29/5/14

462. BIỂN TRONG TÂM THỨC NGƯỜI VIỆT

            Lê Đức Thịnh
                         Kính tặng Biển Đông 
                             – những ngày bị dàn khoan HD981 của TQ "hút máu biển".

Trong truyền thuyết "Con Rồng cháu Tiên" có chi tiết Lạc Long Quân khi chia tay với bà Âu Cơ đã mang 50 con theo mình về biển để sinh cơ lập nghiệp tạo ra con đàn cháu đống về sau. Còn theo truyền thuyết của người Chăm thì nữ thần Ponagar sinh ra ở tận biển khơi,  bà có phép lạ hóa ra cung điện nguy nga, trầm kỳ, gỗ quý, lúa bắp, chế ngự thiên nhiên hung dữ, mang lại cuộc sống no đủ bình yên cho dân chúng. Hai truyền thuyết trên đã nói lên rằng biển là một trong nhiều yếu tố tự nhiên đi vào đời sống của người Việt từ xa xưa tạo nên những trầm tích văn hóa qua đó minh chứng ý thức chiếm lĩnh và tri ân biển khơi của người Việt từ thuở sơ khai.
Do đặc điểm địa lí tự nhiên nên nước ta có địa hình“đầu gối sơn, chân đạp thủy". Đường bờ biển chạy dài tới hơn 3000 km suốt hai đầu đất nước qua gần 30 tỉnh thành nên tư duy về biển đã ăn sâu vào đời sống vật chất sinh hoạt văn hóa của người dân là điều tất yếu.
Chính vì sống gắn bó với biển từ xa xưa nên người Việt Nam rất có ý thức về biển như một không gian sinh tồn, không gian văn hóa lịch sử của dân tộc có quan hệ mật thiết đến đời sống vật chất của con người.

1. "Biển bạc"
Với người Việt, biển là môi trường lao động, môi trường sống, nơi cung cấp các sản vật cần thiết cho cuộc sống nên biển hằn sâu vào tâm thức của con người.
Từ xưa, người Việt đã thấy được giá trị của "rừng vàng biển bạc" – nơi không chỉ có "chim, thu, nhụ, đé" mà còn tích tụ nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên. Huy Cận viết trong bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá": "Biển cho ta cá như lòng mẹ/ Nuôi lớn đời ta tự thưở nào" chính là xuất phát từ tư duy ấy.
Dù kinh tế, kĩ thuật nước ta còn lạc hậu, cả một thời gian dài dân ta đành chấp nhận kiểu khai thác "ven bờ" nhỏ lẻ "Chồng chài vợ lưới con câu/ thằng rể đi tát, con dâu đi mò" nhưng khát vọng đi "xa bờ" để khám phá và chinh phục biển khơi vẫn luôn là điều thôi thúc.
Từ hoạt động khai thác và chinh phục biển bạc mà nhân dân ta đã rút ra nhiều kinh nghiệm trong sản xuất: "tôm đi chạng vạng, cá đi rạng đông" (thời gian đánh bắt tôm, cá hiệu quả nhất) hoặc "nồm nam, bấc chướng, sóng lượn ba đào/ anh đi câu biết chừng nào anh vô" (kinh nghiệm thời tiết khi ra khơi)...
Nhưng không phải lúc nào biển hào phóng ban phát cho tất thảy như một ông tiên trong truyện cổ tích, mà con người phải vật lộn với nó để kiếm sống. Nghề biển là một nghề gian nan, khó nhọc; kiếm miếng ăn từ biển cũng không dễ dàng bởi đòi hỏi ở con người tinh thần lao động bền bỉ, liên tục mà lại ẩn chứa nhiều rủi ro: "Khó như nghề ruộng em theo/ Giàu như nghề biển hết chèo hết ăn".
Hiểu được nỗi gian khổ của người ra khơi luôn đối mặt với sóng gió giữa biển cả mênh mông nên người ở nhà lúc nào cũng thắc thỏm, lo âu mong ngóng “Ngó hoài ra tận biển Đông/ Thấy mây thấy nước, sao không thấy chàng?”. Bởi vậy họ chỉ biết cầu trời khẩn phật mong những điều bình yên "Lạy Bà cho nổi gió nồm/ Chồng tôi còn ở ngoài khơi chưa về". Nhà thơ Tế Hanh viết trong bài thơ "Quê hương": "Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe/ những con cá tươi ngon thân bạc trắng" là cũng kế tục nếp nghĩ đó của dân gian.
Cho nên nhiều người cám cảnh đoạn trường khi về làm dâu xứ biển mà oán trách “Mẹ già ham miếng cá thu/ Gả con về biển mù mù tăm tăm” để rồi từ chuyện ở biển mà thấm thía chuyện đời "Một lần mà tởn đến già/ Hễ đi nước mặn thì hà ăn chân".

2. "Biển đời":
Từ hình ảnh của biển trong tự nhiên đến biển như là một biểu trưng văn hóa, nhân dân ta đã đưa vào tâm thức của mình những liên hệ, ẩn dụ,  nhận biết qua đó nêu lên những vấn đề khác như quan hệ tình cảm, gia đình, xã hội, nhận thức... 
Trai gái gặp nhau, yêu thương nhau trong tình cảm lứa đôi gắn bó thì ví von: "Đôi ta như cặp cá bè/ Lênh đênh trên biển ai dè gặp nhau".
Lời thề bồi nguyện gắn kết mạnh mẽ, đinh ninh của đôi trai gái được ví với các sự vật luôn được biển vỗ về ôm ấp: "Bao giờ cho sóng bỏ gành/ Cù lao bỏ biển anh đành bỏ em".
Nói đến biển là nói đến sự rộng lớn khôn cùng nên dường như không gì có thể thay đổi đặc tính của biển. Một việc làm quá nhỏ bé chẳng thấm tháp vào đâu được gọi là "Như muối bỏ bể", một tác động nhỏ không ảnh hưởng gì đến bể được ví ngầm "Một con tép chết không thối biển” .
Biển không chỉ rộng lớn về không gian vật chất mà còn hàm ẩn cái rộng lớn của nghĩa tình: "Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng/ Con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày” hoặc "Công cha như núi ngất trời/ Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển Đông".
Do biểu trưng cho cái rộng lớn khôn cùng, nên hình ảnh biển trở thành sự thử thách phải vượt qua: nói về sự khó khăn của công việc thì ví von là "dời non lấp bể"... Nhưng người dân lại nhắc nhở “Biển rộng mặc biển, thuyền chèo có ngăn”, từ đó mà con người động viên nhau vượt qua thử thách: “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo” hoặc nêu lên về những giá trị tinh thần của con người như sự thuận thảo, thủy chung: “Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”.
Sự rộng lớn mênh mông của biển cũng hình thành nên hàm nghĩa biển là nơi hội tụ “trăm sông đổ về biển” hoặc "anh em bốn biển là một nhà".
Những từ ngữ thuộc trường liên tưởng "biển" như sóng, gió... cũng mang hàm nghĩa về cái lớn lao, khó khăn, thử thách, mạnh mẽ: "lớn thuyền lớn sóng" diễn tả một thực tế là làm ăn càng lớn thì khó khăn càng lớn; "ăn sóng nói gió" chỉ những người có tính cách mạnh mẽ, lời nói bạo dạn...
Cũng nhờ sự tiếp xúc với biển, người Việt Nam đã hình thành những triết lý nhân sinh, nguyên tắc ứng xử giản dị mà có ý nghĩa sâu xa khi đề cập đến những vấn đề của cuộc sống: "Dã tràng xe cát biển Đông/ Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì", "Ra khơi mới biết nông sâu/ Ở trong lạch hói biết đâu mà dò"...
            Có thể thấy biển trong tâm thức của người Việt biểu hiện ở sự đúc kết những kinh nghiệm thực tiễn về thời tiết, nhận biết đặc điểm các giống loài  khai thác sản vật biển, nâng cao năng suất lao động. Đồng thời qua biển mà phản ánh hiện thực cuộc sống, tâm tư tình cảm, khát vọng, thái độ ứng xử của con người trước một lực lượng thiên nhiên hùng vĩ và vô cùng kỳ bí này.
Không ai có thể phủ nhận được rằng, có một nét văn hóa biển vẫn âm thầm chảy trong tâm thức của người Việt từ bao đời nay mà biểu hiện sinh động rõ ràng nhất là qua hình tượng, tâm lí và ngôn ngữ người Việt Nam đã tạo nên một tư duy biển của ông cha từ ngàn đời.
Vậy nếu một ngày nào đó, cái đường lưỡi bò phi lí của giặc Tàu liếm hết biển bạc của ta thì sao ?
Chúng ta không còn biển để vươn khơi xa!
Tâm thức về biển của người Việt từ bốn ngàn năm nay chả nhẽ chỉ còn là "lời ru buồn nghe mênh mang mênh mang" !
Hãy giữ lấy biển - hãy đòi lại biển khi còn có thể mà điều ấy phải bắt đầu từ những yếu tố nội sinh chứ không thể trông chờ vào lòng tốt của "bạn vàng" hay những điều "viễn vông" (*) khác.
--------------------------------------
(*) "Viễn vông": chữ dùng của ông Nguyễn Tấn Dũng

Không có nhận xét nào: