5/11/14

502. ĐĂNG CAO

Lê Đức Thịnh
     Trong văn chương cổ điển có những “dấu hiệu chung” gọi là “mã nghệ thuật” được khái quát thành “thi pháp”.  “Đăng cao” (lên cao) là một trong nhiều thi pháp của Đường thi tượng trung cho không gian nghệ thuật gắn với một lý tưởng cao cả.
Đỗ Phủ có bài thơ “Đăng cao” (Lên cao), Lí Bạch với bài “Độc tọa Kính Đình sơn” (Ngồi một mình trên đỉnh núi Kính Đình), Trần Tử Ngang viết “Đăng U châu đài ca” (Bài ca trèo lên đài U châu)… là những tác phẩm tiêu biểu cho thi pháp không gian nghệ thuật mang tầm vũ trụ trong thơ cổ điển.

1. “Đăng cao” của Đỗ Phủ:
“Phong cấp, thiên cao, viên khiếu ai, 
Chử thanh, sa bạch, điểu phi hồi. 
Vô biên lạc mộc tiêu tiêu há,
Bất tận trường giang cổn cổn lai.
Vạn lý bi thu thường tác khách,
Bách niên đa bệnh độc đăng đài.
Gian nan khổ hận phồn sương mấn,
Lạo đảo tân đình trọc tửu bôi”.
            Dịch nghĩa: “Lên cao”
            “Gió thổi, trời cao, tiếng vượn kêu rầu rĩ,
            Bến nước trong, làn cát trắng, chim bay liệng vòng.
Ngàn cây bát ngát lá rụng xào xạc,
Dòng sông dằng dặc, nước cuồn cuộn trôi.
Muôn dặm thu buồn, xót thân thường nơi đất khách,
Suốt đời quặt quẹo, một mình lên ngắm trên đài.
Gian khổ uất hận, mái tóc thêm ngả màu sương,
Lận đận vì mang nhiều bệnh mới phải ngừng chén rượu đục”.
          “Đăng cao” được Đỗ Phủ sáng tác vào năm 767. Bấy giờ nhà thơ đã rời Thành Đô đem gia đình phiêu bạt qua nhiều nơi rồi đến đất Quí Châu. Lúc này ông đã già, sống nghèo khổ, bị bỏ rơi, bệnh tật nhà thơ phải ngừng uống rượu. Ông đã lên một ngôi chùa trên núi Hoàng Sơn và đã viết bài “Đăng cao”. Như vậy Đăng cao là một trong những bài thơ cuối đời của Đỗ Phủ.
          Bốn câu đầu thiên về tả cảnh với các hình ảnh cổ điển: gió, trời, bến nước, làn cát, cây rừng, dòng sông, chim bay vượn hót. Tầm nhìn của Đỗ Phủ lúc này rất rộng, điểm nhìn ở trên cao, giữa không gian để có thể nghe được các thanh âm của đất trời đúng như đầu đề của bài thơ. 
          Thiên nhiên ở điểm nhìn này phóng khoáng, hùng tráng, nhiều âm thanh, màu sắc nhưng đượm u buồn qua tiếng “viên khiếu ai”, “Vô biên lạc mộc tiêu tiêu hạ”. Qua bức tranh cảnh vật như vậy ta có thể nhận ra nỗi buồn của lòng người:     
             “Vạn lý bi thu thường tác khách
             Bách niên đa bệnh độc đăng đài”
Một cuộc đời quanh năm lưu lạc vì chiến tranh và đói khát nên hàng vạn dặm đường  mà mình đã phiêu bạt như những chìm đắm trong nỗi buồn của một mùa thu dằng dặc.
Từ sự “lên cao” cụ thể nhà thơ đã chuyển sang “lên cao” tinh thần, tâm hồn của ngươì tri thiên mệnh. Nhà thơ thấy mình đang đến mùa thu cuộc đời, ở đỉnh điểm “Vạn lý bi thu” nên ông đã thoát ra khỏi nỗi đau thể xác mà thể hiện một tâm hồn, cốt cách cao đẹp:
“Gian nan khổ hận phồn sương mấn,
Lạo đảo tân đình trọc tửu bôi”.
(Gian khổ uất hận, mái tóc thêm ngả màu sương,
Lận đận vì mang nhiều bệnh mới phải ngừng chén rượu đục).
Sống trong sầu khổ, nhà thơ chỉ còn lại một niềm vui là được nâng lên một “trọc tửu bôi” mà cũng không được. Vậy nên nhà thơ chỉ còn đau buồn và khổ hận!
Đỗ Phủ đã “đăng cao” giữa thiên nhiên để thấy mình cô độc giữa cuộc đời.  
          2. “Độc tọa Kính Đình sơn” của Lý Bạch
“Chúng điểu cao phi tận,
Cô vân độc khứ nhàn.
Tương khan lưỡng bất yếm,
            Chỉ hữu Kính Đình san.”
            Dịch nghĩa: “Một  mình trên núi Kính Đình”
           “Chim bay lên cao hết,
           Đám mây lẻ loi một mình lững lờ trôi.
           Cả hai trông nhau mãi mà không chán
           Chỉ có núi Kính Đình và ta thôi”.
          Nhà thơ đặt mình giữa trung tâm vũ trụ để giao hòa cùng thiên nhiên: đàn chim, mây trời, núi non… và gửi gắm một nỗi buồn nhân thế đến xót xa.
          Hai đối tượng người và núi Kính Đình ngắm nhau trong không gian và cảnh vật tĩnh lặng “Chúng điểu cao phi tận/ Cô vân độc khứ nhàn” (Đàn chim bay đi hết/ mây cũng trở nên đơn độc).
          “Tương khan lưỡng bất yếm” - núi và người trở thành đôi bạn tri kỷ, tri âm, trao gửi cho nhau để cùng cảm thông, chia sẻ nỗi sầu nhân thế, vì vậy trên đời này rốt lại “Chỉ hữu Kính Đình Sơn” (Chỉ có ta với núi Kính Đình mà thôi).
          3. “Đăng U Châu đài ca” của Trần Tử Ngang
          Trần Tử Ngang (661 - 702) là nhà thơ lớn thời Thịnh Ðường tên tự là Bá Ngọc, người đất Xạ Hồng, phủ Từ Châu (hiện là tỉnh Tứ Xuyên ). Ông đậu tiến sĩ lúc 24 tuổi năm 684 (đời Đường Trung Tông) làm đại quan trong triều Võ Tắc Thiên, tính tình khẳng khái nên về sau ông bị bọn tiểu nhân vu tội bắt giam và chết trong ngục.
          Trần Tử Ngang có giai thoại nổi tiếng về việc đập đàn: Khi đến Trường An, lúc này không ai biết đến, ông liền bỏ ra một ngàn quan tiền, mua một cây đàn quí, rồi mời mọi người đến dự tiệc, nghe nhạc. Khi mọi người tề tựu đông đủ và háo hức chờ nghe nhạc. Ông đứng lên nói: Tôi là Trần Tử Ngang người đất Thục, có trăm quyển văn, rong ruổi kinh sư, mà địa vị vẫn tầm thường giữa nơi bụi bậm, không ai biết đến. Nhạc này là của kẻ hèn đâu đáng lưu tâm? Nói đoạn ông đập tan cây đàn trước sự sững sờ, kinh ngạc của nhiều người. Kế đó, ông đem các cuốn văn ra tặng cho cử tọa. Trong một ngày danh tiếng của ông chấn động khắp kinh thành, mọi người ai cũng biết tiếng.
          Sự nghiệp văn chương của ông gắn liền với bài thơ “Đăng U Châu đài ca”:
          “Tiền bất kiến cổ nhân
          Hậu bất kiến lai giả
          Niệm thiên địa chi du du
           Độc thương nhiên nhi thế hạ ”
           Dịch nghĩa : “Bài ca  lên đài U Châu”
          “Ngó trước không thấy Người xưa
          Nhìn về sau, chưa thấy Người mới tới
          Nghĩ trời đất mênh mông chơi vơi
          Một mình thương cảm, bỗng nhiên rơi lệ”.               
          Nhà thơ lên đài cao để tìm một “cổ nhân” – tức là một người lí tưởng, tri kỉ biết lễ hiền hạ sĩ nhưng chẳng thấy có ai: “Tiền bất kiến cổ nhân”.
          Nhà thơ lại hy vọng sẽ có một “lai giả” - sẽ là nhân vật lý tưởng cho thời đại mới nhưng “Hậu bất kiến lai giả” ! Nhìn mãi trước sau chưa thấy ai nên rơi thầm nước mắt.
          Điểm nhìn của nhà thơ là trên đài cao, khoảng giữa Trời và Đất, trung tâm vũ trụ, giữa quá khứ và tương lai. Với điểm nhìn ấy, nhà thơ hiện ra như một nhân vật có tầm vóc vũ trụ, đứng giữa đất trời “đầu đội trời, chân đạp đất”.
          Theo cổ thư thì “vũ” là không gian không cùng, “trụ” là thời gian vô tận; nhà thơ đã đặt cảm xúc của mình giữa “vũ” (thiên – địa) và “trụ” (tiền – hậu) nên cái tôi cá nhân giờ đây hòa nhập với vũ trụ. Đó là tiếng nói của một tiểu vũ trụ giữa mênh mang đất trời, giữa thời gian tiền - hậu vô thủy vô chung.
          Trong khoảng thời gian và không gian bao la vô tận đó, nhà thơ khao khát tìm lại hôm qua, vươn tới ngày mai; vượt qua thời gian và không gian nhưng trước “thiên địa chi du du”, tiểu vũ trụ ấy chỉ biết “Độc thương nhiên nhi thế hạ” - cảm thương bất lực và rơi lệ vào thiên cổ.
          Nhà thơ khóc vì nhận chân về vị trí của mình trong vũ trụ (thời gian và không gian).
          Có thể hình dung giữa mênh mông đất trời là nỗi buồn của thi nhân, ôm một hoài bão lớn lao, mà cảm thấy cô độc bi thương.
          Từ thi pháp không gian nghệ thuật “Đăng cao” mà hiểu được tâm hồn, tư tưởng của con người trong mối quan hệ : con người – con người; con người – vũ trụ và nhận ra những giá trị thẩm mỹ, văn chương tồn tại mãi với muôn đời.
Bài này đã đăng trên tạp chí DVHNN số tháng 2/ 2015

Không có nhận xét nào: