Kỷ niệm 15 năm ngày mất của thi sĩ Bùi Giáng
(7/10/1998-7/10/2013)
dinhphuong2011 - tổng hợp từ nhiều nguồn.
- "Ông
Trời chất vấn ông điên":
Rằng:
“Tại sao chú mày đánh đấm con vợ của chú mày như thế?”. “Tại vì nó có lỗi”. “Có
lỗi như thế nào?”. “Tôi thì hằng năm tôi tắm rửa một lần để ăn tết. Còn nó thì
mỗi ngày nó mỗi tắm… tức không chịu nổi!”. “Ủa, nó tắm rửa cho sạch sẽ thơm tho
có gì đâu mà gọi là tội lỗi?”. “Nhưng mà nó càng sạch sẽ thơm tho bao nhiêu, thì
thiên hạ càng thấy rõ cái dơ dáy thối tha của tôi bấy nhiêu. Có phải rằng nó có
ý muốn vạch rõ cái thối tha bẩn thỉu của tôi? Tôi mang mặc cảm bấy lâu nay. Còn
đâu hài hòa vợ chồng tâm đầu ý hiệp chứ”. Rồi “ông điên” muốn bỏ vợ để lấy “gái
sa mạc” vì “sa mạc khô khan quanh năm, đâu có nước giếng nước biển nước sông để
tắm cho nhiều”. Ông Trời gật gù: “À ra thế ấy, lọ là thế kia!”…
-
"Mẹ ôi!" : Cô gái 16 tuổi chửa hoang, bà mẹ thay vì phiền trách đã
hân hoan reo lên: “Ồ, thế thì vạn phước đấy con ạ. Kiếp xưa có lẽ con khéo léo
tu hành lắm đó, nên kiếp này mới gặp gỡ được thằng Mít (…) đến như con là đứa
nghiêm trang nghiêm túc như thế mà nó chỉ la cà cày bừa trên bụng con đôi lần
mà kết quả huy hoàng rực rỡ chói lòa thì đủ biết tài năng cày sâu cuốc bẫm của nó…
Ha ha ha! Mẹ giao luôn cho nó cái khu vườn tược ba mẫu này để nó chăm sóc trồng
dâu, trồng dừa: Ùn lên ngọn nước bốn mùa. Núi phơ phất tuyết, cổng chùa tịch
liêu. Hai hàng phượng đỏ giấn liều. Đứa con gay cấn một chiều chửa hoang. Ha ha
ha!!! Mẹ sắp có cháu ngoại để o bế o bồng rất mực bồng bế o o !!!”.
2. Người vợ của Bùi Giáng:
Đọc
thơ Bùi Giáng, người ta nghĩ ông chỉ có những tình yêu viễn mộng. Ít ai biết
ông đã có một người vợ đẹp và những bài thơ tình hay nhất của ông là dành cho
vợ. Người phụ nữ ấy chỉ sống với ông trên đời có 3 năm. Hình tượng của bà và
tình thương yêu, tiếc nuối ông dành cho bà là nội dung chủ đạo trong 4 tập thơ
của ông: Mưa nguồn, Lá hoa cồn, Ngàn thu rớt hột và Màu hoa trên
ngàn (in tại Sài Gòn từ năm 1962 - 1964).
Bùi Giáng được cha mẹ cưới vợ cho năm 1945, khi ông vừa
19 tuổi. Hôn nhân ngày trước thường do cha mẹ đôi bên sắp đặt. Có lẽ, cuộc hôn
nhân của Bùi Giáng cũng không đi ra ngoài quy ước đó. Người phụ nữ giữ nhà thờ
tộc Bùi xác nhận: “Chị Bùi Giáng về làm dâu nhà ông bà bác tôi (cụ Bùi Thuyên
và bà Huỳnh Thị Kiền - cha mẹ ông Bùi Giáng) năm 18 tuổi. Chị là người Duy
Xuyên, đẹp lắm, tóc dài da trắng cái chi cũng đẹp. Tên thật của chị là Vạn
Ninh”.
Tất
cả thành viên trong gia đình đều quý yêu bà chị dâu trẻ. Ông Bùi Luân - em ruột
Bùi Giáng - tỏ lòng quý mến của mình với người chị dâu trong tập thơ Chớp biển
của Bùi Giáng in tại Canada năm 1996: “Phải nhận là chị xinh đẹp, cởi mở, vui
tính, hồn nhiên… Gương mặt chị, hình ảnh chị đã nổi bật, sáng ngời mãi trong ký
ức tôi. Duy có điều bất cứ ai, dù không biết gì nhiều về tướng số, gặp chị là
cũng nhận ra ngay: Chị không thể ở lâu với chúng ta trên cõi đời này, dù cõi
đời vốn đã ngắn ngủi. Lấy chồng được ba năm, chị đã đột ngột lìa đời lúc mới
ngoài hai mươi tuổi… Chị trút hơi thở một cách bình thản”.
Vợ
chồng Bùi Giáng được cha mẹ cho một khu vườn đẹp ở làng Trung Phước để lập
nghiệp. Trung Phước là thung lũng trù phú ven sông Thu, kế cận mỏ than huyện
Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam ngày nay. Làng Trung Phước cách Thanh Châu trên dưới
ba chục cây số. Có lẽ cuộc hôn nhân của lứa đôi trẻ trung này giữa miền đất
Trung Phước không được êm ấm cho lắm. Ông Bùi Luân viết tiếp: “Chỉ một thời
gian ngắn sau ngày cưới, người vợ trẻ đã phải lặn lội từ cái thung lũng ngoạn
mục nhất đó, xuôi sông Thu Bồn êm đềm với ngàn dâu xanh ngát, về nhà bố mẹ
chồng ở Thanh Châu cách hàng mấy chục cây số. Trên chiếc đò bé nhỏ, chàng trai
nói với người vợ trẻ: Nếu em không đổi ý quay về, không bỏ qua chuyện cũ
thì tôi sẽ… nhảy ra khỏi đò!
Khách xuôi đò tưởng người con trai đùa dọa
người vợ mảnh dẻ. Để nguyên quần áo, ngay lập tức anh mình gieo xuống giữa dòng
sông Thu. Và bơi theo đò. Để rồi thả trôi theo dòng nước hết chỗ mấy chục cây
số đó, tới tận bến nhà”.
“Bỏ
qua chuyện cũ” là chuyện gì? Đó là một chuyện hết sức tức cười và trẻ con. Ông
Bùi Luân tiết lộ: “Cô con dâu đứng bên bà mẹ chồng sụt sùi: Anh cho con ăn toàn
khoai lang và rau luộc. Anh không cho con mua cá mua thịt…”. Thì ra, Bùi Giáng
đã… đi trước thời đại chúng ta về chủ trương… ăn chay. Ông hiểu một cách tuyệt
đối thế nào đó về ẩm thực dưỡng sinh, nên chỉ thuận cho cô vợ ăn rau cải, củ
quả mà không cho phép bà ăn gà, bò - hai món thịt ngon nhất của vùng Trung
Phước.
Người
vợ qua đời năm 1948 khi Bùi Giáng vắng nhà. Ông Bùi Luân viết tiếp: “Phút lâm
chung, chị không thấy mặt chồng… Tôi chỉ biết là anh có mặt vào phút chót của
buổi tiễn đưa chị về nơi an nghỉ cuối cùng - anh đứng bên cạnh chiếc quan tài
với vành khăn trắng trên đầu”.
Bùi
Giáng yêu vợ nhưng vẫn muốn… bỏ nhà đi chơi. Cũng bình thường như bao nhiêu
người đàn ông Quảng Nam lãng mạn khi xa vợ, Bùi Giáng có thể gặp gỡ, giao lưu
với những người phụ nữ khác và nhận ra họ vượt trội vợ ông về một vài phương
diện nào đó. Thế nhưng, tình yêu và nỗi xót xa dành cho người vợ ở quê nhà thì
rất đỗi mặn mà, vô cùng tha thiết: “Mình ơi, tôi gọi bằng nhà/ Nhà ơi, tôi gọi
mình là nhà tôi”.
Hai
năm sau cái chết của người vợ trẻ, ông dẫn một bầy dê lên Nông Sơn chăn thả,
ngao du qua những đồi núi, suối khe mơ màng để nhớ thương vợ. Hai năm sau đó
nữa, ông gửi bầy dê lại cho… chuồn chuồn và châu chấu, bỏ quê nhà đi chơi tiếp.
Ở đâu, ông cũng phục hiện những hình ảnh yêu dấu xưa. Bài thơ nhớ vợ có một
không khí rất đỗi bi ai, tràn đầy hoài cảm: “Em
chết bên bờ lúa. Để lại trên lối mòn. Một dấu chân bước của. Một bàn chân bé
con! Anh qua trời cao nguyên. Nhìn mây buồn bữa nọ. Gió cuồng mưa khóc điên.
Trăng cuồng khuya trốn gió. Mười năm sau xuống ruộng. Đếm lại lúa bờ liền. Máu
trong mình mòn ruỗng. Xương trong mình rả riêng. Anh đi về đô hội. Ngắm phố thị
mơ màng. Anh vùi thân trong tội lỗi. Chợt đêm nào, gió bờ nọ bay sang”.
Bùi
Giáng bỏ cố quận ra đi biền biệt. Ra đi nhưng ông vẫn nhớ, đến tha thiết não
nùng. Nhớ nhưng ông không dám trở về bởi nơi nào ở cố quận cũng nhắc ông nghĩ
đến tình yêu của người vợ khổ.
Ông
gọi bà với nhiều tên gọi khác nhau. Đầu tiên, bà được gọi là “gái trần gian”.
Ông có thể gặp gỡ, cười đùa, tán tỉnh cả trăm người phụ nữ khác nhưng lòng ông
chỉ yêu và chỉ nhớ mỗi mình bà, đặc biệt những khi ông còn lại một mình, đối
mặt với chính tâm thức cô đơn của mình: “Đùa với Tuyết, giỡn với Vân. Một mình
nhớ mãi gái trần gian xa. Sương buổi sớm, nắng chiều tà. Trăm năm hồng lệ có là
bao nhiêu?”.
Thứ
hai, ông gọi bà là “con mọi nhỏ”. Người Duy Xuyên có lệ thương yêu ai thì gọi
người ấy là “con mọi”, “thằng mọi”. Tôi lấy làm tiếc khi có vài người nghiên
cứu văn học hiểu nhầm chữ “mọi” trong thơ Bùi Giáng: “Mọi em là mọi sương xuân.
Ban sơ núi đỏ chào mừng non xanh”. Thơ ông viết cho “con mọi nhỏ” của mình tràn
đầy nỗi thương xót và tình yêu dấu: “Giờ ly biệt, ta xin em đừng khóc. Nào phải
không? Lệ chảy có vui gì? Trang phượng mở giữa nguồn em hãy đọc. Nước xuôi
dòng, ngàn thu hận ra đi”.
Ông
phong tặng người vợ của mình - con mọi nhỏ, lên thành mẹ của giang san: “Em
thành Mẹ của giang san. Em là thần nữ đoạn trường chở che”. Thơ ông viết cho vợ
càng lúc càng trang trọng. Tất cả cái mẫu tính dịu dàng, hồn nhiên, tươi đẹp,
đôn hậu toát lên từ con người của bà Bùi Giáng khiến ông cảm phục vợ. Từ một
con người cụ thể, mảnh mai, bà vụt trở thành hình tượng cao quý nhất trong lòng
ông, trong thơ ông: “Em thuyền quyên ban mưa móc xum xuê. Em rắc gieo khắp xứ
sở bốn bề. Suốt địa hạt tình quê hương ba ngõ. Anh quỳ xuống gọi em: Em mọi
nhỏ”.
Lắm
khi ở phương xa, ông nhớ cố quận. Qua mấy mươi năm, hình ảnh người vợ trẻ, hiền
ngoan ấy vẫn sống trong lòng ông. Ông uống trà giữa Sài Gòn mà hình ảnh của bà
ngày xưa ở Quảng Nam như hiển hiện trước mắt: “Trung niên thi sĩ uống trà. Thưa
em mọi nhỏ, em đà uống chưa?”. Một nửa cuộc đời ông, một nửa trái tim ông dành
để nhớ bà.
Vũ Đức Sao Biển
3. Ai đưa Bùi Giáng vào nhà thương điên ?
Không
chỉ là một giọng thơ lạ lùng, cuộc đời Bùi Giáng cũng có vô số chuyện lạ lùng bởi ông “chẳng
sống theo thời thế, mà chỉ biết sống từ cõi văn nghệ lúy túy càn khôn”. .
“Vào
những năm đầu tiên của thập niên 1960, bác Giáng viết rất nhiều, gần như không
có ngày nào dừng bút, bản thảo dày lên chưa kịp in thì xảy ra vụ cháy nhà nơi
bác đang ở trên đường Phan Thanh Giản, nay là đường Điện Biên Phủ, khiến bao
nhiêu bản thảo cháy rụi. Bác nói với tôi là tao quá tiếc và đau đớn nhất là
công trình biên soạn về truyện Kiều ròng rã suốt 3 năm trời đã thành tro, làm
tao buồn quá bỏ hết để rong chơi khắp lục tỉnh, sông nước kênh rạch chỗ nào có
dịp là tao tới.
Khi
về, thì Tòa đại sứ Pháp và Tòa đại sứ Đức ở Sài Gòn có mời tao đến hỏi thăm, họ
nói nếu tao cần sách gì họ sẽ mang tặng không đòi một đồng nào. Nhưng nhà cháy
rồi, lấy sách của Pháp của Đức về cũng không có chỗ để, nên tao cám ơn rồi từ
chối, không nhận. Thế nhưng hai tòa đại sứ kia không biết thế nào vẫn lại tìm
cách gửi đến tao mấy thùng sách quý của các tác giả nổi danh ở nước họ và trên
thế giới. Tao đành phải nhận nhưng không biết cất nơi nào nên tao mới đến gặp
ông chủ (tạm giấu tên) của NXB VT để vui vẻ tặng lại cho ông ta. Nhưng ông ta
không nhận, vì ông nói người Pháp người Đức tặng cho anh toàn sách quý, nếu anh
không có chỗ cất vì nhà đã cháy, thì tôi chỉ giữ giùm, khi nào anh cần đến nói
là tôi giao lại cho anh. Tao vui vẻ ra về.
Đến
không lâu sau tao kẹt quá, không có tiền đủ để ăn cơm bình dân và uống la-de
con cọp chai loại lớn nên tao đến gặp ông chủ NXB kia để nhận lại số sách đã
gửi. Nhưng kỳ cục là khi tao đến lấy, thì ông ta không giữ lời, nhất định không
chịu trả. Tao nhắc lại là tại sao khi tao tặng thì không nhận, nói giữ giùm,
bây chừ đến lấy tại sao lại không đưa? Ông ta cứ một mực tỉnh bơ, không trả.
Tao nổi điên tao chửi một trận, rồi tao về. Bước ra ngoài đường tao thấy chiếc
xe hơi kiểu Nhật sang trọng của ông chủ đó đang đậu trước nhà, luôn tiện tức
quá tao lượm một cục đá xanh thiệt to ném thẳng vào chiếc xe đó cho hả giận, ai
dè nó bể cái kính xe, mà lúc đó chiếc xe trị giá cả bạc triệu. Ông ta chạy ra
thì sự đã rồi, vừa tiếc của, vừa giận tao lắm, mới điện thoại cho thằng em ruột
của tao (không nêu tên) lúc ấy là sĩ quan của quân đội ông Thiệu đến mắng vốn
và để chở tao về. Khi về đến nhà, thằng em ruột của tao ngao ngán nhìn tao và
có lẽ nhớ đến chiếc xe đắt giá bị bể kiếng rồi sợ rằng tao ở trong nhà nó có
thể cũng sẽ gây ra cảnh tương tự như thế. Nói trắng ra là thằng em tao với đứa
con gái út của nó chắc hẳn nghĩ rằng tao điên nên đã cùng nói với tao là thôi
để ngày mai tụi em chở anh về Vũng Tàu vài hôm nghỉ mát cho khỏe người tĩnh trí
anh à. Tao cứ tưởng thật nên sáng hôm sau ngồi lên xe cho chúng chở đi về Vũng
Tàu. Nào ngờ đến Biên Hòa tụi nó đã chở thẳng tao vào nhà thương điên để gửi,
tao có nói gì đi nữa thì bọn “cai ngục” chung quanh cũng chẳng ai tin, mi thấy
có đắng họng không?”. Về sau ông viết mấy câu: “Gặp người tôi tưởng người điên
- gặp tôi tôi tưởng tôi điên như người”…
“Bùi
Giáng chưa bao giờ điên. Cũng như anh chẳng bao giờ giả điên. Càng chưa bao giờ
Bùi Giáng bất mãn trước bất cứ thời thế nào. Bởi lẽ dễ hiểu là Bùi Giáng chẳng
sống theo thời thế, mà chỉ biết sống từ cõi văn nghệ lúy túy càn khôn của anh.
Thời kỳ của Bùi Giáng bộc phát ra bên ngoài mà chúng ta gọi là điên, ấy là thời
kỳ tĩnh tại và hưng phấn cùng độ của người nghệ sĩ. Tất cả lẽ chân thiện mỹ của
nghệ thuật thi ca từ nhiều đời nhiều kiếp đều dồn về lúc đó… Bây giờ người thi
sĩ này chỉ còn một cách duy nhất để sáng tác nguồn cảm hứng kia là sống. Sống
dạt dào - sống nóng hổi tươi mới. Sống và sống là thi ca tràn đầy trong
thiên nhiên, trong tình cảm và giữa vạn loài. Ôi thời gian là thực chất mới mẻ
đang dâng hiến, dâng hiến bất tuyệt cho người, cho ta, cho cây cỏ, cho nắng
mưa, cho rượu chè, cho phở tái, cho tình yêu chan chứa giữa lòng nhau mà đau
khổ càng rõ nét, càng vút cao tính khoan hòa thánh thiện… Tính cách này đạo
Thiền gọi là phỉ lạc, Bùi Giáng gọi là Niết bàn của thi sĩ…”.
Trần Đới (Thích
Thông Bác)
4. Cuốn sổ nợ "đoạn trường":
Chúng
tôi đến ngôi nhà cũ Bùi Giáng ở nhiều năm trước lúc qua đời và được gia đình
cho xem các cuốn sổ nợ do chính ông ghi từ 1993 đến 1998.
Trong
đó, ông thường ghi nợ ở một quán mở gần nhà (nằm trong con hẻm đường Lê Quang
Định), chủ quán là ông Tốt rất “từ bi”, hễ Bùi Giáng uống rượu chịu bao nhiêu
vẫn cứ để ghi sổ dài dài, nên cuối năm 1997, giáp Tết Mậu Dần 1998 (năm Bùi
Giáng mất), đã viết mấy câu vào sổ nợ: “Bài thơ thân tặng Đại ca/Kính thưa ông
Tốt là cha thằng Bùi khùng”.
Nghe
nói ông Tốt đã xin Bùi Giáng đừng gọi ông ta bằng “cha” mà ông ta sẽ bị tổn
thọ. Song Bùi Giáng bác bỏ, nói biết đâu kiếp trước, kiếp xưa, kiếp xa “ngài”
đã mấy triệu lần làm cha “Bùi” này rồi. Chiều 30 tết, gia đình ra trả nợ để lấy
cuốn sổ ấy về, thay vào cuốn sổ mới, Bùi Giáng lập tức ghi mở hàng: “Trả
xong món nợ láng giềng/ Lòng vui phơi phới tháng giêng Mậu Dần”.
Nhưng
chỉ vài giờ sau giao thừa, Bùi Giáng lại xuất hiện trước cửa ông Tốt “đạp đất”
để khai bút đầu năm vào sổ, thiếu “một ngàn rưỡi ngày nguyên đán”. Mồng hai,
mồng ba cũng vậy, đến: “hôm nay mồng bốn tháng giêng/ hai ngàn nợ này - say
rượu suốt hoài trăm năm” và kéo dài gần hết tháng giêng: “sau tết 20 ngày nợ
hai ngàn rưỡi” và “sau tết 22 ngày/ nợ nơi này hai ngàn rưỡi”… Điều khác người,
là tiền nợ ông ghi bằng chữ chứ không ghi bằng số.
Cũng
có chỗ nợ chỉ năm ngàn nhưng ông ghi: “nợ nần năm triệu” với chú thích rõ bên
dưới: “tức là năm ngàn Việt Nam”. Có lần ông Tốt méc với gia đình là bác Giáng
ngồi uống rượu ngoài quán la hét rằng làm vua, làm tổng thống, làm chủ tịch
nước không sướng bằng ông Tốt sinh ra để suốt đời bán rượu cho thằng khùng, đúng
như ông đã viết trong sổ nợ: “Muôn thu thiên thượng lâu đài/ không bằng bán
rượu lai rai cho thằng khùng - năm ngàn hôm nay - giờ này số dzách - 1998
January”. Có những câu khá buồn: “Tháng năm sắp đổi sắp dời/ Một mình ngồi uống
biết mời mọc ai/ Chỉ còn cô độc đeo đai...” . Những câu ấy nhắc chúng tôi nhớ
lại tham luận của GS-TS Huỳnh Như Phương mới đây tại Tọa đàm khoa học về Bùi
Giáng có đoạn đại ý nói rằng tọa đàm mở ra ngoài các mục đích nghiên cứu khoa
học, còn được xem là lời xin lỗi với vong linh Bùi Giáng về nhiều năm đã “bỏ
quên” ông…
Trong
“sổ đoạn trường” ấy Bùi Giáng cũng nói trước về ngày ra đi của mình: “Nợ nần
ông trả từ nay/ Về sau ắt sẽ còn đâu nợ nần”. Thật ra, chính chúng ta nợ ông
rất nhiều. Món nợ lớn nhất (chưa nói đến giá trị văn chương và tư tưởng độc đáo
của ông), là nguồn vui lạ lùng mà cuộc sống lang thang của ông đã lan tỏa ra
ngoài, không hề tính toán và đòi hỏi gì, như Huy Tưởng đã viết và đọc cách đây
đúng 15 năm trong giờ vĩnh biệt: “anh Bùi Giáng đã dấn mình một cách hiên ngang
và khốc liệt vào cõi Thơ ca, TẬN HIẾN hết cả đời mình cho duy-nhất-thơ-ca (…)
tận hiến mà không hề nhận lại một sự bù đắp đối đãi nào của nhân thế, trút gởi
hết thảy xương máu và hồn phách, lưu lại ở đời như vay tạm một hình cốt mong
manh bi thiết và mộng mị. Hình ảnh đắm chìm của tận hiến hung hiểm đó chính là
một tượng đài vĩ đại đến khủng khiếp của thiên tài thơ Bùi Giáng (…) Xin vĩnh
biệt anh Bùi Giáng yêu kính. Cầu cho hồn anh được siêu sinh tịnh độ, nương theo
mây trắng mà về lại với quê nhà, tiếp tục rong ruổi vui chơi trên cõi trời Đâu
suất…”.
Thật
vậy, ông đã mang “những hạt nắng bảy màu” đến với nhân sinh cùng tiếng cười vui
bất ngờ đâu đó: “Cái vui ấy ông đã ban tặng cho đời mãi đến ngàn sau, không
những bằng ngôn từ mà cả bằng thân xác” (Thích Nhuận Châu) - và nay ông đã về
“cố quận” (như chữ ông thường dùng) để lại mấy câu da diết: “Đất hoa khóc vĩnh
biệt người/ Ngàn cây cố quận đôi lời sương thu”.
Thanh Niên
5. Đạt đạo cõi thơ:
Lão
thi sĩ Trần Đới, 82 tuổi - tác giả thi phẩm Tảo mộ lênh đênh, đã nói chuyện với chúng tôi một cách say mê về
Bùi Giáng, mở đầu vỏn vẹn với bốn chữ Bùi Giáng đạt đạo.
Đạt
đạo như thế nào? Nghe hỏi, Trần Đới nói với giọng khá to:
-
Đạt đạo ở chữ “mỹ”. Có người vào đạo qua chữ “chân”, hoặc chữ “thiện”, còn Bùi
Giáng đạt đạo ở cõi thơ tức vào đạo qua chữ “mỹ”. Giống như muốn vào một thành
phố có nhiều cửa, người ta chỉ cần vào một cửa là được - Bùi Giáng đã theo cửa
“mỹ” ấy để vào, thì cả “chân” và “thiện” cũng thành tựu một lần theo bước chân
ông.
Trần
Đới nói: “Mình bắt đầu quen Bùi Giáng tại Đại học Vạn Hạnh - Sài Gòn năm 1972”,
lúc ấy đại học này quy tụ một số tài danh thi văn như Phạm Công Thiện, Phạm
Thiên Thư, Tuệ Sỹ, Trần Xuân Kiêm… Những ngày sống với Bùi Giáng tại một căn
phòng vừa rộng vừa trống trải tại Tổng vụ thanh niên Phật tử, mỗi sáng hễ rủng
rỉnh vài ba đồng trong túi là họ kéo qua quán phở Vũ Hùng gần đó ăn, xong về
nằm “mỗi người làm việc của mình” trên những cái giường sắt trải nệm vừa cũ vừa
mòn, nhưng có thể nhún nhảy tha hồ nhờ đám lò xo bên dưới. Chính ở đó Trần Đới
đã làm thơ rồi đưa Bùi Giáng đọc, có lần Bùi Giáng đọc xong đã nhắc ông hãy
tránh lối nói đao to búa lớn: “Chuyện như kia mà nói lời như thế, đó là lời tục
tĩu của bọn phàm phu muốn bắt chước các ông thánh. Siêu thực không phải chỉ là
chuyện ở trên mây. Càng không nên bắt chước lối nói của Phật, Chúa, Khổng, Lão.
Phật, Chúa, Khổng, Lão đang nằm nhún nhảy, giỡn cười và hút thuốc trên giường
đây nè! Chú mày hãy nghe tiếng cút kít của chiếc giường và nhận ra pháp âm của
đạo. Ngôn ngữ của thi ca là cảm tính đi trước, tư tưởng đi sau…”. Và muốn làm
thơ lục bát nên đọc và ngẫm các câu: “Đồn xa quằn quại bóng cờ/Phất phơ buồn tự
thời xưa trở về… Người lên ngựa kẻ chia bào/Rừng phong thu đã nhuốm màu quan
san… Cặp trên của ai vậy anh? - Huy Cận. - Dưới thì Kiều… - Ừ. - Rứa còn của
anh? câu nào mà anh cho là đạt nhất? - Ông lộn xộn hoài… Muốn gì đấy? Mưa nguồn
và Lá. Nhưng đọc xong thì quên tuốt mẹ nó đi. Hãy quên, tất cả những gì mà từ
trước đến nay đã biết. Hãy quên đi rồi hãy viết. Hãy viết như viết trong chiêm
bao: nơi đó mọi thứ đã trộn lẫn. Một thứ trộn lẫn đầy cảm động và mãnh liệt.
Đừng có chằm hăm vào một cái gì, một đưa chúng tôi xem tập san kỷ niệm Bùi
Giáng in đã lâu nhưng chỉ phổ biến rất hạn chế trong vòng thân hữu chứ chưa
rộng rãi và bảo chúng tôi nếu thấy được hãy trích giới thiệu với bạn đọc trẻ
ngày nay, trong đó có đoạn Trần Đới hỏi: “- Lô hỏa thuần thanh là chi rứa
anh Bùi?” - “Ngọn lửa đã xanh… Lửa đã xanh thì tươi mát như ngọn lá đa
mới nở. Nhưng sức nóng mãnh liệt của nó xuyên thủng bất cứ thứ cứng rắn
nào”. Trần Đới cũng nhắc đến một người: Phạm Mạnh Hiên - tác giả của một
bài viết khác trong tập san trên, trích dưới đây:
“Tôi
nhớ năm 1973, nhà văn Mai Thảo (đã chết ở Mỹ) và Nguyễn Xuân Hoàng lúc đó đang
trông coi tập san Văn có ý muốn làm số đặc biệt về Bùi Giáng. Tôi vốn mê thơ
Bùi Giáng từ lâu, dù chưa được gặp anh, tôi xăng xái viết cho Văn một lúc hai
bài (ký bút danh Nam Chữ và Thục Khưu). Báo ra, một bữa tôi đến tòa soạn lãnh
nhuận bút, bất ngờ gặp Bùi Giáng ở đấy. Sau lời giới thiệu của N.X.H rồi cùng
kéo nhau ra quán cóc bên hông tòa soạn uống lave. Thế là tôi đã được gặp Bùi
Giáng, một Bùi Giáng bằng xương bằng thịt hẳn hoi! Tôi cảm thấy vô cùng mãn
nguyện đồng thời cảm thấy nhỏ bé trước anh vô cùng. Từ đó giữa anh Bùi Giáng và
tôi trở nên thân thiết. Anh Bùi Giáng ở một góc nhỏ trong căn phòng rộng với
vài vị sư khác trong Viện đại học Vạn Hạnh. Tôi thường lên anh chơi. “Tài sản”
của anh chỉ có chiếc giường sắt cá nhân, manh chiếu mỏng, dưới gầm giường lủ
khủ đủ thứ loại sách. Tôi rất ngạc nhiên, sau bao nhiêu năm thân thiết với anh,
chẳng bao giờ tôi thấy anh ngồi bàn viết (mà bên chỗ anh nghỉ ngơi cũng không
có chiếc bàn chiếc ghế nào). Lúc nào anh cũng nằm ngửa viết, nằm ngửa đọc trên
chiếc giường cá nhân của mình. Anh viết nhanh, viết nhiều bằng những cuốn vở
tập học sinh, những cuốn sổ dày kẻ ca-rô. Tôi thường cùng anh ngao du khắp Sài
Gòn, Chợ Lớn, bất kể đêm ngày. Những lúc đó tôi thấy anh làm thơ sao mà dễ
dàng, ngồi đứng gì chữ cũng cứ theo ngòi bút trên tay anh trào ra ào ạt. Anh
làm thơ bất cứ đâu, bất cứ chỗ nào, miễn là trên tay anh có bút giấy hay những
trang sách nào đó cũng được, đặc biệt sách nào anh đọc qua đều thấy chằng chịt
những ghi chú lẫn cả thơ anh viết. Được đi ngao du với anh như thế cũng là đã
lắm rồi. Có lần say ngất ngưởng, sáng tỉnh dậy, thấy mình đang nằm ở vỉa hè. Thú
vị xen lẫn với ngỡ ngàng, ngơ ngác!”.
6. Bùi Giáng nổi giận trong sân chùa:
Những
“ngày tháng ngao du” đây đó, Bùi Giáng thường dừng chân ở các ngôi chùa và quen biết
đàm đạo với rất nhiều vị thiền sư, tăng ni, cư sĩ cũng như các nhà nghiên cứu
Phật học ở Sài Gòn...
Trong
chồng bản thảo dày cộm chưa in của ông, gia đình đọc thấy bài “kính gởi Hạnh
Thanh ni cô thượng thừa”, với câu: “Người qua tôi cũng đi qua/Người dừng tôi
cũng qua loa tạm dừng” - và một số khác nữa gửi những gốc Bồ đề và các “nhà sư
vướng lụy”.
Nhắc
đến duyên nợ thắm thiết giữa nhà thơ với nhà chùa, nhà văn Nguyễn Mộng Giác cho
là tinh thần vô chấp của đạo Phật “rất thích hợp với khát vọng suy nghĩ và sáng
tạo tự do của văn nghệ sĩ. Nhà thơ vào chùa thoải mái, không bị ngăn chặn cửa
thu thẻ căn cước, khỏi phải rón rén bước đi vì kinh sợ đấng thần linh (...)
đúng là chỗ an trú lý tưởng của các nhà thơ, khi họ cần một chỗ trú. Vì thế,
Phạm Công Thiện là khách quý của khắp các chùa lớn, chùa nhỏ ở Việt Nam và ở
hải ngoại. Nguyễn Tất Nhiên lái xe đến chùa trước khi quyết định từ giã cõi
đời. Và Bùi Giáng trong suốt cuộc chơi lớn với đời vẫn xem chùa chiền là nơi
dừng nghỉ thoải mái”.
Đúng,
quanh năm, Bùi Giáng đã đến rất nhiều ngôi chùa trên đường lang thang của mình,
như Huệ Nghiêm ở Bình Chánh, Huỳnh Kim ở Gò Vấp, Quán Thế Âm ở Phú Nhuận, đi bộ
tới những chùa xa so với chỗ ở của ông như chùa Trúc Lâm ở chợ Cây Quéo, gần
hơn như Pháp Hoa, Pháp Vân, Pháp Trí, Pháp Võ, lang thang khi ở Giác Lâm, Giác
Viên, lúc nằm tại thiền viện Quảng Đức, hoặc ngồi nghỉ dưới gốc mai già 100 năm
ở chùa Gò (Phụng Sơn). Sau này, khoảng hơn 15 năm cuối đời, ông thường lui tới
các chùa gần hẻm nhà ông đang ở lúc ấy trên đường Lê Quang Định, như chùa Già
Lam - nơi có phòng bán kinh sách - để “mua chịu” những tác phẩm do chính ông
viết được tái bản, có giấy nợ ghi: “Nợ O Thêm chùa Già Lam 4 cuốn: Mưa nguồn,
Cõi người ta, Ngộ nhận (và Hán Tự Bài Cú). Tất cả tổng cộng là 45 ngàn”. Chính
ở đây, ông đã một lần nổi giận la hét. Nguyên sân chùa Già Lam có trồng một cây
y sa trổ bông màu vàng nghệ như màu áo cà sa của các vị sư. Thấy hoa đẹp, Bùi
Giáng lượm một vài bông rụng quanh gốc đưa lên miệng, vừa hôn hoa, vừa hớn hở
cười lớn, mừng rỡ như gặp “người thân” xa xưa. Một phật tử nói: “Bác không được
ồn ào như thế”. Ông hỏi lại: “Tại sao?”. Người kia đáp: “Vì Phật dạy không
nên”. Ông bừng bừng nổi giận: “Phật dạy lúc nào? Ở đâu? Với ai?”.
Rồi
ông mắng một tràng rằng, không nên lặp lại lời của Phật như con vẹt, là vì Phật
thuyết không chỉ tám vạn bốn ngàn pháp môn, mà cả triệu triệu tỉ tỉ và vô lượng
pháp môn, mỗi môn tùy người nói, chứ không phải bất cứ ai Phật cũng nói như
nhau. Cảnh này, chỗ Già Lam này, lúc này, không nên “trụ” vào lời Phật cách đây
đã hơn 2.000 năm trước để nói năng hoạnh họe như rứa. Hãy về nhà bán hết gia
tài để mua cuốn Tư tưởng hiện đại của “thằng Giáng tên Bùi về đọc thì
sẽ hiểu được điều đó chút ít!”. Cuốn Tư tưởng hiện đại của Bùi Giáng
giảng giải về tư tưởng Kierkegaard - Malraux - Jaspers - Heidegger - với phần
phụ lục khá quan trọng: “muốn đi vào cõi thơ Bùi Giáng và hiểu những nét thâm
hậu nhưng bay bướm của ông thì không thể không đọc phần phụ lục ấy” - sa môn
Huệ Thiện nhận xét như thế. Vì lẽ trên, chúng tôi trân trọng trích ra đây đoạn
văn của Bùi Giáng viết với ngôi xưng “tao” để trách mắng “chúng” nào đó, như
kiểu ông nổi giận trên sân chùa Già Lam hôm nào: “Krishnamurti không phải là
không biết chịu chơi, nhưng lúc chúng nó dòm qua phía Tây Phương và xô bồ công
kích, chúng nó không phân biệt chân và giả, chúng nó tư tưởng một chiều, chúng
nó không nhận ra sự hóa thân thiên hình vạn trạng của chư vị Bồ Tát cùng những
vô lượng phương tiện lực trong xảo mật ngữ. Chỗ ngu si cốt yếu của chúng là:
chúng quên mất rằng cái đường cày, cái lối cuốc, cái hột giống gieo ra, phải
thuận theo mảnh đất. Cày cuốc trên đất núi không như cày cuốc trên đất phù sa,
cấy lúa trên đất phù sa không như cấy lúa giữa thành phố, chăn bò ở giữa núi
không giống phép chăn bò ở giữa đồng bằng với những ruộng lúa ruộng ngô nằm mấp
mé bên đồng cỏ (và bất cứ lúc nào tứ chi con bò cũng có thể nhảy vọt từ đồng cỏ
xuống ruộng đồng). Không một thằng tư tưởng Đông Phương nào ngày nay còn có thể
nhìn ra Shakespeare trụ tại chỗ nào trong Bát Nhã Hoa Nghiêm để lập thuyết (mà
riêng cái lối dịch L’Immoraliste của Đười Ươi đã mật nhiên khẩn thiết đáp vào).
Trong đời tao quả thật tao chưa gặp một thằng học giả nào có được chút trí tuệ
tối thiểu của kẻ chăn bò và người cày ruộng. Chúng nó ru rú rút vào căn phòng
ngăn nắp tôn sùng Bồ Đề Đạt Ma, Long Thọ Bồ Tát, nhưng nếu cũng ông Bồ Tát ấy,
cũng ông Đạt Ma ấy, khoác bộ áo khác, đi lững đững ở một phương trời khác, mà
gặp chúng nó, thì lập thời chúng nó phỉ báng ngay. Hỏi làm sao thế. Chúng đáp:
bởi vì mày không giống ông Đạt Ma Long Thọ của tao tôn thờ. Cõi tư tưởng vẫn
còn rối loạn mãi, chung quy chỉ tại bọn học giả không biết học tập chăn bò, cày
ruộng, trước khi mở mồm mở miệng bi bô”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét