10/5/12

157. SỰ NGỘ NHẬN ĐI ĐẾN THA HÓA

Nguyễn Tất Thịnh



 Một bông hoa đẹp là chình nó và hòa được với những bông hoa đẹp khác.
Tôi thật cảm động khi biết rằng ngày xưa có những người làm biên tập xuất bản mót lại trong thùng giấy rác những tờ bị vò nát của ai đó để tìm lại những bài hay, lặn lội vất vả đến nơi xa cố tìm người không quen biết để thẩm định động viên họ cung cấp hay sửa lại đôi ý cho một tác phẩm nhỏ để in…từ đó có nhiều người đã thành danh, được công chúng nhớ đến tác phẩm của họ. Xuân Diệu tuyệt vời thế mà có tâm để tìm ra và nâng đỡ một mầm tài Thơ Trần Đăng Khoa. Có nhiều quốc sĩ thân gày yếu mà ‘mang chuông đi đánh nước người’ thật vinh quang…Những thày giáo đói khổ mà lỗi lạc quên mình cho thế hệ trẻ đứng trên vai mình
Tôi có dịp được tiếp xúc với khá nhiều người, nhiều giới, tạm gọi là tầng lớp khá trở lên của xã hội.có vài điều ( đương nhiên không phải là tất cả rồi, nhưng tương đối phổ biến ) nhận xét thế này :
Tư tưởng con gà - nghĩa là: dù ăn to nói lớn, dù thành một chút công quả , có một chút chức danh khá nhưng vẫn là ‘ăn quẩn cối xay’ . Tức nhau tiếng gáy. Đào tung đất tóe loe để bới tí giun, nhưng hễ được nuôi ngày ba bữa thì rất nhanh chóng mất khả năng cần mẫn đó. Bắt nạt gà mái, gà con, hay chí chóe với gà khác trong sân nhà mình chứ không dám hành họe như thế khi được thả sang sân nhà người khác. Ngộ nhận nhờ mình gáy báo sáng mà Mặt Trời mới lên.
Tâm lý so sánh – nghĩa là: không thực định vị được giá trị thực của bản thân hay sản phẩm cá nhân mình làm ra trong công chúng, với xã hội về tính đóng góp cho văn minh, nhưng rất hay đi so sánh ‘cơ học’ với người khác theo kiểu ‘văn mình vợ người’. Dẫn đến xem thường đồng môn, lại sùng ngoại thái quá. Nhiều người mới có chút thành công nho nhỏ ở một vài trang báo, vài diễn đàn, vài đối tượng đã sừng lên mà rằng mình là nhất này, đầu bảng nọ, số một kia…
Thái độ bài xích: thật ra nhiều người chưa kịp hiểu ngọn nguồn, tổng thể quan điểm, xuất xứ, tổng thể về một điều gì, một tác phẩm nào đó, hoặc bất quá chỉ mới là tiếp cận được chút hiện tượng bề mặt…nhưng hay tham chiến tranh luận, cướp diễn đàn từ cái tư thế ( chức vụ hay tuổi tác ) mà được người cũng dễ dàng bỏ qua cho…nhưng lại cao ngạo lạm bàn, qui nạp kiểu ‘suy bụng ta ra bụng người’ hoặc ‘khác mình thì chẳng thể là hay’.
Ngôn ngữ xúc phạm: chuyện này thì phổ biến hơn, cho dù họ là vị trí nào, giới nào trong xã hội. Đó là thiếu năng lực nhìn nhận chân thiện, xa rời khỏi sự đánh giá khách quan và đúng đắn việc người khác đã làm như thế nào mà ngay lập tức lôi cổ nhân cách họ vào đống bùn đạo đức mình tạo ra bằng ào ạt khẩu ngữ mạt sát ‘đồ mạt hạng này / cái ngữ không ra gì ấy/thằng mất dạy kia…’ rồi gán cho họ những tính từ, những ví von đầy ý thóa mạ, hạ nhục nhân phẩm vô căn cứ.
Tha hóa nhân cách: theo quan sát của phạm vi tôi thấy gặp điều này mạnh hơn ở những người càng có vị trí giữa trong xã hội ( mà giới này đáng lẽ nên có ảnh hưởng rất tích cực và năng động nhất vào xã hội ) : chưa thành danh đã xa rời phận / mình chưa công đã chê quả người / chưa thạo nghề đã tự mãn nghiệp / chưa thành Nhân đã mất tư cách / chưa lao Tâm đã thôi khổ Tứ / chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng Tổng / nhận ơn mà không cảm / thấy hay mà tị hiềm / mất khả năng ngợi ca và hòa đồng vào những giá trị khác
Vài ví dụ phổ biến trong đời sống
Tôi từng thấy có những chương trình nghệ thuật ( hay nói chuyện hoặc đào tạo ) người ta mời một Nghệ sĩ thực sự đẳng cấp, ra sân khấu trình diễn 1 tiết mục thôi, và đó là tiết mục đinh nhất làm nên tính chất qui mô của buổi biểu diễn, cho phù hợp với cái Slogan đã trương ra. Nhưng không phải ai cũng có thể thẩm cảm mà đích đáng biết tán thưởng họ cho được, rồi họ về lặng lẽ vì không khoa trương. Đương nhiên nhà tổ chức họ phải mời nhiều nghệ sĩ bình thường khác ‘xen canh gối vụ’ hoặc minh họa thêm vào chương trình dài mấy tiếng đó, và mỗi người họ phải 2,3 tiết mục, công chúng lại vỗ tay ầm ầm…thế là những nghệ sĩ hạng ba tư ấy phớt lờ thực tế, vống mình lên trời với chúng bạn và trên báo chí rằng mình mới đích thị là ngôi sao, không có mình thì chương trình chết yểu….fan của mình có đến ngàn vạn….
Tôi nghe không ít vị cao niên nói : thời này làm gì có tình yêu lãng mạn sâu sắc như xưa nữa. Trong khi tôi biết đa phần các ông ấy trước kia lấy vợ theo sự sắp đặt của chi bộ để dễ bề thăng tiến, mong muốn của bố mẹ thêm người lao động trong nhà để tỏ lòng hiếu thảo. Một ông trong số đó có một chuyện vừa về tình yêu trong chiến tranh cũng xúc động ( sau thổ lộ rằng đó là mối tình vài ngày ấy do ông ấy gặp một cô thanh niên xung phong khi đi qua một trạm giao liên giữa rừng sâu…rồi sau này cứ ôm mãi như kỉ niệm sâu sắc nhất trong đời ). Nhiều ông bài xích cái lối tặng nhau Socola ngày Valentine bây giờ lắm, rất ghét cái lối yêu nhiều mới lấy ( mà quên rằng thời trước, ông ấy lấy một cho xong đã rồi sau mới yêu nhiều người khác ). Một đôi thanh niên nam nữ lễ độ thưa : thời của chúng cháu cũng có những cái hay riêng bác ạ, và vẫn biết yêu thích nhiều bài hát tình yêu lãng mạn trong sáng thời trước đến mức chính bác cũng không thuộc, chưa từng hát đâu ạ
Một chuyên gia có chút năng lực chuyên môn, trong xã hội này thì thế cũng đã là quí rồi. Anh ta bắn tiếng ngỏ ý và được người có trách nhiệm của một tổ chức lắng nghe chân thành mời vào làm việc trong ban chuyên gia. Anh ta không có một câu cảm ơn, không thèm hỏi một câu về tính chất, nguyên lí hoạt động và mục tiêu của ban đó với kì vọng của người đã mời mình, không nói được một câu nào về việc mình sẽ đưa ra được những ý tưởng nào, góp phần xây dựng những gì cho hoạt động của ban đó tốt lên…nhưng ngay lập tức hùng hùng nói hai điều : thù lao bao nhiêu và kiêu ngạo rằng: liệu có thêm anh ta trong ban chuyên gia đó thì có xảy ra chuyện ‘lắm cha con khó lấy chồng’ không, và nói rằng anh ta là người giỏi đến thế thì cái cá nhân anh ta sẽ khó chấp nhận hòa chung với đồng nghiệp lắm đấy ( dù anh ta không rõ trong ban ấy hiện đang có những ai, họ đã được xã hội thừa nhận như thế nào ). Hóa ra anh ta không hề biết rằng : người tài là có khả năng xây dựng, tôn trọng tổ chức, biết thừa nhận và làm việc tốt với những cá nhân có khả năng khác, làm tổ chức đạt được mục tiêu.
Một người vốn có năng khiếu lợi khẩu. Khi trẻ anh là người cầu tiến và có khả năng tự học hỏi cao …nên dần được mời nhiều hơn trong các chương trình nói chuyện, hội thảo cộng đồng với đa phần là sinh viên những người về hưu non, thường thì cũng có cả một số những người muốn đến dự chia sẻ những điều mình quan tâm…Anh ấy đọc được sớm những quyển sách khá nổi của một số diễn giả nước ngoài, thêm vào sử dụng những kĩ năng tạo hiệu ứng đám đông, hiệu ứng ‘bầy đàn’ nên quả thực là cũng thu hút được người nghe trong những lần đầu. Vậy mà chỉ ít lâu sau anh quá tự tin mà quảng bá nhận mình là diễn giả số một đất nước ( dù không công bố được bất cứ bằng chứng nào cho sự ngoa ngôn ấy ). Có một số người nghe anh cũng tích cực ghi nhân được đôi điều, tự họ vốn có tiềm năng và bản lĩnh nên họ có thành công, gặp anh chân thành nói lời quí mến, không ngờ anh lại biến điều đó thành cơ hội đánh bóng cho tên tuổi anh rằng : ‘cái’ anh / chị / kẻ đó là học trò tôi đấy, nhờ những điều tôi dạy mà được thế đấy! Trong mắt anh ta chả còn ai hay ho nữa cả ! Đương nhiên anh ta đã tự đánh mất cái hay ban đầu của mình mất rồi.
Tôi thêm vài lời : sự tha hóa không ở chỗ khả năng lao động của anh kém đi, không ở chỗ sức khỏe sa sút…thậm chí nhiều khi anh có thể buồn đau nhân tình thế thái… mà ở chỗ cái tư cách sống của anh bị hen ố từ trong ý nghĩ, trong tâm thức…mất khả năng ngợi ca điều hay, thẩm định điều tốt, không thể chung sống với các giá trị khác.




Không có nhận xét nào: