21/8/11

TỨ NHIẾP PHÁP và GIÁO DỤC

        Mộc Nhân Lê Đức Thịnh
    
          
            Trong Bộ Kinh Duy-ma-cật của Nhà Phật ( Quyển thượng - Phẩm thứ nhất ) có nói đến  TỨ NHIẾP PHÁP. Đó là bốn phương pháp mà Bồ Tát dùng để nhiếp phục chúng sanh về với Phật pháp:


1. Bố thí nhiếp : Dùng việc bố thí để nhiếp phục. Ðạo Phật là đạo từ bi, cứu khổ. Mà những nỗi khổ lớn của con người là gì? Ðó là sự thiếu thốn về vật chất, sự mê mờ về tinh thần, và lòng lo sợ về đủ mọi thứ
Vậy người có lòng từ bi, muốn cứu khổ thì trước tiên phải xả bỏ tánh ích kỷ, phải cho mọi người những gì mình có, phải cho những gì người khác mong muốn. Nghĩa là phải làm hạnh bố thí. Do sự bố thí ấy mà mình cảm phục được người chung quanh, mà người chung quanh mới gần gũi thân mến mình và mong cầu học đạo.
2. Ái ngữ nhiếp : Dùng lời hay, ý đẹp để nhiếp phục. Tùy theo căn tánh chúng sanh mà khôn khéo nói năng, an ủi, khuyên lơn, khiến cho họ sinh lòng thân mến, cảm phục, rồi từ đó họ mới theo ta mà học đạo.
3. Lợi hành nhiếp : Dùng hành động vị tha hoặc lấy ích lợi để nhiếp phục khiến cho người ta sinh lòng thân mến mà theo ta học đạo. Bất luận việc lớn nhỏ, miễn giúp ích được cho người là không bao giờ từ nan, không cần phải đợi có đủ phương tiện mới làm lợi ích cho người được.
4. Đồng sự nhiếp : cùng hoà nhập, chan hoà, chia sẻ, cộng tác với người, không phân biệt để một mặt hướng dẫn, giúp đỡ họ trong nghề nghiệp, một mặt nêu cao gương lành, làm cho họ cảm mến mà theo.
***
Học Phật là để sống chứ không phải để thoát li cuộc sống. 
Người làm công tác giáo dục cũng có thể vận dụng TỨ NHIẾP PHÁP trong
việc giáo dục học sinh :

1.     Bố thí nhiếp :
     Không nên hiểu bố thí là ban phát mà là chia sẻ mà không cần đáp trả.
Quan tâm chia sẻ với học sinh không chỉ là vật chất mà còn cả về tinh thần. Trao thưởng, khen tặng để tạo niềm động viên, khích lệ.
Bố thí không chỉ là trao mà ta còn nhận lại tình cảm và sự kính  trọng của các em.
Sự bố thí phải xuất phát từ tình yêu thương chứ không nên xuất phát từ những mưu cầu hay trục lợi …
2.     Ái ngữ nhiếp :
Dùng lời hay ý đẹp để khuyên răn, nhắc nhở học sinh kể cả khi các em vi phạm kỉ luật hoặc có lời nói, thái độ không đúng.
Trong giảng dạy lấy sự nhiệt tình, lôi cuốn, thuyết phục trong lời giảng để thu hút học sinh.
Trong sinh hoạt, lời của thầy giáo phải chuẩn mực cho học sinh noi theo.
Thầy giáo cũng phải biết lắng nghe học sinh, cho dù đôi khi những lời ấy là khó nghe, biết đâu đó là một phần của sự thật …
3.     Lợi hành nhiếp :
Luôn luôn vị tha, bao dung, độ lượng, lấy lợi ích của học sinh làm đầu.
Hành động, thái độ của người thầy cũng là một cách giáo dục hiệu quả.
Luôn luôn cho học sinh một hoặc nhiều cơ hội chứ không nên lấy quyền và vị thế của người thầy mà dồn ép, bắt bí các em.
Không nên nghĩ rằng các em đáng bị đối xử như thế !
4.     Đồng sự nhiếp :
Hoà nhập và chia sẻ trong ứng xử, dạy học và quản lí.
Hãy đặt mình vào vị trí các em hoặc cha mẹ các em để suy nghĩ, hành động và ứng xử hợp tình, hợp lí.
Không phân biệt đối xử dù đó là con em nhà lao động hay con nhà thương gia, quan chức.
Không định kiến dù các em là học sinh cá biệt hay học sinh ngoan hiền.
Không vì cái tôi của người thầy giáo mà hạ thấp cái tôi của học sinh và cha mẹ các em dẫn đến những xúc phạm tổn thương đáng tiếc.
Chế ngự cái tôi cũng là một cách để cái tôi trở nên vĩ đại hơn.

***
Phật nhiếp phục để giác ngộ con người.
Thầy giáo nhiếp phục để giáo dục học sinh.
TỨ NHIẾP PHÁP vận dụng trong giáo dục thể hiện được tính nhân văn cao cả của người thầy qua lời nói, hành động lại nâng tầm của người dạy, thể hiện được tài năng và tâm huyết của thầy giáo với công tác giáo dục.
                    

1 nhận xét:

Phạm Đạt Nhân nói...

".. Học Phật là để sống chứ không phải để thoát ly cuộc sống.. " Đó là một suy nghĩ đúng đắn . Một trong các cách vận dụng giáo pháp vào cuộc sống thế tục có cuộc vận động " trường học thân thiện học sinh tích cực " . Trong tứ nhiếp pháp , bố thí pháp đứng hàng đầu . Trong bố thí pháp thì pháp thí và vô uý thí được xem là quan trọng nhất .Một vị giáo thọ ( thầy giáo ) đòi hỏi không những có đủ trí tuệ mà còn phải kiên định , an lạc và hạnh phúc ( tự điều tâm điều nhiếp trước khi nhiếp phục học trò ) .
Thiết nghĩ những giáo dục gia , những nhà cải cách giáo dục cần phải suy ngẩm bài viết này của Mộc Nhân để định hướng cải cách giáo dục làm sao để đào tạo con người cho ra con người , trước khi đào tạo chuyên viên . Thầy không có hạnh phúc trong Dạy trò không có hạnh phúc trong Học thì học đường là nhà giam chứ không phải nhà học .
Duy Ma Cật là một Bồ Tát cư sĩ tại gia nên tư tưởng của Ngài rất sát với thực tế cuộc sống.
Những suy nghĩ so sánh của Mộc Nhân thật là khế hợp !