22/4/13

337. MỘT BÀI THƠ LẠ TRONG DÒNG THƠ “XUẤT BẢN MỒM” CỦA NGUYÊN ÂM

          Đinh Công Tôn         
Từ khi tập thơ Ước mơ gửi phía chân trời ra mắt bạn đọc, nhiều độc giả biết được một Nguyên Âm, lãng mạn, đa tình, yêu say đắm. Một tình yêu có trợ lực quá khứ tuổi học trò đầy đam mê với bóng hồng xao xuyến; một tình yêu dồn tụ trong hiện tại đầy nhiệt thành của con tim từng trải, đang lo sợ dòng thời gian cướp mất cõi yêu nên ngoài  ngũ tuần rồi vẫn la là trong khao khát yêu thương; một tình yêu chấp nhận đến sau, bao cú chót, yêu em không phân biệt sang hèn, địa vị... miễn sao trong mắt anh, em là tất cả.
Cứ thế mà hướng vào tương lai một sự nồng nàn, mãnh liệt với một cõi yêu em. Lửa từ tim anh tỏa xuống những trang thơ, rồi truyền đến bao người đọc thơ anh một thao thức, rạo rực rất trần thế mà không trần trụi.

          Có ai ngờ ngoài những tác phẩm đã in, xuất bản trên giấy, anh còn một cõi thơ khác chỉ xuất bản mồm, có tính dân gian hóa, rất lạ với mức say tình không kém. Những sáng tác này có khi là những ứng tác bởi hoàn cảnh riêng có em làm nguồn cảm hứng, có em làm mồi cho những chén rượu tình thêm nồng đượm, và có em để giúp anh dễ mở ra cánh cửa thơ cùng những cảm xúc mới...Thế là một bài thơ ra đời, rồi được ghi nhớ và lan truyền đến bè bạn.
          Tôi rất bất ngờ khi nghe anh đọc bài thơ không có đề sau đây:                      
                             Nếu em chết anh là người xây mộ
                             Đếch cho thằng nào góp nửa lạng xi măng
                             Nếu em chết thân anh là nghĩa địa
                             Trái tim này hương khói đến nghìn năm.
          Quả thật đề tài không mới với chính thơ của Nguyên Âm, và cũng như bao nhiêu bài thơ của những nhà thơ khác nhưng lại có cách nói lạ. Đếch cho thằng nào rất khẩu ngữ quen thuộc của thơ Nguyên Âm, thậm chí tình anh dành cho em không phải là mối tình đầu, cũng không cần em đến với anh là người duy nhất. Điều này dễ thấy trong nhiều sáng tác của anh, đều có số đông, anh chỉ chen vào để xin tí chút, rất khiêm tốn, biết người biết mình, không bao giờ muốn bị trắng tay trên tình trường vì độc chiếm. Chấp nhận đến sau, chấp nhận đấu thầu, cạnh tranh quyết liệt, để rồi bao cú chót. Lối đi này rất dễ làm mềm lòng đối tượng, có thể không còn đẹp trai, phông độ; có thể không hào hoa, lịch lãm hơn người, nhưng anh có được tấm lòng, một khối tình si dành cả cho em nên ai có muốn san sẻ dù nửa lạng xi măng cũng không chấp nhận. Sự phủ quyết này có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng tựu trung có thể suy ra hai loại nguyên nhân cơ bản sau: những thằng ấy đóng góp chẳng qua vì thương hại hoặc vì miệng đời chứ nào có vì tấm lòng yêu em.  
Với anh, em còn sống đương nhiên là yêu hết mình rồi, giả định, em có chết vì nhan sắc tàn phai hay vì bất cứ lí do nào, anh cũng yêu hết dạ. Diễn biến cảm xúc thơ anh độc đáo hơn nằm trong hai câu cuối này. Người ta chết thường được đem ra nghĩa địa để chôn là địa táng, nếu đem thiêu đi thì là hỏa táng, nếu lấy tro người chết rắc lên không trung là thiên táng, rải xuống sông, xuống biển là thủy táng. Tôi hoàn toàn bất ngờ với cách nói lạ của anh.  Đó là thân tángtâm táng. Cùng với cách thể hiện đầy bất ngờ ấy là sự chuyển đổi giọng điệu. Hai câu đầu có vẻ đùa cợt ở việc sử dụng từ đếch và hình ảnh xây mộ bằng xi măng của riêng mình. Thực ra cái duyên cũng là cái hay của bài thơ dường như có sự chuẩn bị kỹ cho hai câu cuối hoàn thành. Giọng thơ chuyển đổi sang trân trọng và chân thành, thủy chung hơn.
Thân anh là nghĩa địa. Tim anh là hương khói. Có cách nào diễn đạt tuyệt vời hơn thế nữa. Nếu nối tiếp, xâu chuỗi từ việc xây mộ trên bằng xi măng mang yếu tố vật chất đến khi kết lại thuộc yếu tố tinh thần - xây bằng lòng thủy chung, bằng sự tự nguyện gắn bó lâu dài. Tấm lòng của Nguyên Âm đã dành cho em đến như thế thì làm sao những kẻ góp nửa lạng xi măng mà sánh cùng cho được !
          Bài thơ mới xuất bản mồm thôi, nhưng người viết bài này vẫn cho là một trong những bài thơ hay nhất, chân chất nhất và cũng rất Nguyên Âm nhất .
Yêu mà đến thế thì có mấy ai ít lời mà sâu nặng tình chung được như Nguyên Âm.
                                                  04-2013 / Đinh Công Tôn
          *  Những chữ in nghiêng trong bài viết này là của Nguyên Âm

Không có nhận xét nào: