30/9/14

484. BÁNH TRÔI NƯỚC

          Mộc Nhân
                      (Về bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương)

Hồ Xuân Hương, chưa rõ lai lịch, hành trạng. Bà là con một nhà nho ở Nghệ An, theo cha sống nhiều năm ở Thăng Long; có học, có tài thơ văn, có mối quan hệ với nhiều danh sĩ, trong đó có Nguyễn Du. Bà là một trong những nhà thơ lớn của dân tộc. Tác phẩm còn lại khoảng 50 bài thơ chữ Nôm và tập thơ chữ Hán “Lưu Hương Ký”. Thơ của bà sắc sảo, trào phúng thì sắc nhọn, trữ tình thì tê tái xót đau, có giá trị nhân đạo sâu sắc. Bà được ca ngợi là “Bà chúa thơ Nôm”
Tác phẩm tiêu biểu của bà được nhiều người biết đến là bài thơ “Bánh trôi nước”:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Bài thơ có tính ẩn dụ, tượng trưng, đa nghĩa. Tác giả tả thực cái bánh trôi nước, làm bằng bột nếp, nhân bằng đường phên, dạng bánh “tròn”, sắc bánh “trắng”; người làm bánh khéo tay thì bánh đẹp, nếu vụng tay thì bánh bị nhão nát hoặc bị rắn; cho bánh vào nồi nước đun sôi để luộc chín, mới bỏ vào thì chìm dưới đáy còn khi chín thì nổi trên mặt nước - “bảy nổi ba chìm”. Với bản lĩnh, tài năng của mình, Hồ Xuân Hương đã mạnh dạn nói lên nỗi lòng của những người phụ nữ xưa qua đó bộc lộ niềm cảm thông, thương xót cho số phận của họ luôn chịu nhiều cơ cực, gian truân.
Bài thơ chất chứa biết bao nhiêu tình cảm khiến ai đã đọc qua đều không thể nào quên.
Câu 1: “Thân em vừa trắng lại vừa tròn”
Hình ảnh chiếc bánh trôi trắng, tròn ẩn dụ về hình ảnh người phụ nữ với vẻ đẹp cân đối, đầy đặn, xinh xắn về thể chất và trong sáng về tâm hồn phẩm hạnh. Tác giả làm cho câu thơ sinh động lên bằng cách sử dụng từ “Thân em” để người phụ nữ có thể hóa thân vào những chiếc bánh trôi nước dân dã, bình dị.
Lối xưng hô đó đã giúp người đọc liên tưởng đến những câu ca dao có mô-típ “thân em” quen thuộc kiểu như: “Thân em như tấm lụa đào/ Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”… chỉ về thân phận phất phơ của người phụ nữ xưa. Thế nhưng cách dùng cặp quan hệ từ kết hợp với tiểu đối: “vừa trắng lại vừa tròn”  khiến giọng thơ như niềm kiêu hãnh, tự hào, hàm chứa bên trong vẫn là lời khẳng định, ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ.
Câu 2: “Bảy nổi ba chìm với nước non”
Câu này có giọng thơ chuyển đổi đột ngột từ giọng tự hào sang giọng than vãn. Thành ngữ “bảy nổi ba chìm” được nhà thơ vận dụng tài tình nhằm diễn tả sự nổi trôi, lênh đênh, khổ đau của số phận người phụ nữ giữa dòng đời. Chẳng thế mà nhà thơ Nguyễn Du đã từng viết :
“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”
          Nỗi khổ ấy đặt trong quan hệ “với nước non” giúp ta hình dung ra không gian đất trời mênh mông, người phụ nữ không biết đi về đâu, khó tìm được nơi hạnh phúc.
Câu 3: “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”
Cặp từ trái nghĩa “rắn - nát” diễn tả thân phận trôi dạt giữa dòng đời, được hạnh phúc hay buồn khổ tùy thuộc vào “kẻ nặn”. Giọng thơ từ đây chuyển sang ngậm ngùi, cam chịu. Tác giả sử dụng biện pháp đảo ngữ tinh tế nói lên cuộc đời người phụ nữ phải sống lệ thuộc, họ không tự định đoạt được số phận của mình. Xã hội phong kiến với biết bao luật lệ, quan niệm “trọng nam khinh nữ”, đạo lí “tam tòng” (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử)… khiến người phụ nữ phải cúi đầu trước số mệnh.
Tuy nhiên, từ “mặc dầu” đặt giữa câu thơ lại tạo nên giọng điệu thách thức bất chấp.
Câu 4: “Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Quan hệ từ “mà” đặt đầu câu thơ 4 tạo ý tương phản đối lập với 3 câu thơ trên; kết hợp với từ “vẫn” biểu thị một thái độ khẳng định kiên trinh, bền vững.
“Tấm lòng son” tượng trưng cho phẩm chất sắt son, thuỷ chung, trung trinh, chịu thương chịu khó của người phụ nữ Việt Nam trong cuộc đời. Câu thơ thể hiện niềm tự hào và biểu lộ khá đậm tính cách Xuân Hương. Giữa sóng gió cuộc đời với bao chìm nổi, rắn nát mà họ vẫn giữ được “tấm lòng son” của người phụ nữ Việt Nam thì quả thật đáng trân trọng biết bao.
Câu thơ là lời khẳng định, tự hào về vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ luôn còn mãi với thời gian.
***
Từ hình ảnh chiếc bánh trôi nước mộc mạc giản đơn mà Hồ Xuân Hương đã làm nên một bài thơ hay, ý tứ sâu xa.
Bài thơ nói về người phụ nữ Việt Nam thời xưa với những giá trị nhân bản đặc sắc. Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt đã được Việt hóa; từ ngữ giản dị, ý thơ hàm súc đa nghĩa giàu bản sắc cá tính Xuân Hương.
Bài thơ lên án tố cáo xã hội phong kiến thời xưa gây ra bao bất công với người phụ nữ, đồng thời biểu lộ niềm thông cảm và tự hào đối với số phận của người phụ nữ Việt Nam "hồng nhan" nhưng lại "bạc mệnh", không làm chủ được số phận của mình.
Người phụ nữ ngày nay được xã hội tôn trọng và có vị trí quan trọng trong cuộc sống, trong gia đình. Họ được tự do, bình đẳng, thế nhưng họ vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. 

Không có nhận xét nào: