4/3/12

131. THƠ KHÓ - HAY CÂU CHUYỆN CỦA NHỮNG GIỚI HẠN

  Nguyễn Thanh Tâm

  Trong một bài viết có tên “Thơ khó” đăng trên báo Ngày nay, số 145, thứ Bảy, 14 Jan, 1939, Xuân Diệu đã diễn giải những suy ngẫm của mình về hai lối thơ: dụng tâm khó và khó một cách vô tâm, chuyển dẫn từ quan niệm và thực hành thi ca của Mallarmé, Baudelaire …



  Theo Xuân Diệu, “Mallarmé đã cố ý làm cho thơ của ông tối tăm, bí hiểm; ông đã giấu nghĩa của thơ ông để thiên hạ đi tìm” (Thơ khó – Xuân Diệu). Khi sáng tạo, Mallarmé nghĩ đến độc giả như là một người chơi trong cuộc ú tim chữ nghĩa mà tác giả là người tổ chức, sắp đặt. Sáng tạo theo đường hướng này là một cách làm cho thơ trở nên “khó” trong sự tiếp nhận của độc giả. Trong cách diễn giải của Xuân Diệu rõ ràng lỗi thuộc về độc giả. Cái khó “cao kỳ” cả về ý tưởng và hình thức trong thơ Mallarmé hay P.Valéry “Đấy là cả một chủ nghĩa, cả một lý thuyết; cười cợt hay chế giễu sự “bí hiểm” của hai ông, việc ấy rất dễ làm, và chỉ tỏ ra rằng ta có một trí não tầm thường, nông nổi”. Từ suy nghĩ ấy, Xuân Diệu gợi ý thái độ “kính nhi viễn chi” đối với hình thái thơ này. Khó trong lối thơ của Mallarmé là khó có dụng tâm. Đẩy độc giả lâm vào tình thế “bất khả giải” chính là mục đích trong sáng tạo của các thi sĩ này.
  
  Có một lối “khó” khác, theo Xuân Diệu là “khó một cách rất vô tâm” mà đại diện tiêu biểu là Ch.Baudelaire. Lối thơ này, nhà thi sĩ không nghĩ đến độc giả, hay đúng hơn là chỉ chú ý theo đuổi ý tưởng, cảm xúc của mình, khám phá những vùng mĩ cảm mới trong tinh thần của bản thân. Làm thơ theo lối này, thi sĩ “chỉ đuổi theo những hình sắc trong trí tưởng, chỉ thu lấy những âm điệu của tâm tư, vội vàng nhón chân lên hái những hoa lạ”. Những bông hoa lạ ấy có thể là Hoa ác (Baudelaire) hái lên từ Một mùa ở địa ngục (Rimbaud) – nghĩa là một giới hạn khác của mĩ cảm, đôi khi nó khiến cho công chúng thấy “khó” bởi không cùng thi sĩ đi về những nẻo lạ ấy.

  Hai lối “thơ khó”, Xuân Diệu đều bày tỏ sự trân trọng, và đặt định những khả thể cho thi ca Việt Nam thời các nhà thơ mới cho rằng thơ ca truyền thống đã không còn đủ sức biểu tỏ tinh thần của cá nhân và thời đại. Xuân Diệu hướng mình theo Baudelaire, nhưng ông không hái được những bông “hoa lạ”. Đến Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên, Đinh Hùng, Xuân Thu nhã tập và Dạ đài mới thực sự khiến người ta hiểu hơn về khái niệm “thơ khó”. Các nhà thơ vừa nêu, họ đã đi xa hơn Xuân Diệu về phía Baudelaire, Rimbaud và cả Mallarmé, để đẩy thơ mới ViệtNam 1932 – 1945 về miền tượng trưng, siêu thực. Nghĩa là, thơ trữ tình Việt Nam đến thơ mới 1932 -1945 đã đi được bước dài về hướng hiện đại hóa, tiến gần hơn đến hình thái thơ ca của thế giới.

   Quan niệm về “Thơ khó” là một “tuyên ngôn” về giới hạn của Xuân Diệu, cũng như là sự thác lời của “cộng đồng diễn giải” trước các hiện tượng thơ cách tân xa hơn những vùng tư duy và mĩ cảm của công chúng tiếp nhận. Xuân Diệu là một độc giả, thậm chí có thể xem là một độc giả tinh anh, thế nhưng, trong bài “Thơ khó” chính Xuân Diệu đã nói lên giới hạn của mình. Dù đã kêu gọi sự “kính nhi viễn chi” của độc giả trước các hiện tượng thơ khó, dù đã bày tỏ “niềm tin” trong sự bất khả giải trước giá trị của “thơ khó” nhưng chính Xuân Diệu lại phản ứng khá gay gắt trước thơ điên của Hàn Mặc Tử. Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, Đinh Hùng, thơ ca của Xuân Thu nhã tập và Dạ đài có lẽ là những “ca khó” đối với Xuân Diệu. Danh hiệu “mới nhất trong các nhà thơ mới” mà Hoài Thanh đặt định cho Xuân Diệu dẫu đã được nhắc đi nhắc lại hơn 70 năm qua nhưng rõ ràng là thiếu đi sức thuyết phục cần thiết. Nếu đem quan niệm về thơ mới của Xuân Diệu, diễn giải trên tinh thần “thơ thuần túy” của Mallarmé,…ta thấy Xuân Diệu “cũ” hơn rất nhiều thi sĩ khác thời thơ mới. Lương Đức Thiệp trong Việt Nam thi ca luận (Khuê văn xuất bản cục, MXMXLII) đã cho rằng thơ Xuân Diệu, Huy Cận chẳng có gì là khó hiểu. Khó hiểu hơn, quái dị, lạ lùng là thơ của Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Xuân Thu nhã tập. Cùng với thời gian, sau nhiều cân nhắc, sàng lọc của lịch sử, những hiện tượng thơ “mới” hơn Xuân Diệu càng chứng tỏ kết luận của Hoài Thanh có nhiều hạn chế. Lý do không phải quá khó kiếm tìm. Hoài Thanh cũng đã tự giới hạn mình trong chân trời của mĩ cảm và tư duy lãng mạn. Khi Baudelaire đi tìm nguồn mĩ cảm mới từ Hoa ác (1857), khi Rimbaud gặt hái cả Một mùa ở địa ngục (1873), ở Việt Nam (cuối những năm 30, đầu những năm 40 của thế kỷ XX), Hàn Mặc Tử có Thơ điên, Bích Khê có Tinh huyết, Chế Lan Viên có Điêu tàn, Đinh Hùng có Mê hồn ca (hoàn thành bản thảo từ 1943), Đoàn Phú Tứ có Màu thời gian, Nguyễn Xuân Sanh có Buồn xưa, Hồn ngàn mùa, Bình tàn thu, Phạm Văn Hạnh có Giọt sương hoa,… Xuân Diệu quả đã đuối sức trong chuyến đập cánh về chân trời của sự cách tân, làm mới thơ ca.

  Trên phương diện sinh thành học, thơ mới 1932 – 1945 có những tương đồng với thơ đương đại. Từ điểm nhìn của thơ mới 1932 – 1945 nghĩ về thơ đương đại, nhìn nhận một vài hiện tượng thơ dưới quan niệm “khó” của Xuân Diệu, chúng ta có thêm những luận giải về tính tất yếu trong sự sinh thành, phát triển của các hình thái thơ ca. Từ sau 1975, đặc biệt là sau khi đất nước đổi mới, nền văn học của chúng ta bước vào một thời kỳ mới mà đặc trưng của nó gợi lại cả một thời đã từng xuất hiện hồi đầu thế kỷ XX. Một nền văn học rất phong phú, vận động về hướng tự do, hội nhập với tinh thần chung của thế giới khiến chúng ta khó lòng điểm hết ra đây những gương mặt đã góp vào diện mạo của văn chương đương đại. Công chúng của văn học tiếp nhận thơ Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Hưng, Đặng Đình Hưng, Dương Tường như thế nào? Đàn (thơ ngoài lời – Dương Tường) có phải là một ca “khó”, hay Bóng chữ, Ngó lời của Lê Đạt, Ô mai của Đặng Đình Hưng,Người đi tìm mặt của Hoàng Hưng, Sự mất ngủ của lửacủa Nguyễn Quang Thiều, Hôm sau và đặc biệt là Bầu trời không mái che của Mai Văn Phấn?… Thơ Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư hay Văn Cầm Hải, thơ Tân hình thức hay thơ nhóm Mở miệng có “khó” hay không? Nẻo cách tân của họ ở đâu và thực sự họ đã cách tân được gì trong diễn trình của thơ ca đương đại? Gần đây chúng ta có Những kỷ niệm tưởng tượng của Trương Đăng Dung. Đó có phải là “thơ khó”?

  Rất nhiều các nhà thơ khác như Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nhụy Nguyên, Trần Tuấn, Lê Vĩnh Tài, Đỗ Doãn Phương, Công Nam, Đinh Thị Như Thúy,… quả thực đã làm sống lại không khí sinh hoạt văn chương tiền chiến mà đỉnh cao của nó là Thơ mới.

  Từ diễn giải của Xuân Diệu, “thơ khó” có hai cách thức: dụng tâm khó và khó một cách rất vô tâm. Trong một sự tương sánh có tính chất “vụt hiện”, Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Hưng, Đặng Đình Hưng, Dương Tường là cách tân có dụng ý, lấy chữ, lời làm đối tượng, để tự thân chữ bộc lộ khả năng diễn đạt của nó trong cơ chế va chạm và tạo sinh khác với truyền thống. Mallarmé từng nói trong bài “Khủng hoảng của thơ” (Crise de vers, 1895): “Tác phẩm thuần túy ngụ ý sự biến mất cách diễn đạt của nhà thơ, người nhường quyền chủ động lại cho từ ngữ, trong một cuộc đụng độ giữa sự bất bình đẳng của cả hai bên được huy động; chúng sáng lên nhờ ánh phản chiếu lẫn nhau giống như vệt ảo của lửa cháy trên đá, thay thế cho sự hô hấp dễ thấy trong hơi thở trữ tình cũ xưa hoặc ý hướng nhiệt tình cá nhân lộ ra trong câu’’ (Theo Phạm Xuân Nguyên, Xuân Diệu và thơ khó). Lê Đạt rất sở trường về đảo ngữ, quán ngữ, lược văn, rút tỉa các hư từ, huy động nhiều thực từ đặt bên cạnh nhau để chúng tự va chạm, sinh tạo nên những lớp nghĩa lý thú trong những cấu trúc ngữ pháp mới đọc thấy nhiều trúc trắc, vặn vẹo,... Nhưng đấy là cái lạ thuộc về thi cách của người ‘‘phu chữ’’ này. Đặng Tiến cho rằng, Lê Đạt chỉ lạ chứ không mới, Lê Đạt ‘‘dối già’’ và thơ ông là lời cảnh tỉnh cũng như gói trọn trong đó niềm hy vọng ở những người ‘‘đang xoan’’. Nhưng quả thực, đọc thơ Lê Đạt người ta có cái thú của sự khám phá, mà trước hết là khám phá chính mình trong sự đọc. Khi Ch.Bally – người học trò của F.Sausure, đưa ra khái niệm trường liên tưởng, kế thừa tư tưởng của người thầy, chúng ta hiểu rằng, mỗi từ có một tập hợp đa chiều những liên hệ với các từ khác, trong tư duy và mĩ cảm của chủ thể, làm thành một trường liên tưởng, trường thẩm mĩ và luôn chuyển hóa, vận động trong trường văn hóa, sinh quyển của sự tồn tại. Sự va chạm của thực từ, những cấu trúc đảo ngữ, lược văn và rút tỉa của Lê Đạt đem đến trước hết một nguồn mĩ cảm mới cho sự đọc, sự diễn giải văn chương khác với thói quen đôi khi nhàm chán. 
  
  Trong bối cảnh của thơ ca đương đại Việt Nam, điều đó đã là một thành công quan trọng. ‘‘Sự biến mất cách diễn đạt’’ truyền thống chúng ta bắt gặp nhiều hơn, rõ hơn trong các tác phẩm của Dương Tường, Đặng Đình Hưng, Hoàng Hưng. Phạm Xuân Nguyên trong một diễn giải về ‘‘Thơ khó’’ đã cho rằng: ‘‘Xem thơ là cái mang bản chất thiêng, Mallarmé trả lại cho nó ý nghĩa thiêng vốn có. Nhà thơ trở thành thầy cúng, bài thơ là câu bùa chú, còn từ ngữ là yếu tố của một giai điệu vô tận. Ngôn ngữ mà người thường không hiểu được sẽ có sức mạnh nhờ các nhịp điệu ma thuật. Thứ thơ như thế đòi hỏi nhà thơ phải lánh đời, nhốt mình trong cô đơn sáng tạo’’ (Xuân Diệu và thơ khó). Không chỉ cô đơn trong sáng tạo, ngay trong sự tiếp nhận, các thi sĩ và thi phẩm này cũng không tránh khỏi trạng thái cô đơn, bởi trên bình diện đại chúng, đó là những bài “thơ khó” đối với người đọc.

  Tiếp cận một vài hiện tượng thơ ca khác như Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Vi Thùy Linh, Văn Cầm Hải, Phan Huyền Thư, Phan Thị Vàng Anh, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Bảo Chân, Nguyễn Phan Quế Mai, Trương Đăng Dung, Nguyễn Thế Hoàng Linh,…trên tinh thần những diễn giải về “Thơ khó” của Xuân Diệu, luôn tương sánh với quan niệm khởi thủy của Mallarmé về “thơ thuần túy” (Xem thêm bài viết Xuân Diệu và thơ khó của Phạm Xuân Nguyên) chúng ta nhận ra hướng cách tân “khó một cách rất vô tâm” trong thơ Việt Nam đương đại.

  Xuân Diệu cho rằng: “Cái tính cách cốt yếu của thơ là sự khó. Đó là quan niệm mới nhất, mà cũng đúng nhất. Vì sao? Vì thơ thực là thơ thì phải cho “thuần túy”, người thi sĩ gắng sức đi tìm cái thơ thuần túy (la poésie pure), nghĩa là đi thu góp những cái tinh hoa, những cái cốt yếu, cái lõi của sự vật. Vì vậy, thơ phải súc tích, phải sắc lại như một thứ thuốc nấu nhiều lần” (Ngày nay, số 145). Trong ý hướng này, chúng ta giật mình nhớ lại, Hàn Mặc Tử đã chạm đến lõi cốt của thi cảm chính là Đau thương, Chế Lan Viên âm thầm dò xét trong sự tỉnh táo thế giới Điêu tàn đã mang về được thứ linh khí của cõi âm, khiến người ta “kinh dị”. Loạn là căn cốt tinh thần của Chế Lan Viên. Loạn không gian, thời gian, loạn dương trần và địa phủ, loạn ngày và đêm, chập choạng và hé sáng, người với ma, sự sống và cái chết, cái đương thành và đương hủy, cái trong hiện tại và cái mang dự phóng của ngày chưa đến. Còn Bích Khê, cốt lõi tinh thần làm nên kiểu thơ “thuần túy và tượng trưng” của thi sĩ này chính là “Cuồng”. Cuồng là trạng thái hiện ra của sự say mê đến tuyệt đỉnh trước “Nhạc và Lệ”, “Dâm và đẹp”,... Còn Đinh Hùng, thơ, là lời của chiêm bao, là khúc vọng của tiền kiếp, là sự hiển linh của ánh sáng trong âm u, là sự trở về hoang sơ, nguyên thủy. Đinh Hùng bị quyến rũ bởi vẻ đẹp đang lụi tàn, cái vàng son đang phai nhạt, nhan sắc đang hư hoại trong đáy mồ lạnh lẽo và sự cô độc của thiên tài trên bước thiên di tìm về tiền sử. Chính ở đây, quan niệm về chất thơ, về cái đẹp, về khổ đau và hạnh phúc của thi nhân được hiển lộ. Và thơ ra đời như giọt lệ, như tiếng cười hoan lạc, như “nét bút điên” trên “trang sách diễm tình”. Với Đinh Hùng, dường như, thơ còn là lời tuyên cáo âm thầm về một sự chối bỏ, một sự khước từ thực tại để ra đi, để trở về nơi sự sống còn trinh nguyên như như buổi đầu tiên khai lập…

  Cũng mang tâm thế ấy, các thi sĩ của thơ Việt đương đại đang nỗ lực đi tìm cho mình những căn cước, những xác tín nghệ thuật để hiện hữu. Trong sự quan sát đầy thiếu khuyết của mình, tôi cho rằng Mai Văn Phấn là một trường hợp “khó một cách rất vô tâm”. Trương Đăng Dung cũng vậy, nhưng hai người này là hai lối khó khác nhau. Trong sự vận động của thơ ca, việc gia tăng chất nghĩ, chất suy tưởng cho thơ có lẽ đến Trương Đăng Dung với tập Những kỷ niệm tưởng tượng là một dấu ấn điển hình. Không dễ để tiếp nhận những bài thơ của Trương Đăng Dung trong tập này. Cần phải trang bị rất nhiều tri thức mang tính chất nền, mới ngõ hầu có thể bước chân vào địa hạt của Những kỷ niệm tưởng tượng. Ai đó đã chủ quan khi cho rằng ấn tượng thơ ca được xây dựng trên móng nền của cảm giác, trực giác, không có nhiều liên hệ với lý trí, thậm chí khai tử lý trí khỏi lộ trình tiếp nhận thi ca. Điều đó bị phản bác ngay khi tiếp cận thơ của Trương Đăng Dung. Cảm giác, ấn tượng sẽ trở nên hời hợt hoặc sẽ chẳng thu được ấn tượng gì đáng kể nếu không có tri thức về triết học ngôn ngữ, về hiện tượng luận, các hệ thống tri thức hiện đại, hậu hiện đại,…

  Có lẽ vì thế, thơ Trương Đăng Dung kén người đọc và cũng không thể tránh khỏi tâm thế “kính nhi viễn chi” ở nhiều độc giả. Nhưng rõ ràng, Những kỷ niệm tưởng tượng của Trương Đăng Dung đã gia tăng rất nhiều chất suy tưởng cho thơ ca đương đại Việt Nam. Trong bối cảnh thơ hiện nay, điều đó là một thành tựu quan trọng, một hướng đi cần thiết. Cái “khó” của thơ Trương Đăng Dung cũng chính bắt nguồn từ căn cốt tinh thần của cái tôi bản thể này. Nền tảng văn hóa, tinh thần của cá nhân và thời đại cùng những trải nghiệm của bản thân nhà thơ đã tự chuyển hóa sang trạng thái “vô tâm” trong quá trình sáng tạo. Ngôn ngữ chắp cánh cho thơ Trương Đăng Dung bay về khu rừng Academy.

  Khác với Trương Đăng Dung, Mai Văn Phấn lại khó trong những suy niệm về văn hóa, cuộc sống, thân phận. Chất thơ của Mai Văn Phấn toát lên niềm tin (dù có lúc mong manh), sự an lạc. Quan trọng nhất, trong trường thẩm mĩ của mình, Mai Văn Phấn chiếu ánh sáng của đức tin, của niềm thiêng vào sinh quyển thơ ca. Trong một quyển sống chất ngất rủi ro, nhiều giá trị bị phai nhạt, lãng quên, niềm tin, tình yêu, trở thành điều gì đó xa xỉ, phù phiếm, thơ Mai Văn Phấn là một sự xác tín trở lại những thành tố làm nên đời sống con người, không biệt lập khỏi những hiện hữu trong nhân giới, vật giới, quá khứ và tương lai, thậm chí là ở cả thế giới bên kia. Đọc thơ Mai Văn Phấn, người ta thấy trân trọng hơn những phút giây của sự hiện hữu và cả những liên hệ siêu hình ngoài không gian, thời gian, nhưng có ý nghĩa to lớn trong việc kiến tạo nên sự sống của con người. Bầu trời không mái che là một tập thơ khó.

  Nhưng, như Xuân Diệu đã nói “Chúng ta không hiểu, nhưng khi hiểu được câu nào, thì câu ấy lồ lộ một vẻ đẹp nguy nga”. Theo tôi, cái khó của Bầu trời không mái chechính là tìm ra được cấu trúc ngầm ẩn chi phối mạch vận động của thi tứ, thi ảnh cùng những phân tố cấu thành thi giới. Giải được cấu trúc của thi phẩm, chúng ta thấy rằng, cái khó của Mai Văn Phấn có nguyên do từ một cơ chế tinh thần phức tạp, biểu hiện trong tư duy và mĩ cảm đi quá xa khỏi tâm thức cộng đồng (Đúng hơn phải nói là cộng đồng đã đi quá xa khỏi những giá trị mang tính bản nguyên). Xa nhưng không lạc, Bầu trời không mái che thực chất là sự trở về. (Xem thêm: Lập thể của ký ức và tưởng tượng xuyên qua “Bầu trời không mái che” – Nguyễn Thanh Tâm, in trong Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn khác biệt và thành công, Nxb Hội nhà văn, 2011).

  “Thơ khó” là một sự diễn giải mang tính tương đối. Xem đó như là biểu hiện của sự cách tân cũng là cách nhìn nhận có nhiều phiến diện. Tuy nhiên, trên tinh thần diễn giải của Xuân Diệu, dù dụng tâm hay vô tâm, để có được sự cách tân đúng nghĩa, có giá trị mĩ học, chủ thể sáng tạo cần phải có một nền tảng tinh thần sâu dày, một năng lực sáng tạo đặc biệt,…Tất cả kết tinh thành chất thơ trong một cơ chế lựa chọn và biểu hiện riêng biệt, độc đáo. Câu chuyện thời thơ mới 1932 – 1945 đang sống lại trong sinh quyển thi ca đương đại. Nghĩ về “Thơ khó” và con đường vận động của thơ ca, khơi một dòng từ Thơ mới đến thơ hiện nay, chúng ta có quyền tin tưởng vào một thời đại của thơ. “Khó” gợi lên những giới hạn, còn cách tân luôn ẩn chứa động năng dự phóng vượt qua giới hạn. Đó là con đường của sáng tạo.

Nguồn: Internet

Không có nhận xét nào: