8/7/14

467. TRAO ĐỔI VỀ KỶ YẾU SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM

          Mộc Nhân
            Những năm qua, trong hoạt động phong trào của công đoàn ngành giáo dục xuất hiện cụm từ "Kỷ yếu sáng kiến kinh nghiệm" (gọi tắt là KYSKKN). Để có một cái gọi là KYSKKN thì mỗi cá nhân chỉ việc sao chép một số SKKN của nhau hoặc lấy SKKN từ bất cứ nguồn nào, bất kể số lượng, chất lượng, giá trị sử dụng ... miễn sao cho có, rồi đóng thành tập có bìa ngoài ghi rõ "KYSKKN" của gv: (...) nộp lên trên là có điểm thi đua và tất nhiên đó là một trong nhiều tiêu chí để đạt được danh hiệu thi đua.
Người viết bài này cũng như đa số các giáo viên khác nhiều năm trước đây cũng đã từng làm những tập KYSKKN kiểu như thế. Thậm chí không cần làm gì mới, cứ một tập KYSKKN đã thành phẩm bằng cách trên, rồi hàng năm đến hẹn nộp lên trên để được tính điểm thi đua !
Nhưng gần đây, nhiều người nhận thấy đó là một việc làm mang tính hình thức, vô bổ, nhảm nhí nên đã không thực hiện KYSKKN như thế nữa.

Trong các sinh hoạt, hội nghị công đoàn, các ý kiến về tính hình thức, vô bổ của KYSKKN cũng đã được nêu lên nhưng rồi đâu lại vào đấy !
Những ý kiến chúng tôi tiếp tục trình bày sau đây tuy không có gì là mới nhưng rất mong nhận được sự tiếp thu của người đứng đầu công đoàn các cấp.
***
1. Cụm từ KYSKKN là một cụm từ dùng sai:
Search trên Google cụm từ "kỷ yếu sáng kiến kinh nghiệm" chúng ta sẽ được khoảng 450.000 kết quả cho từ "kỷ yếu" hoặc "sáng kiến", "kinh nghiệm". Đó là một con số ít ỏi vì thông thường một từ ngữ mang tính phổ thông thì công cụ tìm kiếm Google sẽ cho kết quả hàng chục hoặc trăm triệu / chưa đến 1 giây. Đặc biêt cả tổ hợp "kỷ yếu sáng kiến kinh nghiệm" xuất hiện rất ít (không quá 10 lượt/ 450.000 kết quả).
Điều ấy nói lên KYSKKN là một tổ hợp từ ít dùng và có nhiều bất ổn trong kết hợp từ.
Thử tìm trong các từ điển, sẽ thấy:
- Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (bản in 2006):
K yếu (cũng viết k yếu hoặc ký yếu): danh từ. Tập tài liệu ghi những điều cốt yếu. Ví dụ: K yếu của một hội nghị khoa học.
- Hán-Việt từ điển của Đào Duy Anh (bản tái bản, 1992):
          Kỷ yếu: chép việc trọng yếu (noter les principaux faits)
            - Từ điển mở Wiktionary ghi ngắn gọn:
Kỷ yếu: ghi chép những điều cốt yếu. Ví dụ: Tập kỷ yếu của một hội.
            Tóm lại: từ “Kỷ yếu” thường chỉ được dùng để trỏ loại sách tập hợp các tài liệu, văn kiện, tham luận của những hội nghị, hội thảo.
Ví dụ:
            - “Kỷ yếu Hội nghị văn hóa toàn quốc, 16 – 20/7/1948” do Hội văn hóa Việt Nam xuất bản năm 1948.
            - “Kỷ yếu đại hội nhà văn VN lần thứ hai" (10 – 12/01/1963)
- Kỷ yếu hội thảo khoa học...
 Như vậy từ “kỷ yếu” trong KYSKKN đang bị chúng ta hiểu sai, dùng sai lâu nay vì lí do:
- Một tập tài liệu mang tính cá nhân bao gồm các SKKN có được do sưu tập một các tùy tiện, không mang tính "cốt yếu" mà được gọi là tập "kỷ yếu" thì quả là  dùng từ mà không hiểu nghĩa của từ.
- Về sắc thái ý nghĩa, từ "kỷ yếu" do có hàm nghĩa là "cốt yếu" nên ít nhiều mang tính trang trọng, còn tập KYSKKN của giáo viên thì chỉ là một hoạt động có tính phong trào, hình thức, không tính đến chất lượng mà được gọi là là tập "kỷ yếu" thì quả là sính dùng từ.
2. KYSKKN để làm gì ?
Theo triển khai của người đứng đầu tổ chức công đoàn các cấp thì cứ dịp cuối năm, mỗi giáo viên trong nhà trường làm một tập KYSKKN nộp về cấp trên để qua đó đánh giá được tinh thần tự học tự nghiên cứu của gv và cho điểm thi đua – tất nhiên là gắn với xếp loại cuối năm !
Mục đích của việc làm cái gọi là KYSKKN không có gì là sai trái nhưng trong thời buổi hiện đại, công nghệ thông tin phát triển, khi người ta có nhiều cách để học tập, lưu trữ tài liệu thì việc làm KYSKKN như trên quả là hình thức vô bổ. Một số người nói vui là dường như công đoàn GD không nghĩ ra điều gì khác hay hơn có thể thay thế cho cái gọi là KYSKKN.
3. Những đề xuất:
Từ những gì đã trình bày trên đây, cá nhân tôi thay mặt cho nhiều ĐVCĐ xin có mấy đề xuất sau:
a. Hủy bỏ cái gọi là KYSKKN như một hoạt động có tính điểm thi đua khen thưởng vì đây là việc làm có tính hình thức, không còn hợp thời, không có hiệu quả về nhiều mặt và tất nhiên là có gây lãng phí cho xã hội.
b. Thay việc làm cái gọi là KYSKKN bằng một việc khác có hiệu quả hơn để qua đó đánh giá thi đua gv chính xác hơn.
c. Nếu vì một lí do nào đó không thể hủy bỏ cái gọi là KYSKKN thì xin hãy thay thế bằng một cụm từ khác đúng nghĩa hơn.
* Nhân dịp đại hội CĐCS ngành GD nhiệm kỳ 2014-2019 sắp đến, chúng tôi xin có vài ý kiến nhỏ về một việc nhỏ. Tuy nhiên nếu các ý kiến trên được tiếp thu và điều chỉnh kịp thời thì quả là niềm vui lớn cho mọi đoàn viên CĐ.

8 nhận xét:

Nặc danh nói...

Minh Phương
http://newvietart.com/index3.868.html

Nhờ Thịnh chuyển link này cho anh Nguyễn Hải Triều
Thanks

dinhphuong2011 nói...

Bổ sung : TỪ ĐIỂN TỪ VÀ NGỮ HÁN VIỆT của Giáo sư Nguyễn Lân, NXB Văn Học 2007, trang 386 có ghi : " kỷ yếu là tập ghi lại những điều quan trọng nhất của một hội nghị".
-Ta thấy trong từ hán việt không có từ "kỉ", chỉ có từ "kỷ", người lớn phải học viết cho đúng, đừng ỷ có quyền rồi viết bậy, còn bắt bọn trẻ viết theo.
-Cái gọi là KYSKKN là cái sáng kiến của riêng địa phương Đại Lộc thôi, nơi khác không bao giờ đủ trình độ nghĩ ra được!!! hoặc giả nghĩ ra mà không dám bắt cấp dưới thực hiện, vì sợ cấp dưới chê mình quá sáng tạo, bởi mình rảnh quá!
-Bất hạnh thay cho những kẻ nào có cấp trên quá rảnh.
thân ái chào!

bạn cũ nói...

Đây là đặc sản của Công đoàn GD Đại Lộc ư !

Huỳnh Văn Cát nói...

Sự dốt nát của trong việc dùng từ KYSKKN, sụ gian manh xảo trá trong nội dung từng skkn,sự hình thức trong thi đua, sự bế tắc trong hoạt động cđ đã góp phần phơi bày bộ mặt của một nền giáo dục đang xuống cấp toàn diện. cảm ơn MN đã có tiếng nói ,dù trong tuyệt vọng đau thương.

huỳnh van cat nói...

Nguyễn Lân viêt từ điến sai từ A tới Z,trình độ dốt nat nhung nhờ gioi nịnh hót ma duoc danh hiệu NGND,lạp lờ đanha lận con đen về học hàm giáo sư. Co xứng đáng gi đâu mà dinhphuong đem ra để để lập luận . Mờ dinhphuong vào blog Huỳnh văn cát đọc bài" Từ điển từ và từ ngữ Việt Nam" mục chữ cái nào cũng có sai sót để biết cái dốt của NL.

Tuấn Hưng nói...

Ban chấp hành CĐ GD Đại Lộc nên lắng nghe ý kiến của đoàn viên công đoàn, không nên cố chấp bảo thủ - họ nói đúng đó các vị à !

Nặc danh nói...

Đọc bài này em chỉ cười thôi, bởi nói thì dài dòng lắm... Cái đơn giản ai cung biết nhưng cấp trên không biết... Tuy nhiên trường em yêu cầu làm SkKN hoặc giải pháp hữu ích chứ e chua nghe cụm từ này! Thi GVG yêu cầu phải có...còn thực tế sử dụng... 1325.

Nặc danh nói...

Nghe nói cha đẻ của cụm từ "Kỉ yếu sáng kiến kinh nghiệm" tại Đại Lộc đã bị kỉ luật vì có liên quan đến tài chính công đoàn GD ... !!!
Tư duy tùy ý tất sẽ dẫn đến hành động tùy tiện.