1/12/15

722. CHỬI - TIẾNG KÊU CỦA CON NGƯỜI KHI ĐỐI DIỆN VỚI SỐ PHẬN

  Lê Đức Thịnh
Bài đăng trên Tc Đất Quảng số 148
Bàn về hiện tượng chửi của người Việt Nam, Nguyễn Văn Trung trong cuốn “Ngôn ngữ và thân xác” nêu lên một nhận xét táo bạo: “Có lẽ không có dân tộc nào trên thế giới văng tục, chửi tục nhiều và hay như dân tộc Việt Nam. Đó là một hiện tượng rất phổ thông trong ngôn ngữ hằng ngày và cũng rất phong phú vì gồm rất nhiều lối văng tục, chửi tục, sử dụng rất nhiều chất liệu khác nhau để xây dựng câu chửi, nhưng cũng nhằm rất nhiều ý nghĩa, kể cả ý nghĩa tôn giáo…” 
Thiết nghĩ đó là một nhận xét xác đáng. Hãy thử lướt qua các hiện tượng ngôn ngữ ta sẽ thấy rõ hơn.

Trong từ vựng tiếng Việt có rất nhiều từ ngữ thể hiện sự chửi. Chửi chung chung có: chửi mắng, chửi bới, chửi rủa… về mức độ chửi có: chửi tắt bếp, chửi vãi, chửi vung, chửi bâng quơ, chửi vung vít, chửi vào mặt, chửi xối xả, chửi như vãi trấu, chửi như tát nước (vào mặt), chửi tá lả, chửi búa xua, chửi tứ tung, chửi tùm lum tà la, chửi sa sả,  chửi te tát … về thái độ chửi có: chửi thề, chửi đổng, chửi khống khứ, chửi xỏ, chửi bỏ, chửi bông lông, chửi lén, chửi như hát… về mục đích chửi có:  chửi cha, chửi xéo, chửi móc, chửi cho tắt đài…
Trong thành ngữ tiếng chửi xuất hiện cũng khá phong phú: chửi bóng chửi gió, chửi như tách nứa, chửi như gõ thoi, chửi cha không bằng pha tiếng, chửi chó mắng mèo, chửi lắm nghe nhiều, chửi như chó ăn vã mắm, chửi như mất gà, chửi như vặt thịt...
Từ điển Tiếng Việt giải thích nghĩa gốc của từ “chửi” là thốt ra những lời lẽ thô tục, cay độc để xúc phạm, làm nhục người khác.
Phiếm đàm trong bài này chỉ bàn đến nghĩa này mà thôi.
Gần nghĩa với chửi là mắng, sắc thái nhẹ hơn nhưng vẫn mang hàm nghĩa “chửi”: mắng nhiếc, mắng mỏ, mắng trả, mắng vốn…
Với các hình thức ngôn ngữ phong phú như vậy chứng tỏ việc chửi khá phổ biến và rất đa dạng ở Việt Nam và hầu như mọi người đều đồng ý với nhau: người Việt Nam chửi nhiều, thậm chí còn chửi hay nữa !
          Chửi được coi là ngôn khí nên nó có sức mạnh áp đảo đặc biệt. Ngày xưa  Khổng Minh Gia Cát Lượng từng dùng thứ vũ khí này để ra trận. Ông ta đã lập ra đội quân gọi là “mạ thủ” gồm những người giọng to, có khẩu khí đứng ngay ở hàng đầu gào to những lời xỉ mắng đối phương khiến chúng hốt hoảng hay xấu hổ mà nhụt chí chiến đấu. Và một lần nọ ông đã dùng lời đanh đá cay độc mắng Tư Đồ Vương Lãng tướng nhà Ngụy ngay tại trận khiến ông này tức hộc máu chết ngay.
           Chửi là hiện tượng ngôn ngữ thể hiện hành vi ứng xử phổ biến trong xã hội, tất nhiên là vũ khí của người nghèo kẻ yếu có thái độ phản kháng, phản ứng mạnh mẽ trước những điều chướng mắt bất công. Dù họ bị tước đoạt, đàn áp về vật chất lẫn tinh thần, nhưng họ biết dùng tiếng chửi như là vũ khí lợi hại trước tiên là để phản kháng, sau đó là để giải tỏa tâm lý cho bõ tức và cũng là để giảm thiểu hành vi gian ác trái đạo về sau…
Vì vậy chửi thường đi liền với trang thái tâm lí: ghét, giận, căm thù, phẫn uất…
Còn chửi (mắng) yêu là một chuyện khác !
Tình huống gây nên tiếng chửi cũng đa dạng: giận con: chửi, giận chồng: chửi, giận hàng xóm: chửi, căm tức bọn tham quan thống trị: chửi… Từ chuyện đại sự đến vụn vặt trong đời sống đều có thể dùng chửi như một thứ ngôn khí lợi hại.
Dân gian đã ghi nhận mấy câu chửi có thể xem như "lập ngôn" của chửi; chửi chồng ngoại tình của người Bắc nghe rất tục mà vui tai: “ăn cơm nhà bà, uống nước nhà bà, l. bà không đ. Mà đi đ. l. người ta. Con nào hai l. bốn vú thì chơi, một l. hai vú thì bà cũng có đây !!!” ; hoặc lời người đàn bà chửi chồng lúc đau đẻ: “Ới cái thằng mắc toi mắc dịch, cái thằng dê xồm dê cụ kia, có giỏi thì chịu cảnh đau đẻ như bà nè!”… hoặc lời chửi của cô gái hái chè bị cưỡng bức: “Hôm qua em đi hái chè/ gặp thằng phải gió nó đè em ra/ em thì một mực xin tha/ nó thì cứ nhận cái đầu cha nó vào” – quả là vừa tục vửa hả hê !

Người miền Trung và miền Nam giận nhau thì chửi cộc lốc hằn học: tổ cha mày, tiên sư nhà mày hoặc chửi tục… chứ ít ghi nhận bài chửi nào như ngoài Bắc.
Hãy lột bỏ hành vi chửi để thấy rằng về phương diện thẩm mỹ, những bài chửi trên đây là những bài vần vè với ngôn ngữ sắc bén, nhịp điệu mạnh mẽ quyết liệt, giống như một bản cáo trạng trừng phạt kẻ đáng chửi !
          Trần Ngọc Thêm - trong cuốn “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” có đoạn: “Với lối chửi có vần điệu, có cấu trúc chặt chẽ, người Việt Nam có thể chửi từ giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác mà không hề nhàm chán. Đó là một nghệ thuật độc nhất vô nhị mà không một dân tộc nào trên thế giới có được” quả đó là một nhận xét không sai.
          Có lẽ dân tộc Việt Nam vốn nhiều chữ, thâm thúy nên khi ghét, giận, tức ai đó đều có thể chửi một cách có vần có vè, dù đó không phải là điều đáng khen ngợi gì nhưng dầu sao cũng đã hình thành nên cái gọi là “văn hóa chửi” của giới bình dân – dù rằng chửi nhau là kiểu ứng xử phản văn hóa!
***
          Trong văn học Trung đại lời chửi dưới vỏ ngôn ngữ của kẻ sĩ cũng không hiếm, không mới, thậm chí đã tồn tại ở nước ta lâu và gắn liền với các tên tuổi Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tú Mỡ, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ,  Nam Cao… với đủ các sắc thái chửi.
           Giai thoại Hồ Xuân Hương chửi mấy nho sĩ tấp ta tấp tểnh làm thơ lại dám đến thách đố với bà thì bỡn cợt sâu cay: “Một đàn thằng ngọng đến xem chuông/ Chúng bảo nhau rằng: ấy ái uông” hoặc “Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ/ Lại đây cho chị dạy làm thơ/ Ong non ngứa nọc châm hoa rữa/ Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa…” . Lời chửi nhẹ nhàng của Xuân Hương trước đền thờ Sầm Nghi Đống xem như đã hạ bệ oai phong của tên bại tướng này: “Ghé mắt trong ngang thấy bảng treo/ Kìa Ðền Thái Thú đứng cheo leo/ Ví đây đổi phận làm trai được/ Sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu.”
          Cao Bá Quát chửi các nhà thơ trong nhóm Thi Xã ở Huế thì mỉa mai châm chích: “Ngán thay cái mũi vô duyên / Câu thơ Thi Xã, con thuyền Nghệ An”; còn trước giờ lên đoạn đầu đài thì chửi thề rất ngạo nghễ: “Ba hồi trống giục đù cha kiếp/ Một nhát giươm đưa bỏ mẹ đời ”.
          Tú Xương chửi phường vong thân cam làm nô lệ cho Tây: “Bắt chước ai ta chúc mấy lời/ Chúc cho khắp hết cả trên đời/ Vua quan sĩ thứ người muôn nước/ Sao được cho ra cái giống người!” và bọn người vênh vang học làm sang hãnh tiến: “Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang/ Đứa thì mua tước đứa mua quan/ Phen này ông quyết đi buôn lọng/ Vừa chửi vừa rao cũng đắt hàng” ; thế nhưng khi tự chửi mình thì lại trách mình, dằn vặt mình đến nghiệt ngã: “Cha mẹ thói đời ăn ở bạc/ Có chồng hờ hững cũng như không”.
          Trong văn học hiện đại, nhà văn để cho nhân vật của mình chửi nhiều nhất là Nam Cao. Nhân vật Chí Phèo “vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: "Chắc nó trừ mình ra!" Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ồ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế thì có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này? A ha! Phải đấy, hắn cứ thế mà chửi, hắn chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo! Hắn nghiến răng vào mà chửi cái đứa đã đẻ ra Chí Phèo. Nhưng mà biết đứa nào đã đẻ ra Chí Phèo? Có trời mà biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết...” Chửi làng chửi nước, chửi mình, chửi đời, chửi đứa nào đẻ ra nó, say chửi, tỉnh chửi, thù hận chửi đã đành mà yêu cũng chửi… 
             Quả là siêu chửi !
***
          Cái chửi của người Việt cũng được biểu hiện không chỉ trong đời sống hàng ngày, trong các lĩnh vực của đời sống con người mà thậm chí còn được biểu hiện cả trong văn học, nghệ thuật đã dần dần trở thành một phần quen thuộc trong đời sống của dân tộc.
          Cái chửi dân gian ở làng quê thường là chửi trổng, chửi đổng, ít khi xác định đối thể cụ thể do văn hóa làng xã gần gũi dễ xảy ra va chạm vụn vặt bờ dậu, con gà, đụn rơm, đám lúa… nhưng sau khi chửi họ lại chộ mặt thường xuyên nên ít nhiều chửi đổng cũng là giải pháp tốt nhất, khi chẳng đặng đừng mới chửi tận mặt.
Còn trong văn chương tiếng chửi của kẻ sĩ thường nhắm vào đối tượng cụ thể, thói xấu rõ ràng, tiếng chửi trực diện, mạnh mẽ, chát chúa, như vỗ vào mặt đối tượng khá mạnh mẽ và ít nhiều có tác động về mặt xã hội. 
           Khi nói đến mỹ học của tiếng chửi không có nghĩa là khuyến khích tiếng chửi bởi dù gì đi nữa thì “Lời nói đẹp - đó là chi phí thấp nhất để thu lợi cao” (ngạn ngữ Anh). Con người không ai là không một lần chửi mắng ai đó hoặc bị người khác chửi; mỹ học chửi phụ thuộc vào chính cách mà con người chúng ta sử dụng và nó sẽ trở thành văn hóa chửi hay phi văn hóa và biểu lộ tầm văn hóa ứng xử, trình độ, tính cách con người.
          Nếu văn hóa được định nghĩa như là những giá trị vật chất, tinh thần do con người tạo ra trong lịch sử hay lối sống, cách ứng xử có trình độ cao thì quả thật chửi cũng là một nét văn hóa; bởi suy cho cùng, nói như Albert Camus đó là “tiếng kêu của con người khi đối diện với số phận”.

1 nhận xét:

Mộc Nhân Lê Đức Thịnh nói...

Còn bài chửi mất gà thì có nhiều dị bản thú vị; của người Huế thì có vần có điệu như hát : “Cao tằng tổ tỷ, cao tằng tổ khảo, cố tổ gia tông cả ông, cả bà, cả cha, cả mẹ, chú bác, anh em, họ nội, họ ngoại, xa gần ân ái, họ gái họ trai, dưới âm phủ đội mũ mà lên, trên thiên đàng xếp hàng mà đi xuống, bay hãy vén mái tai, gài mái tóc đặng chống tai lên cho rõ, chống cửa ngõ cho cao, chặt hàng rào cho thấp để mà nghe tau chửi đây nè: Tau chửi cho tan nát tông môn họ hàng cái quân khốn kiếp, cái quân vô hậu kế đợi đã ăn hết của tau bảy con gà xám, tám con gà vàng. Bay ăn chi mà ăn ác nhơn ác nghiệp, ăn một lần một chục rưỡi con gà. Bay ăn cho chồng bay sợ, cho con bay kinh, bay ăn cho ngả miếu sập đình, cho mồ cha bay chết hết để một mình bay ngồi đó mà ăn. Đồ cái quân ăn chó cả lông, ăn hồng cả hột. Cái quân không sợ trời đánh thánh đâm... bay ăn mần răng mà hết chục rưỡi con gà?”.
Chửi mất gà của người người miền Bắc cũng ngân nga chua ngoa không kém: “Tổ cha mày/ Cái đứa đen lòng xanh cật/ Mặt sấp mo nang/ Rình ngang rình ngửa/ Bắt gà của bà/ Ở nhà bà/ Nó là gà xương gà thịt/ Về nhà mày/ Nó là thần nanh xanh, mỏ đỏ/ Nó mổ mắt mày/ Ở nhà bà/ Nó là gà gấm gà hoa/ Sang nhà mày/ Nó là ác cầm ác thú/ là cú là cáo/ là hổ là báo/ Vồ cả nhà mày/ Giày cả nhà mày..” hoặc “Tổ cha nó/ Cái thằng ăn cắp/ Nó bắt con gà vàng khoan cổ/ con gà nổ khoan lông/ nó nấu nồi đồng/ nó nấu nồi đất/ nó ăn lật đật/ nó trật xương quai/ nó lòi bản họng/ mà nó cứ tọng vô mồm/ cái mồm thối mồm tha/ mồm ma mồm quỷ mồm đĩ mồm chó/ Tổ cha nó!”