18/11/13

415. TẢN MẠN VỀ NGHỀ GIÁO

         Lê Đức Thịnh  - Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20- 11  
   
     
          Dân tộc ta từ lâu vốn có truyền thống tốt đẹp "Tôn sư trọng đạo", bởi mọi người đều ý thức được rằng: "Không có thầy giáo thì không có giáo dục". Nhiệm vụ của thầy cô giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang, các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người. 
          Ngày Nhà giáo lại đến, chúng ta lại có dịp cùng chia sẻ những cảm xúc bâng khuâng, lắng đọng xen lẫn niềm vui sướng tự hào về nghề dạy học –  nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo (Phạm văn Đồng).
          Với mỗi chúng ta, ngoài những người thân trong gia đình như ông bà, cha mẹ thì thầy cô giáo là người gần gũi với ta hơn ai hết. Đó là người ta tiếp xúc thường ngày, ngay từ lớp mẫu giáo, dạy cho ta những kĩ năng giao tiếp đơn giản nhất nhưng rất cần thiết cho hòa nhập cộng đồng như xếp hàng, ngã mũ chào, im lặng trật tự trong lớp học, chào hỏi, xin phép ... Và cứ thế, trong cuộc đời đi học, mỗi người có thể tiếp xúc với hàng trăm người thầy ở mọi cấp học, mỗi người thầy đều có một vai trò, vị trí riêng trong tâm khảm mỗi người. Vì vậy, thật là sai trái, khập khiễng nếu ai đó làm phép so sánh người thầy này với người thầy khác.
          Ngày xưa quan niệm thứ bậc trong xã hội là "Quân - Sư - Phụ" - ví trí của thầy của thầy giáo chỉ đứng dưới vua, sau thầy mới đến cha. Đó không phải là ngôi vị của quyền lực hay quyền lợi mà là vị trí dành để tôn vinh người truyền dạy chữ nghĩa trong xã hội.
          Thế nên từ lâu, hình ảnh người thầy đã được nhân dân quý mến, đề cao:
          "Muốn sang thì bắc câu Kiều
          Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy"
          Điều ấy xuất phát từ tinh thần coi trọng chữ nghĩa và sự học trong một xã hội nông nghiệp:                       
          "Chẳng ham ruộng cả ao liền
          Chỉ ham cái bút cái nghiên ông đồ".
          Không có nghề nào lại ảnh hưởng sâu rộng đến từng con người, đến toàn xã hội như nghề dạy học bởi: "Không thầy đố mầy làm nên". Người xưa đã khẳng định: "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" để thể hiện sự đề cao, tôn vinh, trân trọng, kính yêu dành cho nhà giáo - những kỹ sư tâm hồn của mọi thời đại, người song hành cùng với các đấng sinh thành để chăm chút mỗi cá nhân thành người: "Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy ..."
          Trong lịch sử dân tộc, tên tuổi những nhà giáo nổi tiếng vẫn vào những trang vàng của sự nghiệp giáo dục nước nhà. Chu Văn An (1293-1370) được tôn vinh là "Vạn thế sư biểu"; Nguyễn Bỉnh Khiêm (1409-1585) đỗ Trạng nguyên nhưng về quê ở ẩn dạy học, Nguyễn Văn Siêu (1799-1872) là người văn hay chữ tốt được xem là "thần" (Thần Siêu), Nguyễn Thiếp (1723-1804) không ra làm quan lúc thời loạn mà lui về dạy học, Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) còn gọi là Đồ Chiểu nổi tiếng ở miền Nam Kỳ Lục tỉnh với nhân cách cao cả của người thầy và tiết tháo của kẻ sĩ trước vận mệnh đất nước, Nguyễn Khuyến (1835-1909) đỗ đầu cả ba kì thi được tôn danh là Tam Nguyên Yên Đỗ nhưng cũng không theo nghiệp quan trường mà lui về dạy học... Ngòai ra còn phải kể đến các nhà giáo nữ cũng làm rạng rỡ nghề dạy học nước nhà như bà Ngô Chi Lan, quê ở Phù Lỗ, Kim Hoá, Sóc Sơn đã được vua Lê Thánh Tông mời vào cung dạy học, bà Nguyễn Thị Hinh (Huyện Thanh Quan) là nữ sĩ nổi tiếng của Bắc Hà được vua Tự Đức mời vào cung giữ chức "Cung trung giáo tập" - dạy học cho các công chúa trong nội cung... Tất cả  đều là những thầy mẫu mực, tài giỏi.
          Thời hiện đại có thầy giáo Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc) đã từng dạy ở trường Dục Thanh (Phan Thiết) trước khi ra đi tìm đường cứu nước, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cố Tổng Bí thư Trường Chinh, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều là những người thầy trước khi hoạt động cách mạng.
          Nhìn ra thế giới quanh ta cũng có biết bao bậc thầy thông thái xứng danh "sư biểu" . Trung Hoa có đức Khổng Tử suốt đời chu du khắp thiên hạ, để truyền bá đạo học và đạo trị nước an dân cho các nước, có khi làm tới tướng quốc nhưng cũng có lúc nhịn đói ba ngày mà vẫn điềm nhiên ngồi đọc sách dạy học dưới một gốc cây. Có khi bỏ nước Lỗ đi vì vua Lỗ thiếu Lễ, bỏ nước Vệ ra đi vì vua Lệ thiếu đức; suốt đời chăm dạy "Tam cương", "Ngũ thường", học trò đông đến hàng ngàn người trong đó người nổi tiếng kế nghiệp thầy kể đến cả trăm người.
          Ở phương Tây có Socrate là một người khiêm tốn hiền lành, mặc áo sờn vai, đi chân quần ngao du trên những con đường của Hy Lạp, nói chuyện với mọi người từ những đề mục tầm thường như thời tiết, mùa màng, chợ búa đến các vấn đề nhân sinh như đối nhân, xử thế, làm người, tu học… Nghệ thuật giáo dục của thầy Socrate là chỉ đặt những câu hỏi và người học trò suy nghĩ, mở mắt cho họ hiểu là tri thức mênh mông, khơi gợi ước muốn và hướng tới những khám phá. Thầy so sánh phương pháp giáo dục của mình với "phương pháp đỡ đẻ" - tức là giúp trí tuệ con người đẻ ra cái chân lý mà nó có mang sẵn trong đó.
          Đệ tử theo Socrate càng ngày càng đông khiến chính quyền và giáo hội không bằng lòng vì đầu óc con em họ tràn ngập những suy nghĩ mới. Và ông bị đưa ra tòa buộc tội là phỉ báng thần linh và làm hư giới trẻ và bị tuyên án tử bằng một ly thuốc độc. Người thầy vĩ đại đó đã sinh ra những học trò nổi tiếng như Platon, Aristote... mà danh tiếng và sự nghiệp của họ còn mãi đến hôm nay.
          Người xưa có thuyết "Chính danh" nêu lên quan niệm mỗi sự vật hiện tượng trong xã hội đều có một cái "danh" và muốn giữ được cái danh đó phải có tâm "chính" thể hiện qua lời nói và hành động đúng đắn. Những người thầy đông tây kim cổ được nhân loại tôn vinh đều có điểm chung là "chính danh" thầy: có nhân cách lớn, tâm hồn cao đẹp, suốt đời tận tụy hy sinh cho sự nghiệp trồng người.
          Dù xã hội ngày nay có nhiều người thầy chưa "chính danh" có nghĩa là làm thầy nhưng tư cách đạo đức chưa "chính" - hay nói cách khác là thầy không ra thầy - đã làm lu mờ hình ảnh của người thầy nhưng điều ấy không có nghĩa là chúng ta phủ nhận vai trò, vị thế, hình ảnh của người thầy giáo nói chung.
          Thầy cô giáo hôm nay không dám sánh với những bậc sư biểu thời xưa vì việc dạy học thời nay đã được "nghề nghiệp hóa", "hiện đại hóa", "xã hội hóa". Trường sư phạm đạo tạo những thầy cô giáo dạy đúng chương trình, đúng kĩ năng, có lương tâm trách nhiệm và chỉ bấy nhiêu đó thôi, học sinh và phụ huynh đã phải có bổn phận đối xử có nhân có nghĩa, đúng với tinh thần "Tôn sư trọng đạo" của dân tộc.
          Trong nhà trường có mấy chữ tưởng chừng như khẩu hiệu "Kỉ cương, tình thương, trách nhiệm" lại là phương châm về đạo đức, chức nghiệp, phẩm giá mà bao thế hệ nhà giáo thay nhau giữ gìn. Bởi không còn đạo đức, không còn tình nghĩa, không có chữ nghĩa thì dù có sống với nền văn minh vật chất nào, con người cũng chỉ là bầy thú giàu sang mà thôi.
          Và trong nguồn mạch yêu thương của các thầy cô dành cho học trò, từ thái độ trách nhiệm với học trò, với cuộc đời, hẳn không ít người thầy đã trăn trở:
          "Em xóa bảng còn chăng lời tôi giảng
          Tình nước, nỗi ưu đời thành bụi phấn bay đi…"
          Không ít người trong chúng ta đã có nhiều năm gắn bó với ngành giáo dục và chắc hẳn ai chẳng có đôi lúc chưa hài lòng với sự đãi ngộ của xã hội dành cho người thầy, hoặc chịu tác động của hoàn cảnh sống, hoặc cảm thấy thất vọng do công việc hay quan hệ giữa thầy trò, đồng nghiệp hoặc đôi lúc nhọc nhằn buồn bực vì học sinh học kém, chưa ngoan… nhưng bằng tình yêu nghề, chúng ta vẫn vượt qua và vẫn luôn cảm nhận hạnh phúc lớn lao khi nghĩ đến điều "Vì đàn em với tương lai".
          Người xưa có câu "Thập niên chi kế mạc như thụ mộc, Bách niên chi kế mạc như thụ nhân" (Kế mười năm không gì bằng trồng cây, kế trăm năm không gì bằng trồng người) để nói lên quan tâm, đầu tư cho giáo dục là đầu tư hôm nay để hướng tới tương lai. Ươm mầm và đào tạo cho xã hội những con người hữu ích đó luôn là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của người dạy học mọi thời đại.
--------------------------------------------------------
* Hình ảnh đồng nghiệp nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 2013:  







 



Không có nhận xét nào: