30/3/14

454. VĂN HÓA VÀ KẺ SĨ

          Mộc Nhân
          Con người và văn hóa là gốc của mọi chuyện trong xã hội. Chỉ có con người mới tạo nên các giá trị văn hóa và đồng thời văn hóa biểu hiện con người. Văn hóa có nhiều dạng thức tồn tại và được biểu hiện qua ngôn ngữ, ứng xử, quan hệ, tập tục, sinh hoạt cộng đồng, di tích ...
          Khi con người khách quan hóa, vật thể hóa năng lực ra bên ngoài để ý thức về bản thân, biết tự điều chỉnh hành vi thì văn hóa gắn liền với nhân cách.
          Chuyện về văn hóa là câu chuyện dài hơi nhiều tập, không thể gói gọn trong một bài viết, càng không thể nói hết trong một bài thơ. Thế nhưng Huỳnh Minh Tâm đã mạnh dạn gởi gắm những suy nghĩ của mình về câu chuyện văn hóa qua một bài thơ ngắn - "Văn hóa":
                   Văn hóa có thời thịnh thời mạt
                   Thời thịnh
                   Kẻ sĩ đi cúi đầu
                   Áo mẹ sờn vai
                   Buồn mà khóc
                   Đôi mắt cha mờ cốc rượu
                   Buồn mà khóc
                   Vợ thơm tóc thắm
                   Vui mà khóc
                   Thời mạt
                   Kẻ sĩ đi ngẩng đầu
                   Áo phong phanh mắt hếch
                   Chạm cốc rượu nhớn nhác
                   Lên voi xuống chó hể hả
                   Vợ đẹp con ngoan lo toan
                   Bạn đó không tri kỷ
                   Tình đó chẳng chiếu chăn
                   Chữ tràn vành môi không thấu
                   Trăng rung vạt cỏ không hay
                   Muốn nói mà không nói
                   Chim về vàng đầu cây.
          Thứ "văn hóa" mà Huỳnh Minh Tâm nói đến trong bài không gì khác hơn là văn hóa ứng xử của "kẻ sĩ" trong bối cảnh thời đại.
          Mở đầu bài thơ tác giả đã nêu lên một cách khái quát về qui luật vận động của văn hóa: "Văn hóa có thời thịnh thời mạt" . Điều ấy là hiển nhiên bởi sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan không phải là bất biến: thịnh - suy, hiện - biến, hưng - vong là lẽ thường. Và điều quan trọng là tính cách, ứng xử của con người đã thể hiện trong mạch vận động đó. Thời hưng thịnh ắt sinh trung thần quân tử, thời vong mạt có lắm nịnh thần tiểu nhân.
          Nhưng kẻ sĩ thực sự là người không uốn mình theo thời thế, không khuất phục hèn hạ, không vong thân vong bản. Dù đôi khi "Thời thịnh/ kẻ sĩ đi cúi đầu" nhưng đó là cái cúi đầu u uẩn - hướng nội - buồn vui "Áo mẹ sờn vai/ Buồn mà khóc/ Đôi mắt cha mờ cốc rượu/ Buồn mà khóc/ Vợ thơm tóc thắm/ Vui mà khóc".
          Trong cái "cúi đầu" đó, có lẽ Huỳnh Minh Tâm còn trăn trở về cái thực danh mà kẻ sĩ mang trên mình. Dù chưa nói đến cái chí - khí của kẻ sĩ trong quan hệ xã hội nhưng HMT đã nói đúng cái nền tảng gia đình là nơi đầu tiên và nơi cuối cùng con người trải nghiệm cái văn hóa làm người. Cách ứng xử có văn hóa giữa những con người đang sống với nhau trong gia đình là thiêng liêng, bền vững nhất. Đạo làm người phải từ nền móng gia đình hình thành; văn hóa xã hội bắt đầu từ văn hóa trong gia đình - chắn chắn vậy.
          Cho nên kẻ sĩ "thời mạt" cho dù "đi ngẩng đầu" vẫn lộ rõ bản chất của kẻ ngông nghênh, hãnh tiến, ích kỉ, giả dối, vụ lợi: "Áo phong phanh mắt hếch/ Chạm cốc rượu nhớn nhác/ Lên voi xuống chó hể hả/ Vợ đẹp con ngoan lo toan/ Bạn đó không tri kỷ/ Tình đó chẳng chiếu chăn/ Chữ tràn vành môi không thấu/ Trăng rung vạt cỏ không hay"...
***
          Nhắc đến cái hành động "cúi đầu""ngẩng đầu" của kẻ sĩ, ta lại nhớ đến người xưa.
          Kẻ sĩ như Cao Bá Quát với nhân cách còn mãi cho muôn đời dù sống trong thời mạt, sống nghèo khổ nhưng khinh bỉ những kẻ khom lưng uốn gối để được giàu sang và tin rằng mình có thể tự thay đổi đời mình; một đời tang bồng ngang dọc chọc trời khuấy nước, không một lần vì công danh mà chịu khom lưng uốn gối và chỉ biết “cúi đầu” trước hoa mai:
          "Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhứt sinh đê thủ bái mai hoa"
          (Mười năm giao du tìm cổ kiếm/ Một đời chỉ cúi đầu bái hoa mai)
          “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” có nghĩa là kẻ sĩ như họ Cao đã chọn cho riêng mình một lý tưởng thiêng liêng cao cả, suốt đời dốc lòng hiến dâng cho cái đẹp, cho điều thiện. Cao Bá Quát chỉ cúi đầu trước hoa mai, còn khi ngẩng đầu thì ngước nhìn tận ngoài trời, những muốn vin vào mây mà lên cao mãi (Du vân). Những cái cúi đầu và ngẩng đầu như thế đã làm cho con người trở nên cao quý hơn, lớn lao hơn.
          Thi sĩ Lý Bạch trong đêm thanh vắng tha hương "Tĩnh dạ tư", đối diện với lòng mình mà ngổn ngang trăm mối ưu tư, động tình quê hương cố xứ:
          "Cử đầu vọng minh nguyệt/ Đê đầu tư cố hương"
          (Ngẩng đầu ngắm trăng sáng/ Cúi đầu nhớ cố hương).
          Kẻ sĩ xưa như thế dù ở đâu, làm gì cũng không chịu khuất phục, ngạo mạn phóng túng mà vẫn thắm tình đậm nghĩa, đến chết vẫn một mực giữ tròn khí tiết người quân tử, giữ trọn tình cố xứ.
***
          Trong cái khoảng lặng của văn hóa "Thời thịnh/ Kẻ sĩ đi cúi đầu... Thời mạt/ Kẻ sĩ đi ngẩng đầu" - Huỳnh Minh Tâm để cho người đọc tự chiêm nghiệm về nền tảng văn hóa của con người và xã hội dường như đang khủng hoảng, đảo lộn các giá trị. Và trong khoảng lặng im thinh không đó, có lẽ chút thiên lương còn lại giúp cho kẻ sĩ thực sự ngộ ra cái "chân tâm" của bản thể mình chăng:
          "Muốn nói mà không nói/ Chim về vàng đầu cây".
          Chợt nhớ nhà văn Nguyễn Minh Châu có nói một câu thế này - dù hơi cực đoan nhưng không phải là không có ý đúng: "Nhà văn Việt Nam cả ba thế hệ đều hèn: trước Cách mạng là nhà văn nô lệ; từ 1945 đến 1975 là nhà văn – lính, rất sợ cấp trên; sau 1975 là nhà văn đói nên cũng hèn" - có người nói thêm: "nhà văn đương đại vì sợ hãi, không dám viết mạnh mẽ trung thực nên cũng hèn" .
          Ẩn sau cái sự "Muốn nói mà không nói" là thái độ hèn - bất lực của kẻ sĩ thời mạt; mà cũng có thể là sự chiêm nghiệm như Edouard Herriot nói: “Văn hóa là cái gì còn lại khi tất cả những cái khác bị quên đi, là cái vẫn thiếu khi người ta đã học tất cả”!
          Con người tạo ra văn hóa và hưởng thụ văn hóa bằng các hoạt động thực tiễn, được điều khiển bởi thế giới nội tâm rất phức tạp. Cho nên một khi những quan niệm, lý tưởng, niềm tin đã tan biến thì cách ứng xử của con người sẽ "thiếu văn hóa" hay nói cách khác đó là thứ văn hóa của "thời mạt".
          Nhìn vào thực trạng hành xử văn hóa của con người Việt Nam hiện nay, nhiều người quá bi quan với văn hóa "thời mạt" như : dối trá, ích kỷ, vô cảm, bạo lực, lãng phí, cờ bạc, nhậu nhẹt, phân hóa, ăn cắp, vọng ngoại … Điều ấy không chỉ hiển hiện ở thế hệ đã từng một thời được xem là "có văn hóa" mà nay lại phổ biến ở thế hệ trẻ vong bản mà nhà văn Mỹ Ernest Hemingway từng gọi là “thế hệ mất gốc” (Lost Generation). Đành rằng mỗi cá nhân đều phải đối mặt với sự “mất mát” của thế hệ mình như một cách để sinh tồn nhưng sự “mất mát” ngày càng trở nên đáng sợ như một bệnh dịch lây lan thì quả thật là đáng báo động.
***
          Tuy nhiên, sứ mệnh của văn nghệ là hướng con người đến những giá trị chân - thiện - mỹ nên chúng ta có quyền tin vào “Cái đẹp nâng đỡ con người” (Dostoievski)Hay nói một cách hình tượng như Huỳnh Minh Tâm trong câu cuối của bài thơ "Văn hóa": "... Chim về vàng đầu cây". 
          
           Mà để được như vậy người ta lại nhìn vào văn hóa của kẻ sĩ trước tiên bởi vì dầu sao họ cũng thuộc về "phương diện quốc gia" (chữ của Nguyễn Du) hay nói theo ngôn ngữ hiện đại họ là "chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng" - phải lắm ru !
                       MN - LĐT

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Trí thức cặn bã và phân!

Trí thức là một danh từ, xuất phát từ một sự phản kháng chính phủ của nhà văn nổi tiếng người Pháp là Émile Zola. Trong làn sóng bài người Do Thái thời đó, ông đã công khai viết kháng nghị, viết báo để bênh vực trong vụ minh oan cho một sĩ quan gốc Do Thái là Dreyfus. Vì bài báo này, Zola đã bị kết tội vu khống và phải sống lưu vong ở Luân Đôn một năm, nhưng khi quay về Pháp ông vẫn tiếp tục viết thêm một loạt bài báo thể hiện chính kiến của mình. Vào năm 1906, (khi đó Émile Zola đã mất), văn bản kháng nghị này của ông và bạn bè, được thủ tướng Pháp là Clemenceau (tiến sĩ, nhà báo) công khai và gọi là Tuyên ngôn của Trí thức (Manifeste Des Intellectuels). Từ đó từ "trí thức" ra đời, có mặt trong các Đại từ điển, với nghĩa: một cá nhân làm nghề sáng tạo các giá trị tinh thần và có thái độ phản biện xã hội!

Tại các nước độc tài , mọi phản kháng (phản biện) đều bị xem như "phản động" vì vậy chữ "trí thức" đã được định nghĩa lại, theo đó ai có học hành, ngầm ý tốt nghiệp cỡ... cao đẳng đã là trí thức! Thậm chí sinh viên còn được gọi là "trí thức trẻ", và do đó vị thế của trí thức tại các nước này bị xem nhẹ, và giới chính khách ngạo mạn gọi "trí thức là cục phân" (Mao Trạch Đông) hay “đồ cặn bã của dân tộc” (Lenin).

Cá nhân tôi tôn trọng tài năng nhưng tôi không là một trí thức nếu không có tư duy phản biện bởi trong một chế độ toàn trị, những "giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra" vẫn là để phục vụ cho một tầng lớp bóc lột, khi đó nghệ sĩ gọi là văn công và kẻ cầm bút cũng là thứ văn nô. Kẻ có đầu óc nô bộc, dù tài giỏi cỡ nào cũng không xứng để xem là trí thức. Còn nếu cho rằng chỉ tốt nghiệp cao đẳng là trí thức thì với 24.000 tiến sĩ cộng thêm, Việt Nam hiện nay có hàng chục triệu trí thức, và Lenin và Mao Trạch Đông sẽ đúng bởi trong cái mớ lùng nhùng kia, thiếu gì cặn bã và phân!