10/5/14

459. LỄ CHÙA CÙNG MẸ

           Nguyễn Thị Diệu Lan 


       MN: Chúc Phương - Diệu Lan gởi cho mình bài này đã lâu, những dòng miên man kỉ niệm về người mẹ thật xúc động lắng sâu; định "để dành" vào dịp Vu Lan tháng bảy. Vừa rồi nghe tin bà cụ mất - tin muộn, lại bận bịu trong dòng chảy đời thường nên chưa đến viếng cụ được, sơ xót mong bạn bè miễn chấp. Nhân ngày Đản Sinh, MN đăng bài thay cho lời cảm ơn Chúc Phương đã chia sẻ tâm tình để mỗi người gợi nhớ hình ảnh người mẹ của mình trong niềm yêu kính tâm linh. 
          Chúc cụ bà an lạc siêu thoát nơi cõi Phật.
***
Tôi lớn lên từ một xóm nhỏ ven rừng. Thuở lên năm, bố thường chở hai chị em đến chùa lễ phật. Ngồi sau sau lưng, tôi vòng tay ôm bố và mắt quan sát cảnh vật trên đường. Con đường cát mịn quanh co giữa khu nghĩa trang, có những hàng dương liễu đong đưa trong nắng,những  ngôi mộ nằm san sát bên đám cỏ lông chông có hình như mặt trời nhỏ.

Chùa nằm lọt thỏm trong vòm cây um tùm, trên cổng tam quan có ghi dòng chữ “Tổ đình Chúc Thánh” bố bảo: - Ngày xưa bà nội tu ở chùa, nên bố thường đến làm công quả-. Vật đầu tiên đập vào mắt tôi là cây xoài to ngự trước sân chùa, than lớn đến nỗi ba vòng tay người ôm không xuể, cành lá sum xuê rợp mát nhưng chẳng mùa ra hoa.
Tôi hỏi bố: - Cây xoài to thế sao không có trái ?
Bố kể tôi nghe rằng cây xoài này là một loại xoài cơm, trái nhỏ, trước đó quả ra trĩu cây nhưng những năm sau mất sức không đậu trái. Vào một mùa hè quả ra đầy cây, những đứa trẻ leo lên hái xoài vào trưa đứng bóng. Trù trì lúc ấy là một hòa thượng cao tuổi nguyên ở Campuchia có pháp thuật. Xoài có nhiều cành mục dễ gãy, sợ những đứa trẻ rơi xuống từ trên cao rơi xuống nguy hiểm, thầy bảo trèo xuống , lũ trẻ ngỗ nghịch không nghe lời con thách thức : - Không  xuống ông làm gì nào?. Hòa thượng nói : -“ chờ tao chút xíu”. Thầy vào trong lấy ba cây hương khoán. Một đứa trẻ từ trên cao rơi xuống, không hề hấn gì. Từ đó lũ con nít không còn bén mảng đến leo trèo nữa và cây xoài không ra quả.
Nghe bố kể tôi phục lăn vị hòa thượng. Và trong trí óc trẻ thơ tôi, hòa thượng là những người tài giỏi phi thường. Vào gian nhà đông, có treo hình con cá bằng gỗ mun đen bóng. Tôi cứ nhìn mê mãi và thắc mắc: –“ con cá gì mà to thế hả bố?” bố lại giả thích cho tôi nghe về chuyện “cá chép hóa rông” và bảo:- con cá treo trên là một pháp khí, vật dụng để ra hiệu lệnh trong chùa giống như tiếng kẻng ,tiếng trống báo giờ ấy. Người xưa quan niệm cá là một loài vật không ngủ nên lấy nó làm biểu tượng cho sự tỉnh thức, để tăng ni trong chùa theo hiệu lệnh mà công phu.
Lớn lên một tí, tôi có thể chạy bộ theo lũ trẻ trong xóm đến chùa để tìm hái những chùm cơm nguội, hạt còn non có màu xanh cắn vào bùi bùi dẻo dẻo, màu trắng như cơm nguội. Trong lùm cây um tùm của vườn chùa, chúng tôi tha hồ leo trèo bắt tổ chim và hái nhãn. Mùa nhãn rừng chín, lũ chim kéo về làm tổ hót véo von. Những chùm  nhãn “cứt dê” trái chin đen lánh, ăn vào tím rịm cả răng. Chơi thỏa thích, cả bọn kéo ra đồi cát nghĩa trang bứt những bông cỏ lông chông, chạy theo hướng gió rồi thả. Những bông cỏ hình mặt trời lăn lăn trong gió, chạy đuổi theo trong tiếng reo hò cho tới lúc đến nhà.
Bố mất.  Người ra đi mang theo cả mùa xuân. Cuộc sống êm ấm gia đình gần như chao đảo. Mộ bố táng trong  vườn chùa. Tôi theo mẹ thắp nhang bố vào mỗi chiều và ghé vô chùa hái hoa ngọc lan. Cây ngọc lan mọc bên giếng nước trong veo. Mùa hè nở hoa trắng mút, những búp hoa xinh như ngón tay em bé. Bắt chước quí bà, tôi cũng ngắt hoa dắt đầy trên tóc, tóc tôi ủ nồng hương hoa. Tôi yêu hoa ngọc lan từ đó và mãi đến tận giờ. Trong cặp tắp, giỏ đi làm và trên bàn làm việc của tôi thoang thoảng hương ngọc lan. Chẳng hiểu vì tên gọi gắn liền với loài hoa hay hương thơm dịu nhẹ, màu trắng nõn nà của hoa mê đắm. Tôi luôn tự nhủ: - mình mãi là đóa ngọc lan tinh khiết
Sau này, bố của các con trong lần sinh nhật, tặng tôi một chậu ngọc lan đặt trước hiên nhà, anh bảo:
     “Biết ta ngọn gió kiêu kỳ
Ngọc lan hoa nở biết vì ta thơm”
Tôi vui lắm và thầm cảm ơn anh, người hiểu, yêu thương và trân trọng  vợ.
Tôi đến chùa lặng lẻ không như những phật tử sùng đạo. Các ngày lễ lớn, quỳ giữa chánh điện, lắng hồn trong mùi hương trầm, hương hoa huệ… Nhìn vẻ mặt thanh thoát, từ bi của đức phật tâm hồn tôi dịu nhẹ, cảm thấy lòng thật bình yên. Mẹ tôi vẫn thường bảo: - Con sinh 19-6, ngày vía đức Bồ Tát Quan Âm, có căn duyên với phật, con cầu nguyện để ơn trên tam bảo độ trì. Nhớ lời mẹ, tôi vẫn niệm phật và tụng chú hằng đêm. Có lẻ nhờ đức tin mãnh liệt và thành tâm mà cuộc sống của tôi vượt qua bao khốn khó, được bình an và êm ấm như bây giờ. Tôi tin vào thuyết luân hồi và luật nhân quả trong giáo lí đạo phật nên dạy dỗ con cái biết hướng thiện, từ tâm và giữ tâm hồn trong sạch.
            Lúc nhỏ, nhờ theo bố  mẹ đi chùa mà tôi được thụ giáo những điều phật dạy. Giờ tôi thường dẫn các con lễ chùa vào dịp rằm hoặc tết. Chùa Chúc Thánh, nơi mà tuổi thơ tôi in đầy kĩ niệm, là nơi gợi nhớ về bố người nhân từ, quảng đại. Hòa thường già rất thương tôi. Thầy cứ bảo: - con giống cha y hệt. Ngày xưa bố thường viết sớ cầu an, cầu siêu vào mùa báo hiếu. Sau này tôi lại thay bố làm thư kí cho thầy. Những năm 90 hòa thượng thường gửi thư qua Úc thăm các thầy ở Việt Nam định cư bên đó. Một lần chép thư giúp thầy, tôi có nhận được một lá thư và tấm hình của hòa thượng từ bên Úc gởi về. Lời lẻ trong thư thật gần gủi, tôi cảm kích vô cùng. Trong thư thầy bảo là thích được nghe, những làn điệu của quê nhà. Tôi viết thư hồi âm và chép mấy bài thơ. Lúc ấy vì non nớt cứ nghĩ là thơ viết về chùa về đạo, trong những bài thơ tôi gửi có một lời bài hát của người bạn “sư chèo thuyền đi đâu, sư chèo thuyền đi đâu. Ta chèo ra biển lớn. Đâu không là biển lớn. Đâu không là biển lớn. Sao khó nhọc công chèo…” và chẳng bao giờ tôi nhận được thư của thầy nữa. Bây giờ tôi vẫn còn giữ kỉlá thư và tấm ảnh của thầy chụp dưới táng bồ đề. Đẹp như một Đạt Ma đắc đạo.
Đi chùa ngày còn bé tí đến năm 50 tuổi tôi mới qui y phật. Hòa thượng  tìm cho tôi một pháp danh thật như ý  “Chúc Phương” Tôi mừng nói với các con: - thầy chúc mẹ phát triển trên đường văn chương. Ngày qui y, tôi được mặc áo tràng,ngồi nghe thầy giảng pháp . đôi mắt tinh anh dưới hàng  lông mày đậm nét trông thầy như một phương trượng trong Thiếu Lâm Tự uy nghiêm và đức độ. Tôi tự hào là đệ tử của thầy một vị chân tu hết lòng vì đạo . Qua thầy,tôi hiểu rõ về nguồn gốc của chùa.  Chùa Chúc Thánh là một ngôi chùa cổ nhất ở Hội An.Vị tổ sư Minh Hải người Phước kiến sang làm lễ truyền giới ở Huế . Sau khi truyền giới thầy vào Hôi An để thăm bạn, viếng cảnh và đợi thuyền trở về Trung Quốc. Năm ấy, do bão lớn thuyền không thể ra khơi, ngài ở lại hơi lâu ,những người Hoa ở Hội An thỉnh ngài ở lại và cộng đồng người Hoa đã xây dựng chùa vào năm 1697. Ban đầu chùa chỉ là một cái am nhỏ . Từ đó, qua các đời trụ tri đã được trùng tu và đẹp như ngày hôm nay. Du khách thập phương thường ghé chuà viếng cảnh  và sư thầy từ các nơi về tu tập trong mùa an cư.
Vu Lan này, tôi lại chở mẹ đi chùa . Tôi bảo mẹ : “ -ngồi sau lưng con , mẹ phải ôm eo thật kỷ  kẻo không bị ngã đấy !” Mẹ cười: –Mày làm như mẹ là trẻ con không bằng – Tôi đáp: -mẹ còn hơn trẻ con nữa , cứ dỗi hoài .
Nhìn dáng thất thểu,run run của mẹ quì bên điện phật,mái tóc bồng bềnh mây trắng nhấp nhô theo mỗi lần cúi lạy,tôi thấy thương mẹ vô cùng . Mới đó mà mẹ đã già nhiều và thêm lẩm cẩm . Lắng trong tiếng kinh cầu của ngày báo hiếu , tôi nghe buồn rười rượi. Rằm vu Lan .Tôi vẫn được cài bông hồng trên áo cơ mà . Sao thấy chạnh lòng, lại liên tưởng xa xôi . Tôi cầu nguyện Đức Phật từ bi cho tôi mãi còn bông hồng trên áo .
                                                              

                                                            Nguyễn Thị Diệu Lan

Không có nhận xét nào: