1/3/14

448. "NGỰA" - NHỮNG NÉT NGỮ NGHĨA

                  Mộc Nhân          
Về phương diện ngôn ngữ, tiếng Việt sử dụng khá nhiều từ ngữ về các loài vật, côn trùng, chim cá ... để ẩn dụ về người. Nói về phần "đầu" thì có đầu trâu, đầu bò... nói về "mặt" thì có mặt chuột, mặt dơi, mặt khỉ, mặt ngựa, mặt chó ... nói về "mắt" thì có mắt cú vọ, mắt phượng, mắt bồ câu, mắt nai, mắt ếch, mắt ốc bươu ...; về "mũi" thì có mũi kéc, mũi trâu ; về "râu" thì có râu hùm, râu dê ... ; về "miệng" thì có miệng hùm, miệng cá ngao ... rồi nào là gan thỏ, gan cóc tía, nào là máu dê, ruột ngựa ...
          Sự xuất hiện của tên gọi các loài động vật trong các từ ghép kể trên cho thấy cách nhìn của họ về các loài động vật ấy: trong quá trình ẩn dụ hoá, động vật không còn là những con thú, những con vật cụ thể nữa mà đã trở thành những biểu tượng, những đặc điểm chung nhất có thể chia sẻ được với loài người. Từ chức năng định danh, chúng biến thành định tính. Sự chuyển hướng ấy không những làm mở rộng ý nghĩa của các danh từ chỉ động vật mà còn làm chuyển cả từ loại của chúng: từ danh từ biến thành tính từ, trạng từ hay động từ.
          Ðiều thú vị là mức độ chuyển nghĩa và chuyển từ loại ở mỗi loài vật rất khác nhau. Không phải "con" nào được đặt nhiều tên cũng đều có khả năng chuyển nghĩa và chuyển từ loại rộng rãi.
          Trong tất cả các "con" được dùng để ẩn nghĩa về người thì con ngựa là một trường hợp phong phú và thú vị vì nó có khả năng chuyển nghĩa rộng rãi nhất trong các từ chỉ động vật. Có lẽ ngựa là con vật gắn liền với đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần của nhiều dân tộc trên thế giới.
          Vì vậy, hình ảnh con ngựa đi vào đời sống ngôn ngữ cũng là điều dễ hiểu. Những từ ngữ có yếu tố "ngựa" được sử dụng ở cả nghĩa đen và nghĩa chuyển. Những nghĩa chỉ về "người" hình thành từ "ngựa" là đa dạng, đa bộ phận, đa khuynh hướng - tích cực và tiêu cực ...
          Dưới đây khảo sát một số ý nghĩa của các yếu tố ngôn ngữ ngữ (bao gồm cả từ, ngữ, cụm từ cố định ...) có yếu tố "ngựa" trong tiếng Việt.
          Cơ sở để hình thành cách dùng những từ ngữ liên quan đến "ngựa" rõ ràng là do chúng có liên quan mật thiết đến một số đặc điểm, đặc tính tiêu biểu của loài động vật này.
          Có thể xét đến mấy ý nghĩa chính như sau:
          1. Nói đến ngựa là nói đến một phương tiện chuyên chở, di chuyển nên có nhiều câu nói xuất phát từ nghĩa này như "Ngựa quen đường cũ", "Lên xe xuống ngựa", "Kiếp trâu ngựa" ... từ đó mà chuyển nghĩa thành những  nghĩa ẩn dụ được hiểu trong từng trường hợp cụ thể như: "Ngựa quen đường cũ" nói về thói quen, "Lên xe xuống ngựa" nói về cuộc sống sung túc, "Kiếp trâu ngựa" chỉ thân phận nô lệ ...
          2. Nói đến ngựa là nói đến sự nhanh nhẹn, tốc độ, nên có câu "Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy" có nghĩa là một lời đã nói ra, bốn ngựa đuổi theo không kịp. Sự nhanh nhẹn của ngựa đặc biệt thể hiện ở bốn vó và người ta đã quan sát các kiểu đi - chạy của ngựa để phân ra : “nước kiệu” (đi chậm), “nước trung” (đi vừa), “nước đại” (phi nhanh) qua đó bộc lộ những mặt mạnh hay yếu của con ngựa. Tuy nhiên vó ngựa cũng là bộ phận khá nguy hiểm, nên có lời nhắc nhở chớ có dại dột mà đùa giỡn ở chỗ "Mồm chó vó ngựa".
          3. Ngựa nhanh nhẹn nhưng đôi khi lại hăng thái quá - nhất là các chú "ngựa non" ngạo mạn hung hăng bất chấp, thích đối đầu mà không lượng được sức mình - những người trẻ tuổi có đặc tính như vậy được gọi là "Ngựa non háu đá".
          4. Nhanh và hăng tất nhiên phải gắn liền với tố chất "khỏe". Mà khỏe thì không những biểu hiện qua cơ bắp, chạy dai sức mà còn qua yếu tố sinh lí ! Vậy nên ai cũng biết thành ngữ "Dài như cặc ngựa" dùng để nói về cái sinh thực khí của giống đực có liên quan đến sự sung mãn trong chuyện "dai như ngựa" !!! Còn phụ nữ mà có tính dâm đãng thì gọi là "con đĩ ngựa" !
          5. Ngựa được thuần dưỡng để phục vụ cho cuộc sống nhưng đôi khi chúng giở chứng, khó kiềm giữ nên mới có thành ngữ "ngựa bất kham". Từ nghĩa đen "bất kham", chúng ta lại có cụm từ chỉ trạng thái tâm lí không định tâm, thả rông dòng suy nghĩ của mình bằng thành ngữ "Tâm viên ý mã" hoặc "Lông bông như ngựa chạy đường quai" ...
          6. Dáng ngựa đẹp, nhất là bờm ngựa - thường làm đề tài cho nhiều họa phẩm trứ danh nhưng vì mặt ngựa dài nên đôi khi lại ám dụ cho cái xấu hình thức nên cụm từ "như mặt ngựa" miêu tả khuôn mặt xấu - từ đó hình thành thành ngữ "Đầu trâu mặt ngựa" mang hàm nghĩa chê bai - nhưng ý nghĩa chê bai sâu xa không chỉ ở hình thức mà là bản chất của những kẻ không còn tính người. Nói về tướng ngựa thì cái xoáy cũng khá quan trọng vậy nên "Chữ tốt xem tay, ngựa hay xem xoáy".
          7. Theo giải phẫu động vật thì ruột ngựa thường thẳng để thích nghi với việc chạy đường dài và chạy trong thời gian dài nên "Thẳng như ruột ngựa" không chỉ là một mô tả sinh học mà còn là một ẩn dụ về tính cách thẳng thắn.
          8. Ngày xưa, dưới thời phong kiến, người ta còn dùng sức ngựa để thực thi pháp luật nên từ đó hình ảnh ngựa còn được dùng để nguyền rủa độc địa : "Ngựa xéo voi giày", "Ngựa dập voi giày"...
          9. Con ngựa là không những là con vật trung thành, mà còn là biểu tượng của sự kiên nhẫn, bền bỉ, mang lại sự may mắn, tài lộc nên hình ảnh ngựa gắn với các yếu tố phong thủy nhất là những chú ngựa đang trong tư thế chạy luôn là biểu tượng được ưa chuộng, tin dùng, đặc biệt là đối với những nhà kinh doanh thì ngựa phi luôn biểu tượng cho ý nghĩa "Mã đáo thành công".
          Trong tiếng Việt và trong tâm thức người Việt, có nhiều con vật (như con heo, con khỉ ...) chưa bao giờ là biểu tượng về một cái gì tốt đẹp nhưng riêng con ngựa lại được ám dụ với nhiều góc nhìn có cả tốt - xấu, khen - chê về các mặt ngoại hình, hành động, lời nói, tính cách, tâm lí, sinh lí ... như đã nêu trên.
          Tuy nhiên, cho dù có được sử dụng như một biện pháp nghệ thuật tượng trưng ước lệ nhưng những hình ảnh ngựa vừa nêu vẫn ít nhiều được tiếp nhận từ nghĩa cụ thể, nghĩa thực.
          Dân gian vẫn còn lưu truyền rất nhiều những hình ảnh ngựa mà người nghe chủ yếu chỉ nắm bắt lấy cái phần thông tin đầy ẩn ý thâm thúy và sâu sắc đàng sau đó mà thôi. Họ không quan tâm đến đối tượng ngựa được nhắc đến mà chủ ý là tìm hiểu xem người nói muốn bộc lộ điều gì:
          - Nói về sự phản bội, cha ông ta có câu: "Thay ngựa giữa dòng".
          - Nói về tinh thần tương thân tương ái đùm bọc lẫn nhau thì có câu: "Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ ".
          - Nói về lòng tham vô đáy của con người: "Ðược đầu voi, đòi đầu ngựa".
          - Nói về thói quen và tật xấu: "Ngựa quen đường cũ ".
          - Nói về gia đình, vợ chồng thì có: "Gái có chồng như ngựa có cương" .
          Và cũng như biết bao câu thành ngữ- tục ngữ trong dân gian, sự phong phú về nét nghĩa trong những câu nói có hình ảnh ngựa - một con vật quen thuộc với con người nói lên tính chất tiềm ẩn về ngữ nghĩa của thành ngữ- tục ngữ rất lớn. Từ con vật rất gần gũi này, người xưa đã đem lại cho chúng ta những nhận thức vừa dung dị cụ thể vừa khái quát sâu sắc.

                          MN - LĐT / 2014

1 nhận xét:

thanh nói...

Chúc mừng Tác gỉa Mộc Nhân thêm bài đăng mới về ngựa
Mỗi bài về ngựa được viết ở một khía cạnh khác nhau mang ý nghĩa sâu sắc và rất thú vị