Over the Rainbow (Somewhere Over the Rainbow) - tạm dịch là “Bên kia cầu vồng” là ca khúc do Harold Arlen viết nhạc và E.Y. Harburg soạn lời, Thoạt đầu, đây chỉ là một bài hát ngắn được cô gái trẻ Dorothy Gale (Judy Garland), nhân vật chính trong bộ phim “Phù thủy xứ Oz / The Wizard of Oz” (1939), cất lên ở vài phút đầu để nói lên ước mơ của mình.
Thế nhưng giai điệu
quyến rũ và lời ca bình dị của tác phẩm đã lập tức đi ngay vào lòng người, và
cho đến nay vẫn giữ một vị trí xứng đáng trong chương trình biểu diễn của giới
ca sĩ, từ những người chưa tăm tiếng cho đến các ngôi sao ca nhạc đã thành
danh.
Một ca khúc giản dị đầy
lạc quan:
Lời bài hát mộc mạc
nhưng tràn đầy lạc quan, thể hiện ước ao của một thiếu nữ muốn để lại “các đám
mây (trong cuộc sống hiện tại) xa phía sau”, để đi đến một thế giới tươi sáng
phía “bên kia cầu vồng”, nơi mà “bầu trời thì thật xanh”, các phiền muộn thì
đều “tan biến như kẹo chanh” trong miệng, và những giấc mơ bạo dạn nhất thì đều
thành hiện thực. Niềm tin của cô gái rất mãnh liệt vì “nếu những chú chim xanh
hạnh phúc bé nhỏ có thể bay qua cầu vồng, tại sao cô lại không thể”.
Bộ phim thần thoại hay
nhất trong mọi thời đại:
Bước vinh thăng của Over
the Rainbow khởi đầu ngay từ năm 1939, khi bộ phim “Phù thủy xứ Oz / The Wizard
of Oz” ra mắt khán giả.
Câu chuyện thần thoại về
cô gái mồ côi Dorothy Gale, không bằng lòng với cuộc sống buồn chán trong trang
trại ở vùng nông thôn Kansas nước Mỹ, bất ngờ thực hiện được giấc mơ đi trên
cầu vồng đến một thế giới khác – vương quốc thần tiên mang tên Oz - đã lập tức
chinh phục lòng người và được đề cử tranh giải Oscar năm 1939 trong tổng cộng
sáu hạng mục.
Và kỳ tích đã đến: Bài
hát Over the Rainbow qua tiếng hát
Judy Garland, đã được trao giải Oscar về ca khúc trong phim xuất sắc nhất, còn
nhạc nền của bộ phim Phù thủy xứ Oz thì đoạt giải về nhạc phim hay nhất.
Từ đó về sau, do tính
chất lạc quan của thông điệp trong phim, hòa quyện với sắc thái thần thoại phù
hợp với thiếu niên, bộ phim Phù thủy xứ Oz luôn luôn được chiếu lại hàng năm
vào dịp các lễ Tạ ơn, Giáng sinh hay Phục sinh, trong lúc ca khúc Over the
Rainbow càng lúc càng thấm sâu vào tâm thức mọi người, không riêng gì ở Mỹ mà
còn ở mọi nơi trên thế giới.
Nếu The Wizard of Oz thường xuyên nằm trong top 10 những bộ phim hay
nhất mọi thời đại của nhiều bảng xếp hạng danh tiếng trên toàn thế giới, thì
bài hát Over The Rainbow cũng thường
được xem là ca khúc hay nhất từ trước đến nay.
Một ví dụ cụ thể : Trong
danh sách 10 phim xuất sắc nhất thuộc 10 thể loại chủ yếu do Viện phim Mỹ AFI
công bố năm 2008, tác phẩm Phù thủy xứ Oz
của đạo diễn Victor Fleming, được đứng thứ 10 trong danh mục chung của phim hay
nhất thuộc mọi thể loại, và đã đứng đầu loại hình phim Thần thoại, trên cả tập
1 phim The Lord of the Rings (Chúa tể của những chiếc nhẫn): The Fellowship of
the Ring (Hội bạn chiếc nhẫn) của Peter Jackson, làm năm 2001, hay It's a
Wonderful Life (Cuộc sống tươi đẹp) của Frank Capra, ra mắt năm 1946.
Bài hát hay nhất thế kỷ
20:
Over the Rainbow cũng vậy:
Vào năm 2001, năm đầu tiên của thế kỷ 21, bài hát này đã được bầu chọn là ca
khúc hay nhất của thế kỷ 20 trong bảng xếp hạng Song of the Century (Bài hát
của thế kỷ) do Hiệp hội ngành Công nghiệp Ghi âm Hoa Kỳ RIAA (Recording
Industry Association of America) và Quỹ Hỗ trợ Nghệ thuật Quốc gia Hoa Kỳ
(National Endowment for the Arts) thực hiện.
Sau đó ít lâu, qua năm
2004, Viện phim Mỹ American Film Institute AFI cũng đặt Over the Rainbow đứng
đầu danh sách 100 ca khúc trong phim hay nhất của nền điện ảnh Mỹ, nhân “sinh
nhật” thứ 100 của nghệ thuật điện ảnh.
Một ca khúc nổi tiếng và có giai điệu lôi cuốn như Over The Rainbow lẽ dĩ nhiên đã trở thành bài tủ của nhiều ca sĩ.
BÊN KIA CẦU VỒNG
1.
Nơi nào đó bên kia cầu vồng
Trên cao thật cao
Có một vùng đất mà tôi đã từng một lần nghe nói đến
Trong lời hát ru
Nơi nào đó bên kia cầu vồng
Bầu trời trong xanh
Và những giấc mơ mà bạn dám mơ
Đều sẽ trở thành hiện thực
2.
Ngày nào đó tôi sẽ ước nguyện đến một vì sao
Và thức dậy ở nơi có mây
Thật xa nơi này
Nơi mà nỗi lo âu tan ra như giọt chanh
Bên trên những đỉnh khói
Nơi đó là bạn sẽ tìm thấy tôi
Ngày nào đó tôi sẽ ước nguyện đến một vì sao
Và thức dậy ở nơi có mây
Thật xa nơi này
Nơi mà nỗi lo âu tan ra như giọt chanh
Bên trên những đỉnh khói
Nơi đó là bạn sẽ tìm thấy tôi
4.
Nơi nào đó bên kia cầu vồng
Bầu trời trong xanh
Và những giấc mơ mà bạn dám mơ
Bệ phóng cho các ca sĩ
đời sau:
Từ lúc ra đời đến nay,
Bên kia cầu vồng cũng đã góp phần giúp nhiều người trở thành nổi tiếng. Một
trường hợp rõ ràng nhất là ca sĩ kiêm nhạc sĩ người gốc đảo Hawaii: Israel
Kaanoi Kamakawiwoole. Ông sinh năm 1959, chết năm 1997, người thường được gọi
là Iz Kamakawiwo đã được biết đến với album Facing
Future ra mắt năm 1993. Nhưng bài hát giúp anh nổi tiếng thế giới lại là
một liên khúc trong album đó: “Somewhere Over The Rainbow/What A Wonderful
World”.
Dòng nhạc Jazz cũng
không quên Over the Rainbow. Có hai ca sĩ một già một trẻ đã từng được xem là
thể hiện bài hát này rất đạt.
Phiên bản do ca sĩ da
đen thiên tài nhạc jazz Ray Charles trình bày lần đầu tiên năm 1963 từng được
xem là mẫu mực của Over the Rainbow hát theo phong cách Jazz.
Theo chân Ray Charles
còn có biết bao ca nhạc sĩ khác, nhưng gây được nhiều ấn tượng gần đây là nữ
danh ca Canada rất trẻ Nicole "Nikki" Yanofsky, sinh năm 1994.
Nổi tiếng qua bài hát “I
Believe” tại lễ khai mạc Thế vận hội Mùa Đông 2010 ở Vancouver, cô đã có dịp
xuất thần thể hiện giai điệu tràn đầy lạc quan Over the Rainbow vào mùa hè năm
2011. Tại Festival Jazz ở Montreux Thụy Sĩ, cùng với nhạc sĩ nổi danh Quincy
Jones, Nikki đã tái hiện ca khúc Over the Rainbow một cách tài tình, chẳng thua
gì phiên bản của Ray Charles.
Một trùng hợp rất ngẫu
nhiên : Khi Judy Garland lần đầu tiên cất lên ca khúc này, cô chỉ mới 17 tuổi.
Gần ba phần tư thế kỷ sau, Nikki cũng được khen ngợi nhờ bài hát đó ở độ tuổi
17.
Giới ca nhạc sĩ Pháp dĩ
nhiên cũng bị ca khúc Over the Rainbow thu hút. Nam danh ca Eddy Mitchell chẳng
hạn đã cùng với nữ ca sĩ Mỹ Melody Gardot song ca một phiên bản “rất jazz” của
tác phẩm này dưới tựa đề Derrière L'arc-En-Ciel-Over the Rainbow.
Bài ca với Eddy Mitchell
hát bằng tiếng Pháp và Melody Gardot bằng tiếng Anh, đã được lồng vào album
Grand Ecran do Eddy Mitchell phát hành vào năm 2009.
Trở lại với cách thể
hiện có thể gọi là truyền thống hơn của ca khúc Over the Rainbow, không thể
không nhắc đến nữ danh ca Pháp Nolween Leroy. Cô đã xuất thần lột tả được tinh
thần của bài hát vào tháng Tư năm 2011 nhân chương trình truyền hình khởi động
đợt quyên góp thường niên tại Pháp để gây quỹ chống bệnh Sida Sidaction.
Có thể nói là tài nghệ
của Nolwenn, kèm theo thông điệp lạc quan của bài hát đã mang lại một nguồn hy
vọng to lớn cho những người đang trông chờ vào một phép mầu để khỏi bệnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét