11/10/13

404. ALICE MUNRO - NOBEL VĂN CHƯƠNG 2013

          Trong entry này có các nội dung:

           I. NOBEL VĂN CHƯƠNG 2013: ALICE MUNRO
           II. ĐÁNH GIÁ VỀ NOBEL VĂN CHƯƠNG 2013
           III. NHỮNG NHẬN ĐỊNH VỀ ALICE MUNRO
          IV. Ý KIẾN TRÁI CHIỀU: NOBEL VC 2013 LÀ MỘT TRÒ ĐÙA
           V.  TRUYỆN NGẮN "TRỐN CHẠY"  
           VI. GIỚI THIỆU VỀ TRUYỆN NGẮN "TRỐN CHẠY"
                              ***
           
           I. NOBEL VĂN CHƯƠNG 2013

         Mộc Nhân - tổng hợp từ nguồn BBC, RFI
         
Alice Munro, nhà văn Canada
Nobel Văn chương 2013
Alice Munro, một nhà văn Canada 82 tuổi, nổi tiếng nhờ truyện ngắn, được trao giải Nobel Văn học hôm thứ Năm. Ủy ban Nobel Thụy Điển vào đúng 1 giờ trưa ngày 10/10/2013 thông báo ngắn gọn: Giải thưởng Văn học 2013 được trao về tay nhà văn Canada Alice Munro, Viện Hàn lâm Thụy Điển gọi bà là “bậc thầy của truyện ngắn đương đại”. Đây là lần đầu tiên giải Nobel Văn học vinh danh một nhà văn viết truyện ngắn.
          Năm nay mọi người chờ đợi giải Nobel Văn học 2013 được trao về tay Svetlana Alexievith - nữ văn sĩ Bélarus hay Haruka Murakami - tiểu thuyết gia Nhật Bản thì Ủy ban Nobel Thụy Điển lại bất ngờ vinh danh một tác giả ít được biết đến.  Alice Munro là phụ nữ Canada đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học và là nhà văn nữ thứ 13 có tên trong bảng vàng Nobel từ trước đến nay.
          Bà sinh ngày 10 tháng 7 năm 1931 trong một gia đình có cha là nông dân, mẹ là giáo viên, tại thị trấn Wingham thuộc vùng Ontario, Canada, nơi miền quê vắng vẻ, mọi người phải làm việc vất vả trên những cánh đồng cằn cỗi và thời tiết khắc nghiệt vào mùa đông.
          Năm 1949, sau khi tốt nghiệp phổ thông, bà được học bổng cho phép học ngành báo chí và ngôn ngữ Anh tại đại học Western Ontario. Trong ba năm sinh viên, bà làm nhiều công việc kiếm sống từ bồi bàn, hái thuốc cho tới thủ thư. Cùng thời gian này, bà xuất bản truyện ngắn đầu tiên The Dimensions of a Shadow (tạm dịch "Những chiều kích của cái bóng"). 
          Năm 1968, bà cho ra mắt tập truyện ngắn đầu tay Dance of the Happy Shades (Điệu vũ chiếc bóng hạnh phúc) lập tức thắng giải Governor General’s Award, giải thưởng văn chương cao nhất ở Canada. Thành công tiếp tục đến với bà vào năm 1971 với tiểu thuyết Lives of Girls and Women (Cuộc đời những cô gái và những đàn bà). Cuốn tiểu thuyết được kết lại bằng những truyện ngắn nhỏ có liên quan tới nhau, thực tế, là thể hiện ước mơ của bà khi bắt đầu dấn thân vào đường văn: trở thành tiểu thuyết gia bằng cách thực hành truyện ngắn.
          Trong gần nửa thế kỷ qua, Alice Munro chỉ cho ấn bản chưa đầy 20 tuyển tập truyện ngắn. Hầu hết các sáng tác của bà đều xoay quanh thân phận của những người đàn bà sống ở những thị trấn nhỏ, trong vùng Ontario, Canada. Thành tựu lớn lao của nữ văn sĩ Alice Munro có thể làm ngạc nhiên bất cứ ai về một sự thật kỳ diệu rằng: Chúng được kết tinh từ những điều bình thường nhỏ bé nhờ sự nhạy cảm nơi con tim và một nỗ lực phi thường không ngừng nghỉ của ý chí. Văn phong trong sáng và tinh tế của bà khiến Alice Munro, từ nhiều năm qua được coi là một trong những nhà văn có nhiều triển vọng đoạt giải Nobel nhất trên thế giới.
          Với cách viết tinh tế, súc tích, bố cục chặt chẽ và kết cục khá bất ngờ, bà Alice Munro từng được các nhà phê bình văn học thế giới ví là "hậu duệ của đại văn hào Nga Chekhov", bậc thầy của truyện ngắn thế giới.
          Tác phẩm mới nhất của Alice Munro mang tựa đề "Dear Life" – Cuộc đời yêu mến - được nhiều ý kiến nhìn nhận là đã mang lại một cuộc cách mạng mới cho thể loại truyện ngắn.
         
Nhiều tác phẩm của Alice Munro
đã có mặt tại Việt Nam
Như một phản đề của lối viết cường điệu hóa bi kịch, tất cả những gì bà làm là đi tìm vẻ đẹp lộng lẫy của những cái hàng ngày, chất thơ của những điều bình dị. Thực tế, đây là một bài học vô cùng khó nuốt đối với các nhà văn bởi nó đồng nghĩa với việc phải dấn sâu hơn vào những điều ẩn giấu trong nội tâm. Không chỉ tinh tế trong việc nhìn thấy chúng thể hiện trên ngôn ngữ và hành vi, bà còn giữ cái nhìn không phán xét.
          Nhân vật của bà thường được nhìn nhận và khám phá trong các mối quan hệ mà họ giữ vai trò là những người cha, người mẹ, người chị, người yêu hay người chồng…Trong đó chủ đề về mối quan hệ giữa đàn ông và đàn bà được bà thể hiện trong nhiều truyện ngắn khác nhau. Điển hình như truyện ngắn "Những cơn hứng" mô tả một cặp vợ chồng tưởng đã gần gũi và thân thuộc, vẫn có những khoảnh khắc khiến họ bàng hoàng nhận ra đã không hiểu gì về nhau sau bao năm chung sống.
          Các chủ đề khác được bà quan tâm là bệnh tật và cái chết khiến cuộc sống là một cõi tạm hư vô. Nhiều truyện ngắn của bà cũng thể hiện sự biến ảo và không chắc chắn của ký ức. Cấu trúc truyện ngắn của bà thường đặc biệt bằng cách được bắt đầu ở một địa điểm không xác định nào đó, trước khi quay ngược về quá khứ hoặc đẩy nó tới tương lai, để khi kết thúc chúng luôn trở thành một bức tranh xinh xắn nhỏ bé của đời sống và có lịch sử riêng của chính nó.
          Kể từ năm 1901 đến nay (2013), giải Nobel văn chương đã được trao 106 lần cho 110 tác giả. Đến nay đã có 13 phụ nữ trên thế giới nhận giải Nobel Văn chương trong tổng số 44 phụ nữ được trao giải Nobel ở các lĩnh vực.
          Các giải thưởng Nobel sẽ được trao vào ngày 10/12, kỷ niệm ngày mất của người sáng lập Alfred Nobel năm 1896.
***
       II. ĐÁNH GIÁ VỀ GIẢI NOBEL VĂN CHƯƠNG NĂM 2013
            Nguyễn Hưng Quốc - nguồn VOA

            Giải Nobel văn chương năm nay – trị giá khoảng 1,30 triệu Mỹ kim - được trao cho Alice Munro, nhà văn Canada. Điều đó vừa bất ngờ vừa không có gì đáng… ngạc nhiên.
            Bất ngờ vì trước khi kết quả được công bố, hầu như phần lớn những người quan tâm đến văn học trên thế giới đều tiên đoán giải Nobel năm nay sẽ lọt vào tay hoặc là Haruki Murakami, nhà văn Nhật, hoặc là Joyce Carol Oates, nhà văn Mỹ. Cũng có một số người hy vọng Alice Munro sẽ thắng, nhưng số này khá ít ỏi.
            Hơn nữa, bất ngờ còn vì hình như từ lâu người Canada đã mất hy vọng vào giải Nobel văn chương. Nhớ, năm ngoái, trên tờ Huffington Post, Peter Worthington, đồng sáng lập viên tờ Toronto Sun, đã bày tỏ sự tuyệt vọng của mình đối với giải Nobel văn chương. Ông cho biết Canada đã đoạt được nhiều giải Nobel về y khoa, vật lý, hóa học, tâm lý học và hòa bình nhưng chưa bao giờ nhận được giải Nobel nào về văn chương trong khi phần lớn các quốc gia nói tiếng Anh khác đều có. Mỹ: nhiều. Anh: cũng nhiều. Ireland: cũng nhiều. Ngay cả Úc cũng có được một người: Patrick White (1973). Trong khi đó, Canada: trắng tay. Mấy tháng trước khi giải Nobel văn chương năm 2012 được công bố, đối diện với câu hỏi: liệu lần này Canada có may mắn hơn, Worthington thẳng thắn trả lời: Không. Nhất định là không. 
            Tuy nhiên, khi giải Nobel năm nay được trao cho Alice Munro, hầu như mọi người lại cho điều đó không có gì đáng ngạc nhiên.
            Thứ nhất, người ta đã biết những sự tiên đoán trước giải Nobel thường… sai. Ví dụ, năm 2012, tiên đoán: Haruki Murakami; người đoạn giải: Mạc Ngôn; năm 2011, tiên đoán: Adonis, người đoạt giải: Tomas Transtromer; năm 2010, tiên đoán: Tomas Transtromer, người đoạt giải: Mario Vargas Llosa; năm 2009, tiên đoán: Amos Oz, người đoạt giải: Herta Muller; năm 2008, tiên đoán: Claudio Magris và Adonis, người đoạt giải: Jean-Marie Gustave Le Clézio; năm 2007, tiên đoán: Philip Roth, người đoạt giải: Doris Lessing; năm 2005, tiên đoán: Adonis, người đoạt giải: Harold Pinter; năm 2004, tiên đoán: Adonis, người đoạt giải: Elfriede Jelinek, v.v.. Trong hơn một thập niên vừa qua, hầu như chỉ có một lần duy nhất, sự tiên đoán chính xác, đó là vào năm 2006, khi cả người được tiên đoán và người đoạt giải là một: Orhan Pamuk, người Thổ Nhĩ Kỳ.
            Thứ hai, sau khi nghe giải Nobel văn chương năm nay được công bố, hầu như mọi người đều đồng ý. Giới cầm bút đồng ý. Giới phê bình đồng ý. Đa số độc giả cũng đồng ý. Hiếm khi nào sự đồng ý lại cao đến như vậy. Người ta biết văn chương của Alice Munro ít có những cách tân đáng kể về phương diện kỹ thuật, nhưng dù vậy, bà cũng vẫn được xem là một trong những nhà văn lớn nhất của thời đại. Lớn về phương diện ngôn ngữ với một phong cách diễn tả vừa giản dị vừa độc đáo. Lớn về phương diện tư tưởng: qua những câu chuyện có vẻ bình thường, thậm chí tầm thường, của các phụ nữ lao động sống ở miền quê – thường là vùng Southern Ontario, Alice Munro lột tả những chuyển biến vừa tinh tế vừa phức tạp trong tâm lý cũng như trong quan hệ giữa con người với nhau, từ đó, làm cho cuộc sống hiện ra dưới một góc cạnh khác hẳn, đầy những bí ẩn và nghịch lý, rất hiếm khi được nhận biết.
            Sự đồng thuận trên, thật ra, không có ý nghĩa gì về phương diện văn học hay mỹ học. Trong bài “Ba loại nhà văn” viết sau giải Nobel văn chương năm 2012, nhà văn Phạm Thị Hoài có một ý kiến rất sâu sắc và thú vị: “Tác gia văn chương, chung quy có ba loại. Loại dành cho đồng nghiệp, tác gia của tác giả. Loại dành cho công chúng, tác gia của độc giả. Và loại dành riêng cho sự tự mê hoặc của những tác giả tự phong.” Loại thứ ba, nhiều như cỏ, không đáng bận tâm. Nên chỉ còn hai loại. Loại thứ nhất, kiểu như James Joyce, Kafka, Nabokov, Borges… là những tài năng đặc biệt, có những cách tân đặc biệt, vô cùng hiếm hoi và không thể thay thế được: Không có họ, bản đồ văn học thế giới sẽ khác hẳn. Loại thứ hai, đông hơn, từ Balzac đến Dostoevsky, Sartre, George Orwell, Murakami, v.v.. là những người có tài, tuy nhiên tầm cỡ tài năng của họ thay đổi tùy theo “khí hậu và môi trường văn hóa”. Theo Phạm Thị Hoài, ai trong số này được chọn lựa để trao giải Nobel cũng đều “xứng đáng như nhau”.
            Sự đồng ý hay không đồng ý về người được nhận giải thưởng, do đó, gắn liền với các yếu tố xã hội, văn hóa và tâm lý hơn là thuần túy nghệ thuật. Riêng trong trường hợp của Alice Munro, có lẽ có hai lý do chính: Một, Alice Munro viết tiếng Anh, một ngôn ngữ được xem là “quốc tế”, do đó, đã có một lượng độc giả thật lớn, có lẽ lớn hơn rất nhiều so những nhà văn từng đoạt giải Nobel trong mấy năm vừa qua (chỉ riêng tại Mỹ, số sách bà bán được trước khi giải Nobel được công bố đã trên một triệu cuốn). Hai, xuất phát từ tự ái của những người nói tiếng Anh, cả tác giả lẫn độc giả: sau nhiều năm (!), giải Nobel văn chương lại lọt vào tay một người cầm bút viết tiếng Anh.
            Nói “nhiều năm”, nhưng thật ra, chỉ có năm năm, từ năm 2008 đến 2012. Nhưng với người nói tiếng Anh, năm năm đã là lâu. Nên lưu ý là từ năm 1901 đến 2012, trong số những người đoạt giải Nobel, tính theo ngôn ngữ, tiếng Anh chiếm vị trí cao nhất, với 26 người. Tiếng Pháp và tiếng Đức, cùng đứng hạng thứ hai, chỉ có một nửa: mỗi ngôn ngữ có 13 người. Tính một cách tỉ mỉ hơn, Pháp cao hơn Đức một chút: 13 người rưỡi. Rưỡi, vì Samuel Beckett, người đoạt giải Nobel văn chương năm 1969, vừa viết bằng tiếng Anh vừa viết bằng tiếng Pháp.
            Dư luận không những đồng thuận về sự đúng đắn trong quyết định trao giải Nobel văn chương cho Alice Munro mà còn đồng thuận hơn ở ý nghĩa của việc trao giải lần này.
            Thứ nhất, đó là giải Nobel văn chương đầu tiên dành cho Canada (không kể Saul Bellow, giải Nobel văn chương năm 1976, sinh tại Canada nhưng sang sống ở Mỹ từ năm lên 9, vào quốc tịch Mỹ và được xem là nhà văn Mỹ). Nhiều người cho đó là một sự công nhận cần thiết dù khá muộn màng: Canada có những cây bút tầm cỡ quốc tế, như Margaret Atwood hay Michael Ondaatje (người gốc Sri Lanka), từ lâu được xem là xứng đáng được giải Nobel.
            Thứ hai, Alice Munro là nhà văn nữ thứ 13 được trao giải Nobel về văn chương, sau Selma Lagerlof, người Thụy Điển (1909), Grazia Deledda, người Ý (1926), Sigrid Undset, người Na Uy (1928), Pearl S. Buck, người Mỹ (1938), Gabriela Mistral, người Chile (1945), Nelly Sachs, người Thụy Điển (1966), Nadine Gordimer, người Nam Phi (1991), Toni Morrison, người Mỹ (1993), Wislawa Szymborska, người Ba Lan (1996), Elfriede Jelinek, người Áo (2004), Doris Lessing, người Anh (2007), Herta Muller, người Romania viết tiếng Đức (2009).
            Ngoài việc viết lách, hầu hết các nhà văn nữ vừa kể đều có nghề nghiệp ổn định (phần lớn là dạy học; có người, như Selma Lagerlof, dạy trung học; có người, như Pearl S. Buck, Gabriela Mistral, Nadine Gordimer, và Toni Morrison, dạy đại học, hoặc là các nhà hoạt động chính trị và xã hội, như Nadine Gordimer, Elfriede Jelinek, Doris Lessing…), riêng Alice Munro thì chủ yếu là một người nội trợ. Lập gia đình từ năm 20 tuổi, có con đầu lòng từ năm 21, thoạt đầu, bà giúp chồng trong việc điều hành một tiệm sách, sau, phần lớn thời gian dành cho việc nuôi con và chăm sóc nhà cửa. Bà viết văn những lúc con cái đi học hoặc đi ngủ. Bàn viết của bà được đặt ở một góc phòng ăn, cạnh bếp, nơi bà có thể chạy đến làm việc giữa hai bữa ăn.
            Thứ ba, quan trọng hơn, Alice Munro hầu như là người duy nhất chỉ chuyên về truyện ngắn được trao giải Noel văn chương. 14 cuốn sách của bà là 14 tập truyện ngắn (cuốn Lives of Girls and Women, xuất bản lần đầu năm 1971, thỉnh thoảng được xem là cuốn tiểu thuyết, thật ra, là một chùm truyện ngắn liên kết với nhau).
            Theo lời tiết lộ của Munro, trong một số cuộc phỏng vấn, không phải bà không muốn viết tiểu thuyết. Cũng giống mọi người cầm bút khác, một trong những giấc mơ đầu tiên và lớn nhất trong đời bà là viết tiểu thuyết. Nhưng cuối cùng bà lại viết truyện ngắn. Chỉ viết truyện ngắn. Lý do chính là thời gian. Lúc thực sự đi vào con đường sáng tác, bà có ba con nhỏ phải nuôi và một gia đình phải chăm sóc. Thời ấy lại chưa có máy giặt, máy sấy: Công việc nội trợ lại càng mất nhiều thì giờ. Bà chỉ có thể viết trong những quãng thời gian ít ỏi giữa hai công việc. Trung bình bà thường mất khoảng bảy, tám tháng để hoàn tất một truyện ngắn.
            Dĩ nhiên, sự chọn lựa miễn cưỡng ấy không có gì đáng tiếc. Ở thể loại ấy, bà được đánh giá là Chekhov của Canada. Khi quyết định trao giải thưởng Nobel văn chương cho Munro năm nay, Ban giám khảo cũng nhấn mạnh vào khía cạnh ấy khi tuyên dương bà như một “bậc thầy của truyện ngắn đương đại”. Thật ngắn gọn.
            Sự ngắn gọn ấy cho thấy hai đặc điểm quan trọng trong giải Nobel văn chương năm nay.
            Thứ nhất, người ta không chú ý nhiều đến nội dung. Trước, những lý do được nêu lên thường tập trung vào hiện thực hay tư tưởng, vào ý nghĩa chính trị, xã hội hoặc triết học (ví dụ, với Mạc Ngôn, năm 2012, sự kết hợp giữa chủ nghĩa hiện thực và truyện dân gian cũng như lịch sử; với Tomas Transtromer, bằng những hình ảnh cô đọng mở lối vào hiện thực; với Mario Vargas Llosa, mô tả những cấu trúc quyền lực; với Doris Lessing, phản ánh một nền văn minh bị phân hóa; với Orhan Pamuk, những sự va chạm giữa các nền văn hóa, v.v..). Hậu quả là phần lớn những người được trao giải đều là những người ít nhiều đều dấn thân hoặc, ít nhất, có lý tưởng chính trị hoặc xã hội rõ rệt. Alice Munro là một ngoại lệ: Bà được xem là tác giả ít có màu sắc chính trị nhất.
            Thứ hai, về Alice Munro, bản tin báo chí của Viện Hàn Lâm Thụy Điển chỉ xoáy vào một điểm: nghệ thuật; trong nghệ thuật, chỉ xoáy vào một thể loại: truyện ngắn; và ở thể loại truyện ngắn, chỉ nêu lên một điểm: vị trí của Munro, một bậc thầy. Hết.
            Chính vì thế, một số nhà bình luận cho giải Nobel năm nay không phải chỉ trao cho Alice Munro, cho Canada hay cho phụ nữ mà còn là một giải thưởng lớn trao cho truyện ngắn, một thể loại dường như bị hờ hững quá lâu, không chỉ bởi các nhà xuất bản và công chúng mà còn bởi giới phê bình và những người có thẩm quyền đánh giá văn học trong các giải thưởng lớn.
            Tôi cho điều này rất có ý nghĩa đối với giới cầm bút Việt Nam hiện nay. Một mặt, sở trường của hầu hết các nhà văn của chúng ta dường như đều nằm ở truyện ngắn hơn là ở tiểu thuyết. Mặt khác, giống như Alice Munro hồi trẻ, hầu như ai cũng ôm ấp giấc mơ viết tiểu thuyết và xem truyện ngắn như những bài tập ngắn, với chúng, người ta chưa thực sự là nhà văn một cách nghiêm túc.
            Xin lưu ý: Trước Alice Munro, trong thế kỷ 20, Jorge Luis Borges, người được xem là “bậc thầy của những bậc thầy” cả đời chỉ viết truyện ngắn.

            III. NHỮNG NHẬN ĐỊNH VỀ ALICE MUNRO

            “Cũng như với nhiều truyện ngắn khác của Munro, ta đọc để thấy nền tảng trong ta bị biến đổi, bị đào sâu… Một tác phẩm đẹp.” − Thời báo Los Angeles Times
            “Alice Munro lại một lần nữa chứng minh tại sao các cây viết truyện ngắn lại phải cúi đầu trước bà.” − Vanity Fair
            “Alice Munro được ca ngợi là nhà văn xuất sắc nhất còn sống và làm việc ở Bắc Mỹ hiện nay. Trốn chạy là một tác phẩm tuyệt vời.” − The New York Times
            “Có thể coi Trốn chạy như tác phẩm tổng hợp của một trong những nhà văn khai thác đào sâu tâm hồn con người sắc sảo nhất.” − USA Today

            IV. NOBEL 2013 LÀ MỘT TRÒ ĐÙA
                  nguồn: vanhoathethao.vn
            (Cũng có nhiều ý kiến chê giải Nobel Văn chương 2013 trao cho Alice Munro)
            Nhà văn  Bret Easton Ellis - Tác giả tiểu thuyết American Psycho liều mình đi ngược lại đám đông khi chê nhà văn Alice Munro vừa đoạt giải Nobel. Ngay lập tức, phản ứng của dư luận khiến ông thấy như mình vừa "đánh" ông già Noel.
            Giải Nobel Văn chương dành cho "bà nội trợ" người Canada Alice Munro năm nay vốn nhận được phản hồi rất tích cực từ báo chí và công luận quốc tế. Giải công bố hôm 10/10.
            Đồng nghiệp trong giới văn chương cũng ủng hộ kết quả này, trong đó có tiểu thuyết gia nổi tiếng AS Byatt (người Anh) cho rằng "đây là giải Nobel khiến tôi hạnh phúc nhất trong cả cuộc đời mình". Nhà văn đồng hương của Munro là Margaret Atwood, cũng là một tên tuổi lớn, lên tiếng ca ngợi bà. 
            Bret Easton Ellis là đồng nghiệp hiếm hoi lên tiếng chê bai "bậc thầy truyện ngắn" Alice Munro.
            Ca ngợi quá tầm?
            Trong không khí đó, ý kiến của nhà văn châm biếm nổi tiếng mạnh mồm Bret Easton Ellis như quả bom ném vào hội nghị. Ellis viết trên Twitter hôm 11/10: "Alice Munro hoàn toàn đã được nâng lên quá tầm".
            Sau đó, ông phủ nhận chất lượng của giải Nobel những năm gần đây: "Alice Munro vốn đã được đánh giá quá cao thì nay, bà ta sẽ mãi mãi như vậy sau khi đã giành giải Nobel. Giải Nobel nhiều năm qua đúng là một trò đùa".
            Theo Telegraph, một nhà văn viết truyện ngắn người Canada là Bev Vincent đã thông báo trên Twitter: "Bret Easton Ellis chê Alice Munro. Khi hỏi Munro về điều này, bà đã hỏi: Bret Easton Ellis là ai?".
            Bởi Munro rất được kính trọng nên lời chê bai của Ellis ngay lập tức bị người dùng Twitter phản đối. Sau khi đọc những bình luận phản đối, nhà văn này nhắn nhủ: "Lòng căm thù của dư luận khiến tôi thấy cần phải đọc lại Munro, dù tôi chưa bao giờ cảm được văn của bà ta. Giờ đây, tôi thấy như mình vừa đánh ông già Noel và bị đám đông lên án".
            Ellis so sánh Munro với "ông già Noel" vì bà như thể đã được dựng thành huyền thoại văn chương và gần như rất ít bị phê phán. Điều đó đúng phần nào, bởi Munro được mệnh danh là "bậc thầy truyện ngắn" và "Chekhov ở thời đại chúng ta".
            Nhà văn Nobel từng bị chê nhàm chán
            Trong vài thập kỷ gần đây, Alice Munro từ một tác giả truyện ngắn bình thường dần có được lòng kính trọng của công chúng và giới văn chương. Đó là một sự thăng tiến chậm rãi, đều đặn và ổn định, không phải kiểu nổi tiếng tức thì vì một tác phẩm gây sốt nào đó.
            Với 13 tập truyện ngắn ra từ 1968 đến 2013 và vài tập sách khác, Alice Munro khá bền bỉ với thể loại văn học này, dù bà từng nói "viết truyện ngắn đế luyện tập cho tiểu thuyết". Nhưng cuối cùng, quá trình luyện tập đó kéo dài đến ngạc nhiên và mang lại thành quả là một giải Nobel.
            Và Ellis cũng không phải là người đầu tiên chê Munro. Xuất thân là một bà nội trợ bình thường, Munro phải rất khó khăn mới tạo dựng được tên tuổi.
            Theo nhận định của tác gia Margaret Atwood, Munro "lâu nay đã được công nhận ở Anh và Bắc Mỹ, nhưng giải Nobel sẽ thu hút sự chú ý của công chúng quốc tế, không chỉ với văn chương nữ và văn học Canada, mà còn với thể loại truyện ngắn". Đó là một tác động tích cực đối với văn chương quốc tế.
            Trở lại với những năm 50-60, khi Munro bắt đầu sự nghiệp văn chương, đó là thời điểm không thuận lợi lắm cho một nhà văn nữ mang quốc tịch Canada. Văn Munro lại luôn lấy bối cảnh là vùng quê của bà, với những đề tài trong gia đình, địa phương. Khi mới xuất hiện, bà chỉ được coi như "một bà nội trợ viết văn nào đó", đề tài thì quá "địa phương cục bộ", nhàm chán.
            “Bà nội trợ viết văn”
            Một nhà văn nam giới đã nhận xét, Munro viết truyện hay, nhưng bà chẳng có được sức hấp dẫn khiến đàn ông muốn ngủ với bà. "Chẳng ai mời anh ta ngủ với tôi" - Munro đã phản hồi như thế.
            Khi đưa các nhân vật nhà văn vào truyện ngắn của mình, Munro xây dựng hình ảnh họ khoe khoang, giả tạo hoặc lợi dụng người khác, hoặc khốn khó vì không nổi tiếng, hoặc tệ nhất - với các nhà văn nữ - là khi họ không xinh đẹp. Munro là một phụ nữ có ngoại hình bình thường.
            "Con đường đến với giải Nobel của Munro không hề dễ dàng" - Atwood nhận định. "Ở thời của bà, cơ hội để xuất hiện một ngôi sao văn chương là con số không, vậy mà bà đã làm được".

            V. Truyện ngắn TRỐN CHẠY
            (Nguồn: damau.org)
             Tại nhà, Sylvia không còn việc gì để làm ngoài việc mở toang những cánh cửa sổ. Và nghĩ đến – với sự háo hức khó mường tượng mà không khỏi gây ngạc nhiên – là chốc nữa đây cô sẽ được gặp Carla.
            Tất cả những vật dụng cá nhân mang hơi hám bệnh tật đã được dời đi hết. Căn phòng chung của Sylvia và chồng, cũng là nơi hấp hối của anh, đã được dọn dẹp ngăn nắp hệt như chưa từng xảy ra chuyện gì. Carla đã giúp quét dọn trong những ngày hỗn loạn giữa chuyện hỏa táng và chuyến đi Hy Lạp. Mỗi một bộ đồ Leon đã mặc hoặc chưa từng thử qua, cùng với những món quà chưa tháo hộp do các cô em gái tặng, đã được chất đầy ghế xe sau để giao cho tiệm bán đồ cũ. Những viên thuốc, bộ dao cạo râu, những lon thuốc bổ trợ lực chưa mở nắp – thứ nước đã từng giúp kéo dài sự sống anh cho đến bây giờ – những thùng bánh mè mà anh ăn, những chai lotion còn nguyên mà anh thường dùng để xoa bóp lưng, tấm da cừu anh đã nằm bên trên – tất cả mọi thứ đó đã được gom vào bao ni lon và vứt bỏ như rác, và Carla không thắc mắc gì cả. Cô không bao giờ lên tiếng, “Có lẽ người nào đó cũng có thể dùng được những thứ này,” hoặc thốt lên rằng những lon nước đó còn nguyên chưa mở nắp. Khi Sylvia nói, “Tôi ước gì mình đã không quyên những bộ quần áo. Tôi muốn đốt toàn bộ trong lò thiêu hủy rác.” Carla không lộ vẻ ngạc nhiên.
            Họ làm sạch lò nướng, lau chùi kệ dựng chén dĩa, chùi bóng tường nhà và cửa sổ. Một ngày kia Sylvia ngồi tại phòng khách đọc những lá thư phân ưu cô đã nhận. (Không có những chồng giấy má hay sách vở cần phải soạn dẹp và không có những bài viết chưa hoàn tất hay bản thảo nghệch ngoạc dở dang – thói quen mà mọi người bắt gặp từ những người viết lách. Anh đã nói với cô từ những tháng trước là anh đã ném bỏ hết tất cả không hối tiếc.)
            Những khung cửa sổ to tướng dựng nên vách tường nghiêng hướng nam của căn nhà. Sylvia ngước lên và bị choáng ngợp bởi ánh dương ẩm hơi nước vừa ló dạng – hoặc cũng có thể cô bất ngờ bởi hình ảnh của Carla, chân trần, tay trần, trên chóp thang, khuôn mặt viền vòng những lọn tóc màu hoa bồ công anh còn quá ngắn để tết thành bím. Cô đang cật lực chùi cọ tấm kính. Khi cô trông thấy Sylvia đang nhìn mình, cô dang rộng hai đôi tay thể như đang bị xiên nơi đó, pha trò nheo mặt bắt chước những con đầu hổ phù gắn đầu mái nhà. Rồi cả hai cùng cười phá lên. Sylvia cảm nhận tiếng cười róc rách chảy khắp thân châu cô như một giòng suối nghịch ngợm. Cô trở lại chăm chú những lá thư và Carla tiếp tục công việc lau chùi. Cô quyết ý là những dòng chữ này – dù chân thành hay chiếu lệ, tôn kính và thương tiếc – phải nên đi theo số phận của tấm da cừu và những hộp bánh mè.
            Khi cô nghe tiếng Carla kéo chiếc thang xuống, nghe tiếng giày trên sàn gỗ, bỗng nhiên cô trở nên bẽn lẽn. Cô ngồi y một chỗ, đầu cúi gập khi Carla bước vào phòng và đi ngang nhà bếp để bỏ cái xô và tấm khăn chùi vào bồn rửa chén. Carla không ngừng tay, cô nhanh nhẹn như con chim, nhưng cô cũng còn đủ thời gian để cúi đặt một nụ hôn lên Sylvia đang nghiêng nghiêng đầu. Rồi cô khe khẽ huýt sáo.
            Nụ hôn cứ luẩn quẩn trong tâm trí của Sylvia từ lúc ấy. Nó chẳng mang một thông điệp đặc biệt nào cả. Một nụ hôn cổ vũ khuyến khích hoặc để báo việc gần sắp xong. Nó mang ý nghĩa họ là hai người bạn thân vừa sánh vai trải qua nhiều nỗi muộn phiền. Hoặc có thể đó là cử chỉ đón nhận mặt trời vừa ló dạng. Hay ngay lúc đó, Carla đang muốn trở về nhà bên cạnh những con ngựa của cô. Tuy thế, Sylvia lại nghĩ đến nụ hôn như một đóa hoa rực rỡ đang rộ nở, những cánh hoa muốt xoải dài trong lòng cô hơi ấm xôn xao, như một ánh lóe mãn kinh.
            Thỉnh thoảng trong lớp thực vật học có đứa học nữ trò xuất sắc, sự thông minh và nhiệt quyết và tính tự cao tự đại vụng về, và ngay cả lòng đam mê thế giới thiên nhiên của nó, làm cho cô nghĩ đến hình ảnh mình lúc trẻ. Những đứa như vậy hay bu quanh cô một cách sùng bái, mong mõi một thứ tình nào đó chúng không tài nào, trong nhiều trường hợp, tưởng tượng ra nổi, và chúng khiến cô bắt đầu cảm thấy khó chịu.
            Carla không giống bất cứ ai trong số họ. Nếu cô có hao hao trông như một người nào đó trong quãng đời của Sylvia thì có lẽ là cô giống những cô gái Sylvia quen biết thời trung học. Họ là những cô gái sáng dạ nhưng không bao giờ quá sáng chói, những vận động viên ung dung nhưng không sỡ hữu tinh thần tích cực cạnh tranh quá mức, sôi động nhưng không ồn ào. Lạc quan một cách rất tự nhiên.
            “Để xem, chị đã ở đâu kìa, trong khu làng nhỏ bé này, trong khu làng nhỏ bé này với hai người bạn già, ừ, thỉnh thoảng chiếc xe bus chở du khách hay ngừng nghỉ ở nơi đó, hệt như đang bị lạc đường, rồi hành khách bước xuống xe và nhìn qua nhìn lại một cách hết sức hoang mang khi họ nhận ra nơi đây chẳng là đâu cả. Không có gì để mua sắm.”
            Sylvia đang nói đến Hy Lạp. Carla ngồi cách cô vài bước. Cô gái đô con, có phần hơi e dè nhưng chói rực, cũng đã ngồi xuống đó, trong căn phòng tràn ngập ý nghĩ về cô. Cô cười uể oải và gật đầu chậm rãi.
            “Và thoạt đầu,” Sylvia nói, “chị cũng bị hoang mang. Trời quá nóng. Nhưng ánh sáng thật sự là rất tuyệt đẹp. Rồi chị cũng tìm ra việc gì đó để làm, và cũng chỉ có vài việc đơn giản để lấp đầy thời gian. Chị phải đi bộ nửa dặm để mua dầu và nửa dặm ngược hướng khác để mua bánh mì và rượu vào buổi sáng. Rồi chị ăn trưa dưới bóng râm của những tàn cây. Cái nóng sau buổi trưa quá sức chịu đựng nên chị chẳng có thể làm gì khác ngoài việc đóng kín những cái màn cửa sổ và nằm lên giường, đôi khi nằm đọc sách. Thoạt đầu thì đọc sách. Riết rồi chán đến độ không muốn làm cả điều đó nữa. Tại sao lại phải đọc sách? Một lúc sau chị nhận ra bóng nắng đang chảy dài và chị thức dậy đi bơi lội.”
            “Ồ,” cô tự ngắt ngang chính mình, “Ô, chị đã quên bẵng mất.”
            Cô đứng dậy và lấy ra gói quà cô đã mua, thật ra cô không quên như lời đã nói. Cô chỉ không muốn trao nó cho Carla ngay lúc ấy, cô muốn khoảnh khắc đến tự nhiên hơn, và trong lúc cô đang kể chuyện chuyến đi cô cũng đã nghĩ sẵn trong đầu đoạn cô nhắc về biển và bơi lội. Và nói, như bây giờ cô đang nói, “Bơi lội làm chị nhớ đến vật này bởi vì nó là một mô phỏng bé xíu, em biết không, nó là vật mô phỏng con ngựa họ tìm được dưới nước. Làm bằng đồng thiếc. Họ nạo vét nó từ dưới đáy lên, sau biết bao nhiêu năm. Nghe nói nó thuộc về thời đại trước công nguyên.
            Khi Carla bước vào nhà và tìm kiếm việc khác để làm, Sylvia nói: “Thôi, ngồi xuống đây một chút đi, chị không có ai trò chuyện từ lúc trở về. Làm ơn nhé.” Carla ngồi xuống trên vành ghế, chân giạng, đôi tay vùi giữa hai đầu gối, trông có vẻ bơ vơ. Như đang gắng đạt tới lối lịch sự xã giao cô hỏi, “Chuyến đi Hy Lạp ra sao?”
            Bây giờ, cô đang đứng, cô vẫn chưa bóc mở hết hoàn toàn lớp giấy gói nhàu nát quấn chung quanh con ngựa.
            “Họ nói nó tượng trưng cho một con ngựa đua,” Sylvia nói. “đang nhảy cú nhảy vọt cuối cùng, sự gắng sức cuối cùng của cuộc đua. Người nài ngựa, cũng thế, một thiếu niên, em có thể nhìn thấy không, cậu ta đang thúc dục con ngựa cố vượt qua giới hạn sức mạnh của chính nó.”
            Cô đã không nói là người thiếu niên khiến cho cô nghĩ đến Carla, và ngay trong lúc này cô cũng không biết phải giải thích ra sao. Cậu thiếu niên chỉ khoảng độ mười hay mười một tuổi. Có lẽ sức mạnh và sự thanh nhã của cánh tay cầm cương, hay những nếp nhăn trên vầng trán trẻ thơ của cậu, niềm say sưa và sự gắng sức thuần khiết, trông hệt như hình ảnh Carla lúc lau chùi những cánh cửa sổ rộng lớn vào mùa xuân năm ngoái. Đôi chân rắn chắc của cô khi mặc quần đùi, đôi vai rộng, những vệt chùi hào phóng trên mặt kính, và cái lối cô xoải hai tay giỡn đùa, mời mọc và yêu cầu Carla phải tươi cười.
            “Vâng em có thể thấy được,” Carla trả lời và tỉ mỉ xem xét bức tượng màu nâu xanh. “Cám ơn chị rất nhiều.”
            “Không có chi. Chúng ta uống cà phê nhé? Chị mới vừa pha xong. Cà phê ở Hy Lạp rất nồng, nồng hơn thứ chị thích, nhưng bánh mì thì ngon tuyệt. Và những quả sung chín ngon đến sững sờ. Ngồi đây một tý đi, làm ơn. Em nên ngắt lời chị khi chị cứ huyên thuyên như thế này. Ở đây thì sao? Mọi việc ra sao?”
            “Trời cứ mưa liên miên suốt ngày.”
            “Chị cũng thấy được điều này,” Sylvia nói vọng lên từ phòng lớn cuối nhà bếp. Trong lúc rót cà phê, cô quyết định sẽ không nhắc đến món quà khác cô đã mang về. Nó không tốn một xu (con ngựa thì đắt hơn cả số tiền cô gái có thể tưởng tượng), đó chỉ là một hòn sỏi trắng hồng mà cô đã nhặt trên đường.
            “Cái này cho Carla,” cô nói với bạn cô, Maggie, lúc đó đang đi bên cạnh cô. “Tôi biết là tôi hơi ngớ ngẩn. Tôi chỉ muốn nó có được một mẩu đất của nơi này.”
Cô đã có nhắc đến Carla với Maggie, và Soraya, một người bạn khác của cô, kể cho họ nghe sự hiện diện của cô gái ngày càng trở nên quan trọng đối với cô, một sự gắn liền khó giải thích đang lớn dần lên giữa họ, và điều đó đã giúp an ủi cô trong những tháng ngày khủng khiếp của mùa xuân năm ngoái.
          “Thể như trông thấy một người – một người tươi tắn và tràn đầy sức sống bước vào trong nhà.”
            Maggie và Soraya cười một cách khó chịu.
            “Thì lúc nào cũng là một đứa con gái,” Soraya nói, kèm theo cái duỗi biếng lười của hai cánh tay nâu nặng nề, và Maggie nói, “Rồi ai cũng sẽ chạm trán với điều đó. Mơ mộng đến một đứa con gái.”
            Sylvia mơ hồ giận dữ bởi cái từ hủ lậu đó – mơ mộng.
            “Có lẽ vì tôi và Leon không có con,” cô nói. “Thật ngu xuẩn. Một thứ tình mẫu tử sai lệch.”
            Các bạn của cô đồng lên tiếng, đại khái là có thể điều đó thật ngu xuẩn, nhưng dẫu sao, cũng là một thứ tình.

            VI. Về truyện ngắn TRỐN CHẠY
             "Trốn chạy" là tập truyện ngắn thứ mười một của Alice Munro. Đây là tập truyện duy nhất mà nhan đề tiếng Anh chỉ có đúng một chữ, Runaway, và toàn bộ tám truyện ngắn trong đó cũng vậy. Dịch giả cũng rất khéo khi đã dịch các tên truyện bằng chỉ đúng hai chữ trong tiếng Việt.
            Cách đặt tên này dường như cố để lộ cho người đọc biết trước đề tài của truyện, nhưng cũng chỉ dừng lại ở đó, và phần việc còn lại của độc giả trở nên khó khăn hơn, khi bằng cách nào đó phải vượt qua cái từ được cho biết trước để có thể bước thong dong mà không bị “mắc lỡm”, như tên một truyện ngắn trong tập. Cách đặt tên này đầy mạo hiểm, như cách trong truyện trinh thám người viết cho biết trước ngay từ đầu ai là thủ phạm. Như một hiệu ứng chung, người đọc mong ngóng một diễn biến làm lật đổ mọi dự đoán từ đầu – một nỗi mong ngóng đầy bất an.
            Truyện ngắn đầu tiên, được lấy tên làm nhan đề cho cả tập, cho thấy sự tỉnh táo làm chủ ngòi bút của tác giả, khi kỹ thuật viết được vận dụng đậm đặc nhiều hơn mức cần thiết so với phong cách của Alice Munro, nhưng nó vẫn chỉ là công cụ, một thứ công cụ tinh vi nhưng hữu ích, để bà đi sâu vào tận ngóc ngách tâm lý nhân vật. Truyện ngắn Trốn chạy, như tên truyện gợi ý, kể về hai cuộc trốn chạy: nhân vật nữ chạy trốn khỏi người chồng lỗ mãng, và con thú cưng chạy trốn khỏi cô. Thậm chí còn có một cuộc trốn chạy thứ ba, ấy là nhân vật chính Carla chạy trốn khỏi cái gọi là nhà.
            Bối cảnh của truyện là một trang trại nơi hai vợ chồng Carla và Clark sống nhờ nghề nuôi ngựa thuê. Qua hình tượng thời tiết, cuộc sống khó khăn của họ được hé lộ: “Mùa hè năm nay mưa dầm mưa dề” , rồi sau đó là đời sống hôn nhân không như ý muốn: “mây trắng ra, mỏng đi, cho lọt chút xíu thứ ánh sáng khuếch tán không bao giờ bừng lên nổi thành ánh mặt trời thật sự, và thường thì cũng tắt trước bữa tối”. Cảm giác bức bí, ngột ngạt do thời tiết được nâng lên khi Carla phải sống chung với người chồng cộc tính. Anh xô xát với đám chủ nợ, gây sự ở một hiệu thuốc hay quán cà phê, và cục cằn với cả con ngựa Lizzie mà anh được thuê nuôi. Cao trào của sự bức bí là khi Clark biết rằng ông hàng xóm Jamieson mới mất từng nhận được món tiền lớn cho một giải thưởng thơ, anh âm mưu “bắt lão ta phải trả giá” và buộc Carla phải sang nói chuyện với bà Jamieson.
            Đến đây, cũng cần phải nhấn mạnh tầm quan trọng của các khoảng trắng phân đoạn trong tập truyện. Ở Trốn chạy, chúng không chỉ nhằm tách biệt các mẩu trần thuật, mà còn nhằm thay đổi cường độ của nỗi bức bí. Ở giữa hai khoảng trắng, trong lúc Carla kinh sợ khi phải sang nhà Jamieson, cô chợt trăn trở về sự biến mất của con dê nhỏ Flora: “cảm giác đau đớn đơn thuần vì mất Flora, có lẽ là mất Flora vĩnh viễn, gần như là nỗi khuây khỏa so với mớ bòng bong nàng vướng phải liên quan tới bà Jamieson, và so với nỗi khổ phập phù của nàng với Clark”. Khoảng trắng thứ hai còn có mục đích thay đổi điểm nhìn trần thuật, mặc dù vẫn ở ngôi thứ ba, nhưng từ Carla sang bà Jamieson, tức Sylvia. Bà hiểu rằng sự suy sụp của Carla không phải vì con dê biến mất, mà bởi cô không thể chịu đựng được thái độ của Clark đối với cô.
            Nếu như việc con dê biến mất mang tính biểu tượng về việc giải thoát như là sự cám dỗ trong đời Carla – có lần cô mơ thấy Flora ngậm một quả táo đỏ – thì việc cô trốn chạy khỏi Clark là điều lý trí nhất người ta có thể tưởng tượng ra, thậm chí là “điều duy nhất thể hiện lòng tự trọng mà người ở tình cảnh của Carla có thể làm”. Mỉa mai thay, chiếc xe buýt mà cô hớt hải bước ra vì “sợ không gian kín” cũng không khác là bao “nhà lưu động”, tức chiếc xe moóc của hai vợ chồng. Mỉa mai thay, cũng như trước kia cô từ bỏ bố mẹ và cuộc sống tiện nghi để chạy theo Clark, giờ đây cô từ bỏ mọi thứ liên quan đến Clark để chạy trốn khỏi anh, và khi có vẻ tìm thấy tự do, thì cô lại muốn thoát khỏi nó.
                     ----------------------------------------------- 
          Bài liên quan : 
                                 Nobel Văn chương 2011 : Tomas Transtroemer - Thụy Điển
                                            Nobel Văn chương 2012 : Mạc Ngôn - Trung Quốc

Không có nhận xét nào: