đuổi bắt cá rô
Thóc giống cắn chuột trong bồ
Một trăm lá mạ đuổi vồ con trâu
Chim chích cắn cổ diều hâu
Gà con tha quạ biết đâu mà tìm
Bong bóng thì chìm, gỗ lim thì nổi
Đào ao bằng chổi, quét nhà bằng mai
Hòn đá giẻo dai, hòn xôi rắn chắc
Gan lợn thì đắng, bồ hòn thì bùi
Hương hoa thì hôi, nhất thơm thì cú...
1. Có nhiều mức độ nói ngược tham gia vào tác phẩm ca dao. Có khi mức độ nói ngược chỉ vài cụm từ, vài câu nói ngược trong bài, nhưng ở đây mức độ nói ngược là toàn bài.
Cảm nhận đầu tiên về những bài ca dao dạng này là tính hài hước - nói cho vui, để tạo cảm giác sảng khoái mới lạ trong việc nhìn nhận thế giới khách quan. Aristote nói "Con người là một động vật biết cười"; nếu vậy thì người Việt Nam "người" hơn cả vì người Việt rất hay cười. Về tính hay cười của người Việt, nhà văn Nguyễn Tuân cho rằng dân ta lúc nào cũng phải đấu tranh với thiên tai địch họa nên “cần cười” để giải tỏa sự nặng nhọc, để vui mà sống vì khi cuộc sống khiến con người có cả trăm lý do để khóc, thì đời cũng cho con người có cả ngàn lý do để cười; hay nói như Frank Tyger thì: "Tính hài hước lấp đầy những ổ gà trên đường đời". Dù Nguyễn Văn Vĩnh thì coi tính hay cười đó là vô duyên, thậm chí vô nghĩa: “An Nam ta có cái lạ thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, dở cũng hì; phải cũng hì, quấy cũng hì...” nhưng một điều chắc chắn là cái cười làm bộc lộ một nét nào đó trong tính cách người Việt – có thể là dở, nhưng nhiều khi nó thể hiện một tư duy sâu sắc và khá bất ngờ - Tính hài hước là ánh mặt trời của tư duy (Edward Bulwer Lytton).
Qua lăng kính mỹ cảm hài hước, những hình ảnh trong ca dao nói ngược bị đảo lộn trật tự, bản chất và hành động tạo nên những bức tranh ngộ nghĩnh phi lý, khiến người đọc người nghe không thể không có được những tiếng cười sảng khoái cho tâm hồn và thể xác. Sau những giờ lao động mệt nhọc thì "Tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ" - đó là giá trị dễ nhận thấy của bài ca dao này.

   2. Tuy nhiên giá trị bài ca dao không dừng ở đó, hãy thử giải mã các hình ảnh để hiểu được mỹ học nói ngược trong bài là gì:
Toàn bài ca dao có 3 nhóm đối tượng được nêu ra để nói ngược là: con người, con vật và các sự vật hiện tượng.
Bài ca dao mở đầu bằng hình ảnh con người qua việc nói ngược về thời tiết: "Bước sang tháng Sáu giá chân / Tháng Chạp nằm trần bức đổ mồ hôi"- mùa hè thì lạnh chân, mùa đông thì nóng đến nỗi nằm trần cũng đổ mồ hôi. Đây là những chi tiết ít ỏi nói về con người trong toàn bài. Có lẽ tác giả dân gian mượn hình ảnh con người để khởi động sự nói ngược, dẫn đến nhân hóa thế giới tự nhiên ở các câu sau; đồng thời đấy cũng là tín hiệu chỉ ra tính chất ngụ ngôn của bài ca dao để chuẩn bị cho người đọc một tâm lí tiếp nhận. Phải chăng nếu nhìn nhận ở góc độ "thiên nhân tương cảm" thì tiếp sau cái sự không "thuận trời" dường như là điềm báo trước sự xáo trộn ở con người và xã hội.
Đọc tiếp bài ca dao ta sẽ thấy ngay sự phi logic trong các hình ảnh nói ngược đang dần tiến đến đỉnh điểm:
- Về sự ngược đời ở các con vật thì: Con chuột kéo cầy/ Con trâu bốc gạo/  Đàn bò đi tắm / Đàn vịt đi bừa... 
- Về sự ngược đời ở các hoạt động thì: Voi nằm gặm giường/ Cóc đi đánh giặc/ Vườn rộng thả rau / Ao sâu vãi cải/ Đào ao bằng chổi, quét nhà bằng mai...
 - Về sự ngược đời ở các hiện tượng thì: mối bắt gà/ Thòng-đong đuổi cò/ Hòn đá dẻo dai, hòn xôi rắn chắc / Gan lợn thì  đắng, bồ hòn thì bùi / Hương hoa thì hôi, nhất thơm thì cú…
Sự ngược đời diễn ra ở hầu hết các bình diện: trong sản xuất nông nghiệp, trong chiến đấu đánh giặc, trong các hiện tượng tự nhiên và xã hội...
Về tâm lý tiếp nhận thì có sự nói ngược cốt để vui nhưng cũng có nhiều sự đảo ngược trật tự không thể không gây ra cảm giác thương tâm và gợi nhiều suy nghĩ.
            Hình ảnh con chuột nhỏ bé mà phải làm một công việc nặng nhọc trong khi con con trâu sức vóc to lớn thì lại ăn không ngồi rồi gợi lên sự bất công trong xã hội.
Còn trong hoạt động chiến đấu, voi phải xông pha trận mạc nhưng đằng này voi lại "nằm ở gặm giường" đùn đẩy chuyện "đánh giặc bốn phương nhọc nhằn" cho con Cóc! 
Đây là những nốt nhấn bi – hài vừa đối lập nhau vừa quyện chặt lấy nhau tạo nên cảnh "cười ra nước mắt". Nói như Dostoievski "Trào phúng và bi kịch là hai chị em sinh đôi có cùng một cái tên là sự thật" – sự thật trong đời sống và sự thật trong nhận thức của người đọc.
Và trong một xã hội như vậy thì mọi thang bậc giá trị cũng bị đảo lộn là điều tất yếu: "Hòn đá dẻo dai, hòn xôi rắn chắc/ Gan lợn thì đắng, bồ hòn thì bùi...". Cho nên mọi vật dường như không ở đúng vị trí của chúng, không được sử dụng đúng chức năng của chúng: "Vườn rộng thì thả rau rong / Ao sâu giữa đồng, vãi cải làm dưa...".
            Những cảnh ngược đời khác lại tiếp tục được vẽ bằng gam màu sẫm hơn, thanh âm trầm hơn, độ lùi xa hơn vừa làm nền cho bức tranh vừa như lời ghi chú cho bức tranh.
            Và đặc biệt trong bài ca dao, sự nói ngược dường như lên đến cao trào qua nhiều hình ảnh ẩn chứa sự phẫn uất bật lên những mơ ước đổi đời để những thân phận con ong cái kiến có cơ hội xoay đảo số phận: "Chim chích cắn cổ diều hâu / Gà con tha quạ biết đâu mà tìm".
Trong không khí nặng nề u ám của một xã hội bị đảo lộn các giá trị, những câu ca dao mơ ước kia như một hơi thở phào nhẹ nhõm, một đốm sáng lung linh trên nền đen kịt. Như vậy, đằng sau cái vẻ "vô lý" gây cười là khát vọng thay đổi một xã hội bất công và ý thức đấu tranh để một ngày đứng lên lật đổ nó. Ðó có lẽ chính là điều mà tác giả dân gian muốn thể hiện. Qua chuyện nói ngược họ còn muốn ngầm đả kích, mong muốn phá vỡ cái trật tự mà các tầng lớp thống trị, thế lực phong kiến đã thiết lập hàng ngàn năm nay.
Đoạn giữa bài ca dao dù cất cao như vậy nhưng đó không phải là một kết thúc có hậu mà chỉ là những mơ ước của nhân dân. Đọc tiếp ta sẽ thấy nhiều hình ảnh nói ngược kéo dài cho đến cuối bài, sự cường điệu tăng lên với ý khẳng định rằng sự ngược đời vẫn luôn tiếp tục tồn tại. Đoạn thơ cuối đổi nhịp, không còn những câu lục bát đều đặn mà giờ đây chuyển sang toàn câu tám chữ với nhịp dài như tiếng thở dài bất lực của con người. Ước mơ chỉ là ước mơ; những đốm sáng không xua được bóng tối mà chỉ càng làm cho người ta cảm nhận được cái dày đặc của bóng tối. Voltaire nói "Sự cường điệu là thứ luôn đi đôi với sự vĩ đại" ; những hình ảnh cường điệu trong bài ca dao nói ngược đã phản ảnh sự vĩ đại trong tâm hồn, tình cảm và tư tưởng của nhân dân.

3. Ca dao nói ngược là một minh chứng về sự sáng tạo vô tận của nhân dân và đằng sau những gì là phi lý lại ẩn chứa một khát vọng. Cơ chế nói ngược của bài ca dao thực ra rất đơn giản: từng cặp sự vật, con vật đối lập nhau về đặc điểm, lối sống, hoạt động, tính cách tạo nên những nghịch cảnh phi logic gây ấn tượng mạnh. Nói theo ngôn ngữ lí luận hiện đại là sự lạ hóa, sự phá vỡ trật tự thông thường, quen thuộc của sự vật rồi cấu trúc lại theo một ý đồ nghệ thuật tư tưởng nhất định.
Thấp thoáng trong bài ca dao là bức tranh sinh động về cuộc sống lao động ở  không gian làng quê với những công việc thường ngày của những người nông dân: cày bừa, thả rau, trồng dưa, nuôi lợn... với những con vật gần gũi với nhà nông như  trâu bò, gà vịt, lợn ếch ... Ở tầng bậc sâu hơn, bài ca dao còn ngầm phản ánh các mối quan hệ trong xã hội có giai cấp mà kẻ yếu, thấp cổ bé họng luôn bị ức hiếp, kêu chẳng thấu trời.
Ca dao nói ngược là cách để nhận thức thế giới khách quan và biểu hiện tâm trạng con người. Đơn giản nhất, nó miêu tả cái thuộc tính nghịch của tồn tại để có thể phát hiện thuộc tính thuận, tất yếu. Nói cách khác tư duy sẽ nhận thức mặt phản ánh qua mặt ngược được phản ánh trong tác phẩm ca dao thông qua việc phát hiện nhiều thuộc tính trong một đối tượng và đánh tráo các thuộc tính đó để nhận thức tồn tại đa dạng hơn, sâu sắc hơn.
Về phương diện trữ tình, yếu tố nói ngược đặc biệt hữu dụng khi diễn đạt các tâm sự tới hạn, bức xúc lên đến cao trào.
Về phương diện mĩ cảm, ca dao mang yếu tố nói ngược đem đến cái hài, cái bi, rút ra những triết lí thấm thía về cuộc đời, nhân tình thế thái.
Sự nói ngược của bài ca dao không chỉ là yếu tố hình thức mà còn là yếu tố nội dung bởi thế hiệu quả thẩm mỹ mà nó mang lại thật lớn. Nói ngược ở đây không chỉ để vui đùa mà còn là thái độ châm biếm, ý thức phản kháng, thức tỉnh sự tự ý thức trong tâm hồn người đọc.
Hay nói như Anatole France: "Hài hước, châm biếm là cuộc hoan hỉ của suy ngẫm và niềm vui của sự sáng suốt".               

1 nhận xét:

gocque nói...

Tôi không đủ ngôn từ để ngợi ca bài phân tích này. Người viết bài này quá xuất sắc khi khai thác giá trị của bài ca dao. Trình độ người viết phải là chuyên gia chuyên sâu ở mảng đề tài này. Mong được đọc nhiều bài của tác giả.