29/11/14

518. SUY NGHĨ VỀ NGÔN NGỮ MẠNG

           Mộc Nhân - Lê Đức Thịnh
            (Bài đăng trên Tạp chí Dạy Học Ngày Nay – tháng 11/ 2014)
      1. Dẫn nhập:
Sự phát triển ngôn ngữ mỗi dân tộc luôn song hành cùng với sự phát triển của xã hội. Đó là một qui luật tất yếu biểu hiện ở sự vay mượn, giao thoa hoặc sáng tạo ngôn ngữ trong cộng đồng.
Song sự giao thoa, vay mượn để làm giàu bản ngữ, sáng tạo ngôn ngữ khác hoàn toàn về bản chất với biến thái ngôn ngữ một cách tùy tiện.
Chẳng hạn với tiếng Hán, người Việt vay mượn với số lượng khá lớn và hình thành từ lớp từ Hán - Việt; với ngôn ngữ gốc Âu, người Việt đã vay mượn ở dạng phiên âm (in-tơ-nét, ô-xy…) hoặc Việt hóa hoàn toàn (ga, xe buýt, xe tăng, ống tuýp…). Còn chữ Nôm thì được nhân dân ta chế tác từ chữ Hán để hình thành một loại văn tự mới diễn tả lời ăn tiếng nói của người Việt.

Sự vay mượn ấy có quy tắc nhất định khiến ngôn ngữ này được xâm nhập vào ngôn ngữ kia mà không gây ra khó khăn gì cho số đông người sử dụng bản ngữ.

Nhưng những ngôn ngữ thuộc dạng biến thái thì được dùng hoàn toàn tùy tiện, lai tạp thì lại không có nguyên tắc gì cả. Điều đáng nói ở đây là thứ ngôn ngữ ấy đang xâm nhập vào một bộ phận khá lớn ở giới trẻ - học sinh, sinh viên và đang tồn tại trong nhà trường. Mọi cảnh báo về hiện tượng này thiết nghĩ không có gì là thừa trước khi nó lan tỏa trong ngôn ngữ giao tiếp cộng đồng mà biểu hiện cụ thể là Anh ngữ hóa tùy tiện (chẳng hạn “không sao đâu” thì Anh ngữ hóa thành “no star where” hoặc "miễn bàn" thành "no table") hoặc giới trẻ trò chuyện “chat” hay viết tin nhắn bằng dạng ngôn ngữ biến thái... Tất nhiên ban đầu kiểu nói như vậy chỉ để cho vui nhưng điều quan ngại là khi nó trở thành thói quen khó bỏ, rồi đi vào bài viết, ghi chép trong học đường thì thật là nguy hại.
2. Thách thức:
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, mạng internet phát triển, việc sử dụng các phương tiện thông tin cá nhân như máy tính nối mạng, điện thoại di động thông minh… để xem thông tin hoặc giao lưu là khá phổ biến thì sự biến thái ngôn ngữ trong hoạt động truyền thông, đặc biệt trong giới trẻ diễn ra khá mạnh mẽ. Việc kiểm soát năng lực và hành vi ngôn ngữ mà ở đây là sự lệch lạc trong sử dụng tiếng mẹ đẻ - tiếng Việt - càng khó hơn bao giờ hết. 
Biểu hiện rõ nhất của sự biến thái ngôn ngữ này là cách sử dụng ngôn ngữ chat, ngôn ngữ tin nhắn, ngôn ngữ giao tiếp trên mạng xã hội khá tùy tiện – nhất là trong giới trẻ học đường.
Có thể liệt kê một số dạng thức biến thái đó như sau:
1.Biến đổi nguyên âm:
- bỏ nguyên âm “ô” (“bùn” thay cho "buồn", “mún” thay cho "muốn")
- nguyên âm “e” thay cho “a” (“làm sao” thành “lèm seo”)
- nguyên âm “u” thay cho “ô, ơ” (“trời ơi” thành “trùi ui”)
2. Biến đổi phụ âm đầu:
- phụ âm “p” thay cho “b” (“bó tay” thành “pó tay”)
- “w” thay cho “qu” (“hôm qua” thành “hum wa”)
- “f” thay cho “ph”…
3. Biến đổi phụ âm cuối:
- “k” thay cho “ch” (“thích” thành “thik”)
- “k” thay cho “c” (“lúc” thành “luk”)
4. Biến đổi từ: "iu" thay cho “yêu”…
5. Dùng số thay cho từ:
- số 2 thay cho “xin chào”
- số 7 thay cho “thất” (“thất tình” thành “7 luk”)
6. Tiếng Việt và Anh lẫn lộn:
- fone of nó (điện thoại của nó)
7. Kết hợp số và chữ:
- “2morow” thay cho “tomorrow”
8. Sử dụng các kí hiệu ^, *, ‘  tùy tiện: “Ngoi` pun` ” (Ngồi buồn)
9. Sử dụng kí tự J, W, Z tùy tiện: (“hok bjk lem` je^`” (không biết làm gì)
10. Việc sử dụng dấu câu hay viết hoa đều không cần thiết hay tùy hứng
(…)
            Hiện tượng trên diễn ra khá phổ biến. Dù là giới trẻ cũng đặt ra cho mình một số “qui tắc” khi sử dụng loại ngôn ngữ này nhưng nhìn chung những cái gọi là qui tắc ấy có tính chất tùy hứng, tùy tiện, suy diễn chủ quan nhất thời…
            Hẳn là nhiều người trong số chúng ta – những người có ý thức sử dụng tiếng Việt chuẩn -  có cảm giác khó chịu khi nhận được những tin nhắn, dòng comment trên trang mạng, các status trên mạng xã hội facebook…  được trình bày dưới dạng này.
Đặc biệt đáng báo động là dạng ngôn ngữ biến thái này đã đi vào trang vở của học sinh, có em còn vô tình hay cố ý thể hiện trên bài viết, bài kiểm tra do đã thành thói quen dù ý thức được hậu quả về mặt điểm số.
3. Có thể kể ra một số nguyên nhân:
- Giới trẻ coi chuyện sử dụng ngôn ngữ biến thái của họ là bình thường, xem đó như sự sáng tạo thông minh trong tiếp nhận thông tin ngôn ngữ.
- Việc sử dụng của họ nhằm nhiều mục đích lạ, vui – thậm chí từ ngữ nào càng lạ, càng khó dịch nghĩa thì các em càng ưa chuộng, càng thấy thú vị.
- Tránh người lớn (cha mẹ, thầy cô) hiểu được thông tin trao đổi.
- Việc sử dụng ấy được chấp nhận trong nhóm và có sức lan truyền, bắt chước.
- Cũng có khi các em dùng cách viết chữ bình thường, đúng chuẩn chính tả thì bị bạn bè cho là lạc hậu, thế là đi vào hành xử ngôn ngữ theo kiểu “đám đông”.
- Để nói nhanh, viết gọn thông tin mà mình muốn truyền đạt.
4.      Tác hại:
Ngôn ngữ biến thái đó là kết quả của sự phá cách tùy tiện nên chỉ có tính lâm thời. Tuy nhiên, mặt trái của hiện tượng này là các em đã đem thứ ngôn ngữ biến thái này các bài viết, bài kiểm tra, ghi chép bài học… lâu dần trở thành thói quen khó sửa.
Việc sử dụng ngôn ngữ chat biến thái tùy tiện thường xuyên sẽ làm các em không ý thức được trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Nếu cứ theo đà này thì thật khó để tìm những ngôn từ đẹp, lời văn hay trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Và lo ngại hơn là cách viết, cách suy nghĩ như thế sẽ hình thành thói quen lười tư duy, thiếu kiên trì, nhẫn nại trong công việc, ảnh hưởng đến nhận thức, nhân cách của các em sau này.
Tác hại dễ thấy nhất đó là những câu nói cộc lốc, vô cảm như "biết chết liền", "hên xui", "bó tay chấm com"... đã trở nên khá phổ biến.
Điều chúng tôi nhận thấy trong thời gian gần đây, không chỉ giới trẻ mà cả người lớn, trong đó có nhiều người là giáo viên - kể cả giáo viên môn ngữ văn, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, cán bộ công chức… khi tham gia mạng xã hội cũng sử dụng ngôn ngữ biến thái này để giao tiếp. Có lẽ trong suy nghĩ của họ  hành vi ngôn ngữ ấy phù hợp khi giao lưu với học sinh hoặc để cho phù hợp với kiểu chơi trên mạng xã hội… mà quên mất một điều rất quan trọng là người lớn – trí thức phải là người đầu tiên nêu gương cho các em, điều chỉnh việc giữ gìn sự trong sáng chuẩn mực của ngôn ngữ dân tộc trong học sinh sinh viên, con em của mình.
Như vậy cũng cần nhận thấy rằng, hiện trạng sử dụng ngôn ngữ mạng biến thái như vậy lỗi không hoàn toàn ở giới trẻ khi mà người lớn – trí thức không nêu gương, thậm chí là dung túng, mặc nhiên thừa nhận hành vi ngôn ngữ này.
Chúng tôi hoàn toàn hoan nghênh nhiều trang mạng xã hội hoặc báo điện tử có dòng lưu ý,  cảnh báo đối với người dùng khi viết và đăng comment của mình trên trang : “Đề nghị viết bình luận của bạn bằng tiếng Việt có dấu” hoặc “Những bình luận bạn viết không đúng chính tả tiếng Việt sẽ không được hiển thị trên trang này”…. Hoặc trang facebook của một số trường học có bài hướng dẫn học sinh về sử dụng ngôn ngữ mạng, thậm chí là khuyên nhủ các em nên có trách nhiệm với việc bấm một “like” của mình. Đó quả là những lời nhắc nhở nghiêm túc và đầy trách nhiệm đối với người sử dụng tiếng Việt
5.      Kết luận:
Thiết nghĩ ngôn ngữ học đường là ngôn ngữ quy chuẩn. Nhà trường là nơi để các em rèn luyện về ngôn ngữ: nói đúng, viết đúng tiếng mẹ đẻ để diễn đạt tư tưởng tình cảm của mình một cách rõ ràng trong sáng, qua đó góp phần hình thành nhân cách, nuôi dưỡng tâm hồn, ý chí và nghị lực của các em để hướng tới những mục tiêu cao đẹp. 
Người làm công tác giáo dục nói riêng cũng như gia đình và xã hội phải dùng ngôn ngữ chuẩn để nêu gương cũng như giáo dục học sinh dùng ngôn ngữ đúng ngôn ngữ dân tộc trong mọi tình huống giao tiếp.
Và học sinh khi đã nhận thức được rằng ngôn ngữ dân tộc là thành tựu hàng ngàn năm, phải sử dụng một cách trân trọng vì đó là một trong nhiều biểu hiện của văn hóa giao tiếp thì các em sẽ có ý thức hơn trong việc sử dụng ngôn ngữ dân tộc; hay nói như các bậc  tiền bối: “Tiếng Việt còn, dân tộc ta còn, nước ta còn”...
   
             MN- LĐT, tháng 11/ 2014

Không có nhận xét nào: