Tùy bút Nguyễn Nhã
Tiên
(Bài đăng trên Đặc san ĐẠI LỘC - xuân Quí Tỵ 2013)
(Bài đăng trên Đặc san ĐẠI LỘC - xuân Quí Tỵ 2013)
Trong cái trí nhớ của tôi bây giờ dường
như mây khói nhiều hơn cả thảy. Từ trong cái miền thẳm ấy, bất chợt một tiếng
dế kêu hay một đàn bướm mỏng mảnh lượn bay đâu đó, chỉ ngần ấy thôi là cái
thằng oắt con ưa mơ mộng đã ngủ quên trong mù khơi trí nhớ của tôi bỗng thức
giấc reo hò !Em ạ, ngày xưa vua nước
Bướm. Kén nhân tài mơ Điệp lang khoa. Vua không lấy Trạng, vua thề thế. Con
bướm vàng tuyền đậu Thám hoa.
Đấy là Cổ tích của Nguyễn Bính thi sĩ. Còn
tôi, cổ tích nào đây? Không nhớ nổi, mà làm sao nhớ cho hết khi mỗi bước chân
trên đường là một vọng động làm ứ đầy bao cảm xúc, nghèn nghẹn muốn dâng tràn.
Một trời xuân cổ tích hiện ra trên gành bãi, hiện ra trên bến đò, bên gốc đa
rợp bóng, trên khoảng sân đình đầy rêu xanh… Hễ cứ chạm vào đâu là nơi ấy bời
bời lên tiếng.
Kể từ ngày có chiếc
cầu bắc qua sông, và rồi đường nhựa, đường bê tông cứ nối tiếp nhau tăm tắp dẫn
về làng, con đường nhỏ gập ghềnh xuyên giữa biền dâu qua bến đò ngang làng tôi
chẳng mấy ai đi nữa, mặc cho lau lách cỏ dại mọc tràn ra che lấp hết lối mòn.
Vậy mà một sớm xuân này, cái con đường bấy lâu nay ngủ quên trong cỏ dại ấy
bỗng xôn xao vang động bước chân người về. Hóa ra chẳng riêng gì tôi bổi hổi
nghe tiếng gọi câm của con đường âm ỉ những nhớ quên, mà hình như sự kì diệu
của ngày xuân, ngày tết đã đánh thức vào sâu thẳm mọi tâm hồn, khiến ai bước đi
trên đường dáng vẻ cũng thơ mơ, như muốn nhặt nhạnh chỗ này, nơi kia bóng dáng
một thời nào đó của mình còn lẫn trong cỏ dại.
Bước lên khỏi con đò ngang, mọi người hối hả
theo những con đường băng qua cồn dưa, nà bắp dẫn vào làng. Đằng sau cái lũy
tre xanh rợp bóng mát yên ả thanh bình kia bây giờ là nơi chốn cho ngày hội,
cho mọi nỗi nhớ tấp nập kéo về. Nam thanh nữ tú, lứa đôi dặt dìu, hoa niên tươi
rói, trẻ thơ hồn nhiên tung tăng chạy nhảy…tất cả rạng rỡ dưới ánh nắng mai
vàng như mật rót trên đường. Hình như hiện trên từng gương mặt hớn hở ấy, bóng
dáng nào tôi cũng đều thấy nét quê xưa ruột rà ẩn trong nụ cười tiếng nói chào
nhau. Mà nói gì đến người, ngay đến cây cỏ cũng dào dạt bao niềm xao xuyến.
Ngồi dưới gốc đa trước sân đình, thực ra cây đa bây giờ không phải là cội đa già
ngày xưa mà người ta thường dựng cái sân khấu kề bên cho các gánh hát bội về
hát vào mỗi dịp lễ Kì yên hằng năm của làng. Ấy vậy mà dưới bóng râm cành lá
của cây đa trẻ trung này, tôi nghe ra ngàn lời hồi âm trong gió thoảng. Không
biết đấy có giống như “thần chú” gieo niềm vui nỗi buồn của cỏ cây hoa lá như
trong ý niệm của Gabriel Garcia Marquez (tác giả “Trăm năm cô đơn”) hay không,
có điều cái thiên đường ấu thơ huy hoàng của tôi chừng như bây giờ ngổn ngang
vang hưởng dưới bóng đa tỏa mát sân đình.
Nhà tôi ngày xưa đối
diện với đình làng. Bởi thế bao đêm hát bội ở sân đình đã neo đậu vào ký ức tôi
bát ngát những thanh âm tuồng tích. Thường là liền sau tết, những gánh hát bội
như: Bàu Toa, Ông Xã Đàm, Anh Hoành…được làng tôi rước về hát kéo dài suốt cho
đến lễ Kì yên được tổ chức vào rằm tháng giêng. Vậy nên cái tết ở làng tôi cũng
vì thế kéo dài hơn những nơi khác, mà mơ ước của tuổi thơ thì tết là cả một
thiên đường. Cái thằng bé con loắt choắt là tôi, có hiểu gì cho lắm tuồng tích
Ngũ hổ bình Liêu hay Sơn hậu, hay Lý Phụng Đình…, vậy mà cứ y như mười đêm như
một, tôi chạy theo cha mẹ mình ra đình làng, rồi chen vào cho bằng được ở hàng
đầu, sát bên sân khấu ngồi xem say sưa, khoái nhất là những vai hề, vai tướng
phép tắc tài ba tung hoành bay lượn trên sân khấu. Cho đến một mùa xuân nào đó
tôi không còn nhớ rõ, cũng như bao đêm hát bội ở sân đình, nhưng trời đất ạ!
tôi bắt đầu biết…rưng rưng!
Cái nhân vật đã làm
tôi bồi hồi xốn xang bao niềm xao xuyến không tên không tuổi ấy chính là nàng
Trại Ba công chúa. Ôi chao, công chúa
đúng là công chúa, áo vàng kim tuyến lóng lánh mảnh trước mảnh sau, dải lụa đỏ
thắt ngang lưng, bước hài đi như nguyệt bước, võ nghệ tinh thông quyền phép cao
cường mấy ai sánh kịp. Nhưng trước tình yêu, Trại Ba mong manh liễu yếu nhi nữ
có ai bằng, mỗi bước đi là bước ngọc khẽ khàng… Đấy là sự mô tả nhân vật công
chúa Trại Ba, mà cha tôi sau buổi xem hát bội về còn thức khuya ngồi bình phẩm
bên bát ô tộ nước chè xanh do mẹ tôi nấu còn nóng hổi. Cứ sau mỗi lời bình là
ông lại phì phò vừa thổi vừa uống như uống phải một thứ men say. Còn tôi, gánh
hát bội dọn đi lâu rồi, vậy mà đêm đêm vẫn cứ ngong ngóng về phía đình làng,
nhận ra nơi ấy một quãng vắng mênh mông đầy gió. Thường những lúc vu vơ như
thế, tôi chỉ biết nghêu ngao hát “Quá ải
mau mau chưn bước. Dặm đề từ nước nước, non non. Thờ chồng đạo muốn vuông tròn.
Dẫu cho uống tuyết cũng ngon tấm lòng. Cang thường một gánh nặng vai. Cũng
nguyền sông giải, non mài mà thôi”. Đấy là màn công chúa Trại Ba phi ngựa
đuổi theo nguyên soái Địch Thanh, nước mắt lưng tròng tiễn người quá ải. Thuộc
lòng đến vậy nên khối lần tôi bị mẹ mắng: không lo học hành, coi chừng mẹ cho
ăn roi. Mẹ nói như vậy thôi chứ chưa bao giờ đụng đến roi vọt. Có nhiều lúc tôi
còn thấy mẹ đóng vai công chúa Trại Ba hát cho cả nhà cùng nghe: Đờn đã im cầm sắt. Phận thêm đẹp xướng tùy.
Đất tuy vẽ cuộc ba di. Trời khiến vầy duyên ngư thủy. Xin thỏa tình yến nhỉ. Mà
cất chén giao hoa. Cơn sầu thôi đã chứa chan. Đoạn thảm vì ai đeo đuổi… Cả nhà ngồi nghe mẹ hát, tất cả vỗ tay
reo lên. Phần tôi bắt chước cha mình, tay múa ra roi chầu hai chầu ba, miệng
giả tiếng trống “thùng, thùng, thùng”, tưởng thưởng công chúa Trại Ba – là mẹ
tôi, đang tươi cười ngồi ăn trầu ngon lành sau câu hát ngẫu hứng.
Đình làng quê tôi thời
chiến tranh bị bom đạn tàn phá chỉ còn lại trơ vơ cái nền và sân đình. Phải gần
ba mươi năm sau ngày hòa bình, nhân dân trong làng mới gom góp xây dựng lại
ngôi đình làng mới, nhưng mà phải dời vị trí đến một nơi đất mới bởi khu vực
đình cũ bị lũ lụt xói lở cận kề bên. Đình làng mới bây giờ xây dựng khá là đơn
giản, mái lợp tôn, thô tháp mấy cây trụ bê-tông cùng với những vị kèo sắt. Đình
làng ngày xưa là một công trình kiến trúc đẹp vào hàng bậc nhất trong làng. Mới
bước vào mặt tiền đã thấy hình rồng, hình phượng được cẩn bằng sứ ở hai bên
vách tường tả - hữu, chính giữa là ba gian cửa gỗ màu sơn son. Trên mái đình,
vị trí đỉnh nóc là hình “lưỡng long tranh nguyệt”, bốn góc mái cong vút đầu đao
có gắn hình chim phượng. Tôi chẳng thể nào nhớ hết những đường nét chạm trổ từ
viên đá tán được kê dưới mỗi cây cột đến các bệ thờ. Có lẽ ấn tượng nhất mà mỗi
khi hồi ức nhớ về ai cũng không quên, đấy là những hàng cột gỗ lim từng gian to
đến cả hai vòng tay ôm không xuể. Và rồi những vị trính, vị kèo, được chạm trổ
kì công, đến độ người ta bảo: mỗi vị kèo trính như vậy thợ giỏi phải chạm mất
cả hàng tháng công. Bây giờ thì sự hiện đại can dự vào tất cả, đến nỗi lễ Kì
yên được tổ chức sau tết hằng năm cũng đã thưa vắng lắm rồi. Hay là trong tâm
thức của làng từng bao sông cạn đá mòn, đã dâu bể như dòng sông xói lở đục ngầu
chảy sát sau vườn đình như muốn cuốn trôi tất cả vào quên lãng.
Đi loanh quanh trong
sân đình cũ, nhìn rêu dày lên mấy lớp, có gì dưới mấy tầng rêu phủ ấy mà bịn
rịn, mà bồi hồi bước chân. Chợt nhớ, một vị giáo sư già mà tôi quen biết, ông
là một bậc thầy cả đời chuyên nghiên cứu về hát bội. Có lần tôi may mắn theo
ông điền dã ở một làng quê. Khi bước vào một ngôi đình xưa, giáo sư dạy tôi một
kinh nghiệm: Hãy nhắm mắt lại, tịnh tâm và nhìn thật xa, với cách nhìn như thế
anh sẽ nghe, sẽ thấy tất cả ngày xưa hiện về.
Bây giờ thì ông đã
thuộc về lớp người muôn năm cũ. Nhớ lời ông, tôi cũng nhắm mắt mà nhìn, tịnh
tâm mà nhìn. Từ mấy tầng rêu xanh kia, từ cái bóng đa rợp mát kia, và cả từ
những ngọn gió lao xao lướt qua sân đình nữa, tôi nghe hết và tôi thấy hết!
Dưới màu trăng nguyên tiêu vằng vặc, chập chùng với vô vàn ánh sáng lung linh
đêm hát bội, từ đấy bước ra những con người của cổ tích: Mạnh Lệ Quân, Lưu
Khánh, Kim Loan, Địch Thanh, Địch mẫu… Và, cái nhân vật huyền ảo nhất, lẽ đương
nhiên lung linh mãi trong trí nhớ của tôi, đấy là tình yêu hay thứ gì tôi không
rõ, nhưng chắc một điều – công chúa Trại Ba, người đã gieo rắc mộng mị đầu tiên
lên hoa niên tôi từ bấy…đến giờ !
Nguyễn Nhã Tiên: quê quán Đại Phong - Đại Lộc
Hội viên Hội VHNT tp Đà Nẵng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét