9/4/13

331. SỰ TÍCH RÉT NÀNG BÂN


Lã Duy Lan
           
Theo vòng tuần hoàn của trời đất, hàng năm ở miền Bắc và miền Trung nước ta, cứ đến đầu tháng Ba âm lịch lại thấy xảy ra những đợt rét. Có khi hai ba ngày. Có khi kéo dài cả tuần lễ.
Tháng Ba âm lịch thường tương đương với tháng Tư dương lịch, là lúc đã bắt đầu vào mùa Hạ. Nhìn lên bầu trời, thấy quang đãng, đôi khi lại le lói cả những tia nắng, vậy mà vẫn cứ rét. Rét mơn man ngoài thịt da. Nhưng cũng có khi rét thấm cả vào trong dạ.

Những năm trời u ám đầy mây, hoặc mưa bụi sụt sùi, thì cái rét cũng thực tê tái.  Mấy ngày nắng trước, tưởng đã cất khăn ấm áo ấm đi được rồi, vậy mà lại phải mở ra, quàng vội lên người lên cổ…
Ấy là rét… nàng Bân!
Trong dân gian, từ lâu vẫn lưu truyền câu nói: “Tháng Giêng rét dài, tháng Hai rét lộc, tháng Ba rét nàng Bân.”
Tháng Giêng, tháng Hai thì đã rõ, là cái rét còn sót lại của năm cũ, mùa đông…  Thế nhưng, đến tháng Ba, hà cớ chi lại còn có rét thêm nữa?
Chắc phải có nguyên do nào đấy, bởi vì dân gian vẫn cho rằng, ông trời đã làm gì, đã sinh ra cái gì, tất đều phải cân nhắc kỹ càng, chứ chẳng thể có những chuyện bỗng dưng vô cớ được!
***
Nàng Bân là một cô gái hiền lành, đức độ, lại rất mực chịu thương chịu khó, hay lam hay làm. Khắp trần gian có lẽ chưa thấy ai có thể làm được như nàng. Người ta, không nhiều thì ít, ai cũng có lúc vội vã nôn nóng. Nhất là khi công việc phải kéo dài quá lâu và quá đơn điệu thì sự vội vã, nôn nóng lại càng hay dễ xảy ra. Nhưng đối với nàng, sự kiên trì nhẫn nại đã thành bản tính, và niềm say mê, đã thành nỗi đam mê, từ lúc đầu đến tận lúc cuối…
Bản tính ấy cũng là hiện thân của sự hoàn thiện và của đức khiêm nhường, cũng lại là biểu tượng của khát vọng con người muốn đạt tới cho tận thiện tận mỹ.
***
Khi đến tuổi lấy chồng, nàng Bân cũng về làm dâu như mọi người, nhưng tính tình thì vẫn như xưa, không một mảy may thay đổi. Không ai chê trách nàng, dù chỉ một nửa lời. Còn nỗi, do cẩn thận, tỷ mỷ mà công việc của nàng có chậm, thì đấy chỉ là nhận xét của những người xung quanh, những người chưa thực sự hiểu nàng. Khi nghe những lời nhận xét ấy, không bao giờ thấy nàng thanh minh, những cũng không bao giờ thấy nàng thay đổi cung cách làm việc.
Nàng lấy chồng vào đầu mùa đông, ngay sau khi công việc gặt hái vừa xong. Thấy chồng còn thiếu áo ấm, nên nàng bắt tay ngay vào việc quay tơ kéo sợi để chuẩn bị đan một chiếc áo thật ấm, thật đẹp cho chồng.
Những sợi tơ sợi len của nàng vừa đều đặn lại vừa thực nuột nà óng ả. Rồi nàng đi tìm nhiều thứ vỏ cây, pha chế và nhuộm ra nhiều loại màu khác nhau. Tiếp đến, nàng ngồi vẽ kiểu áo và các hình trang trí, họa tiết. Lật đi lật lại mãi, chỉ đến khi ưng ý nhất, nàng mới bắt tay ngồi đan.
Ôi! Những mũi đan của nàng mới mịn màng và duyên dáng làm sao! Cứ như có phép màu huyền diệu chứ không phải bàn tay con người. Nàng để hết tâm trí vào công việc, và mỗi mũi đan tựa như có thêm một lời ca hát cất lên tự trong lòng.
Thời gian thấm thoắt trôi đi, hiền lành và yên ả. Nhưng đối với nàng, thời gian dường như chẳng bao giờ tồn tại, ngày và đêm cũng chỉ thoáng qua, tựa như bóng câu… Tháng một tháng chạp đến rồi cũng qua đi lúc nào, nàng không để ý. Đối với nàng, công việc bao giờ cũng như chỉ vừa mới bắt đầu, luôn mới mẻ và đầy hăm hở, ấy thế mà, ba tháng đã trôi qua…
Nàng Bân đan áo cho chồng
Đan ba tháng ròng mới được cổ tay.
Quả có như thế thật! Nhưng đối với nàng, điều ấy nào có quan trọng gì đâu? Đối với nàng, chỉ có công việc và sự hoàn thành mỹ mãn công việc mới là thực sự quan trọng! Bởi vậy, ngay sau khi đan xong tay áo, nàng lại tiếp tục đan đến thân áo. Và thế rồi, ngay qua ngày, lại thấy nàng mê mải ngồi đan.
Nàng đan như chưa bao giờ được làm một công việc gì hệ trọng đến như thế. Nàng đan như thể trời đất sinh ra là để nàng chỉ có ngồi đan! Bởi vậy, mặc cho tháng Giêng, tháng Hai đến rồi qua đi, mặc cho mưa dầm gió bấc và giá buốt, nàng cũng vẫn chăm chỉ, một lòng một dạ với công việc của mình. Và cuối cùng, điều phải đến đã đến thật: đầu tháng Ba toàn bộ chiếc áo ấm cho chồng, nàng đã đan xong!
***
Ôi chiếc áo! Sản phẩm mẫu mực bậc nhất của thế gian! Không ở đâu và không bao giờ lại có người thứ hai có thể làm được một sản phẩm như thế. Nỗi vui mừng của nàng thực không có bút nào tả xiết. Còn tâm hồn của nàng, thì tựa như đang bay lên tận chín tầng mây, đem niềm vui đến chia đều cho tất cả mọi người. Nhưng thật hỡi ôi! Chính lúc ấy trời lại trở nắng, hết rét!
Nàng Bân buồn lắm! Tưởng như trời cao bỗng đâu đều đổ ập cả xuống! Bởi vì, biết bao tâm trí, biết bao sức lực nàng đã bỏ ra! Rồi biết bao nỗi niềm, biết bao mơ ước nàng cũng đã đặt cả vào đường kim mũi chỉ!
Và thế là, thay vì niềm vui thì nàng đã ngồi bưng mặt khóc. Những tiếng khóc ai oán não nề và những tiếng khóc đớn đau tuyệt vọng…
Ngọc Hoàng Thượng đế, bậc minh quân vĩ đại, bỗng đâu nghe tiếng khóc của nàng Bân vẳng tới. Tiếng khóc thổn thức, tức tưởi như có điều gì oan khuất khiến Ngài động lòng thương và lập tức cho gọi hai vị Nam Tào, Bắc Đẩu đến. Ngài phái hai vị đi điều tra cho rõ nội tình, rồi sau khi thấu hiểu, Ngài ngồi trầm ngâm một lúc lâu, mới phán:
- Ta biết ở dưới cõi trần, nhiều người phải sống cực sống khổ và phải chịu đựng nhiều nỗi oan khiên, nhất là những người trong giới phụ nữ. Họ phải suốt ngày đầu tắt mặt tối để lo ăn lo mặc và lo nhiều thứ nghĩa vụ, với xã hội và với chồng con. Nàng Bân đúng là người phụ nữ mẫu mực nhất của tấm lòng yêu thương, độ lượng, chăm chỉ và nhẫn nhục, xứng đáng được khen thưởng.
Nay ta ban lệnh xuống cõi trần: mỗi năm, cứ đến đầu tháng Ba âm lịch, rét sẽ kéo dài thêm một vài ngày. Để những người phụ nữ giàu lòng vị tha như nàng Bân, nếu có đan áo cho chồng chậm, cũng sẽ được toại nguyện. Bởi vì, áo đan xong, bao giờ cũng phải được mặc thử. Nhưng hai khanh nhớ, rét cũng chỉ vừa vừa và ngắn thôi nhé.
Nghe thấy thế, hai vị Nam Tào, Bắc Đẩu đứng lặng hồi lâu, tần ngần, nhưng rồi cuối cùng cũng mạnh bạo tâu lên:
- Muôn tâu Thượng đế. Nếu Thượng đế ban lệnh ra như vậy, e rằng sẽ không có sự công bằng. Chẳng lẽ chỉ vì một vài người mà để cho tất cả mọi người đều phải chịu rét thêm nữa hay sao? Chúng thần, do vậy, cũng sẽ khó bề mà cai quản.
Ngọc Hoàng vẫy tay cho hai vị ngồi xuống, rồi ôn tồn nói:
- Ta biết. Ta biết… Nhưng ta cũng đã cân nhắc kỹ càng rồi. Lòng tốt và tính kiên trì, lẽ đương nhiên, bao giờ cũng phải được khuyến khích. Một người mẫu mực sẽ là tấm gương cho tất cả mọi người. Hẳn hai khanh còn nhớ, đã từng tâu lên với ta, có bao nhiêu việc cẩu thả, dối trá, thậm chí xấu xa, mà người đời chẳng đã làm đó ư? Ta quyết định như thế chính là để nhắc nhở họ có làm gì thì cũng phải kiên trì, làm cho đến nơi đến chốn, chứ không được qua loa đại khái. Qua loa đại khái trong công việc lâu dần sẽ dẫn đến qua loa đại khái trong đối xử, rồi thẳng tay tàn nhẫn đối với nhau, chứ chẳng nghĩ trước nghĩ sau gì… Ta quyết như thế cũng là để thường xuyên nhắc nhở cho họ vậy.
Từ đó trở đi, hai vị thường xuyên đôn đốc các vị thần mưa gió và giá rét hàng năm thảy đều làm tròn nhiệm vụ.
Từ trước đến nay, đã có nhiều người ghi chép về câu chuyện này, nhưng phần lớn đều cho rằng nàng Bân là hiện thân của sự chậm chạp, và thậm chí, có người còn lên tiếng trách cứ.
Theo ý chúng tôi, nếu nhìn nhận như vậy thì còn chưa thỏa đáng. Chúng tôi cho rằng, chỉ có qua sự chậm chạp ấy, mới chứng minh được rằng nàng Bân là một biểu tượng có một không hai của sự kiên trì nhẫn nại và của tấm lòng yêu thương trung hậu của con người.

Không có nhận xét nào: