Cách đây chừng vài chục năm (cuối thế
kỉ hai mươi), có những cuốn sách mà kẻ bình dân chỉ cần nghe đến tên đã… kinh,
lại như vịt nghe sấm, cả đời chưa chắc đã mơ được nhìn thấy, đừng nói đến việc
biết nó mô tê ra làm sao, bởi những sách ấy như chỉ có ở đâu đó trên… trời. Nó
tồn tại giữa cõi đời này hình như chỉ để dành riêng cho những đại học giả, đại tác
gia, những nhà đại nghiên cứu… dùng đến mà thôi. Nó là sở hữu độc quyền của
những đại thư viện, đại bảo tàng, đại… gì gì đó giữa… không trung. Đó là những
cái gì mà: “Tứ thư?, ngũ kinh?”, là : “Sử kí?, Toàn thư?, Cương mục?”, là
“…Liệt quốc?, Xuân thu…?”, là “Bách gia chư Tử?”… vân vân và… vân vân.
Kẻ viết những dòng này còn nhớ như in
hồi nhỏ, ông nội cầm tay dạy viết chữ Nho. Dạy đến chữ “ngôn” (nói), ông giảng:
đầu tiên là một nét chấm cong cong, tựa như cái lưỡi giương lên chuẩn bị uốn.
Tiếp theo là ba nét ngang, đó là chữ tam, nghĩa là phải uốn lưỡi đủ ba lần.
Dưới cùng mới là chữ khẩu (miệng), ngụ ý bấy giờ hẵng mở miệng ra. Ghê thật,
chỉ có một chữ “ngôn” là nói, mà trên mặt chữ đã dạy người ta phải “uốn lưỡi”
ba lần trước khi mở miệng. “Ngôn” mà lúc nào cũng cẩn thận, chu đáo thế, mới
mong tránh được loạn ngôn (nói lung tung), tục ngôn (nói bậy bạ), xảo ngôn (nói
láo), cẩu ngôn (nói đểu)… Vậy thì cái thứ chữ Nho gọi là tượng hình kia, xem ra
không phải chỉ có “tượng hình” mà thôi đâu.
Thế ra các cụ ngày xưa học chữ đến
đâu thì cũng đồng thời học làm người đến đó. Ông tôi bảo rằng những sách hiếm
trên kia chính là những bộ giáo khoa của hàng nghìn năm khoa cử, đã đào tạo ra
những trạng nguyên, tiến sĩ, cử nhân… nức tiếng một thời. Có người đạt tới
trình độ kinh bang tế thế, đem sở học cứu nước, giúp đời. Có người thấu suốt cả
vũ trụ, nhân tình, xem cỗ máy huyền vi, bí hiểm của Tạo hoá như trong lòng bàn
tay, để lại những lời “sấm” mà hàng trăm đời sau mới nghiệm ra được… Tất cả đều
học trong những sách ấy, đời nào cũng đọc những chữ ấy mà thôi, thế mà học
chẳng bao giờ hết, đọc chẳng bao giờ cùng. Thế những sách ấy dạy cái gì mà ghê
gớm vậy? Ông tôi bảo: dạy làm người. Tất cả chỉ nhằm dạy làm người thôi, còn
sau đó có làm quan, làm thầy, làm dân… gì thì tuỳ theo thời thế. Trước tiên
hẵng cứ biết làm người, thì sau đó làm cái gì cũng có kết quả tốt đẹp…
Tuổi thơ nghe rồi để đấy. Đến lúc
trưởng thành, thi thoảng lại lởn vởn những thắc mắc về bài học ngày xưa. Đã
sinh ra kiếp người rồi mà vẫn còn phải học… làm người nữa, thì các cụ ngày xưa
liệu có rắc rối, liệu có phức tạp hoá vấn đề? Thánh nhân hình như cũng biết
điều đó, bèn “đùa” một câu rằng: “người đọc sách, nếu có thừa thì giờ, thừa sức
khỏe thì nên làm quan, người làm quan, nếu có thừa thì giờ, thừa sức khỏe thì
nên… đọc sách”. Nói thế chẳng hoá ra người đọc sách thường không mấy khi làm
quan, còn người làm quan lại không mấy khi đọc sách hay sao? Ấy là cũng “diễn”
đùa ra thế thôi. Chứ ý của Thánh nhân muốn khuyên người ta hãy đọc sách trước
khi làm quan, và khi làm quan rồi thì vẫn nên đọc sách. Đọc sách để làm người,
làm người trước khi làm quan, làm quan rồi vẫn tiếp tục học làm người… Tuỳ theo
mỗi người, mỗi trình độ, lại có những thứ bậc cao thấp khác nhau về cùng cái
việc làm người ấy. Khổng Tử ngày xưa dạy chữ “nhân” (người). Học trò của Ngài suốt
đời học chữ “nhân”, làm theo chữ “nhân”. Có người đạt tới trình độ có thể làm
tướng soái (như Tử Lộ), có người tài có thể trông coi một ấp cả ngàn nhà (như
Nhiễm Cầu), có người có thể thắt đai, đội mũ, ngang dọc giữa triều đình (như
Công Tây Xích)… Thế mà hỏi những người ấy đã “nhân” chưa, Ngài đều bảo: “không
lấy gì làm chắc”. Vì thế mới có chuyện một vị túc nho cả đời đọc sách, làm thơ,
đức độ uyên thâm từng khiến thiên hạ phải bái phục. Tưởng “làm người” mà đến
thế thì thôi. Vậy mà gặp khi mẹ mất, phải về cư tang ba năm bên mộ cho tròn đạo
hiếu, bấy giờ mới nhận ra rằng cả đời mình, chỉ có ba năm ấy là gần với cái đạo
làm người nhất mà thôi. Xem thế thì biết chẳng những cái sự đọc sách là không
bao giờ hết, mà cái việc làm người kia cũng chẳng bao giờ cùng.
Vậy những sách giáo khoa thời hiện
đại dạy cái gì? Dạy nhiều thứ lắm. Cũng phải thông cảm với các nhà giáo dục
thời nay. Kiến thức càng ngày càng như trời, như biển. Bao nhiêu môn phải dạy,
môn nào sách cũng chất cao như núi, mà quỹ thời gian của kiếp học trò thì có
hạn. Thế là theo nghề nào thì cao mấy cũng chỉ chuyên về nghề đó mà thôi, còn những
lĩnh vực khác đành lơ mơ, thậm chí có khi mù tịt. Đó gọi là chuyên môn hẹp,
càng cao càng hẹp. Dạy làm người tất nhiên cũng có. Nhưng chỉ chiếm một tỉ lệ
rất “khiêm tốn”, còn thì phải tập trung quỹ thời gian sư phạm cho việc dạy cộng
trừ nhân chia… cho thành thạo, dạy nghề nghiệp, dạy chuyên môn, rồi ngoại ngữ,
vi tính… cho cao vút, đặng lúc ra đời biết cách mà làm ăn, mà (có khi) làm
“quan”, mà làm tiền, làm kinh tế… Cái sự “làm người” sau này, nếu quả có quan
trọng, thì trăm sự trông cậy vào hoàn cảnh, vào gia đình, bè bạn…, vào chính
cái con “người” ấy nếu cần thì tự tìm lấy “giáo khoa” mà đọc, mà nghiền ngẫm
gặp chăng hay chớ, được đến đâu hay đến đó… Cho nên đừng ai lấy làm ngạc nhiên
khi thấy một kĩ sư, thậm chí một tiến sĩ không hiểu nổi một câu ca dao…
Còn nhớ sách giáo khoa vỡ lòng ngày
trước (không biết bây giờ còn không) có một câu đố rất hay: “cái gì cao lớn
lênh khênh/đứng mà không tựa ngã kềnh ngay ra”. Thầy giáo giảng đó là cái
thang. Và hình như cũng chỉ giảng thế mà thôi. Sau này lớn lên, cuộc sống gặp
trăm bề ngang dọc, câu đố đó được hiểu ra rằng ở đời, nếu không “tựa” vào một cái
gì đó, ví dụ ô dù, thế lực, bè cánh nọ kia… thì dù có leo được lên cao, cũng
khó mà đứng vững. Có biết đâu rằng câu đố ấy của dân gian, vốn ngụ ý cái điểm
“tựa” kia hoàn toàn khác. Đó chính là kiến thức “làm người” mà nếu có để tựa
vào đó, con người ta sống ở đời, sẽ chẳng lo bị nghiêng ngả đi đâu. Lúc “vỡ
lòng” ấy, nếu được thầy giáo giảng cho như thế thì sau này, hẳn sẽ còn hay thêm
ra biết bao nhiêu.
Kí ức trên cũng hao hao chuyện cụ
Nguyễn Trãi ngày xưa dạy vua Lê Thái
Tôn. Cụ dạy có đúng một chữ: “chỉ”, không thêm nửa chữ thứ hai. Nghĩa của chữ “chỉ” (chữ Hán) đó được cụ giảng đại ý: “chỉ” nghĩa là yên ổn với cái gốc, cái điểm tựa, hay cái chỗ của mình. Lúc nào cũng phải như thế, nếu có phải rời xa, thì cũng chỉ là tạm thời, không thể rời mãi mãi. Ví dụ chỗ của vua là ở trong cung, nếu có phải đi ra ngoài, thì cũng chỉ là tạm thời, rồi cũng phải quay về trong cung. Gốc của vua là ở nhân nghĩa. Nếu có phải trấn áp ra oai, sử dụng hình phạt… thì cũng chỉ là để răn đe… rồi cũng phải trở lại ngay cái gốc nhân nghĩa ấy… Rời xa cái gốc, cái điểm “tựa” của mình thì đừng nói thứ dân, đến bậc làm vua cũng dễ “ngã kềnh” y như cái thang thuở “vỡ lòng” kia vậy.
Tôn. Cụ dạy có đúng một chữ: “chỉ”, không thêm nửa chữ thứ hai. Nghĩa của chữ “chỉ” (chữ Hán) đó được cụ giảng đại ý: “chỉ” nghĩa là yên ổn với cái gốc, cái điểm tựa, hay cái chỗ của mình. Lúc nào cũng phải như thế, nếu có phải rời xa, thì cũng chỉ là tạm thời, không thể rời mãi mãi. Ví dụ chỗ của vua là ở trong cung, nếu có phải đi ra ngoài, thì cũng chỉ là tạm thời, rồi cũng phải quay về trong cung. Gốc của vua là ở nhân nghĩa. Nếu có phải trấn áp ra oai, sử dụng hình phạt… thì cũng chỉ là để răn đe… rồi cũng phải trở lại ngay cái gốc nhân nghĩa ấy… Rời xa cái gốc, cái điểm “tựa” của mình thì đừng nói thứ dân, đến bậc làm vua cũng dễ “ngã kềnh” y như cái thang thuở “vỡ lòng” kia vậy.
Quanh quẩn lại quay lại với chuyện
sách hiếm. Ấy là nói trước kia. Chứ bây giờ thì may mắn hơn nhiều. Những bộ
“giáo khoa” bất hủ ấy, những kiến thức ấy không còn là độc quyền của một vài
“nhà”, hay một vài “tủ”… nào nữa. Dạo qua các nhà sách lớn nhỏ, thấy bày bán la
liệt đủ các loại Đông Tây kim cổ. Sách thì có Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch…, rồi
Sử ký, Toàn thư… cả đến Đại học, Trung dung, Mạnh Tử…, truyện thì nào là Tam
quốc, Đông chu, Thuỷ hử, Liêu trai… In đẹp có, in bình thường có, bìa cứng có,
bìa mềm có. Mà không phải bằng thứ chữ tượng hình đánh đố ngày xưa đâu. Đã dịch
ra tiếng mẹ đẻ rồi đấy. Lại có những bản dịch chất lượng vào loại tuyệt luân,
siêu đẳng, dịch mà đến mức như gọi được cả ba hồn chín vía của chữ nghĩa ra. Đó
là những bản dịch của các bậc kỳ nhân như các cụ Bùi Kỉ, Nguyễn Đỗ Mục, Phan
Bội Châu, Phan Kế Bính, Ngô Tất Tố… Giá cả kể cũng hơi cao, song không phải
không thể nào mua được. Sách đầy ra đấy rồi, nếu tự cho là đủ rồi, không muốn
học làm người thêm nữa thì thôi, chứ muốn học thì đã có sẵn “giáo khoa”. Kiến
thức đã không còn là “độc quyền” riêng của “nhà” ai, đã “xuống đường”, đã “bình
dân” hoá đến như thế, còn gì nữa mà không may mắn. Chỉ mong đến bao giờ “phổ
cập” được mà thôi.
1 nhận xét:
Xưa đơn giản lại ra người
nay phức tạp chỉ thấy đười ươi!
Đăng nhận xét