22/1/14

438. NGÀY XUÂN NÓI CHUYỆN CÂU ĐỐI

          Lê Đức Thịnh   


             
      Cứ đến độ xuân về, bên cạnh "thịt mỡ, dưa hành" thì “câu đối đỏ” đã trở thành một trong những thứ không thể vắng mặt trong ngày Tết của người Việt. Người ta tìm những câu đối hay nhất, phù hợp với thẩm mỹ, ý thích và ước nguyện của gia đình mình để treo ở nơi trang trọng nhất trong nhà.
          Nhân dịp xuân về, hãy cùng nhau dành chút thời gian tản mạn cùng câu đối Tết.
          Câu đối là một sản phẩm văn chương được các tầng lớp trí thức trong xã hội  sáng tạo nên trong quá trình sáng tác văn chương hoặc trong những ngữ cảnh đặc biệt.
          Câu đối thuộc thể loại văn biền ngẫu, gồm hai vế đối nhau nhằm biểu thị một ý chí, quan điểm, tình cảm của tác giả trước một hiện tượng, một sự việc nào đó trong đời sống xã hội. "Đối" có nghĩa là sánh ngang nhau, chứ không phải là trái hay nghịch nhau. Câu đối gồm hai vế câu đi song nhau. Nếu câu ấy từ một người sáng tác gọi là vế trên và vế dưới. Nếu một người nghĩ ra một vế để người khác làm vế kia thì gọi là vế xuất và vế đối.
          Người xưa cũng thường lấy câu đối ra để thử tài nhau. Việc xuất đối (ra câu đối) hay đối lại câu đối đều đánh giá được trình độ học vấn của kẻ sĩ, nhất là kiểu đối lại câu đối thường khó hơn nhiều so với ra câu đối, vậy nên có câu "xuất đối dị, đối đối nan" (Ra câu đối thì dễ, đối lại câu đối mới khó).  Chơi câu đối là một thú chơi tao nhã thể hiện sự tài hoa, tinh tế của chữ nghĩa, một mỹ tục trong ngày Tết Nguyên Đán đã và đang được các thế hệ người Việt Nam ra sức gìn giữ.         


           Người Việt chúng ta có truyền thống trọng chữ. Trong lịch sử văn hóa dân tộc, người Việt thường sử dụng nhiều hình thức chữ viết khác nhau. Ngày xưa loại chữ được tôn sùng nhất vẫn là chữ Hán - Nôm, thường được gọi là “chữ của thánh hiền”.  Nhớ hồi nhỏ đi học, ông bà cha mẹ thường bảo con cháu rằng: không được viết chữ vẽ hình bậy bạ lên giấy hoặc tờ giấy có chữ viết của mình rồi thì không được vứt bỏ vào chỗ dơ bẩn, không được lót sách vở dưới ghế ngồi ... nếu không thì sẽ "học không ra chữ". Lời nhắc ấy có ngụ ý trân trọng giấy bút chữ nghĩa, sự học nghiêm túc. Dân gian có tục đến gặp ông đồ - là những người đại diện cho tầng lớp trí thức trong xã hội - để "xin chữ" nhân những dịp đặc biệt như xuân, lễ hội ... Và ông đồ thường cho chữ hoặc câu đối phù hợp với nghề nghiệp, hoàn cảnh gia chủ.
          Chữ viết bên ngoài là vỏ vật chất ngôn ngữ, bên trong ngoài chức năng cơ bản là tạo ra văn bản để chuyển tải suy tư, tình cảm (công cụ của tư duy), để ghi chép sự việc ... còn là thứ để làm quà tặng. Hai giá trị vật chất và tinh thần của chữ viết luôn gắn liền với nhau. Vậy nên nói tới chữ viết là nói đến "lời hay ý đẹp", "lời vàng ý ngọc"... Chữ cũng thể hiện người nên "nét chữ nết người" và tùy theo hoàn cảnh thời gian, không gian mà con người thể hiện cái "nết" đó khác nhau.         


         Xuân về người ta thường dùng hoặc tặng nhau những chữ quen thuộc như : Cung chúc tân xuân, vạn sự như ý, ngũ phúc lâm môn, an khang thịnh vượng ... với mong ước, cầu chúc cho mình và cho người những gì tốt đẹp nhất. Mà cái gì làm quà tặng thì ngoài nội dung ý nghĩa còn phải có "mẫu mã"  đẹp, hài hòa cân đối nữa. Vậy nên từ chỗ chữ nghĩa làm quà tặng, nó tạo ra cả những câu đối với nhiều nội dung phong phú cùng với nhiều hình thức thư pháp khác nhau.
          Vậy là chữ viết không chỉ để ghi vào sách vở, xếp lên giá, cất vào tủ mà còn  để phô ra trang trí nhà cửa, công đường, đình chùa, miếu mạo. Vậy là "thư" đi kèm với "họa" - từ đó tạo ra những bức tranh chữ. Tranh chữ (thư họa) không chỉ là loại một chữ, một câu mà có khi thể hiện hai câu hoặc cả bài... Mà khi nó là thư pháp hai câu thì tiêu chuẩn đầu tiên cần chú ý là tính đăng đối, cân xứng nhau về nội dung lẫn hình thức bởi đặc điểm của văn chương cổ là phép đối, không những văn vần mà văn xuôi nhiều khi cũng đặt thành hai câu đối nhau, hoặc hai đoạn đối nhau.
          Nhiều quốc gia phương Đông như Nhật, Hàn, Triều, Trung - dùng chữ tượng hình - đều có câu đối bởi của chữ tượng hình là vừa có "ý" vừa có "hình" nên dễ tạo ra chất họa. Câu đối Việt Nam ngoài việc tuân theo các yêu cầu chung của câu đối - thư pháp còn có nét riêng về hình thức.
          Nội dung của câu đối thường cô đọng, dễ thuộc, dễ nhớ nên chúng dễ được lưu truyền. Đặc biệt có những câu đối bất hủ đã được ghi lại trong văn chương bác học, được khắc lại trên đá, trên gỗ. Nó trở thành vật trang trí sang trọng mang giá trị văn hóa phi vật thể. Như vậy câu đối đã mang vai trò kép: vừa là một áng văn chương có giá trị, vừa là một thành tố trang trí đặc biệt. Với vai trò kép nói trên, câu đối được sử dụng một cách hết sức phổ biến cả trong văn hoá dân gian cũng như trong dòng văn chính thống vì chúng có thể dễ dàng thâm nhập vào đời sống của mọi tầng lớp người dân.
          Căn cứ vào nội dung có thể chia câu đối ra làm nhiều loại như: câu đối Tết (còn gọi là "Xuân liên", dùng trong dịp tết), câu đối hỉ (còn gọi là "hạ liên", bày tỏ sự chung vui trong lễ hội, đám tiệc, sự kiện), câu đối bi (còn gọi là "vãn liên", chia sẻ tổn thất, ma chay), câu đối ghi (còn gọi là "trung đường liên", ghi nhớ một sự việc xảy ra như trùng tu chùa chiền, đình miếu, xây dựng công trình, dựng bia...)...   Trong tất cả các loại câu đối, nổi bật hơn cả vẫn là câu đối Tết, nó trở thành sinh hoạt văn hóa rất phổ biến và lâu đời. Về câu đối Tết thì có nhiều loại:
          Loại câu đối Tết phổ biến, dùng chung cho mọi nhà không phân biệt sang hèn, ví dụ như câu chữ Nôm : "Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh" hoặc câu chữ Hán : "Lộc tiến vinh hoa gia đường thịnh / Phúc sinh phú quý tử tôn vinh" (Tài lộc dẫn đến sự vinh hoa, nhà thêm thịnh / Phúc sinh ra giàu sang, con cháu được trọng vọng).
          Loại câu đối Tết treo ở các đình làng hay công sở, ví dụ như câu chữ Nôm : "Chúc Tết đến trăm điều như ý / Mừng xuân sang vạn sự thành công" hoặc câu chữ Hán : "Sơn thủy thanh cao xuân bất tận / Thần tiên lạc thú cảnh thần tiên" (Núi sông thanh cao, mùa xuân bất tận / Thần tiên vui vẻ nơi cảnh tiên)
          Loại câu đối Tết treo ở đền chùa miếu mạo ví dụ như câu chữ Nôm: "Mừng xuân hỉ xả thêm công đức / Đón Tết từ bi bớt não phiền" hoặc câu chữ Hán : "Pháp luân vô ánh oanh thiên hạ / Tâm niệm vô thanh chấn tứ phương" (Pháp luân tuy không có ánh sáng nhưng có thể làm run cả trời đất / Tâm niệm tuy không phát ra thành tiếng nhưng nó có thể gây chấn động cả bốn phương).
          Ngoài ra còn có loại câu đối Tết phân biệt sang hèn rất rõ, ví dụ câu đối treo trong các nhà quyền quý : "Xuân tái đáo, môn tiền phúc đáo / Hoa hựu khai, thiên ngoại thi khai" (Xuân lại đến, trước cửa phúc lại đến / Hoa lại nở, ngoài trời thơ lại mở ra); hoặc câu sau đây chỉ treo ở nhà nghèo : "Tết đến gượng cười, mong con cháu chăm ngoan, nhà có dư gạo thóc / Xuân sang gắn vui, cầu vợ hiền mạnh khỏe, vườn đủ quả đủ rau".
          Văn học đã ghi lại nhiều câu đối Tết tự trào rất hay của các danh sĩ, họ viết để cho vui, không cần treo ở đâu cả mà gắn vào tâm tưởng, và cùng vui với mọi người như câu đối chữ Nôm của Nguyễn Công Trứ : "Chiều ba mười nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa / Sáng mồng một rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông phúc vào nhà" hoặc câu đối sau của Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương : "Tối ba mươi khép cánh càn khôn, ních chặt kẻo Ma Vương đưa quỉ tới / Sáng mồng một lỏng then tạo hóa, mở toang cho thiếu nữ rước xuân vào". Ngày nay cũng có nhiều câu đối Tết tự trào phản ảnh những mảng hiện thực của nhiều đối tượng, ngành nhề khác nhau ví dụ như nhà giáo có câu đối - chơi chữ nói lái : "Thầy giáo tháo giầy đi chân đất / Giáo chức dứt cháo đón xuân sang"... Ngày xuân, người ta thường nhắc lại những câu đối như vậy vừa để vui vừa ôn lại một thời đã qua.
          Về hình thức kết cấu có các loại câu đối như: câu “Tiểu đối” (mỗi vế có từ 4 chữ trở xuống); câu “Thi đối” (mỗi vế là một câu thơ đối ngũ ngôn hoặc một câu thất ngôn...); câu “Phú đối” (mỗi vế là một câu viết theo thể phú) ...
          Về độ dài, đa số câu đối là ngắn gọn, cân đối nhưng cũng có người làm câu đối Tết rất dài ví dụ câu đối sau đây của Phạm Thái dài 124 chữ: "Xuân mới gọi là Xuân, Xuân thiều quang thục úc, Xuân xướng mậu huyên hòa, ai chẳng mong Xuân mãi để vui đời, kìa xem nơi kia đình, nơi nọ đáo, nơi ấy điếm đua cờ người, kéo hội, bắt chạch, gieo đu, Xuân năm ngoái vui lắm, năm nay lại vui ghê, muốn Xuân mãi để nhẩn nha ngày tháng Bụt / Tuổi cũng thì là tuổi, tuổi phú quí vinh hoa, tuổi công danh sự nghiệp, ai chẳng muốn tuổi dài cho sướng kiếp, nhưng mà ngày nay cờ, ngày mai bạc, ngày kia chè rượu, quay đất, bài phu, tổ tôm, xóc đĩa, tuổi ngày trước dại vừa, ngày rày còn dại mãi, nhiều tuổi chi cho tổn ải nước non Trời".
          Về hình thức văn tự, câu đối người Việt thường được viết bằng ba loại chữ khác nhau: chữ Hán, chữ Nôm và quốc ngữ. Với hai loại câu đối chữ Hán và chữ Nôm những người trẻ tuổi, hoặc không biết chữ Hán - Nôm thì phải có người dịch ra mới hiểu được; còn câu đối viết bằng chữ Việt hiện đại là câu đối phổ biến nhất. Ngày nay rất ít người dùng chữ Hán và chữ Nôm nên hai loại câu đối này ít xuất hiện hoặc được viết ra cho một số bạn đọc nhất định.
          Nhắc đến câu đối Tết chúng ta sẽ liên tưởng ngay đến bài thơ "Ông Đồ" của thi sĩ Vũ Đình Liên miêu tả "cái di tích tiều tuỵ, đáng thương của một thời tàn” - Nho học bị “thất sủng”, ông đồ đang dần bị lãng quên: "Ông đồ vẫn ngồi đấy / Qua đường không ai hay / Lá vàng rơi trên giấy / Ngoài trời mưa bụi bay. / Năm nay đào lại nở / Không thấy ông đồ xưa / Những người muôn năm cũ / Hồn ở đâu bây giờ?".         

            Dù người yêu chữ của "ông đồ" đã giảm đi nhưng truyền thống viết câu đối Tết vẫn được các thế hệ "ông đồ hiện đại" lưu giữ đến tận hôm nay. Chữ của ông đồ ngày nay không là chữ Hán - Nôm mà là chữ Việt hiện đại được viết theo thư pháp hiện đại, cách điệu và mang màu sắc "tân hình thức". Ông đồ hiện đại không viết chữ tự do "Bày mực tàu giấy đỏ / Bên phố đông người qua" mà sinh hoạt theo "câu lạc bộ", ngày Tết ở một số đô thị lớn còn tổ chức cả "phố ông đồ" để thuận tiện cho việc hành nghề của thư pháp gia. Mối quan hệ giữa ông đồ và người dân ngày nay cũng không còn là chuyện "xin chữ - cho chữ" nữa mà "mua chữ và bán chữ". Mà đã là mua bán thì có cạnh tranh, có giá cả, viết chữ theo yêu cầu của người dùng, rồi thuận mua vừa bán ... nên chữ nghĩa và câu đối ngày Tết tuy vẫn còn đấy nhưng bên trong đã thay đổi nhiều giá trị tinh thần.
          Dù sao đi nữa, câu đối Tết vẫn còn đó chứ không hề bị mai một, bằng chứng là người ta vẫn còn viết câu đối Tết và ngày Tết nhiều người vẫn đi tìm mua câu đối Tết để trang trí trong gia đình lúc xuân nhật. Đôi khi người mua câu đối viết bằng chữ Hán dù không biết rõ ý nghĩa mà vẫn mua vì mọi người ai cũng hiểu rằng, tất cả các câu đối Tết đều cầu mong những điều tốt lành đến với mọi nhà mọi người trong năm mới.
           Việc giữ gìn câu đối ngày Tết cũng là một trong những biểu hiện của việc tiếp nối truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam. Lớp bụi thời gian dù có phủ lấp lên những vết tích cũ xưa – nhưng những giá trị tinh thần đáng được lưu giữ vẫn mãi tồn tại trong tâm thức mỗi chúng ta và bao giờ cũng vậy, những giá trị ấy cũng luôn được đặt về đúng chỗ của nó.
          Vậy nên câu đối trở thành một món quà tinh thần không thể thiếu trong ngày Tết. Người xưa nói rằng: “nếu thơ văn là tinh hoa của chữ nghĩa thì câu đối là tinh hoa của tinh hoa”.
          Điều ấy quả không sai và cũng có thể khẳng định thêm rằng: "nếu Tết Nguyên Đán là bản sắc truyền thống của văn hóa dân tộc thì câu đối chính là một bản sắc của ngày Tết Nguyên Đán".

Không có nhận xét nào: