9/12/15

727. NĂM KHỈ KỂ CHUYỆN KHỈ

Sưu tầm

1. Con khỉ trong chuyện nhà Phật:
Nhà Phật có chuyện ngụ ngôn mượn con khỉ để nói về pháp giới. Có một bầy khỉ khi đi ăn, con khỉ chúa luôn luôn kêu gọi các con khỉ trong đàn phải theo đàn đừng đi riêng lẻ rồi bị nguy hiểm. Nhưng có một con khỉ do đi theo đàn kiếm ăn không được nhiều nên nó tách đàn và bị dính bẫy thợ săn.

Bốn chân đều dính vào bẫy, chỉ còn hy vọng dùng miệng gỡ nên nó hả miệng cạp để gỡ mấy cái chân, nhưng miệng lại dính luôn. Không biết làm sao, chỉ còn có cái đuôi ngúc ngoắc, nó vận dụng hết sức lấy đuôi giựt ra không ngờ dính luôn cái đuôi. Như vậy sáu bộ phận của con khỉ đều dính chặt vào bẫy nhựa, người thợ săn đến cột chân nó lại quảy về. Đó là ví dụ, qua hợp pháp, Phật dạy các thầy Tỳ-kheo và Phật tử phải khéo tu sáu căn. Sáu bộ phận của con khỉ là ví dụ cho sáu căn của chúng ta: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý. Sáu căn nếu an trú trong phạm vi của nó tức là giống như con khỉ theo bầy không bị nguy hiểm. Trái lại nếu sáu căn phóng ra ngoài thì sẽ bị nguy hiểm. Thí dụ như mắt vừa thấy sắc đẹp, chạy theo liền nhiễm trước, đến tai thích tiếng hay, mũi thích mùi thơm, lưỡi thích vị ngon, thân thích xúc chạm, ý chạy theo pháp trần. Sáu bộ phận đó đuổi theo sáu trần gọi là dính mắc, giống như con khỉ dính hết sáu bộ phận vào bẫy. Con khỉ dính hết sáu bộ phận thì thợ săn cột nó quảy về, còn chúng ta sáu căn dính với sáu trần rồi thì ma vương sẽ lôi chúng ta đi.

2. Truyện “Bạch Viên Tôn Cát”:
Tác phẩm này hiện vẫn chưa xác định được tác giả, nhưng người ta giả định là viết vào khoảng đầu thế kỷ XVII. Nội dung tác phẩm dựa vào “Viên thị truyện” của Cố Quýnh đời Đường, Trung Quốc.
Truyện miêu tả cuộc tình duyên giữa một nho sinh và một con vượn trắng đã hoá thành người (con vượn vốn là tiên giáng trần). Tính chất lãng mạn, tinh thần nhân đạo chủ nghĩa, chống những hạn chế của tôn giáo, mạnh dạn biểu lộ những yêu cầu hạnh phúc của con người, của phụ nữ, đã làm nên giá trị chủ yếu của tác phẩm.
Bạch Viên: con vượn trắng vốn là tiên bị đày xuống cõi trần đến chùa Phi Lai tu hành. Sau một thời gian tu ở chùa Phi Lai, nhưng vẫn chưa dứt hết duyên trần, Bạch Viên bỏ chùa mà đi và trở thành một tố nữ mang họ Viên.
Tôn Sinh tên là Tôn Các trọ học ở Trường An về thăm quê nhà, lạc đường ở Thạch Tuyền gặp Viên Thị. Viên Thị đón về nhà và hỏi lai lịch Tôn Các. Do có nhân duyên nên hai người yêu nhau và kết duyên với nhau, rồi sinh được hai con. Một hôm nhà sư Nhàn Vân, người quen của Tôn Các chợt đi qua đó, nhân biết Viên Thị không phải là người trần, liền đưa cho Tôn Các một thanh gươm để thử xem Viên Thị có phải là yêu quái không. Tôn Các mang gươm ra thử, Viên Thị không bị tiêu diệt vì nàng là tiên chứ không phải yêu quái. Do đó mà lòng tự ái của nàng bị thương tổn, nàng trách chồng đã yêu sao còn nghi ngờ thử thách.
Hết kì hạn ở trần gian, Viên Thị phải về trời. Sau đó Bạch Viên được thượng đế cho xuống trần, hai vợ chồng lại gặp nhau.
3. Sự tích khỉ đỏ đít:
Chuyện kể rằng xưa kia có một nhà trưởng giả đối đãi tồi tệ với người ở gái. Một hôm nhà có giỗ, người con gái ra giếng gánh nước, gặp một cụ già rách rưới xin ăn, vội về lấy phần cơm của mình đem ra cho. Ông cụ bảo rằng: "Ta là Bụt, con muốn gì, ta sẽ cho con được như ý nguyện". Cô gái chỉ ước sao được bớt xấu xí. Bụt dạy nàng lội xuống giếng hễ thấy hoa nào đẹp thì mút lấy. Cô gái vâng lời, thấy hoa trắng thì ưa, mút vào bỗng nhiên trở nên xinh đẹp như tiên. Quẩy nước về đến nhà, mọi người kinh ngạc xúm lại hỏi căn do, nghe cô gái kể lại sự tình, cả họ đổ xô ngay ra giếng.
Ông cụ vẫn còn ngồi đó, ai nấy rối rít đem xôi thịt mời ăn, xít xoa xin cụ làm phúc giúp cho. Bụt cũng bảo họ y như lời dặn cô gái. Xuống giếng, họ thấy hoa đỏ là đẹp, mút lấy mút để, ngờ đâu mặt mũi trở thành nhăn nheo, người quắt lại, lông lá ra đầy, đuôi mọc dài. Người làng thấy vậy hoảng hồn vớ đòn gánh đánh đuổi đi.
Khỉ chạy lên rừng ; tiếc của quá, đêm đêm lại kéo nhau mò về làng, túm tụm ngoài sân, leo lên cửa sổ, nhòm vào nhà, dẩu mỏ léo nhéo suốt đêm. Người làng sợ, bàn với nhau bôi mắm tôm vào song cửa, lại nung nóng thật nhiều lưỡi cày đặt rải rác trong sân. Khỉ kéo nhau về như thường lệ, leo lên cửa bị mắm tôm vấy đầy tay, quệt tay vào người, hôi quá, bỏ chạy ra sân ngồi bệt xuống. Vừa đặt đít phải lưỡi cày nóng bỏng chúng nhảy nhổm, kêu chí choé, ba chân bốn cẳng một mạch kéo nhau về rừng, cạch không dám vào làng phá phách nữa. Và vết bỏng cháy đỏ đít khỉ từ ấy đời đời không phai.
4. Hà rầm hà rạc:
Ngày xưa, một nhà nọ có hai anh em cha mẹ mất sớm để lại một tư cơ cũng vào hạng khá trong vùng. Từ trước hai người vẫn ở chung với nhau. Ít lâu sau người anh lấy vợ. Anh bảo em:
- Bây giờ đã đến lúc phải chia gia tài ra để cho mày học ăn học làm với người ta.
Đến ngày chia của, anh chìa một tờ giấy, bảo em:
- Của cải của cha mẹ để lại chỉ có ba giống: Giống đực, giống cái và giống con. Mày bé bỏng nên tao nhường cho mày tất cả những đồ đạc giống đực, còn giống cái và giống con thì phần tao. Nghe chưa, nếu mày bằng lòng thì ký vào đây!
Em ngây thơ tưởng là anh thương thật nên không nghi ngờ gì cả, ký ngay vào giấy. Cuộc chia của bắt đầu. Nhưng đồ vật nào mà chẳng là "cái" hay "con". Người anh đếm mãi: "Cái nhà này: của tao, con trâu này: của tao, cái chum này: của tao, cái cày, cái bừa này: của tao...". Suốt từ sáng đến chiều những của chìm của nổi chia đã sắp vơi mà vẫn chưa có một vật nào thuộc giống đựa cả. Mãi đến lúc trời đã tối, người em tức mình mới chụp lấy một cây dao rựa dựng ở bờ hè mà nói rằng:
- Đây là "đực rựa" thuộc về phần tôi!
Nói xong, vác rựa lùi lũi đi ra giữa lúc người anh cười ha hả vì thấy mưu kế của mình đã đạt.
Từ đấy, người em ngày ngày vác rựa vào rừng chặt củi làm kế sinh nhai. Vì không có nhà ở nên anh ta phải ăn nhờ ở đậu hết nhà người bà con này qua nhà người quen khác. Có hôm phải nằm đình nằm chùa, ngủ cầu ngủ quán như kẻ cầu bơ cầu bất. Nhưng anh vẫn chăm chỉ làm ăn để khỏi phải cái nhục ngửa tay ăn xin.
Một hôm trăng non vừa mọc, anh đang ngủ say tỉnh dậy tưởng trời đã sáng, bèn vớ lấy rựa đi miết lên rừng. Đến cửa rừng mới hay là mình nhầm: trời vẫn còn khuya. Bèn nằm duỗi chân dưới một gốc cây cổ thụ đợi sáng, nhưng bỗng dưng ngủ quên lúc nào không hay. Anh chàng không ngờ rằng nơi đây là chốn chơi đùa của một bầy khỉ. Hôm ấy chúng cũng kéo nhau đến đấy, nhưng khi thấy dưới gốc cây có một người lạ nằm thẳng đuỗn thì đồ là một thây người; chúng bèn xúm nhau khiêng đi chôn để lấy chỗ nhảy nhót. Đang đi, anh chàng bỗng tỉnh giấc, toan la lên, nhưng thấy chuyện hay hay, nên cứ nằm im để xem bọn khỉ khiêng mình đi đến đâu. Hồi lâu, anh nghe bầy khỉ dừng lại nói với nhau:
- Hà rầm hà rạc, chôn vào hố bạc, không chôn hố vàng!
Nhưng trong bầy khỉ có một con khỉ đột đứng đầu, bảo chúng:
- Hà rầm hà rạc, chôn vào hố vàng, không chôn hố bạc!
Thế là bầy khỉ lại tiếp tục khiêng anh tới một chỗ khác xa hơn. Đến nơi, chúng đặt anh xuống rồi kéo nhau trở về gốc cổ thụ. Anh chàng nhìn thấy xung quanh mình có những cục vàng sáng chói thì mừng lắm, bèn chờ cho chúng đi khuất mới đứng dậy nhặt đầy túi mang về. Từ khi trở nên giàu có lớn, anh chàng hết làm nhà cửa lại tậu ruộng vườn, nuôi trâu bò, cuộc đời muôn phần tươi hơn trước.
Câu chuyện về người tiều phu lên núi bắt được vàng từ đó lan đi khắp nơi. Người anh nghe nói nửa tin nửa ngờ. Một hôm vào ngày giỗ cha, hắn thấy em mình tìm đến mời về nhà ăn giỗ. Hắn vội vã nhận lời. Bước vào nhà em, người anh không giấu được kinh ngạc.
- Từ dạo ấy đến giờ chú mày làm thế nào mà phát tài dữ vậy?
Em vui vẻ kể tỉ mỉ cho anh nghe câu chuyện lên rừng gặp khỉ, và từ hố bạc tình cờ được chúng chuyển sang hố vàng. Nghe đoạn, người anh mượn ngay cây rựa, và cũng chờ một đêm trăng non, một mình vác rựa lên cửa rừng. Hắn ta cũng giả vờ duỗi chân nằm dưới gốc cây cổ thụ nọ. Lát sau quả có một bầy khỉ đến nhảy nhót xung quanh gốc cây, và khi thấy có người lạ nằm choán chỗ chúng vui đùa, chúng cũng xúm lại khiêng đi chôn, vì chúng tưởng rằng đó là một cái thây người chết. Nhưng đến lúc nghe bầy khỉ nói: -"Hà rầm hà rạc, chôn vào hố bạc không chôn hố vàng!" thì hắn vội ngẩng đầu cãi lại:
- Chôn vào hố vàng chứ! Chôn vào hố vàng chứ!
Bầy khỉ không ngờ cái thây người vẫn còn sống, cuống cuồng quẳng hắn xuống rồi bỏ chạy. Hắn bị lăn xuống sườn núi, đầu va vào đá, vỡ sọ chết.

5. Chuyện Hầu Vương - Tôn Ngộ Không:
Câu chuyện Tôn Hành Giả là con khỉ ở núi cao được sinh ra từ lòng một hòn đá, biết nói tiếng người muốn sống trường sinh bất tử, rời động Thủy Liêm xuống núi đi tìm thuốc trường sinh, may mắn gặp Tô Sở Thần thâu nhận làm đệ tử, truyền dạy võ thuật và các phép thần thông biến hóa. Thành tài Tôn ngộ Không không trở về cố quận, xuống thủy cung của Long Vương chiếm được vật báu Như Ý kim Cổ Bổng (làm cây thiết bảng) lên Thiên đàng uống rượu trộm loại trường sinh bất tử của Thái Thượng Lão Quân.. phá rối khắp nơi nổi danh là Tề Thiên Đại Thánh lộng hành. 

Phật Tổ Như Lai chứng minh cho họ Tôn thấy sự mênh mông vô lượng của các pháp mà những kẻ ở cõi này không bao giờ vượt nổi, nếu chỉ loay hoay với tham vọng. Tề Thiên Đại Thánh dù thần thông biến hoá cũng không chạy khỏi bàn tay của Đức Phật Như Lai úp bàn tay xuống tạo Ngũ Hành Sơn ngàn cân giam cái tham vọng của họ Tôn lại. Nhưng Ngài cũng biết rằng, chẳng có núi cao biển sâu nào giam được tham vọng của con người nếu con người không tự tu thân. Ngài cũng để một lối thoát cho sự ăn năn hối cải cho Tề Thiên. Một ngày đẹp trời thầy Đường Tăng Tam tạng đi ngang qua đã thâu nhận Tề Thiên làm đệ tử, cứu ra khỏi ngũ hành đè trên lưng, nhưng Ngài phòng ngừa tính khỉ thích vui chơi, phá rối nên gắn trên đầu vòng Kim cô để dễ trị tội trên đường đi thỉnh kinh có thêm đệ tử gốc heo là Trư Bát giới và Sa tăng..
                                                                             (Còn nữa)

Không có nhận xét nào: