19/11/13

417. THƯA THẦY

         Hữu Thỉnh 

          Trước ngọn thước là con đường xa tắp
          Bông hoa nào cũng vẻ bình yên
          Và em tin, qua cay đắng vẫn tin
          Những ngọn suối không làm tan bóng lá

          Đã vấp ngã
          thưa thầy
          nhiều vấp ngã!
          Chẳng ở đâu xa, ở ngay giữa con người
          Em bước đi lặng lẽ nghĩ về thầy
          Đời mau quá, vui buồn chưa kịp cũ

          Đời mau quá, tóc thầy khói phủ
          Giáo án mong manh bão giật đời thường
          Cây trước cửa gió ở ngoài trang vở
          Thầy một mình vật vã với văn chương

          Đang mưa bão đường về sông nước ngập
          Giở trang Kiều thầy giảng chạnh lòng đau.
 -----------------------------------------------------------------------
          * Lời bình của Nguyễn Ngọc Phú
          Bài thơ Thưa thầy của nhà thơ Hữu Thỉnh viết năm 1981, lúc đó anh vừa bốn mươi; độ tuổi đã có sự từng trải cuộc sống. Thưa thầy cũng chính là những chiêm nghiệm sống của anh trên đường đời – Con đường bắt đầu từ những dòng kẻ đầu tiên. “Trước ngọn thước là con đường xa tắp”. Ngọn thước của thầy giáo đã chỉ ra một đường thẳng nhưng cuộc đời vốn không đơn giản thế. Giong thơ điềm tĩnh có chút ngậm ngùi: “Và em tin, qua cay đắng vẫn tin/ Những ngọn suối không làm tan bóng lá”. Hữu Thình thành công khi viết về những thân phận cỡ nhỡ, những hẫng hụt bằng lối thơ mang hồn vía dân gian trong ví von, trong giao cảm.
          Thưa thầy là một lời thưa cũng chính là lời tự thú. Anh đã nhận ra: “Đã vấp ngã. Thưa thầy nhiều vấp ngã!/ Chẳng ở  đâu xa, ở ngay giữa con người “. Câu thơ tự nhiên uốn khúc bậc thang như những chỗ ngoặt của cuộc đời khi mà: “Đời mau quá, vui buồn chưa kịp cũ”. Chỉ với mau và cũ đã tạo cho ta một trạng thái chênh vênh tốc độ và đậm nhạt thời gian. Vấp ngã ngay giữa con người là cách nhìn thẩm thấu và sâu sắc nhiều trực cảm. Hữu Thỉnh là thế, anh luôn thổn thức với đời bằng lắng lặng lắng sâu, bằng cách nói dung dị nhưng chạm được lõi hạt nhân tình người nhân hậu. Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ đã hai lần thảng thốt nhắc lại: “Đời mau quá“. 
          Mới biết "Thương lượng với thời gian" (1) là một bản ký kết hết sức ngặt nghèo và tự nguyện. Nhà thơ đưa ra một vài hình ảnh tương phản. “Tóc thầy khói phủ” chứ không phải là tóc bạc và “Giáo án mong manh” đối với “Bão giật đời thường”. Chỉ vài nét chấm phá chan chứa cảm thông đã vẽ nên chân dung người thầy giáo trong gian khó đời thường. Hai câu thơ ám ảnh nhất trong bài: “Cây trước cửa gió ở ngoài trang vở/ Thầy một mình vật vã với văn chương”, lối nói bỏ ngỏ rất gợi của Hữu Thỉnh đã có hiệu quả tối đa chạm tới cõi trắc ẩn của lòng người. Cây trước cửa chứ không phải ngoài cửa vẫn chịu “Gió ngoài trang vở” có thể là cây đời cây người là cây thầy giáo gieo trồng với tay ra là có thể chạm được rưng rưng màu xanh sự sống với bao hi vọng. Bài học không chỉ khuôn trong trang vở; rõ ràng văn chương đích thực bao giờ cũng hướng tới cuộc đời. Người sáng tạo vật vã đã đành, người chuyển tải qua từng trang giáo án cũng vật vã không kém: “Thầy một mình vật vã với văn chương”. Tôi nghĩ khó có thể thay thế được hai từ nào hay hơn vật vã trong văn cảnh này.
          Với bài thơ Thưa thầy nhà thơ chỉ gợi mà không tả, chỉ tâm tình mà không đối thoại. Mở đầu bài thơ là con đường xa tắp bắt đầu từ ngọn thước của thầy thì kết thúc là con đường mưa bão trong bài giảng của thầy. Hành trình của Thưa thầy khép lại bằng tiếng giảng Kiều, một áng văn bất hủ bi thương. “Giở trang Kiều thầy giảng chạnh lòng đau”, đau trong day dứt trong nhận thức để mình sống tốt hơn với niềm tin yêu của thầy giáo. Đúng như Thơ chính là kinh nghiệm sống như nhà thơ Hữu Thỉnh đã từng đúc kết.
--------------------------------------
(1) Bài thơ in trong tập "Thương lượng với thời gian" - Hữu Thỉnh - giải thưởng Hội nhà văn năm 2006

Không có nhận xét nào: