20/1/14

436. TẢN MẠN CHUYỆN NGỰA

          Mộc Nhân         

         Năm con rắn đã qua, năm con ngựa lại đến. Thiển nghĩ dành một ít thời gian để nói chuyện về ngựa cũng là điều lí thú.
          Dựa vào các hóa thạch cổ nhất, các nhà khoa học đã biết tổ tiên loài ngựa đã xuất hiện rất sớm trên trái Đất - từ khoảng 54 triệu năm trước đây - với kích thước nhỏ hơn loài ngựa hiện nay.  Nó là động vật ăn cỏ và thích nghi với việc chạy. Nghiên cứu sự phức tạp trong bộ não của ngựa cho thấy ngựa là động vật thông minh và luôn cảnh giác. Qua những giai đoạn tiến hóa, các cấu tạo đời sống, đặc điểm sinh trưởng của loài ngựa dần dần ổn định, với nhiều ưu việt do đó con người đã biết thuần dưỡng ngựa phục vụ cho cuộc sống. 
           Mối liên hệ gần gũi giữa ngựa với người trong cuộc sống ngày càng phát triển, gắn bó, đa dạng. Chính vì vậy, sự tìm hiểu, nhìn nhận hay đánh giá toàn diện về ngựa ở những giá trị vật chất và tinh thần đều trở thành vấn đề hấp dẫn mà nhiều người quan tâm...
***
          Từ thời xưa, người ta đã biết nuôi ngựa để lấy sức kéo và cày ruộng có hiệu quả không thua gì trâu bò. Còn trong thời chiến, ngựa là phương tiện phục vụ đắc lực cho chiến trường, trận mạc: kéo xe, tham chiến - kị binh là lực lương chủ yếu của quân đội. Trong suốt thế kỷ XIII, vó ngựa của quân xâm lược Mông Cổ đã tung hoành khắp thế giới song khi tràn xuống phía Nam đã ba lần bị chặn đứng và chịu thất bại thảm hại trước sức mạnh chống xâm lược của quân và dân nhà Trần.
          Dù vậy, nhiều khi lâm vào cảnh thiếu lương quân sĩ cũng đành giết ngựa ăn thịt để khỏi chết đói dù điều ấy là tối kị trong dùng binh. Nói đến giết ngựa ta nghĩ ngay đến món "Trảm Mã Trà" cầu kì của người Tàu. Trên một số vùng núi cao quanh năm mây phủ người ta trồng trà quí; buổi sáng người ta cho ngựa nhịn đói lên núi ăn đọt trà, sau khi ngựa ăn no thì mang xuống giết mổ lấy trà trong dạ dày ngựa chế biến thành loại trà qúy để pha uống - đó là "Trảm Mã Trà".
          Ngoài ra, do đặc tính chạy nhanh của loài ngựa nên người ta dùng ngựa để đưa thư, thông tin liên lạc hoặc săn bắn. Tốc độ trung bình khi ngựa chạy là khoảng 40 - 60 km/h. Một số giống ngựa hay có thể chạy liên tục 250km không nghỉ.

          Vì những giá trị như vậy nên ngựa được tôn vinh và rở thành biểu tượng của sức mạnh, sự dũng cảm, thông tuệ, hùng hậu. Nhiều nơi trên thế giới còn coi ngựa là biểu hiện của tuổi trẻ, là chủ thể sung mãn của sản sinh, sự trẻ hoá, sống lâu hoặc bất tử nên họ quý trọng, sùng bái, thờ phụng ngựa như vị thần hiện thân của may mắn, hạnh phúc. Người La Mã cúng thần ngựa trước cuộc xuất binh; người Ireland trong ngày lễ thánh Jean hân hoan rước một chú ngựa to làm bằng gỗ để cầu mong gia súc mạnh khỏe, nông vụ bội thu; ngư dân Ấn Độ, Hy Lạp, Nga ... thường cúng dâng ngựa cho thần biển, thần sông để cầu mong đánh bắt được nhiều hải sản và gặp may mắn khi ra khơi...
          Trong các tôn giáo lớn luôn có con ngựa gắn liền với hình ảnh đức tối cao: Chúa Jesus khi du hành thường cưỡi ngựa màu trắng, tay phải cầm chiếc gậy quyền lực màu đen; thần Kalki trong Ấn Độ giáo biểu trưng cho tương lai trong hình ảnh một con ngựa; thánh Mohamet trong Hồi giáo lúc giáng trần cưỡi bạch mã; đức Thích Ca khi sự giác ngộ nhập niết bàn thì cưỡi ngựa trắng và cuối cùng đã hoá thân vào con ngựa của ngài.
          Trong phong thủy, con ngựa là con vật biểu tượng cho sự trung thành, kiên nhẫn, bền bỉ, lâu dài, mang lại sự may mắn, tài lộc, phát đạt trong kinh doanh. Vì thế hình ảnh những chú ngựa đang trong tư thế chạy luôn là biểu tượng được ưa chuộng, tin dùng - đặc biệt là đối với những nhà kinh doanh.
          Trong hội họa, ngựa là đối tượng gợi cảm hứng thẩm mỹ cho sự sáng tạo vì ngựa thanh nhã, gọn, khỏe và linh động từ kiểu đi, dáng đứng cho đến vẻ đẹp độc đáo của cái bờm, cái đuôi... Nói đến tranh ngựa là nói đến họa sĩ Từ Bi Hồng (Trung Quốc) đã vẽ hàng trăm bức tranh ngựa độc đáo bằng bút lông...
          Trong văn học dân gian, nhiều câu tục ngữ, ca dao, thành ngữ, chuyện tích có sử dụng hình ảnh ngựa như một ẩn dụ nghệ thuật để nói về con người và cuộc sống.
          Vì nói đến ngựa là nói đến trận mạc nên ngựa chiến đã đi vào thành ngữ, tục ngữ khá phổ biến. Để diễn tả việc chuẩn bị lực lượng, rèn luyện quân đội có câu "Chiêu binh luyện mã"; nói về thế trận đối đầu không cân sức, không có sự trợ giúp có câu "Đơn thương độc mã"; nói về lực lượng hùng hậu thì "Thiên binh vạn mã"; nói về những chiến binh hy sinh ngoài chiến trận có hình ảnh "Da ngựa bọc thây"... Chinh Phụ Ngâm có câu: "Chí làm trai dặm nghìn da ngựa / Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao".
          Hình ảnh ngựa được dân gian sử dụng mang nhiều hàm nghĩa khác nhau.
          Ngựa biểu trưng cho ý tốt mang tính nhân văn sâu sắc: "Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ" nói về tình đoàn kết, chia sẻ giữa những người trong cùng một cộng đồng; "Thẳng ruột ngựa" nói về tính thẳng thắn của con người; "Đường dài hay sức ngựa" ý nói có thể thấy được những phẩm chất của người nào đó qua một thời gian dài tiếp xúc thường xuyên; "Lên xe, xuống ngựa" nói về cuộc sống xa hoa, phú quý, "Nhứt ngôn ký xuất tứ mã nan truy" với ý nhắc nhở phải có trách nhiệm với lời nói của mình vì khi lời đã nói ra rất khó có thể lấy lại được...
          Ngựa được dùng với hàm ý phê phán: "Ngựa hay có tật" muốn nói những người có tài thường có những tật xấu (lắm tài nhiều tật);  "Ngựa non háu đá" chỉ những người trẻ tuổi thường có tính cách hung hăng, bốc đồng, thiếu chín chắn; "Ngựa quen đường cũ" muốn nói người ta không dễ dàng bỏ được một thói quen xấu (chứng nào tật ấy); "Ngưu tầm ngưu mà tầm mã"  chỉ những kẻ xấu thường tập hợp lại, tìm đến nhau; "Đầu trâu mặt ngựa"  ám chỉ những kẻ hung hãn bất lương; "Được đầu voi đòi đầu ngựa" phê phán những kẻ tham lam quá mức (được voi đòi tiên); "Ngựa bất kham" nói về những người ngang bướng không ai trị nổi; "Lông bông như ngựa chạy đường quai" chỉ những người làm việc không có mục đích; chỉ sự ghen đua lố bịch thì có câu “Ngựa lồng, cóc cũng lồng” ...
          Ngựa được dùng để so sánh với những trạng thái, hoàn cảnh nào đó: "Có chồng như ngựa có cương" - gái có chồng thì không còn tự do nữa, "Thân trâu ngựa" - chỉ cuộc sống khổ cực của kẻ nô lệ,  "Tâm viên ý mã" - tâm ý con người luôn bất định như vượn nhảy, ngựa chạy, “Hàm chó vó ngựa” để chỉ những vị trí nguy hiểm cần đề phòng khi "Mó dái ngựa”, thành ngữ "Ngựa chạy tên bay" chỉ thời gian trôi nhanh “như bóng câu qua cửa sổ"...
          Nước ngoài cũng có nhiều câu ngạn ngữ dùng hình ảnh ngựa: “Ngựa bốn vó vẫn cứ bị vấp ngã” (tục ngữ Nga) để chỉ rằng ở đời không có sự việc nào, con người nào là hoàn chỉnh tuyệt đối; “Biết ngựa qua bước đi, biết người qua giao thiệp” (tục ngữ Nhật) qua các kiểu đi của ngựa như “nước kiệu” (đi chậm), “nước trung” (đi vừa), “nước đại” (phi nhanh) sẽ bộc lộ vẻ đẹp hoặc sức mạnh của con ngựa...
          Cơ sở để hình thành ý nghĩa từ ngựa rõ ràng là có liên quan mật thiết đến một số đặc điểm, đặc tính của loài vật này qua đó có thể nói dân gian rất tài tình khi dùng con ngựa để phản ánh chân thực và sinh động cuộc sống, tính cách của con người. Từ con vật rất gần gũi này, người xưa đã đem lại cho chúng ta những nhận thức vừa cụ thể vừa khái quát sâu sắc.
          Điều thú vị là ca dao dân ca lại sử dụng hình ảnh ngựa để bộc lộ tình cảm cảm xúc. “Bây giờ kẻ Bắc người Nam/ Ngựa Hồ chim Việt biết làm sao đây” là một lời than thở trong sự xa cách; “Em có chồng như ngựa có cương / Ngựa em em đứng, đường trường anh đi” là lời tâm tình chân thật của cô gái đã yên bề gia thất; dù khi bị phụ tình, người con gái vẫn dõng dạc khẳng định: “Sông sâu ngựa lội ngập kiều / Dẫu anh có phụ còn nhiều người thương"; khi tình yêu đôi lứa không cân xứng thì người bình dân lại so sánh: “Tiếc thay con ngựa cao bành/ Để cho chú ấy tập tành sao nên?”; khi tình yêu chung thuỷ thì dù: “Đường dài ngựa chạy biệt tăm / Người thương có nghĩa trăm năm cũng chờ” để chờ đợi giây phút: "Ngựa ô anh thắng kiệu vàng / anh tra khớp bạc đưa nàng về dinh" mở ra một viễn cảnh hạnh phúc: “Năm con ngựa bạch ngang sông / Năm gian nhà ngói, đèn trong đèn ngoài"...
          Nhiều câu chuyện dân gian đã đóng đinh cùng hình ảnh con ngựa.         
Tiêu biểu nhất là truyền thuyết Thánh Gióng với hình ảnh Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt phun lửa xông trận phá tan giặc Ân rồi bay về trời. Hi vọng năm Ngọ lại tiếp tục mang đến cho đất nước Việt Nam một sức mạnh mới, sức mạnh của Phù Đổng Thiên Vương vượt qua bất cứ một trở lực nào để giành lấy chiến thắng.
          Chuyện "Tái Ông mất ngựa" lưu lại đến ngày nay trở thành một điển tích quen thuộc nói về một vấn đề triết lý đã được đúc kết sâu sắc từ sự trải nghiệm đời sống của người xưa: phúc họa, may rủi là những điều khó đoán định, khó lường trước được.
          Thần thoại Hy Lạp có chuyện "Ngựa gỗ thành Trois": Odyssey đánh thành Trois 10 năm không được nên đã lập mưu làm một con ngựa gỗ khổng lồ rồi cho quân tinh nhuệ vào trong ẩn náu, quân đội thành Trois vì không ngờ nên kéo ngựa gỗ vào thành mà tưởng là "chiến lợi phẩm" rồi tổ chức ăn mừng chiến thắng mà chẳng dè tự họ đã rước quân địch vào thành mà không hay. Cuối cùng thành Trois thất thủ, từ đó "ngựa gỗ thành Trois" trở thành một điển tích cho sự cảnh giác.
          Trong văn thơ Việt Nam, nhiều tác phẩm có chi tiết sử dụng hình ảnh con ngựa. Ở Truyện Kiều - Nguyễn Du - con ngựa luôn gắn với cảnh và người. Cảnh chị em Kiều du xuân thì "Ngựa xe như nước, áo quần như nêm"; vẻ đẹp của trang tài tử văn nhân Kim Trọng xuất hiện cùng âm thanh nhạc ngựa "Dùng dằng nửa ở nửa về / Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần" và hình ảnh : "Tuyết in sắc ngựa câu dòn / Cỏ pha mùi áo nhuộm non da trời"; để rồi khi chia tay : "Bóng tà như giục cơn buồn / Khách đà lên ngựa người còn ghé theo". Cảnh Thúc Sinh chia tay  Kiều : "Người lên ngựa, kẻ chia bào / Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san". Từ Hải là một người anh hùng chọc trời khuấy nước tất nhiên phải: "Trông trời, trời bể mênh mang / Thanh gươm, yên ngựa, lên đàng thẳng dong" rồi khi rước Kiều về phủ lại rất long trọng với: "Kéo cờ lũy, phát súng thành /  Từ công ra ngựa thân nghênh cửa ngoài"...
          Từ con ngựa trong tự nhiên đến con ngựa trong đời sống của người là một sự phát triển "ngựa - người" nhưng cũng có khi là "người - ngựa".
          Từ ngựa mà ngẫm đến người. Vậy nên mùa xuân đến, không gì bằng "xuống ngụa" trên bến người để cạn với nhau một li ngày cuối năm mà ngẫm nghĩ, mà tản mạn về chuyện ngựa chuyện người : "Người xuống ngựa khách dừng chèo/ Chén quỳnh mong cạn nhớ chiều trúc ti" (Bạch Cư Dị trong bài "Tì Bà Hành Khúc").
                                                                          (Ngày cuối năm 2013)
           ----------------------------------------------
           Đọc thêm bài liên quan: CHUYỆN LOÀI NGỰA

1 nhận xét:

hạt điều mật ong nói...

hóng bài tản mạn về dê hehe