15/7/13

372. CHUYỆN PHIẾM VỀ MÙI

Mộc Nhân - Lê Đức Thịnh
Sách “Vĩnh Lạc Bách Vấn” (Một trăm câu hỏi của Vĩnh Lạc) có chép câu chuyện : một lần nọ vua Vĩnh Lạc nhà Minh mời Viên Liễu Trang đến để đàm thoại về tướng học có hỏi :
- Tuyển cung phi cho mặt áo dày, rồi bảo họ chạy cho vã mồ hôi ra, nghĩa là sao ?
Viên Liễu Trang trả lời :
- Làm vậy là cốt để xem thân thể họ có thơm tho không, phàm nữ nhân mà thân thể tỏa hương là tướng đại cát, nếu thân thể toát mùi hôi hám là tướng hạ tiện, không tuyển vào cung.
Vậy ra mùi người không chỉ là mùi mà còn là yếu tố của nhân tướng học !

Khi tiếp xúc với các thực thể có mùi thì nó sẽ tạo ra một kích thích và gây ra cảm xúc để rồi mọi suy nghĩ hành động sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp do cái cảm xúc đó. Mùi cùng với vị, âm, hình ảnh ... tạo ra “tâm lý đáp ứng” tức là kích thích hành động để thỏa mãn trong một trạng hưng phấn nào đó.
Nói đến chuột chũi, cú vọ là những con vật có mùi được khái quát bởi thành ngữ “Hôi như cú”.
Bọ xít, bọ dừa, cà cuống… là những côn trùng có mùi đặc trưng khó chịu.
Nói đến rau thơm, rau húng, rau bạc hà, rau dấp cá... là nói đến mùi dễ chịu dù trong bài "Vè rau" có đoạn: " ...Quan đòi thầy kiện / Bình bát nấu canh / Ăn hơi tanh tanh / Là rau dấp cá ...."
Nói đến hoa lan, hoa sứ, hoa sữa là nói đến mùi thơm ngất ngây khiến thi sĩ Phan Vũ phải thốt lên : "Em ơi ! Hà Nội - phố ! Ta còn em mùi hoàng lan / Còn em hoa sữa..."
Nhạc sĩ Hoàng Phương có bài “Hoa sứ nhà nàng” với ca từ giản dị mà gói gắm được cái mùi vị tình yêu gởi  trong mùi hoa sứ : “Đêm đêm ngửi mùi hương / mùi hoa sứ nhà nàng / Hương nồng hoa tình ái / đậm đà đây đó gọi tên / Nhà nàng cách gần bên / giàn hoa sứ quanh tường / Nhìn sang trộm nhớ thương thầm / mơ ngày mai lứa đôi...”

cây bắp cải hôi
Bên cạnh những loài hoa rực sắc ngát hương, thế giới thực vật tồn tại cả những loài hoa tỏa mùi xú uế. Tuy nhiên, mùi hôi thối mà loài hoa tiết ra gây khó chịu cho con người như mùi của cây bắp cải hôi, cây hoa rồng, cây xác thối … lại là hương thơm quyến rũ với nhiều loài côn trùng. Những hôi thối mùi tanh tao sẽ tác động đến loài ruồi nhặng: "Thớt có tanh tao ruồi đỗ đến / Gan không mật mỡ kiến bò chi."
***
Tạo hóa đã ban cho mỗi loài một thứ mùi riêng biệt để phân biệt, để cá biệt hóa mỗi cá thể.
Con người cũng vậy - Mùi người.
"Mùi người" là một khái niệm chung chung, so với các loài khác thì dường như không đặc trưng bằng. Bởi vậy nên con người đã mùi hóa cá thể  người bằng các thứ hương nhân tạo : dầu thơm, nước hoa, thuốc xịt mùi... Và nhờ đó mà con người đã tạo cho mình những khác biệt.
Giới bình dân có mùi  “Nước hoa rẻ tiền”.
Phụ nữ hạng sang có mùi của mỹ phẩm Chanel, Lancome Tresor…
Đàn ông cũng chạy đua với phụ nữ trong tạo mùi cho mình: X-Men …
Trẻ em sinh ra đã có nhà sản xuất Johnson & Johnson chăm lo mùi baby từ khi lọt lòng mẹ.
Mùi thể hiện đẳng cấp, giai cấp, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, tính cách, sở thịch…
Mùi cũng phức tạp như người ! Khoa học ghi nhận mũi người có thể phân biệt được hàng trăm mùi, còn mũi các loài thính nhạy như chó, mèo ... có thể phân biệt được mùi của hàng ngàn cá thể dù ở khoảng cách khá xa.
Nghe nói đến văn hóa ăn, văn hóa mặc, văn hóa đọc nhưng chưa thấy ai nói đến "văn hóa mùi" dù mùi là thứ không thể thiếu được trong mọi hoạt động văn hóa đời sống  ("văn hóa ngửi" đã được nhà phê bình Nguyễn Hoàng Đức nói đến qua cách gọi hoạt động "thẩm xú" trong văn chương) !!!
Nói đến mùi là nói đến một cái gì đó thơm tho, nhưng với người bình dân thì cái mùi lại trở thành cái hơi hám gần gũi quen thuộc không thể lẫn vào đâu được. Dù “nặng mùi” khó chịu nhưng cái hơi hám đặc trưng của một cá thể khi đã quen thuộc với một cá thể khác thì nó sẽ hình thành một tâm lý nghiện như nghiện thuốc hay nghiện rượu vậy.
“Chim quyên ăn trái nhãn lồng
Lia thia quen chậu vợ chồng quen hơi”
Câu ca dao mộc mạc này đã diễn tả thực chất hấp dẫn của cái mùi người tạo nên sức quyến rũ người trong đời sống tình dục. Và bởi vì quen hơi nên thái độ của người phụ nữ thật dứt khoát khi có ai đó lấy “mùi” ra để rủ rê mời gọi:
“Chồng em áo rách em thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người”
Mùi như thế nào, cảm giác ra sao thì chỉ có mỗi cặp mới cảm nhận được, sự yêu thích hơi hám của nhau là biểu hiện của sự hòa hợp và tình yêu và đó là bản chất của xúc cảm tình dục nam cũng như nữ.
Vậy nên khi yêu nhau thì chỗ hôi hám nhất, bốc mùi nhất, mất vệ sinh nhất, được che đậy kĩ nhất ... cũng trở nên thơm tho trần trụi, gợi tình, gợi cảm, gợi dục, gợi yêu, gợi hôn, gợi hít , gợi nhớ, gợi thương !!! 
          Thế mới có nhóm nhà thơ khởi xướng trường phái "thơ dơ, thơ nghĩa địa, thơ rác" - làm thơ gọi đúng tên những gì như nó đang là; và có cả luận văn Thạc sĩ Văn chương nghiên cứu , ca ngợi "thẩm xú" thơ  viết về cái đang là ...  Xin trích ra đây một câu "bốc mùi" nhất của trường phái thơ ấy : " l... là miếng thịt có lông  / có mùi thum thủm mà không có dòi ." (Xin lỗi đã trích và miễn bàn thêm) !!!
Trong cảm xúc thì mùi là yếu tố chính để kích thích tâm hồn con người, là sợi dây gắn kết ái ân. Nhà thơ Bùi Chí Vinh có bài thơ "Chiếc ghế mây" diễn tả sức lôi cuốn của mùi người yêu vấn vương nơi chiếc ghế mây em ngồi : “khi em rời ghế mây / chỉ mùi hương ở lại / tre biến thành thần thoại / trúc biến thành hoang đường / anh biến thành tai ương / thấp thỏm bên chiếc ghế  / cái mùi hương ác thế / không theo em bay đi / …” (Bùi Chí Vinh)
Sử Tàu có chuyện nàng Hàm Hương (còn gọi là Hương Phi) một nàng công chúa xứ Hồi Cương xinh đẹp tuyệt vời, giỏi ca múa. Đặc biệt trên người Hàm Hương lúc nào cũng tỏa ra hương thơm đặc biệt. Hàm Hương yêu Mông Đan, một dũng sĩ Hồi tộc nhưng không được nhà vua chấp nhận. Họ đã 7 lần chạy trốn để có thể được bên nhau mãi mãi nhưng chính mùi hương kỳ lạ tỏa ra từ người Hàm Hương đã khiến họ dễ dàng bị phát hiện vì quan binh chỉ cần đánh mùi là tìm tới đúng chỗ ẩn nấp của nàng ... Về sau nàng bị vua Hồi ép gả cho vua Càn Long nhà Thanh để giữ mối giao hòa giữa hai xứ… Người thơm tho ngát hương như thế quả là hiếm , là đặc ân của ông Trời nhưng có biết đâu cũng vì cái đặc ân đó mà nàng Hàm Hương "chạy đâu cho thoát".
Say mê lưu luyến như hai câu thơ của Tự Đức khóc nàng Bằng Phi mới thấy hết nỗi sức hấp dẫn kỳ lạ cái hơi của người mình yêu:
"Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại giữ lấy hơi"
Còn nhà thơ Nguyễn Du đã rất tinh tế khi hiểu được mùi gây thương nhớ qua đoạn thơ trong Truyện Kiều từ câu 255 - 258:
"Mành Tương phất phất gió đàn
Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình
Vì chăng duyên nợ ba sinh
Thì chi đem thói khuynh thành trêu ngươi."
Mùi là bản chất của muôn loài, của cây cỏ, và của thiên nhiên.
Dù khoa học hiện đại đã tạo ra nhiều loại mùi khác nhau để tăng sức hấp dẫn cho đời sống, tình dục, ẩm thực, thời trang… tuy nhiên con người vẫn ưa chuộng mùi của tự nhiên, đó luôn là hơi mùi tuyệt vời nhất.
Đẹp cũng bởi mùi, xấu cũng bởi mùi, vinh cũng có mùi mà nhục cũng có mùi. Vậy nên con người cũng cần biết giữ mình giữa "thế giới bốc mùi" để đời sống, tâm hồn, nhân cách bớt hôi tanh:
"Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn."
-------------------
                   Mộc Nhân – Lê Đức Thịnh / đêm say bốc mùi !
                   Mời đọc thêm bài liên quan : "MÙI"

3 nhận xét:

Nặc danh nói...

Đẹp cũng bởi mùi, xấu cũng bởi mùi, vinh cũng có mùi mà nhục cũng có mùi. Vậy nên con người cũng cần biết giữ mình giữa "thế giới bốc mùi" để đời sống, tâm hồn, nhân cách bớt hôi tanh:
"Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn."
Bài viết thể hiện sự sâu sắc của MN với nhãn quan của mình khi nhìn cuộc đời này. Em! Khi tối anh đi chấm văn nghệ trên Đại Lãnh về đến nhà 1 giờ sáng. Anh cũng mang theo mùi không là mùi...trong đó nhũng mùi mà anh không lý giải được!(NHT).

Mộc Nhân Lê Đức Thịnh nói...

Chúc mừng anh Hải Triều luôn có nhiều "mùi" mới .
Nhờ có mấy cái mùi đó mà anh mới có niềm vui và sức khỏe làm việc văn nghệ đến 1 giờ sáng mới về nhà .
Nhưng anh Triều ơi , mùi thì vui và tạo hưng phấn nhưng cũng hay mang đến tai họa .
Anh thấy nàng công chúa Hàm Hương đó : vì có mùi nên chạy đâu cho thoát !!!

DPS nói...

Cảm ơn tác giả có bài viết khá hay.

Nói cho khiêm tốn nó có vẻ như là chuyện phiếm nhưng nói cho đúng có thể đây là một biên khảo rất giá trị bởi lẽ nó mang theo giá trị văn hóa, khoa học rất thực tiễn trong suốt chiều dài tiến hóa của xã hội loài người.

Vợ chồng ăn ở với nhau nhờ cái tình cái nghĩa. Cái tình phải chăng chính là nhờ đã bén mùi, quen hơi nhau ? Vợ nhớ cái mùi khét lẹt vì nắng gió của chồng, chồng nhớ cái mùi hôi hôi "chỉ riêng em mới có" mà không nhớ mùi nước hoa từng ngửi ở đâu đó nhiều lần. Thế mới tuyệt.

Chuyện "bốc mùi" trong một xã hội đang suy đồi đạo đức thì không cần phải bàn. Nó hiện diện khắp nơi, mọi chốn, đủ kiểu trò. Bi kịch ở chổ là ta không cách nào khác để "không phải ngửi nó". Chỉ mong rằng trong một "thế giới bốc mùi" hang ngày ta còn được thưởng thức được hương thơm ngào ngạt, tha thiết của tình yêu, hương vị đậm đà của tình bạn...