19/9/13

391. BẢN TUYÊN NGÔN “NAM QUỐC SƠN HÀ”

Mộc Nhân             
            Bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” là một áng văn thể hiện rõ tinh thần bất khuất, khẳng định và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng thiêng của đất nước.
            Về thời điểm ra đời bài thơ, hiện tại có hai tài liệu ghi nhận sau đây:
            1. Sách "Lĩnh Nam Chích Quái" chép: “Tống Thái Tổ sai bọn tướng quân Hầu Nhân Bảo, Tôn Hoàng Hưng đem binh sang xâm lược nam phương. Lê Đại Hành và tướng quân Phạm Cự Lượng kéo quân tới sông Đồ Lỗ cự địch. Hai bên đối lũy cùng cầm cự với nhau.
             Đại Hành mộng thấy hai thần nhân hiện trên sông nói rằng: “Anh em thần, một tên là Hống, một tên là Hát, xưa kia theo Triệu Việt Vương, cầm quân chinh phạt nghịch tặc mà lấy được thiên hạ. Về sau Triệu Việt Vương mất nước, Lý Nam Đế triệu hai anh em thần. Bọn thần vì nghĩa không theo được nên uống thuốc độc mà tự tử. Thượng đế thương hai anh em thần có công lại trung nghĩa một lòng mới phong làm quan tướng trong hàng các thần linh, thống lĩnh quỉ binh. Nay quân Tống phạm cõi, làm khổ sinh linh nước ta, cho nên anh em thần đến yết kiến, xin nguyện cùng nhà vua đánh giặc cứu sinh linh […] Đêm sau thấy một người dẫn đoàn quỉ áo trắng từ phía nam sông Bình Giang tới, một người dẫn bọn quỉ áo đỏ từ phía bắc sông như Nguyệt lại, cùng xông vào trại giặc mà đánh. Canh ba đêm ba mươi tháng mười, trời tối đen, mưa to gió lớn đùng đùng. Quân Tống kinh hoàng. Thần nhân tàng hình trên không, lớn tiếng ngâm rằng:
            "Nam quốc sơn hà Nam đế cư
             Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư.            
             Như hà Bắc Lỗ lai xâm phạm            
             Bạch nhận phiên thành phá trúc dư."
            Quân Tống nghe thấy, xéo đạp lên nhau mà chạy, mạnh ai nấy chạy thoát thân, bị bắt không biết bao nhiêu mà kể. Quân Tống vì thế đại bại mà về”.
            2. Sách "Đại Việt Sử Ký Toàn Thư" nhà Hậu Lê thì ghi: “Nhà Tống sai tuyên phủ sứ Quảng Nam là Quách Quỳ làm Chiêu Thảo sứ, Triệu Tiết làm phó, đem quân tướng, hợp với Chiêm Thành và Chân Lạp sang xâm lấn nước ta. Vua sai Lý Thường Kiệt đem quân đón đánh, đến sông Như Nguyệt đánh tan được. Quân Tống chết hơn 1 nghìn người. Người đời sau truyền rằng Thường Kiệt làm hàng rào theo dọc sông để cố thủ. Một đêm quân sĩ chợt nghe ở trong đền Trương tướng quân có tiếng đọc to rằng:

            "Nam quốc sơn hà Nam đế cư
            Tiệt nhiên phân định tại thiên thư            
            Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?            
            Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!"
            Như vậy, một thuyết cho rằng bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” xuất hiện khi vua Lê Đại Hành mang quân đánh Tống năm 981, còn theo thuyết còn lại thì bài thơ ra đời khi Lý Thường Kiệt phụng mệnh vua Lý Nhân Tông mang quân chống giặc Tống xâm lăng hồi năm 1076-1077. Thế nhưng, khi đề cập đến bài thơ này đa số sách sử đều cho là gắn liền với trận đánh trên sông Như Nguyệt của Lý Thường Kiệt năm 1076-1077.
            Dù là xuất hiện ở thời Lê Đại Hành hay thời Lý Thường Kiệt, thì bối cảnh lịch sử của bài thơ là đánh đuổi giặc Tống xâm lược.
            Trong cả hai trường hợp các sách đều nói rằng là do "thần nhân” ngâm lên để làm khiếp sợ giặc Tống. Thần ở đây chính là linh khí của núi sông, là lòng dân vậy. Oai thần ở đây chính là oai linh của núi sông Việt Nam. Giặc Tống kinh hãi oai thần tức là kinh hãi cái chí khí bất khuất của dân tộc Việt Nam vậy. Quân Tống đã làm trái đạo lý là đã xâm phạm đến chủ quyền thiêng liêng của một quốc gia làm làm thần và người cùng oán vậy.
            Bài thơ có nhiều dị bản, điểm khác nhau chính ở hai từ “phân định” và “định phận”; “Bắc Lỗ” và “nghịch lỗ”:
            - Nếu dùng chữ “định phận” thì có vẻ thụ động hơn, tức được trời đặt để. Trong khi đó, chữ “phân định” thì có tinh thần tự chủ hơn, tức cũng do trời sắp đặt, nhưng mà sắp đặt theo chân lý, theo điều hiển nhiên, chữ “phân định” có vẻ hào hùng hơn và hợp lý hơn trong bối cảnh lịch sử là làm khiến sợ quân thù và khẳng định chủ quyền quốc gia như tinh thần mà bài thơ muốn truyền tải.
            - “Bắc Lỗ” chỉ đối tượng ngoại xâm cụ thể là giặc phương Bắc, còn “nghịch lỗ” chỉ giặc ngoại xâm nói chung. Điều đó cho thấy lập trường rất rõ ràng của người Việt Nam, là không chỉ giặc phương Bắc, mà bất kỳ kẻ ngoại xâm nào cũng không được phép và không thể xâm lược Việt Nam, nếu xâm lược thì sẽ chuốc lấy bại vong.
            Về bản dịch phổ biến trong các sách giáo khoa :
            Sông núi nước Nam vua Nam ở
            Rành rành định phận tại sách trời.            
           Cớ sao lũ giặc xâm phạm            
          Chúng bây sẽ bị đánh tơi bời. (SGK cũ)
            Hoặc:
            Sông núi nước Nam vua Nam ở
            Vằng vặc sách trời chia xứ sở            
           Giặc dữ cớ sao phạm đến đây            
           Chúng mày nhất định phải tan vỡ. (SGK mới)
            Hai bản dịch này dùng từ “vua” trong khi bản gốc là “đế”.
            Bản gốc là chữ (Hoàng đế) còn vua thì phải là (vương). Hoàng đế là ngôi cao nhất. Các vua của ta xưa nay để sánh ngang với triều đình phương Bắc đều xưng là hoàng đế. Dịch "đế""vua" thì chưa thể hiện hết niềm tự tôn và tự tin rất mãnh liệt của tổ tiên ta.
            Xem lại bài thơ này ta thấy có ba điểm chính:
            - Độc lập của dân tộc Việt Nam được phát biểu một cách rõ rệt.
            - Khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam.
            - Bổn phận thiêng liêng của người Việt là phải bảo vệ tổ quốc của họ.
            Đó là ba ý chính để có thể suy luận rằng đây có thể là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của quốc gia Việt Nam.
            Qua bài thơ ta thấy một chân lý lịch sử rõ rệt là : ai xâm phạm ba nguyên tắc đó sẽ đi đến thất bại. Đây cũng chính là tinh thần bất diệt của dân tộc Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, đã được thực tế lịch sử minh chứng suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước.
              * Xem thêm bài liên quan "Sự xuất hiện của bài thơ Nam Quốc Sơn Hà"
 * bài viết có sử dụng tư liệu từ nhiều nguồn trên Internet.

Không có nhận xét nào: