28/2/14

447. "LÀNG MÌNH NƯỚC MÁY CẢ RỒI"

  Huỳnh Minh Tâm
           Bình bài thơ "GIẾNG ƠI…" của Huỳnh Ngọc Sáu
              “Làng mình” là nhập thế, tác giả đi từ cái đơn bào đến đa bào, đơn cực đến đa cực, tiểu ngã đến đại ngã. “ Làng mình”, “ quê mình”, “ sông ta”, “ núi ta”...và nhiều cái mình, ta khác là thi sĩ muốn gắn kết nỗi lòng với bao trăn trở, suy nghiệm về lẽ đời, lẽ sống, những kỷ niệm và ước mơ. Có một thời đại thơ ca của Viêt Nam  trước đây đã mở ra cái ta miên viễn trường tồn, để gắn kết văn hóa và quê hương, đã tạo ra  những ấn tượng nhất định trong lòng bạn đọc, như: “ Làng ta ở tận làng ta/ mấy năm một bận con xa về làng/.../ Ta đi mơ mộng trên trời/ để cha cuốc đất một đời chưa xong” (Về làng- Nguyễn Duy). Có lẽ tác giả hai câu thơ trên cũng đã thấm đẫm một không khí lãng mạn thơ ca một thời, thấm đẫm một chất quê hương cố xứ đầy kỷ niệm, ma mị và luyến ái, nên hạ bút “ Làng mình” là hòa nhập vào thể tất của tâm hồn và đời sống. Tựa như “ làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”.   

          “Làng mình” là các từ đẹp nhưng không mới trong thơ ca, nhưng “ nước máy” thì đem đến sự mới mẻ cho thơ ca, đặc biệt trong lục bát. Bởi lục bát thường chuộng những mỹ từ, những “ lóng lánh long lanh” (Long lanh đáy nước in trời- Nguyễn Du), thường chuộng những “ miên trường bát ngát” (Xin chào nhau giữa con đường/ mùa xuân phía trước miên trường phía sau- Bùi Giáng), thường chuộng những từ ngữ hướng đến những nội dung khó giải thích, mù mờ, nhợt nhạt (Nắng chia nửa bãi chiều rồi/ vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu- Huy Cận). Còn “ nước máy” rõ ràng quá, thẳng đuột, chân thật, chân tình, chân phương, chân kiểng, chân ba kiền, chân ghế, chân quê, kiểu như “ anh đi anh nhớ quê nhà/ nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”. Cái đẹp cái hay của câu thơ đôi lúc quá giản dị, quá chân thật, không còn gì để luận bàn so đo.
          Và “ cả rồi” là xong tất, là đầy đủ. Câu thơ sáu chữ vẹn toàn, đưa một thông tin cũng vẹn toàn không kém, một cái nhìn thật sơ khai, đơn giản.
          Tôi thử đọc lại “Làng mình nước máy cả rồi”, và thầm phản biện: “nó hay chỗ mô ta?”, thì cảm thấy nó giản dị vô song, nó như bữa tiệc không dư dả, thừa mứa mà ta hay gặp ở nhiều bàn tiệc thi ca đầy rẫy trên mạng hoặc trên báo.
          “Giếng ơi hỏi giếng” là câu thơ bần thần khấp khởi. Giếng là khơi nguồn của cái đẹp của làng, giếng là khởi đầu cái đẹp tuổi thơ. Tuổi thơ ai mà chưa một lần tắm giếng làng nhỉ? “Vui vô hậu” (Học chữ dùng của Trương Vũ Thiên An). Nhìn xuống giếng những ngày mùa hè, nước trong văn vắt, mát mẻ lạ thường. Giếng đã kết tụ không biết bao nhiêu là kỷ niệm văn hóa, giếng là tình yêu của trai gái hẹn hò. Xin trích ra đây một đoạn mơ tình về cái giếng : “ Thời ấy cả xóm mới này chỉ có độc nhất giếng bà Phiên, mỗi sớm mai người gánh nước tụ tập nơi đây, giếng vui như hội. Giòng nước ngọt lành thảo thơm phục vụ dân làng. Giếng làm ông tơ bà nguyệt se duyên cho những cặp đôi nên vợ thành chồng. Giòng nước giếng tinh khiết như giòng sữa mẹ, đã nuôi ta lớn khôn, bồi dưỡng tâm hồn ta tình yêu quê hương làng xóm. Hết thời thơ dại, theo cha để mua kẹo ú bà Phiên, tôi được cha đóng cho đôi thùng gánh nước bằng thùng dầu xà lách, có chiếc đòn gánh cong cong, cha đi trước, tôi chạy theo sau, nhịp nhàng mỗi sáng. Tâm lý trẻ thơ thích làm những công việc người lớn, được theo cha gánh nước cùng lũ bạn trong xóm là điều thích thú vô cùng” ( Tạp bút : Giếng nước tuổi thơ- Nguyễn Thị Diệu Lan).
          Bởi vậy, với nửa câu thơ “ giếng ơi hỏi giếng” là đã kết nối tâm hồn tác giả với những sơ nguyên hội ngộ, là về với chính thể. Tác giả lại đi từ đại ngã về tiểu ngã, từ đa cực đến đơn cực, từ đa bào về lại đơn bào, từ mông lung viễn vọng về lại mực thước chỉn chu, từ tri thức về tâm hồn, từ nam tính về nữ tính, từ dương về âm, từ chia ly về hòa hợp.
          “Giếng ơi hỏi giếng một lời/ buồn không?” là mở ra  “đoạn trường tân thanh”. Bởi rằng, mở ra một câu hỏi là bắt đầu đi vào dằn vặt, lo toan, mơ mộng, mong ước. Đọc thì câu thơ nhẹ lắm, nhẹ như tơ trời gió bay, nhẹ như câu ca dao mẹ ru ta ngủ thời ấu thơ, nhẹ như những ánh trăng đêm mùa thu lơ phơ lất phất.
Nhưng đem cân, tôi tưởng tượng nặng vô cùng. Tơ tình luyến ái, rối bời kỷ niệm. Cái cũ rõ ràng đẹp đấy, còn đầy bao kỷ niệm nhớ thương, nhưng biết làm sao níu kéo? Thời đại mới phải có tiếng hát mới chứ? Còn cái mới chẳng biết thế nào đây? Nhưng nó quá tiện dụng, mà thời gian sống sao mà gấp gáp lo toan, làm sao mà chậm chạp, mà lãng mạn nhớ nhung, mà bê trễ được chứ?. Thế là dùng dằng, tính toán, so đo. Thế là sinh ra “ thi sĩ”.
          Hai câu thơ: “Làng mình nước máy cả rồi/ giếng ơi hỏi giếng một lời buồn không?”, tôi đọc được trên trang mạng thinhdailoc.blogspot.com, ở bài : “Giếng nước tuổi thơ" của chị Nguyễn Thị Diệu Lan - GV trường THCS Nguyễn Duy Hiệu-  Hội An cung cấp. Hai câu thơ đã dội vào lòng tôi những cảm xúc bất an và những niềm hạnh phúc thầm kín, mênh mang. Tôi đã “bỏ ăn" ba ngày và “tơ tưởng về nó”, muốn viết một điều gì đó để giãi bày và tôi đã viết bài này. Sau này nhờ bạn bè cung cấp thông tin, hóa ra là bài thơ của một người quen biết. Bài thơ có những đoạn hay khác, nhưng tôi đã yêu thích hai câu thơ này quá trớn nên không thể viết gì về các đoạn khác sau đó.
          Xin tặng bạn đọc bài thơ đầy đủ của tác giả như một lời chia tay:  
               GIẾNG ƠI …
Giếng trong in một khoảng trời
Múc lên kí ức rối bời bóng mây
Hình như nỗi nhớ trong ngày
Quyện vào tay nắm sợi dây của gàu
Đây rồi gốc gáo bờ lau
Còn nguyên vết cứa những ngày đã xa
Biết em còn nhớ bao mùa
Chiều về rợp bóng mặt hoa giếng làng
Ừ thôi em đã sang ngang
Ừ thi lối rẽ…
em bồng lời ru
Bờ lau vẫn gió vi vu
Trãi lòng giếng đã  bao thu in trời
Làng mình nước máy lâu rồi
Giếng ơi xin hỏi một lời …
buồn không?!
                              (Huỳnh Ngọc Sáu)
--------------------------------------------------
Bài viết của Huỳnh Minh Tâm
                   GV trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ, Đại Lộc, Quảng Nam

(Xin lỗi các từ sai nhau giữa bản gốc và bản của Chị Diệu Lan, bài bình của tôi
Dựa trên bản của chị Lan)







Không có nhận xét nào: