3/8/13

377. TRANG TỬ – “ÔNG TỔ NGÔNG” ...

            Trần Đình Sử         
Trang Tử là nhà triết học độc đáo nhất trong bách gia thời Chiến quốc. Trước tác của ông do không nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề đạo đức và chính trị cho nên giàu chất triết học nhất. Cũng do ông phát huy sức mạnh tưởng tượng tài hoa để lý giải các vấn đề trừu tượng, phổ quát mà tác phẩm của ông lại giàu chất nghệ thuật nhất. 
Với các tính chất đó, Trang Tử đã có ảnh hưởng sâu rộng trong tiến trình văn học Trung Quốc và tác động tới tư tưởng học thuật của các nước lân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam.

Các tác giả lớn không chỉ gây ảnh hưởng bằng tư tưởng, học thuật, mà còn gây ảnh hưởng bằng chính phong cách sống, thái độ sống. Trang Tử đã truyền lại cho đời sau một phong cách ngông, tư thế ngông, trở thành “ông tổ ngông” trong văn học.
Cách đây chừng chín năm (1990), trong một bài viết về ý thức cá tính trong văn học cổ Việt Nam, chúng tôi đã sơ bộ nhận xét, xem ngông là một biểu hiện cá tính độc đáo thời trung đại. Theo chúng tôi, tài tử không phải là người tài theo quan niệm thông thường, mà là kẻ lấy ngông làm tài, tài thoát ra thói tục, vì vậy mà nó gắn rất chặt với tài tình. Các tác giả nổi tiếng như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Cao  Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Tú Xương, Tản Đà rồi Nguyễn Tuân sau này,…, không ai là không ngông, mỗi người ngông một vẻ. Vậy cội nguồn văn hoá của hình thức cá tính ấy là ở đâu ? Thiết nghĩ, ngoài các nguyên nhân của đời sống văn hoá dân tộc Việt Nam, còn phải tìm đến những mẫu gốc văn hoá xa xưa từ trong triết học Trung Quốc, một nền triết học đã để lại dấu ấn sâu đậm trong văn hoá Đông Á và Việt Nam. Nếu phải tìm ở đó một người tiêu biểu nhất cho tính ngông thì không ai ngoài  Trang Tử.
Thật vậy, Trang Tử không chỉ là người sống ở thế kỷ IV – III trước Công nguyên, mà còn là người có nhiều hành vi mang tính giai thoại ngông nhất trong bách gia chư tử. “Ngông” người Trung Quốc gọi là “cuồng”. Ba người ngông nổi tiếng đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc có lẽ là Khuất Nguyên, Mạnh Tử, Trang Tử. Mạnh Tử là người cao ngạo tự phụ trong việc khẳng định nhân cách lý tưởng của đạo Nho. Khuất Nguyên quá ư luyến chúa nên khi bị xua đuổi đã cho mình là sạch nhất, tỉnh nhất, rồi phẫn uất tự sát, trở thành kẻ ngu trung đệ nhất trong lịch sử. Trang Tử ngông với lý tưởng “thích chí”, độc lập nhân cách, tự do ngao du trong cõi đạo. Ngông của Trang Tử gắn với ý thức khẳng định con người tự tại, tự do cho nên đã có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong văn học.
Người ngông đối lập với đám người trung dung, thuận theo lề thói một cách ngoan ngoãn. Người trung dung hay phụ hoạ theo quần thể, phủ nhận tự do cá nhân, người ngông chạy theo cá tính tự do, thích cực đoan. Người trung dung tự rèn luyện để thành tôi trung con hiếu, nghĩa phu tiết phụ, nhưng cũng tạo ra những kẻ a dua, nói theo giả dối. Người ngông coi khinh lễ, phép, ghét tục, ngạo đời, nói năng ngang tàng. Trong thực tế người ngông là kẻ đã làm tan rã các phép tắc giả tạo trói buộc con người, mở ra một luồng gió mát giàu sinh khí. Chính Khổng Tử là người đầu tiên khẳng định ý nghĩa của người ngông (cuồng, quyến). Trong thiên Tử Lộ ông nói : “Cần phải có bọn ngông cuồng. Bọn cuồng thích tiến thủ, bọn tiết tháo biết những việc không nên làm”. Ông hiểu “cuồng” là có ý ương bướng, ngang tàng, phóng đãng. Bọn này tuy có điều đáng ghét song lại có điều đáng quý là biết nêu ra cái mới, cái khác, mà người đời không hiểu, lại gọi là “cuồng”. Trong triết học trung dung con người chỉ biết những việc không nên làm, theo lối cũ,  mà ít có chí tiến thủ, cho nên Khổng Tử mới nghĩ đến bọn ngông. Nhưng trong đám học trò của ông, Tử Lộ, Tăng Tích chỉ là những “tiểu ngông”.
Trang Tử mới thực sự là đại ngông.
Trang Tử có nhiều giai thoại ngông nhất. Trang Tử coi thường lệ tục. Vợ Trang Tử mất, Huệ Thi đến viếng thì thấy Trang Tử đang gõ vò mà ca. Trang Tử sang Sở thấy một bộ xương sọ liền lấy roi ngựa gõ vào xương sọ mà trò chuyện, trái với thái độ tôn trọng người chết của mọi người. Trang Tử khinh miệt và từ chối làm quan. Sở Uy Vương mời Trang Tử làm Tể tướng, Trang Tử từ chối, coi ngôi vị Tể tướng như con bò được cho mặc áo gấm để dắt vào làm lễ tế giao ở Thái miếu. Một lần khác Sở Vương cho người mời Trang Tử làm quan thì Trang Tử khinh chức quan như con rùa khô để thờ. Trang Tử coi thường cái chết. Ông từ chối học trò hậu táng, lấy cớ “Ta có trời đất để làm quan quách, mặt trời mặt trăng là ngọc bích, các tinh tú làm ngọc châu, vạn vật sẽ đưa ma ta… Còn phải thêm gì nữa”. Khi học trò lo xác thầy bị quạ rỉa, Trang Tử nói, chôn dưới đất thì bị sâu bọ đục, có khác gì ! Trang Tử coi đời là một cuộc chơi, vô vi, tiêu dao, tốt cho mọi người, mọi vật. Trong bách gia chư tử, Trang Tử là người nói tới chơi (du) nhiều nhất trong trước tác. Có người thống kê nhận xét : Luận ngữ có 5 chữ “du”, Mạnh Tử 8 chữ, Chu dịch 2 chữ, Hàn Phi Tử 39 chữ, còn Trang Tử  đùa với đời, bên cạnh việc du sơn ngoạn thuỷ, nhưng chính thái độ “du thế” mới là ngông nhất, khiến Trang Tử trở thành ông tổ của quan niệm cợt bỡn nhân sinh. Ngôn ngữ của Trang Tử lại càng ngang tàng. Chính thái độ khinh bỉ cuộc sống xã hội thối nát đã khiến ông ăn nói bộc trực, khác đám người trung dung. Trang Tử mộng hoá thành bướm. Ông nói Trang Chu mộng hoá bướm là đại hạnh, còn bướm mộng hoá thành Trang Chu là bất hạnh, ông dại gì chuốc lấy bất hạnh mà theo giấc mộng của bướm ! Thật là một sự phủ định sảng khoái. Người đời thích sự hữu dụng. Trang Tử lại ca ngợi sự vô dụng, thật là ngược đời !-có đến 96 chữ “du”, một con số kỷ lục. Hai chữ “tiêu dao” thì hầu như là do Trang Tử sáng tạo, trong chư tử không đâu có. Chơi là một thái độ siêu thoát, tự do, đùa cợt. Ông có thái độ “du thế”.
Trong sách Trang Tử, không chỉ Trang Tử ngông, mà nhân vật của ông cũng ngông. Tống Nguyên Quân cho mời các hoạ sĩ đến vẽ bản đồ. Các hoạ sĩ khác đều đến, vái chào cung kính, mài mực chờ đợi sai phái, chen nhau đứng đầy một sân. Có hoạ sĩ đến sau ra mặt một vái rồi về nhà cởi trần, xoạc cẳng ngồi đợi. Tống Nguyên Quân cho người đi theo dõi và khen: đó mới là hoạ sĩ thật, vì anh ta tự do tự tại, không bị lệ thuộc vào kẻ khác ! Lời đánh giá của Tống Nguyên Quân cũng ngông ! Ông Hồng Mông suốt ngày chỉ chơi như trẻ con. Khi Tướng Vân đến hỏi thì ông khuyên chỉ nên chơi, chớ học gì, chớ tìm biết gì ! Cái đầu lâu của Trang Tử cũng ngông. Khi Trang Tử tỏ ý sẽ xin đắp da thịt cho bộ xương để hắn về nhà thăm lại người thân, thì đầu lâu từ chối : tôi đang sướng như vua, tội gì lại trở về cho khổ !
Ngông của Trang Tử là hình thức siêu quần, xuất chúng, thoát tục nhằm khẳng định một thế giới tự do, tự tại, độc lập, không phụ thuộc vào ngoại vật. Ngoại vật theo ông bao gồm : một nhà sinh mệnh thọ, yểu, bần, phú, quý, tiện, chức quyền ; hai là buồn, vui, giận, hờn ; ba là các tri thức, quan niệm, tư tưởng, lễ tục, khen chê. Các thứ đó đều tạm thời, là kiến thức nhìn qua cái ống, giả tạo và hạn hẹp. Do vậy chỉ có siêu thoát khỏi các thứ đó thì  mới được tự do, tự tại, thích chí !
Cái ngông Trang Tử mang tính nghịch lý : bề ngoài trái thường, trái với lẽ phải thông thường, mà bên trong mở ra một chân trời khác. Nhà triết học Trung Quốc đương đại Lý Trạch Hậu khẳng định : “Cái đạo của Trang Tử không hề là bản thể tự nhiên mà là bản thể người. Ông nâng cao con người với tư cách là bản thể lên tầm cao vũ trụ, cũng tức là nêu lên tính đồng nhất tồn tại trong bản thể người với tồn tại tự nhiên của vũ trụ”. Vậy là cái ngông của Trang Tử hướng tới khẳng định tự nhiên con người nên tinh thần của ông tương tự như tư tưởng hiện sinh, khẳng định tồn tại có trước bản chất, nếu hiểu bản chất là toàn bộ sự quy định của ngoại vật. Cho nên cái ngông của Trang Tử là cái ngông của tinh thần triết học, ngông của trí tuệ, cao siêu, khác hẳn cái ngông của kẻ ngu dốt liều lĩnh. Đó có thể coi là hành động nổi loạn chống lại mọi thứ “vi” tạo tác giả tạo, trái tự nhiên làm cho cuộc sống bị gò bó vô ích.
Ngông của Trang Tử là cái ngông giải phóng cá tính, “nhậm tính”, “nhậm tình”, buông thả tình cảm, nhằm dưỡng sinh, thích chí. Nó khác cái ngông của Đông Phương Sóc đời Hán, tuy có vẻ bỡn cợt thời thế, mà chỉ một mực trung thành với triều đình. Trái lại, Trang Tử là người đầu tiên trong lịch sử triết học Trung Quốc nhấn mạnh tới tự do cá nhân, tự giác tìm kiếm tự do, khinh đời, ghét tục, ngạo mạn bất quần. Đương thời Trang Tử rất cô độc, không mấy ai hiểu ông.
Mãi đến khi tư tưởng đại nhất thống sụp đổ vào đời Nguỵ Tấn thì Trang Tử là người được tôn xưng, được nhiều người sùng bái, bắt chước. Kẻ sĩ thời Nguỵ Tấn từ chỗ lo vua, lo nước, chuyển sang lo cho mình, trọng cá nhân, trọng tình cảm, trọng dục vọng, thích làm những hành vi độc đáo, và Trang Tử trở thành tấm gương. Nhưng nếu Trang Tử chú trọng tự do tâm hồn thì người thời Nguỵ Tấn vừa trọng tâm hồn lại vừa quý thân. Nguỵ Văn Đế Tào Phi coi khinh lễ tiết, chuộng tự nhiên. Khi Vương Xán chết, Phi cùng mọi người đến viếng và đề nghị : khi sống Xán thích nghe tiếng lừa kêu, mọi người hãy kêu như lừa để đưa tiễn ông ta. Thế là mọi người đều hý như lừa để tỏ lòng tưởng nhớ ! Đới Chấn thị tài, khinh thói tục. Khi mẹ chết vẫn ăn thịt, uống rượu như thường. Lúc mọi người chất vấn trái lễ, Chấn nói : tôi ăn mà không thấy ngon gì cả thì vẫn có hiếu chứ sao ! Chấn xem lễ tục là ngoại vật. Khổng Dung phủ nhận quan hệ huyết thống tôn ty của Nho giáo. Ông nói con đối với mẹ như vật để trong bình, khi đẻ con là dốc bình để đổ vật ra, thì vật còn có quan hệ gì với bình ! Những lời lẽ “vô đạo” ấy muốn mở rộng cách hiểu, giải phóng tư tưởng ! Trương Hủ nêu cao tư tưởng “nhân sinh quý thích ý”, đã trở thành khẩu hiệu cho nhiều người mà sau này Nguyễn Công Trứ sẽ lặp lại. Lưu Linh chỉ thích rượu say. Nguyễn Tịch lên núi Quảng Vũ Sơn, nhìn chiến trường Hán Sở mà nói : “Thời đại không có anh hùng, khiến bọn nhãi ranh trở thành danh !”. Ông khinh cả Lưu Bang, Hạng Vũ. Khi mẹ chết, Tịch ăn hết một con lợn sữa, uống cạn hai vò rượu, nhưng khi mai táng thì đau đớn khóc đến nỗi thổ huyết ra ! Kê Khang thì “vượt danh giáo mà buông thả tự nhiên”, “chê Khang, Vũ mà coi thường Chu, Khổng”.
Đến đời Đường thương nghiệp phát triển, khoa cử mở mang đã tạo điều kiện cho cá tính giải phóng. Lý Bạch là nhà thơ có hoài bão lớn, gặp tiểu nhân gây trắc trở, ông đã tỏ ra khí phách ngông ngạo. Ông đã bắt Dương Quốc Trung mài mực, bắt Cao Lực Sĩ cởi giày, lấy rượu làm phương tiện giải thoát. Ông từng có câu thơ ngạo mạn : “Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch – Chỉ hữu ẩm giả lưu kỳ danh”. Đỗ Phủ làm thơ về Lý Bạch lại có câu : “Thiên tử cho gọi chẳng lên thuyền, thưa, thần nhờ rượu đã thành tiên !”. Truyền thuyết nói “Lý Bạch mặc cẩm bào, chơi ở sông Thái Thạch, ngạo mạn tự đắc, không biết có ai, vì say rượu mà ngã xuống sông, bắt ánh trăng mà chết” đã nói lên cái ngông của ông.
Đến đời Minh, kinh tế hàng hoá càng phát triển, xã hội phong kiến thối nát, kẻ sĩ cấp tiến càng ý thức về sự ngột ngạt, càng có những biểu hiện ngông cuồng. Lý Trác Ngô (Lý Chất) coi khoa cử như đùa, ông đi thi nhại theo thời văn mà làm bài, thế mà cũng đỗ được cái cử nhân, được làm quan đang có cơ lên chức thì tự bỏ quan. Ông có câu nói khác thường : thuở bé bị thầy và gia đình quản lý, làm quan lại bị quan trên quản lý, về quê lại bị quan sở tại và tổ phụ mẫu quản lý. Ông đành bỏ nhà phiêu bạt là thoát khỏi  cái thân bị cai quản ! Ông bất chấp dư luận nhận sự cung phụng của một bà quả phụ, lại viết thư từ bàn về Phật học với một bà quả phụ khác ! Ông công khai đi theo “dị đoan” là Lão và Phật. Ông nói từ Khổng Tử đến nay, vì lấy thị phi của Khổng Tử làm thị phi, cho nên đã không còn thị phi nữa ! Ông tiếp thụ cái buông thả tự nhiên của Trang Tử, tinh thần “chửi tổ, quát Phật” của đạo Thiền, xô đổ thần tượng, tôn thờ cá tính tự do và cũng hấp thụ cái tiến thủ của đạo Nho. Cuối cùng ông đã mượn dao cạo tự tử.
Kim Thánh Thán càng là một nhân cách ngông ngạo. Ông tự đặt tên mình là Thánh Thán, là lấy câu Khổng Tử “Thán viết” trong Luận ngữ, ngụ ý mình là Khổng Tử. Ông xem khoa cử như đùa. Trong bài thi, trước câu hỏi của đề bài: “Trước tiền bạc, gái đẹp, kẻ trượng phu có động lòng không”, ông viết liền một mạch 39 chữ “động”, ngụ ý “tứ thập nhi bất hoặc”, đến chữ thứ 40 thì không động nữa, giống như Khổng Tử từng nói. Thánh Thán rất thị tài, tự phụ, tự coi là đại tài, coi đời là một cuộc chơi, ông cho là ở đời nên “tận tính”. Tận tính là thế nào? Nghĩa là trời phú cho ta cái tính thế nào thì thể hiện ra bằng hết, thể hiện trọn vẹn, không che đậy, gò bó. Chọn Ly tao, Trang Tử, thơ Đỗ Phủ, Sử ký, Thuỷ hử, Tây sương ký làm “sáu tài tử thư” và bình theo cách riêng của mình để phát triển ưu phẫn, xưa nay chưa từng có, đặc biệt ông còn dám cắt xén tác phẩm, đổi thay chi tiết cho hợp ý mình, tạo thành tác phẩm “của mình”. Thật là tự do phóng túng. Ông trở thành một hiện tượng lớn, độc đáo của phê bình văn học cổ Trung Quốc. Ông bị chết oan dưới lưỡi đao của quan lại nhà Thanh.
Các hiện tượng ngông ngạo trong lịch sử văn học Trung Quốc còn nhiều, còn có thể kể đến Từ Vị, Cung Tự Trân và nhiều người khác. Tư tưởng của họ đã khác nhiều với Trang Tử, nhưng họ đều yêu mến Trang Tử, chọn hành động siêu quần, khác tục, cao ngạo, khinh đời, đều đề cao tự do tự tại cho con người cá thể, buông thả tình cảm tự nhiên.
Các nhà thơ văn Việt Nam từ Nguyễn Trãi đã có yếu tố ngông, nhưng phải bước sang giai đoạn phong kiến suy tàn thì nhân cách ngông mới thực sự biểu hiện nhiều mặt.
Nhà nghiên cứu Liên Xô trước đây Phêlích Kôn trong công trình Đi tìm cái tôi (1984) có nói : “Bất kể là người trung đại ý thức về chính mình như thế nào, thì anh ta vẫn cảm thấy mình là kẻ phụ thuộc ; phụ thuộc vào ai đó hoặc phụ thuộc vào cái gì đó (gia đình, dòng họ, quan địa  phương, đất đai, công xã, giáo phận). Cảm giác phụ thuộc phú cho anh ta một tính xác định xã hội vững bền, nhưng điều đó cũng trói buộc khả năng cá thể và tầm rộng về thế giới quan của anh ta. Người trung đại cảm thấy mình là người đại diện cho ai khác, chứ không phải là chủ thể sống động. Cuối cùng, đối với người trung đại, bất cứ sự khác biệt và đổi thay nào vượt ra thường quy đều là điều không thể chấp nhận”. Đó là một nhận định có phần tuyệt đối hoá. Nếu cứ như thế thì lấy đâu ra hiện tượng Trang Tử? Nhà nghiên cứu A. Ja. Gurevich hiểu một cách khác: “Trở về thời trung đại chúng ta trước hết cần thấy rằng, chính trong thời đại này, khái niệm cá nhân được hình thành một cách trọn vẹn” (Nxb Giáo dục, Hoàng Ngọc Hiến dich, 1996, tr. 321).
Những tính cách ngông nêu trên rõ ràng là phá vỡ thường quy, thói tục, giải phóng cá tính, làm suy yếu cảm giác phụ thuộc để đưa con người lên ngôi chủ thể. Cho dù cái ngông về sau đã biến hoá thế nào thì vị tổ đầu tiên khơi dòng định lối chính là Trang Tử.
(Nguồn: pbvh.com.vn)
                                             

Không có nhận xét nào: