Mộc
Nhân
Một trong những hạnh phúc trên đời này là tình bạn. Điều này thì ai cũng dễ dàng đồng ý. Nhưng để có tình bạn thì cần có những người bạn thực sự. Như thế nào gọi là một người bạn?
Thay vì định nghĩa về "bạn", hãy thử suy ngẫm vài lời
có cánh: "Bạn trong cơn hoạn nạn mới
là bạn chân tình"; "Trong sự cô đơn, trong đau ốm, trong bối rối - nhận thức về
tình bạn khiến ta có thể bước tiếp, thậm chí ngay cả khi bạn ta bất lực không
thể giúp ta. Họ ở đó là đủ rồi"; "Tình bạn không phai nhạt bởi không
gian hay thời gian, bởi sự giam cầm của chiến tranh, bởi khổ đau hay sự im
lặng. Chính trong những thứ đó mà nó bắt rễ sâu nhất. Chính từ những thứ đó mà
nó nở hoa".
"Bạn"
là một mối quan hệ đặc biệt mà tạo hóa đã ban cho muôn loài. Loài vật có "bạn" được tạo lập trên môi
trường cộng sinh; loài người có bạn dựa trên cơ sở "tổng hòa các mối quan hệ xã hội" bởi với con người trong
tình bạn có cả tình anh em dòng tộc, tình người, tình đồng nghiệp, tinh thần
tương ái, quan hệ xã hội ...
Tình bạn khi đã nâng lên thành tri kỉ thì
nó chứa đựng yếu tố phi thời gian: "Chừng
nào mà kỷ niệm về những người bạn thân thương vẫn sống trong tim tôi, tôi sẽ
nói rằng đời tốt đẹp"; phi không gian: "Bạn là người luôn nắm tay ta, cho dù ta ở cách xa đến thế nào.
Bạn là người luôn ở đó, và luôn luôn, sẽ luôn luôn quan tâm. Bạn chính là cảm
giác vĩnh hằng ở trong tim"; phi ngôn ngữ: "Ngôn ngữ của tình bạn không phải là ngôn từ mà là ý nghĩa";
phi nghi lễ xã giao, thoát khỏi ràng buộc vật chất - như tình bạn của Nguyễn
Khuyến và Dương Khuê được thể hiện trong bài thơ "Bạn đến chơi nhà": "...
Đầu trò tiếp khách trầu không có/ Bác đến chơi đây ta với ta".
Vậy liệu có phải những ai ta vẫn giao
du đều là bạn? Câu trả lời là không bởi vì những người bạn tốt thật sự khó tìm,
khó rời xa và không thể quên. Vậy nên hãy chậm rãi khi chọn bạn.
Tiếng Việt có từ ghép bạn bè để chỉ
khái niệm “bạn” lẫn cả “bè”. "Bè" cũng là một phần của "bạn" nhưng chưa thành bạn thân. "Bè" thành "bạn"
thì phải là người hiểu được quá khứ của ta, tin vào tương lai ta và chấp nhận
ta như chính bản thân họ mà không mưu cầu hay trục lợi. Nói cách khác bạn là
người đồng hành cùng chia vui sẻ buồn với ta trên những chặng đường đời; bè là
những kẻ tạt ngang, kết giao trong hoàn cảnh thời gian nhất định không chút tâm
giao vấn vương thử thách: "Tình bạn
thì hiếm, nhưng bạn bè thì không hiếm."
Chiết nghĩa là vậy nhưng nội hàm nghĩa
của từ ghép "bạn bè" không
mang ý xấu, nó chỉ chung quan hệ bạn.
Tuy nhiên bạn tri kỉ lại thường bắt
đầu bằng những sơ giao, do tâm đầu ý hợp, cùng sở thích, cùng tư tưởng tính
cách nên đã thổi bùng lên ngọn lửa vui tươi của tình bằng hữu để rồi đến một lúc nào đó họ nhận ra rằng bạn
can đảm hơn, tin tưởng, mạnh mẽ hơn, khôn ngoan hơn, và điều quan trọng nhất là
dù xa cách nhau nhưng sẽ mãi nghĩ về sự có mặt của bạn là đáng giá. Vì vậy khi
bạn đang cô đơn, buồn rầu và ủ rũ, hãy nhớ ràng có ai đó, ở đâu đó đang nghĩ về
bạn như bạn nghĩ về họ. Nhiều người sẽ bước qua cuộc đời bạn, nhưng chỉ vài
người để lại dấu ấn tình bạn.
Truyện Thủy hử của La Quán Trung kể chuyện 108 vị anh hùng hảo hán kết
giao với nhau trên tinh thần bạn bè, vượt qua mọi ranh giới, sự khác biệt về
giai cấp xuất thân, tri thức, tính cách, văn hóa, nghề nghiệp nhưng đều gặp
nhau ở thái độ bất bình trước những trái ngang trong xã hội nên cùng tụ họp
nhau để ra tay vị nghĩa trừ gian, hoạn nạn sống chết có nhau.
“Có
hoạn nạn mới biết bạn bè”, câu ấy không mới nhưng chẳng bao giờ cũ, chẳng
bao giờ sai, và cũng cho thấy một điều đặc trưng cơ bản nhất trong thử thách
của tình bạn là sự trợ giúp lẫn nhau lúc nghịch cảnh, và hơn thế, trợ giúp vô
điều kiện. Danh ngôn có câu "Một
người bạn thân là tuyến phòng thủ mạnh mẽ; và người tìm thấy anh ta đã tìm thấy
một báu vật".
Tích cũ "Quản - Bao" là một truyện hay về tình bạn: Quản Trọng và Bao Thúc
Nha sống thời Xuân Thu (thế kỷ VII trước công nguyên) ở Trung Quốc. Quản
Trọng nhà nghèo, còn Bao Thúc Nha lại giàu sang nhưng giữa họ rất hiểu
biết nhau và tín nhiệm nhau. Lúc cùng nhau buôn bán, Quản
Trọng bỏ ra ít vốn, lúc chia Hoa hồng lại được chia rất nhiều, Bao
Thúc Nha không ganh tị vì ông biết Quản Trọng có gánh nặng gia
đình. Lúc Quản Trọng góp ý kiến cho Bao Thúc Nha trong buôn bán nhưng lại
làm hỏng việc, Bao Thúc Nha không hề bực tức mà còn
nói việc không thành không phải là chủ ý của bạn không tốt, mà là
vì không gặp dịp thôi. Quản Trọng từng ba lần làm quan nhưng mỗi lần
đều bị bãi miễn, Bao Thúc Nha cho rằng không phải Quản Trọng
không có tài mà là vì Quản Trọng chưa gặp được bậc minh quân. Quản Trọng đầu quân đi chiến đấu, nhưng vào trận lại bỏ chạy, Bao
Thúc Nha cũng không chê cười Quản Trọng, ông biết Quản Trọng còn có
bà mẹ già đang đợi ở nhà.
Sau này Quản Trọng và Bảo Thúc Nha đều làm chính trị. Lúc nước
Tề loạn Quản Trọng hộ tống hoàng tử Củ tới nước Lỗ, còn Bao Thúc
Nha hộ tống hoàng tử Tiểu Bạch tới nước Lã. Khi vua Tề bị giết hai hoàng tử Củ và Tiểu Bạch được tin
liền lên đường về nước để tranh ngôi. Quản Trọng muốn hoàng tử Củ
làm vua nên đã bắn một phát tên vào Tiểu Bạch. Nhưng sau này Tiểu Bạch làm vua xưng là “Tề Hằng Công”.
Khi lên ngôi, Tề Hằng Công
giết hoàng tử Củ, bắt giam Quản Trọng và đưa Bao Thúc Nha làm thừa tướng nhưng Bao Thúc Nha lại dốc
sức tiến cử Quản Trọng, nói Quản Trọng nhân đức, trung
thành, lại giỏi điều quân. Tề Hằng Công không đồng ý nhưng bị Bao Thúc Nha thuyết phục nên nghe theo. Quản Trọng làm thừa tướng dưới sự hợp sức của Bao Thúc Nha,
nước Tề trở thành nước mạnh , Tề Hằng Công trở thành bá chủ trong
các nước Chư hầu.
Sau khi Bao Thúc Nha chết, Quản
Trọng khóc trước mộ ông và nói "Cha mẹ là người sinh ta
nhưng chỉ có Bao Thúc Nha là hiểu ta thôi".
Tình
bạn nồng thắm giữa Quản Trọng và Bao Thúc Nha đã trở thành giai
thoại được lưu truyền đến nay. Vậy nên có câu "Trong bạn, tôi tìm thấy một nửa bản thân tôi".
Tình bạn đẹp đẽ như vậy nên người ta
so sánh tình bạn với nhiều thứ có ý nghĩa sâu xa như:
- Bầu rượu (Tình bạn là bầu rượu của cuộc đời) để nói lên sự nồng ấm;
- Sách hay (Bạn tốt cũng như sách hay, ít và được chọn lựa; chọn lựa càng nhiều,
thưởng thức càng nhiều) để nói rằng bạn chỉ dựa trên mối quan hệ tình cảm
mà còn là người cùng ta nâng cao tri thức;
- Cánh tay, tay chân (Mất đi một người bạn cũng như mất đi một cánh tay. Thời gian có thể
chữa lành nỗi đau, nhưng sự thiếu hụt không bao giờ được lấp đầy) - để nhấn
mạnh tình bạn gắn bó khó có thể rời xa còn có câu "Bằng hữu như thủ túc" (Bạn bè cũng như tay chân);
- Cuộc hôn nhân (Tình bạn là cuộc hôn nhân của linh hồn) để ca ngợi tình bạn thắm
thiết thủy chung chẳng khác nào tình nghĩa vợ chồng;
- Ngôi sao Bắc Đẩu (Một người bạn cũng giống như ngôi sao bắc
đẩu, bạn trông vào họ khi bạn lạc đường) - khi ta lạc lối, mất phương hướng
trong cuộc đời thì luôn có bạn bên cạnh;
- Sức khỏe (Tình bạn giống như sức khỏe tốt, giá trị của nó ít được nhận ra cho
tới khi nó đã bị đánh mất) ...
Hầu như ai cũng có ít nhiều bạn hoặc bè do nhu cầu giao tiếp hoặc cùng môi trường sinh hoạt. Ta cũng là
bè của nhiều người và nhiều người khác cũng là bè với ta, không thực sự xem ta
là bạn. Cuộc sống là vậy chẳng có gì là thất vọng hay mất niềm tin cả: có những
người sẽ quên ta, ta cũng sẽ quên những người mình gặp. Nhưng đôi khi bạn gặp
những người mình không thể quên - đó là người bạn thực sự vì "tất cả sẽ trôi qua và biến mất, nhưng
tình bạn giữa chúng ta, sự tin tưởng lẫn nhau, niềm vui sướng của con tim, sự
say mê của tâm hồn, những điều này không tan đi và không thể bị phá hủy".
Vậy nên "Không có ai là người lạ cả,
chỉ có người bạn mà ta chưa nhận ra mà thôi".
Nhiều người tưởng rằng mình có nhiều
bạn, thực ra họ là những người không có hoặc có rất ít bạn, và không biết phân
biệt đâu là bạn thật, đâu là bạn giả. Bạn thật có khuôn mặt thật, không điểm
phấn tô son, bạn giả là chiếc mặt nạ, với nhiều nét vẽ điểm tô ẩn chứa những
nọc độc của lòng đố kỵ : "Bạn bè
giấu những mũi tên trong dạ/ và tình yêu là ảo mộng buông xuôi" (E-xê-nhin).
Đôi lúc có kẻ thù còn dễ chịu hơn là có những người bạn giả. Bạn giả cũng tựa như bạc giả vậy, đã không
xài được mà để trong túi có khi mang họa.
Bạn cũng có bạn thân, bạn sơ. Bạn
thân thường là bạn quen biết và gắn bó lâu năm, là người biết rõ cả tính tốt
lẫn thói hư tật xấu của ta. Bạn thân là người từng chia sẻ cùng ta những vui
buồn, sướng khổ, và là người ta tin cậy trao gởi nỗi niềm: "Tình bạn nhân lên niềm vui và chia bớt đau buồn".
Bạn cũng có bạn vong niên, bạn học,
bạn tình, bạn đời, bạn tri kỉ ... Nhưng dù là kiểu gì đi nữa thì người bạn thực
sự luôn có điểm chung là người biết điểm yếu của mình nhưng chỉ cho mình thấy
điểm mạnh; cảm nhận được nỗi sợ nhưng củng cố niềm tin; thấy được những lo lắng
nhưng giúp bạn giải phóng tinh thần; nhận ra những điều bạn bất lực nhưng nhấn
mạnh những điều bạn có thể làm...
Cho nên bạn là người ta cảm thấy thoải
mái khi ở cùng, ta sẵn lòng trung thành, đem lại cho ta lời chúc phúc và ta cảm
thấy biết ơn vì có họ trong đời. "Bạn
tốt khó tìm, khó bỏ lại, và không thể quên được".
Sách xưa tích cũ có bao chuyện hay về tình bạn. Bên Tàu có chuyện đôi bạn Bá Nha - Tử Kì: Bá Nha, người đời nhà Tấn, làm quan Thượng Đại Phu, nổi tiếng đàn giỏi. Chung Tử Kì chỉ là một người tiều phu nhưng lại nghe được tiếng đàn của Bá Nha. Bá Nha khâm phục vì Tử Kì hiểu được tiếng đàn của mình lúc thì "vọi vọi ở non cao" (Nga nga hề chỉ tại sơn), lúc thì "cuồn cuộn nơi nước chảy" (Dương dương hề chí tại lưu thủy). Hai người kết thành đôi bạn tri âm tương đắc. Vì việc quan nên Bá Nha phải về triều, hẹn với Tử Kỳ là sang năm sẽ đến đón Tử Kỳ về triều. Đến mùa thu năm sau, Bá Nha đem thuyền đến đón nhưng không thấy Tử Kỳ đâu. Lần bước thăm hỏi mới hay Tử Kỳ vừa chết trong một cơn bạo bịnh. Bá Nha tìm đến mộ Tử Kỳ, bày đồ tế lễ, rồi lấy đàn gảy một bài ai điếu và khóc lóc thảm thiết. Đàn xong Bá Nha bèn đập đàn vào đá tan nát, thề trọn đời không đàn nữa vì có ai hiểu được tiếng đàn của mình. Từ chuyện này mà có cụm từ "Tri âm tri kỉ" để chỉ tình bạn thấu hiểu nhau. Cổ thi cũng có câu: "Bất tích ca giả khổ, Đãn thương tri âm hy" nghĩa là: "Không tiếc người hát khó nhọc, chỉ đau đớn người tri âm ít mà thôi".
Truyện Nôm nước ta cũng có câu chuyện
cảm động về tình bạn của Lưu Bình - Dương Lễ: Lưu Bình và Dương Lễ là bạn cùng
học chung với nhau thân thiết. Lưu Bình con nhà giàu sang nhưng lại lười biếng
không chịu học hành mà chỉ thích ăn chơi. Dương Lễ rất nghèo nhưng biết phận
nên chịu khó học hành đêm ngày rồi thi đậu, được làm quan còn Lưu Bình cờ bạc
hết tiền, trở nên nghèo đói. Lưu Bình tìm đến Dương Lễ nhưng Dương Lễ thờ ơ
lạnh nhạt như người xa lạ và đối xử tệ bạc ra mặt khiến Lưu Bình tức giận trở
về buồn tủi. Rồi anh ta quyết chí học hành để thi đỗ làm quan cho bằng Dương
Lễ. Còn Dương Lễ thì bí mật cho vợ mình là Châu Long đến làm quen kết bạn và
giúp Lưu Bình ăn học. Lưu Bình sau cùng thi đỗ làm quan và trở về nhưng về nhà
thì không thấy ân nhân của mình đâu cả. Anh ta buồn lắm đến dinh Dương Lễ muốn
cho bạn mình thấy là bây giờ anh ta không kém ai nhưng đến đây lại gặp ân nhân
của mình chính là vợ của Dương Lễ. Lưu Bình sửng sốt khi trông thấy Châu Long
và hiểu ra mọi sự. Câu chuyện là một bài học về tình bạn sâu sắc, biết giúp bạn
vượt qua khó khăn bằng chính sự vươn lên của bản thân bằng thực lực của họ,
không phải dựa dẫm vào người khác.
Bạn bè là những người biết rõ về bạn
mà vẫn yêu bạn. Bạn bè có ích không phải chỉ bởi họ sẽ lắng nghe ta, mà còn bởi
họ sẽ cười nhạo ta; qua họ chúng ta học được những nguyên tắc của cuộc đời và
trở thành người chơi tốt hơn trong mọi cuộc chơi. Dân gian có câu "Học thầy không tày học bạn"
để nhắc nhở rằng bạn không chỉ là điểm tựa tinh thần, tình cảm mà còn là người
giúp ta tiến bộ trên đường học vấn, tích lũy và chia sẻ kinh nghiệm trên đường
đời. Tình
bạn thực sự có thể mang lại tri thức thực sự. Nó không phụ thuộc vào bóng tối
hay sự ngu dốt.
Tình bạn thật sự thật hiếm vì nó cần
có một bề dày của sự gắn bó, hiểu biết, cảm thông và tin cậy. Đến một tuổi
nào đó người ta thật khó mà có thêm được những người bạn mới, trong lúc những
người bạn cũ thì cứ mất đi lần lần. Càng lớn tuổi người ta càng cảm thấy cô đơn
là vì vậy, và chẳng còn cách nào hơn là cố mà giữ lấy và yêu lấy những tình bạn
cũ kỹ, hiếm hoi còn sót lại bởi dù chúng ta đang ở tuổi nào thì chính bạn hữu đã tạo nên thế giới.
Tục ngữ có câu "Giàu vì bạn, sang vì vợ" - đó là cái giàu sang về tinh
thần hơn là của cải vật chất. Tình bạn quí giá như vậy nên ông bà ta khuyên "Chọn bạn mà chơi" bời "Gần mực thì đen, gần đèn thì
sáng". Nhưng làm thế nào để chọn được bạn ? Châm ngôn có câu "Cách duy nhất để có một người bạn là
hãy làm một người bạn" - câu ấy có nghĩa là ta chân tình với người thì
người cũng sẽ chân tình với ta; tình bạn chân tình đôi khi có thể thay đổi mối
quan hệ ở một con người.
Có tình bạn thực sự đã khó, giữ được
bạn thân càng khó hơn bởi "Tình bạn
là cuộc hôn nhân của linh hồn, và cuộc hôn nhân này có thể gặp phải li dị".
Đó cũng là lẽ thường bởi chẳng có gì là bất biến, cho nên người hiểu tình bạn
cũng giống như làm chủ nghệ thuật xác định đúng thời điểm: có thời điểm cho sự
im lặng; có thời điểm cần buông tay và để bạn mình lao vào vận mệnh của chính
họ; và có thời điểm để chuẩn bị nhặt lên những mảnh vỡ sau khi tất cả đã kết
thúc.
Cái
khó của việc giữ gìn tình bạn thường rơi vào qui tắc ứng xử. Có người khuyên
nên thận trọng khi khen chê bởi: "Trách
bạn kín đáo nhưng nên khen bạn công khai" - có lẽ là sợ bạn chạm tự ái
chăng ! Có người khuyên dành thời gian cho nhau bởi: "Giúp bạn bè khi họ cần thật dễ dàng, nhưng dành cho họ thời gian
không phải lúc nào cũng thuận lợi". Có người nghĩ đến việc vun bồi
tình bạn bằng những hành động thể hiện cụ thể: "Tình bạn có thể vượt qua hầu hết mọi thứ và phát triển trên mảnh
đất cằn cỗi; nhưng nó cần thỉnh thoảng bồi phủ một chút với thư từ và các cuộc
điện thoại và những món quà nhỏ bé ngớ ngẩn để nó không chết khô"...
Tất cả đều đúng nhưng cần phải hiểu
sâu thẳm ngôn ngữ của tình bạn là những thứ vô ngôn: "Ai
cũng lắng nghe điều bạn phải nói nhưng bạn thân thì lắng nghe điều bạn không
nói"; "Bạn bè là người biết
lời hát trong trái tim bạn và có thể hát lại nó cho bạn nghe dù bạn đã quên
lời".
Bạch Cư Dị có mấy câu thơ rất hay viết
về tình bạn "Xuân lai vô bạn nhàn du
thiểu/ Hành lạc tam phân giảm nhị phân/ Hà huống kim triêu hạnh viên lý/ Nhàn
nhân phùng tân bất phùng quân" (Dịch Nghĩa: Xuân tới không bạn nên ít rong chơi/ Ba phần vui bớt đi hai phần/ Huống
chi sáng nay trong vườn hạnh/ Gặp đủ mọi người nhàn hạ mà chẳng gặp bạn).
Từ “bạn”
nghe có vẻ rất đơn giản nhưng ẩn trong đó là cả một quá trình dài để hình thành
nên một mối quan hệ tốt đẹp. Không sự cách biệt về không gian hay thời gian nào
có thể làm yếu đi tình bạn của những người thực tâm bị thuyết phục bởi giá trị
của nhau và ngẫm cho kĩ thì với người tri kỉ dù chúng ta đi tới đâu, chúng ta
cũng mang theo mình một phần của nhau.
Hay nói theo Bùi Giáng: "Chúng ta sinh thưở lao đao/ Quen nhau
tự những kiếp nào xa xăm".
----------------------------------------------
* Những câu in nghiêng trong bài không
dẫn tên tác giả đều thuộc danh ngôn
2 nhận xét:
"Chỉ có cô đơn khi ta có bạn bè...Nếu chỉ mình ta với mình ta trống trải. sẽ không có cô đơn không có đợi chờ". Vì "Trong bạn, tôi tìm thấy một nửa bản thân tôi". Cảm ơn bài viết rất sâu sắc về tình bạn.
NLT
Bài viết tuyệt vời :
Nhiều thông tin
nhiều tích truyện
nhiều danh ngôn
nhiều ý thơ
nhiều cảm hứng
và
nhiều tình bạn
Đăng nhận xét