1/9/13

388. “GIẢNG” TRƯỚC KHI “KHAI” CÓ PHẢI LÀ MỘT NGHỊCH LÍ?

          Đinh Công Tôn 
           
Cứ vào đầu tháng chín ( 05/09) hàng năm, các trường phổ thông đều mở đầu bằng lễ khai giảng thật ấn tượng để đánh dấu việc khởi đầu một năm học mới có  nhiều tin tưởng , hy vọng của sự nghiệp giáo dục nói chung. Mấy năm gần đây, bậc học phổ thông có kiểu dạy một vài tuần rồi mới làm lễ khai giảng, liệu đây có phải là một nghịch lí chăng?
            Trong xã hội, thông thường, những ngành nghề trước khi bắt tay vào việc, người ta đều có lễ khởi đầu như  lễ tịch điền trong nông nghiệp lễ động thổ trong xây dựng, lễ khai trương trong kinh doanh, buôn bán…với kì vọng mở ra nhiều thuận lợi, may mắn cho mọi kế hoạch hoạt động tiếp theo sau đó .
            Đối với giáo dục, lễ khai giảng không chỉ là sự thể hiện những nghi thức cần thiết để mở đầu cho một năm học mà còn là ngày hội của toàn dân đưa trẻ đến trường. Do vậy, những người làm công tác giảng dạy thì mong muốn từ lễ này cả thầy và trò đều bắt đầu bước vào năm học mới với niềm tin và khí thế mới; các bậc  phụ huynh thì thấy con mình trưởng thành hơn theo từng nấc thang học vấn; còn học sinh – nhân vật trung tâm của sự nghiệp giáo dục - thì biết tự đặt ra cho mình những quyết tâm mới để cố đạt cho được mục tiêu tốt nhất trong năm học vừa khởi động. Qua lễ, kí ức các em còn được lưu thêm những ấn tượng đầy xúc cảm về ngày khai trường (như Thanh Tịnh với Tôi đi học chẳng hạn).
            Thế nhưng, trong mấy năm gần đây, do tình hình thời tiết có những biến động, một số nhà trường phổ thông tổ chức dạy trước mốc khai giảng để đảm bảo kiến thức cho học sinh. Đây là việc làm linh hoạt sáng tạo, vừa để đối phó với thời tiết biến động thất thường lại vừa giúp cho các trường hoàn thành tốt chương trình dạy học. Nếu ngành giáo dục cho rằng việc tổ chức dạy học từ giữa tháng tám là hợp lí thì tại sao không dịch chuyển lễ khai giảng về thời điểm này cho vẹn cả đôi đường ?
            Còn việc giảng trước khai sau như chủ trương của cấp trên hiện nay thì những xúc động từ lá thư của lãnh đạo gởi cho thầy và trò đọc lên lúc tổ chức lễ sẽ giảm sút, hồi trống khai trường vang lên sẽ lạc lõng, và cái ấn tượng để lại trong lòng những học sinh cũng sẽ chẳng gợi lên được điều gì .
            Có người cho rằng việc khởi đầu dạy học bậc phổ thông kiểu này không khác gì việc ăn cơm trước kẻng là chuyện bình thường, người viết bài này thì không nghĩ như vậy !                      
                                                                           Mùa tựu trường , 2013
                                                                                Đinh Công Tôn


Không có nhận xét nào: