5/3/12

133. THÁC GRĂNG

Lê Đức Thịnh

Thác Grăng thuộc thôn Pàxua, xã Tabhing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, cách quốc lộ 14D khoảng 3 km. 
Mất khoảng 30 phút đi ô tô từ Đại Lộc, Quảng Nam theo quốc lộ 14B hoặc 60 phút từ Thành Phố Đà Nẵng là đến Thành Mỹ, thị trấn miền núi thuộc Nam Giang. Tại đây chúng ta có thể dừng chân nghỉ giữa chặng để cảm nhận vẻ đẹp của phố núi:
"Thung lũng thênh thang phố mới
Mây treo núi đá bồng bềnh"
Từ Thạnh Mỹ đến bến Giằng khoảng 15 km ta sẽ gặp nơi hợp lưu của của dòng sông Bung và sông Thanh. Trước đây muốn qua sông Thanh phải đi thuyền độc mộc của người bản địa, còn ngày nay tại đây có cầu bến Giằng qua lại rất thuận lợi nhưng vẫn gợi lại kí ức xưa ngọt ngào mà nghiêng ngả:
“Đường vùng cao đạp vai leo dốc
Tiếng sói tru đêm  vọng  âm hồn
Cọp gầm  giữa cơn mê thảng thốt
Bên em K’ Tu   ấm men nồng .

Nắng chang chang đường lên bến dốc
Qua sông Thanh nghiêng ngả thuyền cây
Ngẩng đầu  mây và núi đá
Chân trần  nát kiếp cỏ hoa.”


Cách bến Giằng khoảng 7 km trên quốc lộ 14D chúng ta đến ngã ba có biển hướng dẫn đường đến thác Grăng. Theo con đường mòn ngoằn ngoèo lát đá qua rẫy lúa, nương bắp, dọc theo suối, thấp thoáng ven sườn đồi, bên đường là rừng nguyên sinh bạt ngàn bí ẩn, du khách đến "Tam thác Grăng" (Thác ba tầng).

Điều thú vị là cảnh quan, không gian thác mở ra khá đột ngột, bỗng chốc ùa đến với bạn khi vượt qua hẻm núi một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu. Tiếng thác đổ ầm ầm và cảm giác dịu mát chợt đến khiến du khách ngỡ ngàng vì  được trải nghiệm những điều mà trước đây chỉ nghe kể qua ai đó. Tất cả nhọc nhằn sẽ tan biến khi bạn đang đứng trước thác Grăng tung bọt trắng xóa, bồng bềnh trong cõi âm u Trường Sơn làm gợi nhớ câu thơ của Lí Bạch viết về thác núi Lư:
"Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước
Tưởng dải ngân hà tuột khỏi mây."

Thác Grăng  - (thác 3)

Thác Grăng là một cụm thác ba tầng nên được gọi là tam thác. Đẹp nhất có lẽ là thác 3 với độ cao hơn 30 mét, tung bụi nước mịt mù, xõa tóc trắng trên những vách đá bám rêu. Đây là nơi du khách dừng chân tham quan nhiều nhất.
Tuy nhiên nếu bạn có đôi chân dẻo dai thì men theo đường mòn ngược lên sườn núi dốc đứng để mục sở thị  vẻ đẹp của hai tầng thác trên. 
Cả ba tầng thác gợi lên vẻ đẹp nguyên sơ hoang dã của một nàng sơn tiên khiến du khách không khỏi thẩn thờ:
“Tôi bên em ngây dại, thẩn thờ như cậu bé lần đầu choáng ngợp trước làn da mịn màng nguyên sơ của nàng trinh nữ mà thành gã thi sĩ nửa mùa, thất tình ngay lúc vừa yêu.
Tôi ngỡ ngàng, đến chốn đào nguyên, nghe hơi thở hổn hển của nàng sơn tiên bị đánh thức khát khao trần thế, biết máu mình rần rật chảy qua tim, đỏ ráng chiều sơn cước.”

Thác Grăng - thác 2 - lên nữa là thác 1

Theo lời kể của dân bản địa, chữ grăng trong thổ ngữ CaTu có nghĩa là con cá chiên. Chuyện kể rằng ngày xa xưa đây là con thác đẹp chưa ai khám phá, ở dòng suối dưới chân thác có loài cá hiếm tên là cá grăng (cá chiên). Cứ mười mùa rẫy một lần, những con cá grăng đầu đàn khỏe nhất phải vượt qua ba tầng thác nơi đây để hóa thành cá thiêng. Chỉ có làm được điều ấy thì cá grăng mới tồn tại. Năm ấy đến mùa vượt thác lại gặp cơn lũ trái mùa dai dẳng cả tháng trời khiến dòng thác trở nên hung dữ dị kì. Những con grăng đầu đàn dù đã vắt cạn kiệt sức lực nhưng không thể nào vượt qua thác dữ. Và chúng đã chết, xác cá grăng trôi đầy bên bờ suối. Từ đó dân làng gọi tên thác này là thác Grăng và cũng từ đó loài cá grăng không còn tồn tại ở bất kì đâu trên sông suối miền thượng du nữa.
Một câu chuyện giản dị mà bi tráng mang theo thông điệp về sự tồn vong của cộng đồng trước thiên nhiên nghiệt ngã, dữ dằn.
Thác Grăng đẹp như tranh vẽ. Bên dòng thác các bạn có thể dựng trại dã ngoại để nấu nướng, hoặc buông mình từ lưng chừng thác xuống hồ thẳm nước trong vắt đến tận đáy. Hoặc đơn giản hơn là ngả nghiêng trên những phiến đá để nhìn thác chảy, thác réo và thấy những cánh chim rừng từ tàng cây  lao ra giữa dòng thác đổ để bắt lấy một chú cá grăng nào đó đang rơi từ đầu con nước xuống dưới. 
Chiều buông, thác Grăng trầm lắng và lạnh hơn. Những cây tavạt bám ven vách đá mời gọi chút men rừng làm say lòng tri kỉ.
Chia tay thác Grăng, chia tay sông Thanh, sông Bung du khách không khỏi vấn vương như từ biệt tình nhân mong một ngày trở lại:
“Nước sông Bung vẫn chảy từ cội rễ rừng già, lăn những hạt cát nhỏ về miền xa lắc.
Gió ngàn còn ve vuốt bãi bồi lau sậy, chải rối cuộc vui buồn, lau nhạt nhoà trên mắt tình nhân.”
***

Hình ảnh du lịch thác Grăng
 của trường THCS Nguyễn Trãi / Đại Lộc / Quảng Nam:
(Bấm vào phía dưới để xem tiếp)


Hết đoạn đường đi ô-tô, bắt đầu  vào núi khoảng 2 km

Dưới chân thác Grăng - thác 3




Đường vào thác được lát đá, có bậc cấp và lan can bê tông bên phía vực 









Mộc Nhân - Lê Đức Thịnh


Và những đồng nghiệp ...

































Tạm biệt -  hẹn gặp lại


Những câu thơ trong bài này của tác giả Mộc Nhân - Lê Đức Thịnh lấy từ các bài viết liên quan.
Mời đọc bài liên quan :


- Bài 1 (tại đây)

- Bài 2 (tại đây)

- Bài 3 (tại đây)

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Bài viết tuyệt vời.
Hình ảnh đẹp.
Một chuyến dã ngoại thú vị.
Tiếc là mình chưa có dịp đến nơi này.