4/2/13

300. KÍ ỨC TẾT


Mộc Nhân
                   (Những câu thơ trong bài của thi sĩ Bùi Giáng)

 Mỗi mùa khoác trên mình một dáng vẻ để con người cảm nhận bước đi của thời gian. "Bốn mùa thay áo" như cô gái ăn vận tùy thời !
Nắng hạ chói chang cho sang thu lá vàng rơi rơi trong heo may buổi sớm. Gió đông se sắt tái tê để đầu xuân muôn sắc hoa bung cánh trong mưa xuân.
Góc sân mai vàng e ấp hé nụ gọi mùa xuân.
“Mùa Xuân hẹn giữa ngàn mai 
Nguyên hình nữ chúa trên ngày phù du”.
Chỉ có mùa xuân mới được con người gọi tên gắn với bao mỹ từ diễm lệ: bóng xuân, dáng xuân, nàng xuân, chúa xuân
Bao nhiêu năm nay vẫn thế nhưng mỗi lần cái màu vàng tươi của hoa mai, hoa cúc gọi mời thì lòng người lại bồi hồi nhớ về một mùa xuân, một cái tết nào đó xa xăm.
Quắt quay một nỗi nhớ.
Nỗi nhớ miên man mông lung - nhớ quê, nhớ nhà, nhớ người thân thiết, nhớ cái mùi quê hương ngày tết…
“Xuân về buồn mãi vấn vương
            Lòng sao ngớ ngẩn nhớ thương quê nhà”.
Cái mùi vị thơm tho dân dã của bánh trái quê hương, cái sắc màu rực rỡ chân thật của cây lá đồng nội, cái âm thanh đì đùng rộn rã của tiếng pháo vọng về từ xa lơ xa lắc dường như đã đi làm lòng người bao nỗi vấn vương.
Nỗi nhớ ấy ủ trong mưa xuân như người ta ấp ủ điều gì trong tim.
Nỗi nhớ ấy ấm áp miên man như mưa xuân và cũng nhí nhảnh đáng yêu như mưa xuân. Chúng ở trong tâm tưởng và luôn mang theo một kỷ niệm, đánh dấu từng khoảng đời dù biết là:
“Đã qua đã tới đã về 
Tết từ bao bận tết đề huề đi”.
Có những thứ chỉ vụt đến, trong một khoảnh khắc bất chợt, nhưng vẫn để lại ám tượng sâu đậm, giúp mình lớn khôn.
Nhưng cũng có nhiều điều nó theo mình mãi như hơi thở, đau đáu như nỗi nhớ tình nhân, mát lành như sữa mẹ, trong trẻo như cơn mưa xuân khiến con người tỉnh táo:
Xin chào nhau giữa con đường 
Mùa Xuân phía trước miên trường phía sau.
***
Cứ mỗi độ đến tháng chạp là đất trời lại lất phất mưa xuân - không dữ dội ồn ào như mưa mùa hè, không sụt sùi như mưa thu, không cào cấu cắt da cắt thịt như mưa ngày đông giá.
Mưa xuân giăng mắc như nỗi buồn, rảnh rang như bay bay rong chơi, ve vuốt như bàn tay em ngày ân ái.
Nhớ mùi tết - những ngày hạ tuần tháng chạp đã nghe cái mùi hăng hắc cay cay tỏa ra từ bếp ông kiềng nấu bánh tét bánh chưng ở góc vườn nhà.
Chập chờn từ chạng vạng, ngọn lửa bập bùng nhen nhóm niềm vui bên lò bánh tráng, bánh tổ thâu đêm.
Mùi lá chuối lá dong tươi, mùi gạo nếp thơm thoảng, thấm vào áo quần, dính díu trong hơi tay, nhầy nhẹt trong mưa xuân mà vẫn thấy hay hay thích thú.
Mẹ xăng xái lật trở bên nồi bánh.
Cha dúm củi, tém than bên bếp lửa đỏ hồng.
Con trẻ xúm xít tán chuyện áo mới, tiền lì xì, góp công phì phò khói bếp để sáng mai được nâng niu mấy cái bánh ú, bánh chưng nhỏ xíu của riêng mình.
Nhớ những cái tết thời gạo châu củi quế chẳng dư dả gì nhưng nó cứ ám ảnh, quẫy đạp mỗi khi xuân về.
Cha mẹ chắt chiu cả năm để lo được một nồi bánh tét, vài cân thịt lợn, mẹt bánh tổ, chồng bánh tráng, vài khuôn bánh nổ, bánh in là ấm lòng vui ngày Tết lắm lắm.
Nhớ cái rét cuối đông cóng cót nhưng ai cũng thấy ấm áp trong nhẹ nhàng bảng lảng của mưa xuân ngày cuối năm.
Bánh nóng vớt ra trải trên nong nia phơi phóng dưới mưa xuân nghi ngút mùi no đủ.
Nhớ màu hoa tết - thời đói khó đâu có mơ đến hoa đào rực rỡ, hoa ly thơm nồng. Thềm nhà có chậu vạn thọ vàng ươm cũng là hoa xuân. Ngoài sân khóm cúc ngũ sắc đậm đà chân quê cũng là hoa xuân.
Góc vườn có cội mai già muốn chăm chút dành ngày xuân mà cũng phải đắn đo bịn rịn.
Mẹ muốn bán dăm cành để thêm chút thịt mỡ dưa hành bởi “sống ngày tết, chết ngày mùa” nhưng ba lại thương thương bởi như bán đi một phần hồn của mình nên không nỡ.
Hoa xuân ở đâu, bao giờ cũng đẹp như thiếu nữ trong hội làng “em xinh em đứng một mình cũng xinh”.
Hoa cũng tắm táp trĩu nặng trong mưa xuân.
Mưa xuân ve vuốt cỏ cây, mơn man hoa trái làm nhớ người em ngày cuối năm gặp nhau thẹn thùng khi nhắc lại chuyện xưa cũ phôi pha.
Cái cảm giác lâng lâng chộn rộn ấy nó cứ đeo đẳng, len lỏi, nêm chặt cả hồn người.
Nhớ nhung thể niệm như hầu
            Nhớ màu nước chảy nhớ màu mây bay
            Nhớ năm ngắn nhớ ngày dài
            Nhớ xuân tươi tốt phôi thai thu già
Nhưng dù gì đi nữa thì trong tâm thức của mỗi người, đây là lúc trở về với thần Phật, nguồn cội, tổ tiên, cha mẹ, họ hàng, làng nước… Tất cả trở thành nỗi ám ảnh, cảm thức và tâm linh. Nên dù chẳng ai bắt buộc nhau cả nhưng Tết là ngày trở về quê nhà cố xứ.

Mùa xuân em có về không?
Nhành mai cố quận trổ bông dịu dàng… 
***
Quê xưa cố quận vẫn còn đó cái tên nhưng mùi lai tết nhứt đâu còn đậm đà như xưa.
Dù vậy khoảnh khắc trời đất giao hòa, thoảng trong không gian tĩnh lặng, lất phất mưa bụi thiêng liêng có đì đùng tiếng pháo hoa từ phía phố xa vọng lại là cái mùi hương, mùi Tết.
Cái mùi mà với đến mãi sau này không thể mất đi bởi nó luôn trong tâm cảm con người; bởi nó không chỉ là hiện tại mà còn gắn với bao hoài niệm, nhớ mong, khiến con người hồi sinh:
Em đi cây cỏ dậy thì 
Ngày xuân vô lượng cùng đi lên đường 
Trùng lai giây phút phố phường 
Niềm vui quá khứ phi thường hồi sinh.
                                            

Không có nhận xét nào: