26/8/13

387. TRUNG ÚY ĐÌN ĐÌN

             Nguyễn Tấn Ái
         
Cái tên nghe ngộ ghê, và từng là nạn nhân của lũ nhỏ chòm xóm, chơi chán chê mọi chuyện, lũ nhóc lại rủ nhau rình phục đúng trưa ổng ngủ say lại hè nhau xô vào sân gọi lớn: Trung úy đìn- đìn- đìn…Và bao giờ cũng thế, ổng vùng dậy, vác gậy ví tụi nhỏ chạy té khói. Những buổi trưa xóm tôi thường nhộn lên như thế.

          Ấy là chuyện hồi nhỏ. Bây giờ lớn rồi, thỉnh thoảng gặp ổng, tui vẫn thường vét túi mấy ngàn bạc lẻ, thường khi không quá mười ngàn, cho ổng. Ổng cười khà khà, cảm ơn một cách kênh kiệu.
          Ấy mấy cái chuyện quanh quanh ổng mà vui, bọn rượu chè khi hết chuyện lại thường lôi ổng ra mà kể, cười hể hả.
          I. Đìn đìn xịa
          Trước năm 1975, dân quê chạy đạn, trú ở khu dồn. Ổng không nhà không cửa, không vợ không con, trú nhờ cái đình thị, nghiễm nhiên thành lính gác của đền, lại thành thần canh đền của lũ nhỏ. Chuyện chỉ có thế, nếu không xảy ra cái việc cười ra nước mắt: Ông quận trưởng Thăng Bình thuở ấy có việc ủy lạo dân tản cư, ghé lại đình thị, vui miệng trò chuyện với ổng, rồi phong ổng làm trung úy, không lon gắn ve áo, cũng không có súng ngắn lè kè bên hông. Vậy mà không biết hãnh diện làm sao, đi đâu ổng cũng khoe mình là trung úy, không có súng ngắn, xe máy, trất khí trần khi, nên dân tản cư nhạo ổng là trung úy đìn đìn. Làm trung úy đâu ba tháng mà không có lương, buồn tình ổng lên quận xin trả chức trung úy. Lại cũng ông quận trưởng cắc cớ, không chịu ngưng chức, lại cấp cho ổng mỗi tháng hai trăm đồng, tiền đủ mua gạo nấu. Vậy là oai!
          Sau năm 1975, ông trung úy giả đi cải tạo thiệt. Tay này nhận lương trực tiếp từ quận trưởng, tên tuổi chức vụ lại không nằm trong danh sách quận, đích thị là xịa (CIA). Mà phong cách của lão cũng "xịa" thật, cứ mỗi bận có giấy triệu tập, ổng lại đi quanh xóm mượn cho được bộ đồ vếch (veston), dận đôi giày lính, thứ này thì bờ bụi đầy dẫy, đánh đai nịt lính, thứ này cũng đầy dẫy, trịnh trọng trình diện cán bộ. A, tay này cứng đầu cứng cổ, vênh váo, đồ bán nước mà không biết nhục. Hâm hâm vậy nên ổng được cải tạo cùng hàng sĩ quan thứ thiệt! Đúng thần linh kinh đứa ngộ. Nghe cha tôi nói mộ tổ của ổng cải táng, là nấm mộ không xương, nên con cháu phát lộc cũng lộc giả. Chỉ có cái phách của ổng thì ít người theo kịp, là thật. Mấy tay xã trưởng thôn trưởng trước kia oai ra phết, sau này gặp chú du kích nào cũng đầu gập sát đất dạ thưa cán bộ, xem ra không bằng trung úy đìn.
          II.Đìn đìn thơ
          Ba tháng ổng được về, nghe nói vì có thành tích báo tường thơ ca hò vè gì đó. Không biết có thật thành tích không, hay nhốt nhầm người thì lại phải có cớ để thả người mà thành ra tích. Riêng thơ ca của ổng thì đúng là… đặc sản. Hồi 1978, cả nước vào hợp tác hóa nông nghiệp, đói xác xơ, chuyện này thì ai cũng biết. Đã vậy mà đố có một tiếng hắt hơi vào sự đói, cứ phơi phới vậy thôi. Trung úy đìn thì bị đứt dây thần kinh sợ, ổng làm thơ:
          "Hợp tác hợp te
          Miếng vải không có mà che cái l…"
          Bị chủ nhiệm hợp tác xã quát nạt, ổng chữa liền tắp lự:
          -Tổ cha đứa mô mới đọc ra tầm bậy, tui nói “ hợp tác hợp te, đi bộ thì ít đi xe thì nhiều” chớ.
          Tui quên nói rằng công việc của ổng suốt mấy năm cơ cực là gánh nước thuê, mùa nắng mỗi gánh ổng được trả hai hào, thời đó giá mỗi lon gạo một đồng bạc. Có tay cán bộ biến chất, lợi dụng công quyền để khè mấy cô du kích, ở quê gọi là cưa gái, cán bộ chọc quê ổng là trung úy suốt mùa hè lo việc nước, ổng trả đũa:
          Người ta việc nước đi cưa
          Tui đây việc nước đù đưa chừng chừng.
          Nghe mà hay quá xá, tiếng Quảng Nam “đù” cũng là chửi tục, ví dụ như “đù mẹ mày”; chữ “đưa” cũng có nghĩa là tình nguyện làm dâm cụ, ví dụ “ đưa đồ” là đưa cái đồ . Mà đù đưa cũng là ổng gánh nước thuê, đôi thùng đù đưa trên vai, đắc! Chưa nguôi giận, sau tay cán bộ nhờ có chiếc xe xúp-rin (Sprint), cưa toạt cô con gái cả Nga, hắn cưới vợ nhỏ, trung úy đìn bày lũ nhỏ xóm chợ hát om lên:
          Nực cười con gái cả Nga
          Keng keng không lấy, lấy thằng già xúp-rin.
          Mấy chữ keng keng ổng dùng để chỉ bọn trai tráng rin tơ thật thần tình hết chỗ nói. Ở quê chừ còn lưu truyền nhiều câu truyền khẩu, mang nhãn hiệu thơ trung úy đìn, mà chỉ cần hớ hênh đọc không đúng chỗ cũng đủ tù mọt gông.
          III. Đìn đìn đạo chích
          Tôi giờ lớn rồi, làm công chức, mỗi khi đụng đến cái lí lịch  thiệt không dám khai thiệt cái thời thiếu niên là tay tổ trộm vặt. Mà vui lắm, trộm cả làng. Thời hợp tác hóa nông nghiệp, mỗi ngày công lao động giỏi được trả bốn lạng lúa, nuôi con gà còn không đủ nói gì nuôi con. Làng rủ nhau đi trộm, lũ nhỏ như tụi tôi là được việc nhất. Ban ngày chăn trâu, cưỡi con tuấn ngưu dạo khắp đồng xa đồng gần, dòm chừng thửa ruộng nào tốt nhất, khuya về mang một cái bao, đi tuốt đầy bao, khệ nệ vác về, đi gần đến nhà đã thấy người nhà ra đón. Đó là thời con nít nuôi người lớn, người lớn nuôi hợp tác xã. Đến mùa trộm vặt, lũ nhỏ được coi trọng như hàng tổng. Vui!
          Riêng trung úy đìn thì không thèm trộm mà quanh năm đánh chén hẳn hoi.
          Ổng đã thôi "việc nước" để giữ chân chăn bò cho hợp tác xã, cái việc hèn hạ như thằng đầy tớ của cả làng nên chẳng ai thèm. Không biết thính mũi cỡ nào mà ổng đánh hơi được đây là việc ngon ăn nhất. Hợp tác có cả trăm con bò, lùa thả trên rừng, chỉ cần một năm đã con mẹ đẻ con con, có thần nào biết hết. Ổng một mình ở núi, cứ con nào bé, ngon ăn, ổng thịt tất. Một mình trên núi, hết luộc rồi nướng, da thịt đỏ hong, đúng là cái điển hình béo tốt. Bận đó cha tôi đau, ổng về thăm, mang cho hẳn hoi một tảng thịt bự. Cha tôi như đã mang máng nhìn ra cái sự ẩu tả bên trong, nhưng không khuyên nhủ gì. Thời thế tạo anh hùng, đến con cha trong nhà còn đi trộm, khuyên nhủ được ai.
          Hợp tác làm ăn thua lỗ, bể hàng loạt, dân được giải phóng khỏi cái đói, trung úy cũng mất cái chân thằng ở của làng. Cứ ngỡ ổng tiếc lắm, dè đâu ổng quẳng cái toạch, đếch thèm. Đói cả nước mình tau no sướng ích gì. Ổng nói thế, nghe cứ đỉnh đỉnh như thủ tướng. Mà con người nửa phần ngây thơ bổn thiện như ổng, có khi là nói thật. Với lại ổng có quan chức đếch gì mà phải láo toét cho nhọc xác.
          Lại chuyện kênh kiệu của ổng, tui được ổng liệt vào hàng kẻ sĩ vì biết trọng kẻ sĩ, với quan điểm chánh thống theo kiểu ổng, là trọng ổng. Mỗi bận tui vét túi cho ổng tiền, ổng lại cười kha kha, nói mi kém hơn cha mi, mà nhiều tiền hơn cha mi. Một bận ổng vui miệng đỉnh đỉnh, là khi tôi ép ổng uống hết một chai bia, ổng nói:
          -Tau có lỗi với thầy Tư, bận ổng đau, tau thăm ổng làm ổng đau thêm, là bận tau bạt mạng mang về cho ổng tảng thịt bò. Ổng nói “thời thế thế nào mà đến trung úy cũng làm thằng trộm đạo”.
          Ổng lại nói: Mi thấy đấy, tau khùng hai chế độ, chỉ có cha mi tin tau là tỉnh.
          Ổng mua khéo tôi: “ Mi làm thầy họ, mi có viết nhăng cuội chi đó, mai mốt mi viết cho tau cái coi, nhớ đăng báo.”
          Tôi hứa, rồi mới hoảng lên là mình hứa sảng. Trót coi lão là kẻ sĩ, trót tự nhận mình là kẻ sĩ, kẻ sĩ thì không hai lời, biết sao!
          Tôi viết cái này, hi vọng thằng đầy tớ nhân dân gian giảo là đìn đọc được trước khi hắn chết, ổng đã tám mươi hơn rồi chớ trẻ trung gì cho cam!
          Mô phật mấy ông biên tập.
         ----------------------------------------------------------------------
         Nguyễn Tấn Ái:
                        - GV Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.Nam
                        - Hội VHNT Q.Nam

                             

Không có nhận xét nào: