25/10/13

410. THIÊN TRƯỜNG VÃN VỌNG

           Mộc Nhân         

             "Thiên Trường vãn vọng"
  (Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra) là một trong những bài thơ tiêu biểu cho đặc điểm của thơ Trần Nhân Tông: hồn thơ đầy cảm xúc trước thiên nhiên tạo vật - những vẻ đẹp của ngoại giới đều có sự tương thông với tâm Thiền nên thấm đẫm Thiền vị. 

                  "Thôn hậu thôn tiền  đạm tự yên,
                  Bán vô bán hữu tịch dương biên.
                  Mục  đồng địch lí ngưu quy tận,
                  Bạch lộ  song song phi hạ điền".

          Dịch nghĩa:
                  "Sau thôn trước thôn đều mờ mờ như khói phủ
                  Bên bóng chiều (cảnh vật) nửa có nửa như không
                  Trong tiếng sáo, mục đồng dẫn trâu về hết
                  Từng đôi cò trắng hạ cánh xuống đồng".
          Dịch thơ:
                  "Trước xóm sau thôn tựa khói lồng
                  Bóng chiều man mác có dường không
                  Mục đồng sáo vẳng trâu về  hết
                  Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng".
                                                                   (Bản dịch Ngô Tất Tố)
          1. Câu thơ mở đầu: Góc cảm nhận cảnh vật là từ xa nên tác giả đã mang đến cho người đọc một bức tranh toàn cảnh ấn tượng: "Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên" - cấu trúc tiểu đối trong câu thơ với cặp từ trái nghĩa tiền - hậu kết hợp với phép điệp ở từ "thôn" đã tạo dựng không gian mở, gợi một bức tranh đồng quê rộng lớn. Lúc này sương chiều đã xuống nhiều đang dần phủ kín không gian nên cảnh vật “đạm tự yên” (mờ mờ như khói phủ). Câu thơ không nói tới sương mà người đọc vẫn liên tưởng được "đạm tự yên"  là do sương chiều tựa khói lồng.
          2. Câu thơ thư hai tiếp tục gợi tả: "Bán vô bán hữu tịch dương biên" (Bóng chiều nửa có nửa như không). Câu thơ tiếp tục sử dụng phép điệp ở từ "bán" cùng tiểu đối với hai yếu tố đối lập vô – hữu. Trong thời gian và không gian bức tranh đồng quê đã trở nên mờ ảo hơn nhạt nhoà, nửa hư nửa thực (Bán vô bán hữu). Ngoài ra hai yếu tố “hữu – vô” ẩn chứa khái niệm triết học của Đạo Lão: “Thiên hạ vạn vật sinh ư hữu, hữu sinh ư vô” (vạn vật trong thiên hạ đều sinh ra từ hữu, hữu sinh ra từ vô): trong cái “vô” có cái “hữu”; trong cái “hữu” lại có cái “vô”: cũng gần với vũ trụ quan nhà Phật: "Sắc tức thị không, không tức thị sắc" (Kinh Bát Nhã): "sắc""không" là hai trạng thái của các sự vật hiện tượng, sắc là có hình tướng, không là không hình tướng, không thấy được.  Không sanh ra Sắc, rồi Sắc trở lại thành Không. Vạn vật cứ thế biến đổi một cách tuần hoàn. Lẽ “hữu - vô” của tạo hoá luôn huyền diệu !
          Cảnh sắc trời chiều lúc hoàng hôn (vãn cảnh) được nhà thơ dùng thủ pháp “thực giả, hư chi; hư giả, thực chi” (dùng cái hư và cái thực làm nổi bật nhau) bởi đặc trưng của thơ thiền là gợi tả cái thần của cảnh vật nhiều hơn là khắc họa cảnh vật.
          Như vậy là chỉ qua 2 câu thơ đầu, ta đã thấy Trần Nhân Tông có một cặp mắt quan sát rất tinh tế, vừa có một tâm hồn thi sĩ, vừa có tài năng gợi tả của một họa sĩ. Cảnh vật được nhìn qua cảm quan của Thi sĩ - Thiền nhân nên thấm đẫm Thiền vị.
          3. Câu thơ thứ ba miêu tả hình ảnh cận cảnh"Mục đồng địch lí ngưu quy tận" (Trong tiếng sáo của mục đồng, trâu đã về hết). Trong bức tranh đồng quê  nửa có nửa như không ấy đã xuất hiện hình ảnh đàn trâu thong thả về chuồng trong tiếng sáo dặt dìu hồn nhiên của mục đồng là điểm nhấn của cảnh vật hết sức tinh tế và thấm đẫm tình quê. Có thể nhìn câu thơ dưới nhãn quan nhà Phật để thấy được "Mục đồng địch lí" (tiếng sáo mục đồng) biểu trưng cho cái tâm bình lặng, trong sáng không bị vẫn đục và "ngưu quy tận" (đàn trâu quay về) là nẻo về của Thiền tâm, chân tánh của con người khi đã ngộ lẽ "hữu - vô" của cuộc đời.
          4. Câu thơ cuối: "Bạch lộ song song phi hạ điền"  miêu tả hình ảnh từng đôi cò trắng hạ cánh xuống đồng làm nên bức tranh đồng quê tuyệt đẹp. Cánh cò bay xuống đồng “phi hạ điền” chứ không phải là "thướng thiên thanh" (bay vút trời xanh) nói lên niềm thiết tha tình nghĩa với quê hương. Tâm hồn của vị vua thật đáng quý biết bao!
          Từ thi sĩ đến thiền nhân, tác giả đã cảm nhận cảnh vật từ toàn cảnh đến cận cảnh, từ sau đến trước, từ hư đến thực, từ cao đến thấp, từ tĩnh đến động, từ ngoại cảnh đến tâm thiền ... Tất cả đã dựng lên được một không gian nghệ thuật đa chiều, gợi nhiều liên tưởng và ẩn chứa nhiều tư tưởng thiền nhân.
          Bài thơ ngắn gọn, xúc tích nhưng đã phác họa được một bức tranh sinh động, có phông nền, đường nét, màu sắc, hình khối. Một trong những yếu tố tạo nên nhịp điệu êm ái, hài hòa của bài thơ là việc kết hợp điệp ngữ và tiểu đối.
          Bài thơ tả cảnh làng quê đơn sơ, thanh bình song lại có sức chứa đựng những cung bậc tình cảm hết sức phong phú của con người đời thường đồng thời mang theo cảm hứng của thiền nhân nên có ý nghĩa sâu rộng. Đó là bức tranh thấm đẫm tình đời, tình người, với tâm hồn khát khao hoà nhập vào thiên nhiên, vào cuộc sống đồng thời thi nhân đã gửi gắm vào đó những chiêm nghiệm về lẽ vô thường của con người trước cái hằng thường của vũ trụ bởi “nhà thơ là thiền sư, con mắt thế tục nhưng tâm thiền” (Lê Trí Viễn) nên "Thiên Trường vãn vọng" là một tuyệt tác “dĩ thi ngụ thiền, dĩ Thiền thuyết thi” (Dùng thơ để ngụ Thiền, dùng Thiền nói thơ).

Không có nhận xét nào: