Chúng tôi vừa nhận được văn bản "HƯỚNG DẪN ĐIỀU CHỈNH NỘI DUNG DẠY HỌC
CẤP TRUNG HỌC CƠ SỞ - MÔN NGỮ VĂN" (Kèm theo Công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH
ngày 27 tháng 8 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ GDĐT) đăng tải trên các trang mạng của
Bộ GD-ĐT, các Sở GD-ĐT và nhiều báo mạng…
Mục đích của công văn này là hướng dẫn tinh giảm chương trình dạy học cấp
THCS áp dụng cho năm học 2020-2021 do tình hình dịch bệnh còn nhiều phức tạp.
Mặt tích cực của văn bản xin miễn bàn bởi nó hiển nhiên, phù hợp với tình
hình thực tiễn hiện nay.
Tôi với tư cách là người dạy học môn Ngữ văn THCS xin trao đổi một số điều
bất cập trong văn trên trên:
1. Trong công văn có sử dụng các cụm từ "Không dạy", "Khuyến
khích học sinh tự đọc, tự làm, tự thực hiện". Tôi có góp ý như sau: Chưa
làm rõ 2 nội hàm thời gian của 2 cụm từ: "Không dạy" và "Khuyến
khích học sinh tự đọc, tự làm" bởi lẽ đứng trên góc nhìn thời gian thì
"Không dạy" hiển nhiên là không đề cập đến; vậy "Khuyến khích học
sinh tự đọc, tự làm" thì có sử dụng quĩ thời gian để hương dẫn, khuyến
khích, gợi ý ... hay không ? Hay là gv chỉ nói một câu "Khuyến khích các
em về nhà tự đọc, tự làm..." thì điều ấy cũng chẳng khác gì "Không dạy".
Chính vì điều này mà ở HKII năm ngoái, sau mùa Covid cũng có công văn tương tự,
các sở và nhà trường đã linh hoạt biến các cụm từ "Khuyến khích học sinh tự
đọc, tự làm, tự thực hiện" thành tiết dạy dùng để “khuyến khích” các nội
dung trên. Cũng có nơi xem cụm từ này là một cách nhắc nhở sơ qua cái nhan đề
mà thực chất là “không dạy”.
2. Về một số bài thuộc nhóm "Không dạy" thực ra lại rất nên dạy
hoặc chí ít cũng là "Khuyến khích học sinh tự đọc". Chẳng hạn như ở lớp
6 bài "Con Rồng cháu Tiên" sao lại "Không dạy" ? Trong khi
nhiều bài khác rất nên "Không dạy".
3. Về một số từ phiên âm trong văn bản: trong xu thế BGD khuyến khích,
phát triển, hiện đại hóa việc học Anh ngữ mà trong văn bản trên vẫn dùng từ tiếng
Anh dạng phiên âm nhìn vào rất ngô nghê, lạc hậu. Chẳng hạn ở phần hướng dẫn
cho khối 9, bài "Con chó Bấc" được ghi là của G. Lân-đơn (Jack London),
khối lớp 7 bài “Mẹ tôi” của Ét-môn-đô đơ A-mi-xi (Edmondo De Amicis)... Còn nhiều
nữa… Điều đó chứng tỏ sức ì và tinh thần cập nhật sử dụng tiếng Anh trong nhà
trường từ BGD còn rất chậm.
4. Một số bài trong văn bản hướng dẫn "Không dạy" hoặc "Khuyến
khích học sinh tự đọc, tự làm, tự thực hiện" là thừa bởi vì những bài đó
đã mặc nhiên không còn dạy (hoặc đọc thêm) trong chương trình từ nhiều năm trước
chứ không phải từ khi có dịch Covid xảy ra. Chẳng hạn ở lớp 7 bài "Đêm đỗ
thuyền ở Phong Kiều (Phong Kiều dạ bạc) của Trương Kế; ở lớp 8 bài "Hai chữ
nước nhà (trích) của Trần Tuấn Khải; lớp 9 các bài "Mã Giám Sinh mua Kiều",
"Thúy Kiều báo ân báo oán"... từ năm học 2011-2012 đã có hướng dẫn
"Không dạy" vậy việc đưa những bài đó vào công văn mới rồi ghi chú
"Không dạy" là quá thừa.
* Trên đây chỉ là vài phản biện nhỏ nhưng qua đó có thể thấy rõ chuyên
viên bàn giấy của BGD-ĐT chưa sâu sát với thực tế dạy học.
Đề nghị Bộ GD-ĐT thu hồi văn bản trên và biên soạn lại cho khoa học, cập
nhật và chính xác hơn.
Xin cảm ơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét