Mộc Nhân
Đọc tập thơ “Tiếng Gàu Va Trăng Khuya” của Phạm Thế Chất - Nhà xuất bản Hội Nhà Văn - 2020
Chắc bạn đã từng có lần lắng lòng để nghe lại thanh âm nào đó từ quá khứ. Và tôi đoan chắc những thanh âm đó thuộc về một miền kí ức nào xa xăm, thuộc về bạn, nằm trong miền quê xứ của bạn. Và tôi cũng đoan chắc rằng nếu ai đó “đồng thanh tương ứng” cùng bạn tức là chúng ta đã gặp nhau nơi giao thoa của miền miên tưởng. Với Phạm Thế Chất, kí ức ấy nơi có Tiếng gàu va trăng khuya, Mẹ quảy Tết về, Phía lời ru, Khoảng trống nào cũng đầy ắp tâm tư, Hoàng hôn xanh, Quê nhà lẩn khuất xa xăm, Tặng chiều, Mùa khói trổ bông…
Tôi trích lọc một số tựa trong tập thơ Tiếng
gàu va trăng khuya của Phạm Thế Chất khi tác giả bày biện kí ức và
những giấc mơ của mình trong niềm vui, cái đẹp, đời thường và những khoảnh khắc
kí ức được anh lưu lại trong trang thơ của mình.
Phạm Thế Chất đã từng chia sẻ Tiếng gàu va
trăng khuya khi đang là bản thảo. Thực ra tôi đã đọc những bài thơ
này khi nó là những status trên trang cá nhân của anh. Điều tôi ngạc nhiên là
anh viết thơ khá đa dạng: lục bát, thơ tự do, thơ văn xuôi, thơ ngắn hay dài
hơi đều có, hơi hướng cách tân trong ngôn ngữ thơ cũng được anh thể hiện như là
nhu cầu của người viết trong xu thế hiện đại.
Dường như trong người thơ Phạm Thế Chất có ẩn chứa một
trạng thái phấn khích nào đó khiến câu thơ của anh thăng hoa trong dòng xúc cảm
để bạn đọc dấn sâu mà cảm nhận những diễn ngôn đậm đà mở ra những chân trời rực
rỡ mà gần gũi với tuổi thơ, thiết tha với quê xứ, đằm thắm trong các cung bậc
tình yêu.
Trong bài thơ Tiếng gàu va trăng khuya, ta bắt gặp nhiều câu thơ
hay khơi gợi trí tưởng tượng bay bổng của tâm hồn từ hoài niệm thanh âm quá
khứ.
làng lắng
tiếng gàu va trăng khuya
tiếng gàu va tinh mơ
tiếng gàu va ban trưa
tiếng gàu va xa xưa…
…mùa ở đâu cũng nhớ về nhau
mùa tiếng gàu thưa va
và gió cõng lời ru tình cũ
lặng thầm theo chân thời gian…
sẽ có một hoàng hôn ngồi lại với chính mình
tình yêu, mưa, âm va không lời mà ngân lên da diết
Chắc hẳn cái âm thanh tiếng gàu va trăng khuya ấy vừa
xa xăm vừa gần gũi, vừa hư vừa thực, vừa động lại vừa tĩnh mà lại đầy năng
lượng của sức tưởng tượng có khả năng đưa chúng ta về miền quê phía đầu nguồn
sông Vu Gia - nơi “Khai môn kiến
sơn” - mở cửa ra là thấy núi sừng sững, thấy những con người bộc
trực chân chất, nơi có những địa danh quen thuộc: Hà Nha, Hà Tân, Dốc Đỏ, Non
Tiên, Động Hà Sống… đi vào thơ anh trong trẻo, gần gũi, vượt ra khỏi
những gói gắm kí ức để sống lại trong tâm khảm mỗi người: “trên sông Vu
Gia ghe nan tràn trăng rằm/ chèo trong đêm khuya xuôi nhanh về Thu Bồn/ câu dân
ca êm đềm ngàn năm ru đôi bờ/ mùi đường non ban chiều thơm lừng theo ai
hoài…” (Về Vu Gia)“ một mình về ngồi Dốc Đỏ/ nồm lên uốn
cong ngọn lau/ ngắm quê cho no con mắt/ bóng cò bơi mỏi khát khao ” (Dốc
Đỏ)…
Những
hình ảnh thơ “ghe nan tràn trăng rằm” (Về Vu Gia) hay “
một mình về ngồi Dốc Đỏ/ nồm lên uốn cong ngọn lau” (Dốc Đỏ)
tạo nên những câu thơ đẹp vừa có chất cổ điển vừa hiện đại gợi ra bóng hình
làng quê trung du, nơi anh đã từng gắn bó từ tuổi thơ trải qua năm tháng chiến
tranh cho đến tận bây giờ.
Đằng
sau những câu thơ chất chứa các trạng thái nội tâm là những sáng tạo ngôn ngữ
mỹ cảm gợi hình trong một không gian riêng biệt, một khoảng thời gian sắc nét,
ấn tượng trong từng khoảnh khắc: khi thì thênh thang sông núi, khi thì trầm mặc
trăng đêm, khi thì nhâm nhi khắc khoải “vạn nẻo đi/ một chốn về/ niệm
cố hương/ chạnh sơn khê xứ người” (Tiếng chiều).
Tình yêu trong thơ Phạm Thế
Chất dè dặt, đằm thắm, hòa lẫn với đất và người trong dòng vận động của mạch nguồn
tâm hồn và quê xứ: “nợ em câu hỏi/ vì sao lá rơi/ vào mùa heo may/ vào
mùa mưa dài căm căm lạnh giá/ trải bao nắng ấm/ trải nhiều bát ngát tươi xanh/
nhìn và thấu hiểu/ đất trời vốn rất mênh mông/ cả đời không lần khép mi/ vòng
tròn ngày đêm đón chờ thức trắng/ gió nhẹ tự ru hát khẽ/ bão dông se thắt nhủ
mình” (Mắt lá).
Có lẽ với đặc thù tâm lí, tính cách, ngôn ngữ của một
nhà giáo mẫu mực, một người lãnh đạo có trách nhiệm nên ngòi bút của anh
rất chuẩn mực, ý nhị nhưng đầy nội lực chăng?
Những bài thơ viết về ký ức tuổi thơ là những mẩu đối
thoại với quá khứ trong dòng cảm hứng về làng quê, ruộng đồng, sông suối, tạo
vật mà anh luôn hóa thân và hòa nhập một cách tự nhiên: “những chiều,
những trưa, những xa xưa ký ức/ những con dế than, dế cơm/ dắt mùa hè và lũ trẻ
chúng tôi rúc về miền say mê/ dưới vồng hàng thẳng tắp đất cày bệ/ trên cánh
đồng nâu” (Mùa hè xưa); “ngày nắng nóng nghỉ dưới lùm cây mát/
nghe cá tôm quẫy búng nỗi niềm/ thẳm ký ức tuổi thơ quay quắt nhớ/ tiếng vợ
chồng chim vui ríu rít gọi mùa” (Dộc Dộc ơi chừ biệt phương
nào)… Hình ảnh “mái tranh nuộc lạt/ ánh bình minh chen qua
phên tre” (Sợi nắng) lặng mà động, yên ắng mà cụ cựa cho ngày mới
đã vượt qua được cái không gian tĩnh vật đồng quê mà hoá thân vào đời sống tràn
đầy nhịp điệu lung linh nhập cuộc và sáng tạo.
Với tập thơ đầu tay, người đọc khó định hình phong
cách sáng tác của Phạm Thế Chất nhưng cái chính là khát vọng của người cầm bút,
nhất là khi anh không những đã chứng kiến đoạn kết của cuộc chiến mà còn là
người trực tiếp va đập với lửa đạn, những đêm gian khổ xuyên rừng, những ngày
sống và học tập trên đất Bắc thì cái lắng đọng trong ngôn ngữ thơ sẽ sâu sắc,
nhiều tầng bậc, nội hàm mở và ý tưởng luôn trong trạng thái chiêm ngẫm nhiều
hơn: “cõng hoàng hôn về/ cõng nắng mai lên/ nỗi nhớ rơi vào chiều liêu
xiêu dáng bà, dáng mẹ/ bên vành nôi mớm câu ca nuôi ta từ tấm bé/ lớn nên người
không ai đói vần thơ” (Phía lời ru).
Sinh quyển thơ trong Tiếng gàu va trăng khuya không chỉ tồn tại với tư cách là một
không gian vật chất mà là một dạng thức cảm nhận, một tiềm thức về quê hương,
gia đình với trạng thái hướng nội: “ơn quá khứ trải bao mùa bão lũ/ nâng
cánh cò bay mãi phía lời ru”.
Đọc thơ Phạm Thế Chất, hãy khoan nói về các vấn đề thi
pháp nhưng có một điều chắc chắn là anh không thể gò mình vào những gì cứng
nhắc hoặc quá chặt chẽ về khuôn khổ, hạn định mà dường như anh đang dành toàn
tâm toàn ý sống với những con chữ để viết ra những câu thơ tâm đắc cho riêng
mình... Vậy nên bên cạnh những bài lục bát, năm chữ, sáu chữ chỉn chu, anh cũng
mạnh dạn với thơ cách tân khá thuyết phục (Tháng Tư, Nắng xuân…).
Tuy nhiên đó không phải là điều cốt yếu mà Phạm Thế
Chất muốn gởi gắm nơi đây. Tiếng gàu va trăng khuya là thứ
ngôn hình ám tượng hình thành từ những kí ức thị giác, thính giác, linh giác
được chuyển hóa thành những câu chuyện nối dài từ quá khứ đến hiện tại và tương
lai. Phạm Thế Chất đang kể cho chúng ta câu chuyện ấy. Có thể dòng tự sự chuyển
động như những mảnh rời của đời sống nhưng xâu chuỗi lại thành những diễn ngôn
đem đến cho người đọc một cách nhìn, một cách cảm về những giá trị nhân bản:
con người, tình yêu, quê xứ - mà dường như tác giả lập ngôn trong bài thơ
“Yêu”: “tôi yêu sự cầm cân của nước/
khi tràn biết chỗ thấp cao/ tôi yêu sự lặng im của đất/ cho hết mình để
sự sống sinh sôi !” (Yêu).
Đành rằng nghệ thuật dụng ngôn là điều cốt yếu để
chúng ta có một bản thơ hay nhưng trái tim và sự sẻ chia của những tâm hồn
mới là trân quý bởi nó mở ra một con đường hoa để con người đến với nhau. Với Tiếng
gàu va trăng khuya, Phạm Thế Chất có đủ hai điều ấy. Nói như Alfred
Tennyson: Ngôn từ, cũng giống như bản tính, nó hiển lộ tâm hồn con
người.
Mộc Nhân Lê Đức Thịnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét