Ngô Minh
Trong lịch sử thơ ca nước ta có lẽ tôi chưa biết có một nhà thơ nào sáng tạo ra một cấu trúc thơ riêng của mình có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống sinh hoạt xã hội của người Việt như Bút Tre. Thơ Bút Tre sinh ra từ những năm 60 của thế kỷ trước. Chỉ sau đó 5 năm thôi,Thơ Bút Tre đã được “nhân bản” thành các dòng thơ hậu Bút Tre khi ông còn sống, như Bút Tre trẻ, Bút Tre non, Bút Tre xanh, Bút Tre Tây….Bây giờ thì dân ta ai cũng thuộc những cậu thơ hậu Bút Tre :
"Anh đi công tác Plây
Cu dài dằng dặc biết ngày nào ra;"
Hay:
"Núi Voi trông thật giống con voi
Có cả đầu đuôi, có cả vòi
Núi cũng như người hăng sản xuất
Đầu thì trồng sắn, đít trồng khoai…."
Chắc chắn cuộc sống càng phát triển, thì “dòng thơ” Bút Tre ngày càng sinh sôi.
Vậy thơ Bút Tre có phải là thơ không ? Dòng thơ đó sinh ra trong hoàn cảnh nào? Và tại sao nó lại được công chúng khắp cả nước truyền tụng, “nối mạng” liên tục như vậy ?. Nhà “Bút Tre học” Ngô Quang Nam qua cuốn sách đã cho chúng ta hiểu về thơ và giai thoại Bút Tre . Nhưng có thể do bối cảnh ông chưa muốn lý giải kỹ nguyên nhân tại sao lại sinh ra dòng thơ Bút Tre . Đây là một vấn đề xã hội học và lịch sử văn học nghiêm túc cần phải được nghiên cứu thấu đáo.
Bài viết này cố gắng lý giải đôi phần câu hỏi tại sao có thơ Bút Tre và Thơ Bút Tre đã làm giàu câu thơ Việt như thế nào ? Bút Tre không phải như nhiều anh nông dân thông minh biết đặt vè, nói lối mua vui cho bà con khi ruộng đồng cuốc cày vất vả, thường xuất hiện ở nông thôn nước ta bao đời nay. Ngay ở làng Thượng Luật của tôi hiện nay cũng có tới vài ba người như thế. Bút Tre là bút hiệu của ông Đặng Văn Đăng, nguyên Trưởng ty Văn Hóa tỉnh Phú Thọ, rồi Vĩnh Phú. Ông sinh năm 1911, tốt nghiệp tú tài Tây toàn phần về triết học; là người sử dụng thành thạo hai ngoại ngữ tiếng Pháp và tiếng Anh ( đọc tiểu thuyết nguyên bản bằng hai thứ tiếng này). Ông từng viết báo, viết truyện in trên báo Đông Pháp thời Pháp thuộc, ký tên là Lục Y Lang ( Chàng trai áo xanh).
Sau năm 1945 ông hoạt động ngoại giao, từng làm Bí thư thứ hai Đại sứ quán Việt Nam ở Rumani. Năm 1956 ông là bí thư của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ung Văn Khiêm. Ông từng có tập thơ “Nhật ký thơ” gồm 398 bài thơ đường luật niêm luật rất chỉnh chu.v.v.. Nghĩa là ông là một người được học hành đến nơi đến chốn, một trí thức “toàn tòng”.
Khi làm Trưởng Ty Văn hóa tỉnh, ông là người đề xướng khai mở nhiều vấn đề lớn về văn hóa của đất nước như vấn đề nghiên cứu “Văn hóa Hùng Vương”, phát động phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” sau chuyến đi thăm tuyến lửa Vĩnh Linh, Quảng Bình. Ông chính là người đã có công ghi lại (theo kiểu thơ) để lưu truyền câu nói nổi tiếng của Bác Hồ tại Đền Giếng, khi Bác về thăm Đền Hùng: ”Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Một trí thức như thế không thể làm thứ thơ “ngớ ngẩn”, “ngô nghê, vô bổ” như một số người thời đó đánh giá được !
Bút Tre sinh ra ở xã Đồng Lương, huyện Sông Thao, Phú Thọ. Đây là vùng đất có truyền thống văn hóa dân gian rất phong phú. Làng Đồng Lương xưa kia sinh ra nhiều cây sáng tác vè xuất chúng. Có lẽ ông Đặng Văn Đăng cũng là “hậu sinh khả úy” của làng. Sinh thời ông Đặng Văn Đăng luôn luôn ứng tác thơ ca, vè để phục vụ cuộc sống. Thơ “xuất bản miệng” của Bút Tre nhiều vô kể. Kể cả khi là Trưởng ty Văn hóa, ký quyết định phân công công tác cho một cán bộ về ngành bảo tàng, ông cũng chua thêm thơ :
”Chú về công tác bảo tàng
Cũng là công cuộc cách màng giao cho”.
Ông để lại rất nhiều bản thảo các tập thơ viết về Nguyễn Trãi, Nguyễn Quang Bích…Còn thơ xuất bản ông có các tập : “ Quê hương Phú Thọ”, “ Phú Thọ lớn lên”, “Rừng cọ đồi chè”,” Sông Lô sông Chảy”,” Đồng tâm thắm thịt thắm da”…do Sở Văn hóa Vĩnh Phú xuất bản. Ông viết trường ca tặng Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trường ca tặng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, trường ca về Điện Biên tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp dài hàng trăm câu thơ song thất lục bát.
Thơ Bút Tre giản dị, hồn nhiên, ông tự gọi thơ ông là ca vè: “ Tre bút ca vè, tre triệu búp / Tiên phong dẫn xướng gợi đổi mở”. Nhưng có lẽ thơ Bút Tre nằm giữa thơ và ca, vè, khi thì thơ, khi thì vè, nên nhân dân rất dễ thuộc, dễ nhớ, dễ tiếp nhận và truyền tụng. Viết về Bác Hồ, ông có câu thơ có hình tượng đẹp:
“Bác là dòng suối mát tươi
Tưới đồng khô cạn, tắm đồi nẻ da” .
Tôi đọc, thấy thơ Bút Tre chưa phải là thơ hay, thậm chí nhiều dưới mức trung bình, chủ yếu là để cổ động tinh thần sản xuất chiến đấu như thơ nhiều tác giả cùng thời. Ví dụ bài thơ “Cô lái máy cày” có đoạn :
“Nhịp máy rập rờn, tay em đẩy
Con kìm cặp mạ nhả từng phen
Cô đi mạ nở theo chân bước
Đồng lúa xanh rờn dưới gót sen …”
Nhưng điều đặc biệt là trong thơ Bút Tre xuất hiện những câu thơ với hình ảnh, cách ngắt câu mạnh bạo, bắt vần rất lạ, rất đắc địa. Chính những câu thơ này làm nên sức sống và sức lan tỏa của thơ Bút Tre. Viết về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có câu :
” Anh đi đồng ruộng lắng nghe
Lúa mừng phân bắc khoai che mảnh vườn”
( “Bút Tre dân gian” mới sửa lại : Hoan hô anh Nguyễn Chí Thanh / Anh về phân bắc phân xanh đầy đồng” ) .
Thơ tặng cô bán quả vải, ông viết :
”Yêu nhau bóc vỏ áo ra
Trong như ngọc, trắng như ngà em ơi…”.
Đặc biệt trong trường ca tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bút Tre có hai câu thơ xuất thần, đột khởi làm nên thương hiệu Bút Tre lưu truyền hậu thế và tạo nên nhiều thế hệ Bút Tre mới sau này. Đó là câu lục bát:
“Hoan hô đại tướng Võ Nguyên
Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về”
Trong lịch sử thơ lục bát Việt Nam chưa có ai ngắt nhịp 6/8 chia đôi họ tên một người nổi tiếng như thế cả. Cách bắc cầu trong thơ lục bát như thế gây nên tiếng cười sảng khoái và ám ảnh. Vì chưa hiểu “Phong cách thơ Bút Tre”, nên nhiều nhà thơ chuyên nghiêp, nhiều nhà quản lý văn hóa đã cho rằng thơ như thế là thô thiển, văng mạng, là “vô lễ” với đại tướng, có người còn cho là phản động..v.v.. Nhưng càng đọc, càng ngẫm, mới thấy với cách ngắt nhịp câu lục bát rất ga-lăng và bạo dạn ấy, Bút Tre đã bắt được cái hồn dân gian Việt với cái chữ “ta” tài tình, làm giàu có thêm cho thơ Việt : “Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về”. “Giáp ta” cũng như Đảng ta, dân ta, nước ta, làng ta.v.v.., là tự hào vỗ ngực, là thương yêu , chứ không hề hạ thấp hay vô lễ gì cả. Đó chính là chất dân gian hiện đại mà Bút Tre đã phát hiện ra. Hai câu thơ đó đã tạo nên loại thơ “Hoan hô” rất phong phú của hậu Bút Tre:
“Hoan hô trung tá Phạm Tuân
Bay lên vũ trụ một tuần về ngay” ;
“Hoan hô đồng chí Hà Đăng
Ấn cho tàu chạy băng băng như rùa”
(Hà Đăng là Tổng cục trưởng Tổng Cục đường sắt lúc ấy);
“Hoan hô đồng chí Trần Hoàn
Lên làm bộ trưởng chiếu toàn phim Tây”…
Có người cho rằng “Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên…” là bắt chước “ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu. Đúng là Bút Tre có “bắt chước” Tố Hữu ở câu lục, nhưng lại tạo ra sự đột biến ở câu bát bằng cách ngắt nhịp “Võ Nguyên / Giáp Ta” làm cho câu lục bát bị gãy, tạo nên tiếng cười khoái cảm, có sức lưu truyền, làm cho dân nhớ về chiến thắng Điện Biên không thua kém thơ thơ các nhà thơ nổi tiếng khác!
Ngoài lối ngắt nhịp đột ngột nói trên, trong thơ Bút Tre còn có rất nhiều cách như chặt từ, để lửng từ, lối ép vần, ép thanh, biến thể lục bát.v.v.. Đây là những sáng tạo quan trọng trong tu từ và cấu trúc thơ Việt, làm cho câu thơ mang chất uy-mua, chất ngây thơ, rất dân dã mà rất hiện đại .Xin nêu vài ví dụ :
Lối nói tắt :
“Bây giờ đang đứng trưởng ty
Bút Tre thơ phú tôi thì có sau” ( “đứng”, tức giữ chức vụ )
Lối ép vận :
“Chú về công tác bảo tàng
Cũng là công việc cách màng giao cho”.
Biến thể lục bát :
“Đường đời mê mải tham quan
Để cho tiếng hát cây đàn hơi chơi vơi” ( Câu bát đã biến thành 9 chữ ).
Có lẽ từ đó mới xuất hiện lối nói hiện đại của lớp trẻ : hơi bị điệu, hơi bị đẹp, hơi bị say…
Lối lửng vần : Viết về một chiến sỹ giữ cầu cho xe qua, Bút Tre nhớ ngay đến câu ngạn ngữ “Qua sông đấm bòi vào sóng” , nhưng ông lại viết khác đi :
Bút Tre chẳng như mọi người
“Qua sông…” nhớ mãi nụ cười chú em ( đọc “nụ cười” nhưng người ta lại nghĩ ngay đến hình ảnh trong câu ngạn ngữ ).
Cách chọn từ để gieo vần như thế , người đọc sẽ tự tìm lấy những từ “đắt giá” theo đúng vần điệu và ý thích của mình, nhằm gây tiếng cười sảng khoái. Sinh thời mỗi lần ra Huế nhà thơ Thu Bồn hay đọc một câu thơ mà bạn bè chọc trêu mình theo lối Bút Tre :
“Thu Vân ngâm thơ Thu Bồn
Thu Bồn cảm động cầm tay Thu Vân.”
Từ đó “Hậu Bút Tre” sáng tác ra hàng ngàn câu thơ ép vận, bỏ lửng… làm cho cuộc sống thêm vui nhộn :
“Liên hoan chỉ có nải chuồi
Ra về nhớ mãi cái buổi hôm nay…”
Thì ra câu thơ Việt , con chữ Việt có có nội lực tiềm ẩn rất lớn, nếu ta mạnh dạn cách tân cấu trúc, tu từ, sẽ tạo nên sự khoái cảm thẩm mỹ mới lạ ! Những sáng tạo lạ lùng và hiệu quả đó của Bút Tre là nguồn gốc sinh thành Trường phái Bút Tre Việt Nam , mà hàng thế kỷ qua không có nhà văn, nhà thơ lớn nào tạo dựng được !
Bút Tre là bút danh ông Đăng tự đặt. Ông viết rằng “Thơ Tố Hữu khêu gợi Bút Tre”. Khi ông đọc tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu, có hai câu :” Nhà nghèo không mực thì son/ Bút tre giấy má nuôi con học hành”. Ông liền lấy hai chữ Bút Tre làm bút danh của mình. Tại sao lại là Bút Tre ? Bút Tre là để chọi với Bút sắt . Tại sao phải chọi ? Vì một thời “ các nhà thơ “bút sắt” của ta đều làm thơ nghiêm túc quá, ít chất thi sĩ lãng tử. Làm thơ, làm nghệ thuật là “sự chơi” ở đời, mà chẳng ai biết chơi cả. Những “nhà thơ nhà nước” ấy nói năng thưa dạ chỉnh chu, thơ văn thì nghiêm như báo cáo, từ chương, không ai dám sáng tạo ra điều gì về hình thức và nội dung ngoài những điều trên dạy, sách dạy. Thậm chí có ai làm khác đi, làm mới đi câu thơ Việt thì lập tức các nhà thơ “Bút Sắt”, các nhà phê bình xúm nhau lại để “giáo dục”, “uốn nắn” nhằm “lập lại trật tự”. Bút Tre là một ví dụ, ông đã bị chế diễu, dè bỉu, thậm chí có người còn đề nghị kiểm điểm, nghĩa là “Oan như oan Kim Ngọc khoán chui” !
Có thể trong thâm tâm, Bút Tre cho rằng làm thơ từ chương, thơ “nghiêm như họp” ấy làm sao mà vào được lòng dân, nên ông quyết “tuyên chiến” đối với loại thơ “bút sắt” ấy bằng lối tu từ chọc cười tài hoa của mình. Và ông đã thành công ngoài sức tưởng tượng! Có một nhà thơ “Bút Sắt” đã viết bài in báo ca ngợi Bút Tre:
“Gieo vần gãy nửa nhịp câu
Giữa dòng bạt mạng ngắt câu ngang phè
Mà sao ai cũng thích nghe
Cứ nghe là biết Bút Tre là cười
Bao nhiêu Bút Sắt mòn rồi
Hôm nay còn mãi với đời Bút Tre
Sức sống của Bút Tre chính là nhờ sự cách tân câu thơ, chữ thơ Việt ! Sinh thời hình như thơ Bút Tre không được tờ báo hay nhà xuất bản nào ở Trung ương in cả, vì người ta cho đó thơ ngô nghê, buồn cười. Vì là Trưởng ty Văn hóa, Đặng Văn Đăng phải tự ký giấy phép để Ty xuất bản thơ của mình, nên những người “ bút sắt” không hiểu ông đã lu loa lên rằng : đó là thơ bậy bạ, tự ký tự in như thế nguy hiểm quá, phải kiểm điểm, phải chấn chỉnh. Những lúc đó ông buồn lắm, nên trách đời :” Thêm bao bịa đặt cá nhân xuyên” ( “xuyên”đây là xuyên tạc – lại nói tắt!) . Ông tâm sự :
“Mở ca vè, dẫn lối ca vè
Trớ trêu văn nghệ không thừa thận
Xuyên suốt lòng dân luống đợi chờ
Lịch sử quanh co trêu ghẹo mãi
Nhân tài bất hạnh lặng im tờ…”
Nhưng ông nhất quyết không bỏ “lối thơ” mình đã chọn. Sách “ Bút Tre- Thơ và giai thoại” kể nhiều giai thoại về Bút Tre rất lý thú : Một lần một nhà văn nổi tiếng ở Hà Nội lên Phú Thọ chơi. Sau khi nghe Bút Tre đọc một số bài thơ, nhà văn bảo :”Tôi sẽ nhờ anh Xuân Diệu sửa giùm những bài thơ của anh”. Ông Đăng trả lời ngay : Thưa anh, anh Xuân Diệu làm “thơ bác học”, tôi “làm vè dân gian”. Anh Xuân Diệu là “ Bút máy”, tôi là Bút Tre, Xuân Diệu chữa thế nào được thơ tôi !” . Một lần khác, các nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Văn Bổng .v.v.. đi thực tế ở Phú Thọ. Sau khi nghe mọi người đọc một số câu thơ hậu Bút Tre như: Hoan hô anh Nguyễn Chí Thanh/ Anh về phân bắc phân xanh đầy chuồng” , “ Con ruồi là giống hiểm nguy / Một chân của nó rất vi trùng nhiều”… thì các nhà văn cho rằng phải đính chính trên báo để “giải oan cho Bút Tre ”, vì một người trí thức Tây học không thể viết thứ thơ như thế. Khi người cán bộ kể với ông Đăng chuyện này, ông cười bảo :” Đố cậu đính chính nổi. Ai lại dùng thơ văn “bác học” để sửa lại thơ văn dân gian “. Người cán bộ hỏi tiếp :” Đã là thơ dân gian sao lại có tên tác giả là Bút Tre hở bác?”. Ông cười bảo : “Đó là thơ dân gian hiện đại”. Rồi ông nói tiếp :” Cậu có biết vì sao các loại kiểu thơ Bút Tre người ta lại thích không ? . Ông cán bộ :” Vì những câu thơ hồn nhiên, buồn cười hở bác?”. Ông Đăng mới kết luận : “Ấy đấy , vì thơ văn các cậu “nghiêm như hội nghị” ấy mà lỵ…” .
Theo nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn ( Phú Thọ) , những năm đầu của thập kỷ 80 thế kỷ trước, nghĩa là mãi 20 năm sau thơ Bút Tre ra đời, nhà văn Nguyễn Tuân – một bậc thầy về chữ nghĩa - đã nhắc nhở những người lãnh đạo văn nghệ Vĩnh Phú và Hội Nhà văn Việt Nam cần phải nghiên cứu nghiêm túc về hiện tượng thơ Bút Tre. Có lẽ lúc đó Nguyễn Tuân đã nhận ra sức sống của “Dòng thơ Bút Tre” .
Qua những giai thoại trên ta thấy việc tạo ra những câu thơ “giả vờ ngây ngô” gây cười bằng cách xáo trộn cấu trúc câu, vần, chữ …là có chủ đích của Bút Tre. Tôi nghĩ, Bút Tre đã làm ra loại thơ ca gây cười để “tríu” cái thứ văn chương “nghiêm như họp”ấy. Ông cố tình viết như thế và ông tin :
“ Năm năm dân dã lắng nghe
Một Bút Tre thành vạn Bút Tre các làng”,
bởi vì
“Thế sự thăng trầm quân mạc vấn
Cây đa bến cũ vẫn ngồi nguyên”.
Nghĩa là nền tảng văn hóa dân gian muôn đời, là hồn dân tộc vẫn còn nguyên vẹn trong tâm hồn và thơ ông. Nên:
“Mai sau kẻ đoái người hoài, mặc !
Hạnh phúc hôm nay mát dạ người..
Bút Tre không mong mai sau có người nhớ mình, nhưng rõ ràng “Thơ Bút Tre” người ta vẫn nhớ, vẫn sinh sôi mãi mãi. Con người cần vui để sống, cần vui cười để lao động, học tập tốt hơn, nên thơ “Hậu Bút Tre” sinh sôi nảy nở.
**************************
Nguồn dẫn từ “ Bút Tre- Thơ và giai thoại”, Ngô Quang Nam sưu tầm, giới thiệu, NXB Văn Hóa 1994. Có tái bản lần thứ 5 có sữa chữa vào năm 1996.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét