12/1/14

432. PHỎNG VẤN BÀI KHÔNG THƠ

 Nguyên tác "INTERVIEW WITH THE NOT- POEM"
          của Thomas Glave - nhà thơ Mỹ gốc Jamaica
               chuyển ngữ Lê Đình Nhất Lang

     NGƯỜI HỎI:
     “Nhưng làm thế nào bạn gọi mình là
     một bài "không-thơ"?
     Mọi dáng vẻ của bạn
     đều trông như một bài thơ.
     Bạn phủ phục,
     bước lê,
     đong đưa và lắc lư
     và sắp xếp lại các dòng,
     âm tiết,
     ẩn dụ và ví von của mình
     như một bài thơ.
     Da thịt bạn
     trông như một bài thơ,
     mọi bài thơ,
     các bộ phận khác của bạn cũng vậy.
     Thế thì,
     làm ơn giải thích,
     làm thế nào bạn không phải là một bài thơ?
     Nếu được, xin giải thích
     cái tính ‘không-thơ’ này,
     cái tình trạng không này.”
  KHÔNG-THƠ:
“Nhưng xin đừng gọi tôi là bài thơ,
vì không, tôi không phải là một bài thơ.
Tôi vừa mới đến từ đất nước ấy
(mà giờ đây chắc hẳn ông đã được nghe nói đến)
mà ở đó rất chi là không khôn ngoan,
không tốt,
đơn giản là không,
để là một bài thơ.
Có những bài thơ nguyên vẹn bị giết chết
trên những cánh đồng tịch mịch.
Những khổ thơ,
bất kể đang van xin tha mạng,
hay tha cho tứ chi mình,
đều bị vặn vẹo
và hủy diệt.
Những dòng thanh thoát
và những dòng thô tục,
những dòng nhạy cảm với ánh sáng lẫn yêu thích ánh sáng,
và ngay cả những chức hiệu,
cũng khóc trong tăm tối và tầm thường,
những thất bại nhỏ nhoi thường ngày
và cả những niềm vui,
bị thiêu cháy,
chỉ để lại tro,
thuần tro,
sau khi chúng chết.
Bị xóa tan vào quên lãng.
Bị gạch bỏ khỏi những biệt thự giấy,
những cuốn sách không thể hình dung được.
Những cuốn sách mà, mặc dù bị đặt ngoài vòng luật pháp,
vẫn được mơ về theo cách nào đó.
Mùi của da thịt thơ bốc cháy,
nồng nặc, nhầy nhụa
và trần tục,
phủ trùm toàn bộ những thành phố,
những vùng đồng bằng ven biển.
Những cuộc chuyện trò thơ bị do thám
bởi những đặc vụ viên khinh bỉ thơ,
và có những thị trấn thơ
hoàn toàn trống vắng,
bị biến thành bãi hoang.
Thơ bị gom lại và trục xuất.
Bị đốt, như tôi đã nói.
Bị ném đá.
Thế cho nên đừng, đừng gọi tôi là bài thơ.
Tôi sẽ không bao giờ là một bài thơ trở lại.”

     NGƯỜI HỎI:
     “Nhưng mà, bạn vẫn trông rất giống một bài thơ,
     và có tiếng vang như thơ.
     Bạn có mùi—”

KHÔNG-THƠ:
“Như thế thì ông rõ là chẳng biết gì cả,
về những lá cờ mà, vào dạo ấy, rất nhanh chóng, được cắm lên.
Cắm lên trong vài ngày.
Vâng, cắm lên trên hai mươi triệu nóc nhà,
Giương cao bên trên một trăm triệu cột ăng ten TV.
Cờ, những lá cờ kiêu hãnh.
Cờ quạt mọi nơi.
Cờ giương cao chống lại thơ
và những kẻ giống như thơ.
Cờ mọc lên ở các phi trường.
Đặc biệt ở các phi trường.
Tại tất cả các điểm an ninh,
và tất cả các trạm hải quan.
Chứng minh quốc tịch là hệ trọng,
lòng trung thành còn hệ trọng hơn.
Nhưng cờ cũng có trong những thương xá trước đây nhạt nhẽo,
và khắp các bãi cỏ vùng ngoại ô ngáp ngủ.
Thơ không dám đi bộ một mình ra chợ,
cũng không—không, không bao giờ—được đến chiêm bái
tại những chốn linh hiển của thơ.
Thơ bị giằng ra khỏi máy bay
bởi những kẻ quá bực bội khi phải bay cùng với thơ.
‘Ai mà biết được chúng có cùng một bọn!’ kẻ nào đó la lên,
răng chẳng nhọn nhưng vai so cổ rụt—
gạch đá đã sẵn trong mơ,
dù chưa sẵn trong tay.
Bởi vì—đúng vậy, ông vẫn chưa biết ư?
Thơ—trẻ con bắt đầu tập né gạch đá ở trường,
và có hơn một bài thơ
(hay bất cứ ai trông như thơ)
đã bị đạn quật ngã.
Đạn—
cái loại quá quen thuộc xưa nay vẫn đang phục vụ.
Hơn cả môn thể thao quốc gia, và đánh trúng tiêu điểm hơn.
Đạn vẫn dư sức hạ gục một bài thơ dơ,
bạt văng đầu của những bài thơ địt mẹ
mà lẽ ra đã phải có đủ trí khôn,
để từ lâu rồi,
biết trở về lại nơi mà chúng sinh ra.
Những bài thơ dơ,
những bài thơ bú cặc,
những bài thơ không buồn nói ngôn ngữ chính,
mà chỉ huyên thuyên trong một thứ tiếng lắp bắp.
Những bài thơ đánh cắp việc làm
và những giấc mơ của họ,
những giấc mơ thấp thoáng ấy.
Cái giấc mơ ấy.
Những bài thơ mà làm ngập lụt quốc gia, sinh sôi như loài thỏ.
Những bài thơ mà đụ với đời như chúng biết thế nào là đời.
Những bài thơ cầu nguyện quá nhiều hay quá ít,
luôn luôn với những giọng điệu tệ hại ấy,
cái cách ăn vận bán khai ấy.
Những bài thơ không có cờ,
cái cờ ấy.
Những viên đạn được thúc giục bởi những lá cờ
tuyên bố, ồn ĩ,
Đây là tao, và điều tao tin tưởng.
Còn mày, chúng hỏi, mày là ai?”

     NGƯỜI HỎI:
     “Có thật là bạn trông đợi chúng tôi tin—”

KHÔNG-THƠ:
“Chỉ một điều tôi là một bài không-thơ.
Không phải một bài thơ.”

     NGƯỜI HỎI:
     “Nhưng bạn vừa nói những lá cờ được dùng để—”

KHÔNG-THƠ:
“Ôi, nhưng để tôi cho ông biết.
Họ, họ tin nơi lá cờ của họ—
ở cái được cho là tính cao quý, tính bách thắng của nó.
Chẳng phải một lá cờ
(dù cho nó có thể khoa trương, hơi ồn ào, cái phần đỏ của nó)
là dễ hơn để trông vào, để vuốt ve,
hơn là một triệu bàn tay có dư cháy thành than trên một cánh đồng?
Hơn là sáu mươi triệu cái đùi và cẳng chân treo tòn ten
trên cây?
Hơn là hai trăm ngàn con mắt lom lom trông ra ngoài
từ những chỏm mũ tùm hụp?
Hơn là những sa mạc bị nung nấu bằng những bài thơ chết
và bằng những ngón tay, đầu gối?
Một lá cờ không biết trả lời, dù gì đi nữa.
Nó không làm bộ có quyền quyết định vận mạng của chính mình.
Nó chẳng thèm quan tâm đến cơn đói, hay cơn khát.
Nó yêu những quả bom, và bom thông tri cho những ca khúc
lè nhè, thường trực, vinh danh nó.
Nó phủ quan tài bất cứ khi nào nó muốn, và với điệu bộ trang trọng.
Và nhất là—vâng, quan trọng nhất—
nó yêu thích những lịch sử chẳng bao giờ là,
chẳng bao giờ được dạy,
biết,
và sẽ chẳng bao giờ trở thành.
Không-lịch sử.”

     NGƯỜI HỎI:
     “Và như thế các bài thơ—”

KHÔNG-THƠ:
“Ở nơi ấy,
thơ chạy lên núi trốn.
‘Mọi sự không thể khác được,’ có người nói,
‘bây giờ chỉ những bài không-thơ mới sống.’
Đó là điều họ nói.
Và thế là chúng tôi tự biến dạng—
vâng, cả mặt mũi,
cả tay.
Chúng tôi nhanh chóng mọc ra sáu ngón tay
và ba con mắt.
Chúng tôi che miệng mình
bằng những dòng khôn khéo từ những cuốn tiểu thuyết
được viết bởi bọn tay mơ.
Chúng tôi làm cho khổ thơ
chỉ còn là ký ức,
nhưng giữ lại phép phúng dụ.
Chúng tôi đóng vảy trên những bức tường
nơi tự do, có lần được quảng cáo,
đã không còn duỗi thẳng.
Chúng tôi ngừng đến chiêm bái
tại tất cả các chốn linh hiển của thơ.
Chúng tôi thay Thượng Đế
bằng lá cờ,
vì tự do.”

     NGƯỜI HỎI:
     “Và như thế bây giờ bạn—”

KHÔNG-THƠ:
“Giờ đây
tôi là một bài không-thơ,
vẫn sợ đạn,
bất định về các dòng,
vừa lòng với sự thiếu tình tiết—
cái tình tiết họ nắm chắc,
bên dưới lá cờ,
chúng ta ai nấy đều sở hữu—
giấc mơ đen tối nhất của họ,
một bài thơ. Một bài thơ bất kỳ.
Một dòng vô tận.”

                                             (nguồn: damau.org)

Không có nhận xét nào: